Một Quản Đốc đã làm việc rất lâu năm trong một công ty xây dựng. Một ngày kia ông nhận lệnh xây dựng một ngôi biệt thự kiểu mẫu theo như ông ưa thích. Ông có thể xây nó trên vị trí đắc địa nhất và không phải quan tâm đến giá cả.
Công việc được tiến hành sớm, nhưng lợi dụng sự tin tưởng tuyệt đối của ông chủ, vị quản đốc đã thay thế vào đó bằng những vật liệu hết hạn, thứ cấp và thuê những thợ không có tay nghề cao để tiền lương chỉ phải trả thấp, nhờ đó mà có chút bỏ túi.
Khi ngôi biệt thự hoàn tất, trong ngày lễ khánh thành, người giám đốc trao vào tay vị Giám Đốc chìa khóa biệt thự. Nhưng ngay lúc ấy, vị Giám đốc mỉm cười, bắt tay vị quản đốc và trao lại cho ông chiếc chìa khóa : “Đây là ngôi biệt thự chúng tôi muốn tặng anh như dấu chỉ của sự khích lệ và lòng biết ơn của chúng tôi, vì sự phục vụ trung thành của anh”.
Thực tế trải nghiệm
Một chút hụt hẫng, nuối tiếc cho người quản đốc, nhưng câu chuyện lại bày ra rất rõ về tình trạng dối trá gian manh nhan nhản trong xã hội chúng ta. Cụ thể ngày Chủ Nhật 22.12.2013 Báo diện tử thể Thao và văn hóa đăng bài “Thói hư tật xấu người Việt : giả dối lừa lọc”. Trong tình cảnh ấy, ‘nghi ngờ’ bỗng lên ngôi và trở thành quy chuẩn trong đối xử nhân thế, nếu ta muốn là người khôn ngoan hôm nay.
Những phản hồi tiêu cực về việc “Nick Vujicic “không tay chân” đến việt Nam trên trang cá nhân của một người Mỹ, đã có những lời lẽ đại loại như “Nick giống như một diễn viên giỏi và chúng ta nhẹ dạ. Người tàn tật ở Việt Nam chẳng quan tâm, lại quan tâm thế giới ?”. Số tiền quá lớn để làm chuyện không thiết thực, đã khiến chàng trai người Mỹ bình luận : “Tôi thấy người Việt Nam đang đánh mất một thứ vô cùng quan trọng, đó là Niềm Tin.
Nhưng ta sẽ hỏi : Tin làm sao được khi chung quanh cuộc sống ta có quá nhiều dối trá, lừa lọc trên mọi bình diện, kể cả trong môi trường giáo dục?”.
Chữ Tin, tuy không đứng đầu Ngũ Thường : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, nhưng chính chất lượng của chữ “Tin” mới làm nên tính cách của người quân tử thực thụ. Người xưa nói : Không có Nhân thì sẽ trở thành kẻ độc ác, không có Nghĩa sẽ trở thành kẻ bội bạc, không có Lễ sẽ trở thành kẻ vô phép. Không có Trí sẽ trở thành kẻ ngu ngốc, không có Tín sẽ trở thành kẻ giả dối.
Còn Tổng Thống Hoa Kỳ E.Roosevelt nói : “Mất lòng Tin là mất tất cả”. Để không bị rơi vào tình trạng ‘mất tất cả’ và để không là kẻ giả dối, chúng ta có hành động nào để cải thiện tình hình và đem niềm tin quay trở lại ?
Giáo dục trẻ về chữ tín
Khi nói đến người giữ chữ tín, ta thường nghĩ đến uy tín của họ, đến khả năng thực hiện lời hứa hay cam kết, đến tâm tình thủy chung trước sau như một, đến sự nhất quán trong đời sống, và có thể là nơi đáng đặt niềm tin. Giữ chữ Tín tức là sống sự trung tín như một nhân đức. Nó không là phản ứng tự nhiên, nhưng là một đức tính đạt được qua sự luyện tập. Người giữ chữ Tín sẽ thành công trên thương trường, được mọi người tin tưởng quí trọng và nhất là tạo nên nơi bản thân một ‘thương hiệu’ bền vững. Nhưng để có được niềm tin và giữ được uy tín đối với người khác nó đòi ta phải trả giá đắt. Câu chuyện ‘cái đỉnh’ nói cho ta về giá trả này: Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quí. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang. Vua Tề bảo : “Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang, thì ta mới tin”. Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến, bảo đi. Nhạc Chính Tử hỏi : “Sao không đưa cái đỉnh thật ?” Vua Lỗ nói : “Ta quí cái đỉnh ấy lắm”. Nhạc Chính Tử thưa : Nhà vua quí cái đỉnh ấy thế nào, thì tôi cũng trọng chữ ‘Tín’ nơi tôi như thế.”. Tuy rất bực mình, nhưng cuối cùng, vua nước Lỗ phải đưa đỉnh thật Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
Điều này lý giải thực tế cho cuộc sống về việc tại sao mẹ cứ dặn ta phải mua hàng ở chỗ này, tin vào lời của người kia, đặt niềm tin tưởng vào người nọ… Do đức tính trung tín là một kết quả của việc luyện tập, nên để giúp trẻ đắc thủ đức tính này, các nhà giáo dục cần quan tâm đến một số khía cạnh sau :
Những thực hành cụ thể
Đúng giờ. Đây là điều xem ra nhỏ nhưng khó chữa trong xã hội hôm nay. Không ít người đã quen dùng ‘giờ dây thun’ nên gây phiền toái không nhỏ trong các sinh hoạt chung, lý do đơn giản là ai cũng nghĩ đến sớm lại phải chờ.
Việc đúng giờ là một hành động thể hiện phong cách văn minh, khoa học. Hơn nữa nó thể hiện thái độ tôn trọng của ta đối với người khác. Đây là cách thể hiện chữ ‘tín’ cụ thể người đúng giờ ‘giới thiệu mình’ là người sống có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, có khả năng tiên liệu. Một người dù ăn mặc sành điệu, bóng bẩy, nhưng nếu không đúng giờ ắt cũng bị chê trách bởi lỗi ‘nhà quê’ đó. Đến công xưởng, người trẻ chưa được chuẩn bị thì khó mà vượt qua lỗi sơ đẳng này, do ‘không chuyên nghiệp’ người trẻ tự hại mình.
Để giúp trẻ sở đắc chữ tín, cha mẹ nên để ra thời khóa biểu sinh hoạt rõ ràng trong gia đình để mỗi công việc đều có giờ nhất định. Quan trọng hơn, cha mẹ phải nhắc trẻ về giờ giấc và chính cha mẹ phải đúng giờ. Khi tham dự các buổi họp chung, cha mẹ nên có sự chuẩn bị sớm, cùng với con thảo luận về việc phải làm và giờ nào sẽ đi, sẽ về.
Chu toàn bổn phận. Việc chu toàn bổn phận thể hiện tinh thần trách nhiệm của một cá nhân, chứ không chỉ là làm xong việc. Trong khi thi hành thì việc luôn trung thành với bổn phận được trao sẽ tỏ rõ mức độ trưởng thành của lứa tuổi của em.
Điều khá thường xuyên xảy ra là cha mẹ vì không muốn mất thời gian hoặc quá thương con nên ra tay làm thế mọi sự, hoặc dễ bỏ qua khi trẻ không muốn làm. Hành xử như thế, cha mẹ đang dần tạo nên những ‘con chim không biết bay’. Chắc chắn con cái sẽ chới với nhiều khi đến tuổi vào đời. Do vậy, dù phải kiên nhẫn đến đâu cha mẹ cũng hãy giúp con làm tốt công việc em phải làm, nhất là luôn trung thành với những bổn phận (học tập cũng như công việc) được giao.
Giữ lời hứa. Ca dao Việt Nam có câu : “nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Có nhiều lời được gieo xuống nhưng có mấy trái hái được từ lời ấy ? Trong cuộc sống, đôi lúc để được việc, cha mẹ dễ đưa ra lời hứa, nhưng rồi cha mẹ lại quên đi khiến cho con cái mất niềm tin.
Người lớn thường nhiều việc, nên lời hứa chỉ là một trong số muôn điều được nói, trong khi trẻ không có nhiều lo toan, lời hứa trở thành niềm hy vọng đối với chúng. Chúng chỉ chờ niềm hy vọng ấy được thực hiện, nên khi lời hứa bị quên thì niềm hy vọng bị tắt lịm và niềm tin bị thui chột. Ngạn Ngữ Đông phương nói : “Nói lúc mừng thường hay thất tín, nói lúc giận thường hay lầm lỗi” nên cha mẹ để ý và tốt nhất hãy biết điều chỉnh công việc, đừng hứa bừa bãi, đừng nhận nhiều việc để rồi không làm được và rơi vào sự bất tín. Chúng ta không ‘toàn năng’ để làm được mọi sự. Còn nếu không thực hiện được lời hứa thì nên nói rõ lý do mình không thể làm. Nhưng thiết nghĩ cách giữ lời hứa hay nhất là đừng hứa hẹn gì cả (Napoleon).
Thái độ nào cần có đối với chữ “Tín” ?
Để có được những lối ứng xử trên, nhà giáo dục hãy lưu tâm đến một số thái độ cần rèn luyện cho trẻ, đó là tinh thần trách nhiệm. Ngày nay, biết bao điều đáng tiếc xảy ra do sợ hãi không dám lãnh trách nhiệm, chẳng hạn sự vất xác xuống sông của “Thẩm mỹ viện Cát Tường”…
Giúp trẻ lãnh trách nhiệm thể hiện trong việc giúp trẻ giữ chữ Tín với bản thân qua học tập, qua ứng xử, qua ý thức về việc mình phải làm và đảm nhận cách nghiêm túc việc ấy. Có thể trẻ sẽ tin vào bản thân và trở thành người có bản lãnh. Người không dám chịu trách nhiệm với mình thì cũng không dám chịu trách nhiệm với người khác.
Thái độ cần thiết không kém là tôn trọng người khác. Cha mẹ nên tập luyện cho trẻ quen với ứng xử này bằng cách giúp trẻ luôn biết đặt câu hỏi : “Tôi nói điều này, tôi làm điều này, tôi cư xử thế này … có ảnh hưởng gì đến người khác không ? hoặc có làm họ bị tổn thương, bị đau khổ không ? Một khi trả lời được câu hỏi này rồi hãy giúp trẻ không bao giờ chọn cách thức làm người khác bị thiệt thòi. Trong thực tế, nhiều khi phụ huynh vô tình gieo trong lòng con cái tư tưởng ích kỷ, để rồi cây ‘ích kỷ’ dần mọc lên và cha mẹ là người hưởng hoa trái ích kỷ đầu tiên từ con cái.
Tuy nhiên, có những thái quá cần tránh như ‘ngu tín’ tức là nhắm mắt mà tin, không suy xét. Làm thế ắt là không khôn ngoan. Nên suy xét kỹ càng và biết bàn hỏi cùng người khác. Thái độ khác cần lưu ý là cố chấp. Người giữ chữ tín một cách máy móc, cứng nhắc dễ rơi vào cố chấp, bởi cho rằng mình là hiện thân của chữ Tín, đến nỗi soi xét tỉ mỉ và kết tội mọi điều mà không nghĩ có nhiều điều mình không nhìn đến hết chiều sâu được. Cuộc sống là một sự sống động, không là một cỗ máy.
Kết luận. Chữ tín dành cho mọi lứa tuổi và viên mãn trong thời gian với sự kiên định. Ai ở trong chức vụ nào cũng cần giữ chữ ‘Tín’ và ngày càng hoàn thiện. Người có quyền giữ chữ Tín thì dân mới phục. Người buôn bán giữ chữ Tín mới mong bền. Người với người giữ chữ Tín mới bình an. Gia đình coi trọng chữ Tín mới nên mái ấm. Trẻ giữ chữ Tín sau này mới mong công thành danh toại.
Chính vì chữ ‘Tín’ quan trọng như thế, nên các nhà giáo dục và cha mẹ hãy cẩn trọng rèn luyện cho con đức tính tín trung này, để niềm tin mãi ngời sáng.
Ngọc Yến, FMA
Trích từ chuyên đề Don Bosco, số 29