Nếu như Mẹ Maria đã cất lời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…” thì sao trong chương trình cứu độ của Ngài, Thiên Chúa còn chờ đợi một tiếng “Fiat – Xin vâng” rất tự do và rất “con người” của Mẹ? Để rồi từ giây phút truyền tin ấy, từ lời Fiat của Mẹ, có ngay sự hạ cố của Thiên Chúa và Đức Giêsu trở thành Con lòng Mẹ bởi phép Đức Chúa Thánh Thần và Ngài đã đến ngự trong lòng Mẹ. Nhưng cũng lạ lùng không kém, khi người tín hữu thưa tiếng Amen lúc lãnh nhận Thánh Thể, lập tức Chúa Giêsu cũng đến ngự vào trong lòng những kẻ tin. Điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã khẳng định: Khi thưa tiếng Fiat, Thiên Chúa đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động Thánh Thần” là Con Thiên Chúa. (x.Lc 1, 30-35). Khi thưa tiếng Amen, Thiên Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong mầu nhiệm Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu.(x T.Đ. Ecclesia De Eucharistia số 55). Dường như có sự liên quan tương tác giữa lời Fiat và tiếng Amen thần diệu đó.
1. Không thể nói tiếng FIAT nếu không có niềm tin AMEN
Trình thuật về biến cố Truyền Tin trong Tin Mừng Thánh Luca cho thấy, để nói lên lời Fiat, Mẹ Maria đã phải trải qua từng chặng đường khó khăn của niềm tin:
Chặng 1 : lời chào như vậy có ý nghĩa gì ? Đức Maria đã phải thốt lên lời phản ứng đầu tiên đó, vì từ đâu đến với Mẹ, sự xuất hiện đột nhiên của Sứ thần với lời chào thật bỡ ngỡ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.” (Lc 1, 28) Mẹ, một thiếu nữ Do Thái thật dễ thương, đoan trang và thùy mị. Hẳn Mẹ thừa biết những lời đồn đại hay những ước mơ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế của dân Do Thái? Rồi ai sẽ được dự phần vào chức tước ấy? Với nếp sống khiêm cung đoan thục của người thôn nữ miền quê, Mẹ cũng âm thầm mong đợi Đấng Cứu Tinh như bao nhiêu người khác. Nhưng niềm vui ấy, Thiên Chúa biệt riêng cho Mẹ sao? Làm sao Mẹ có thể hiểu được trong toàn thể nhân loại, Mẹ là người nữ duy nhất được Chúa Cha tuyển chọn và uỷ thác chương trình cứu độ? Lời chào dành cho Mẹ “Đấng đầy ơn sủng” mang ý nghĩa gì, nếu không phải là một điều hoàn toàn mới lạ đối với Mẹ, khiến Mẹ sửng sốt bàng hoàng. Vâng, một điều rất lạ tai và quá ư vĩ đại là: Thiên Chúa đã ủy thác cho Mẹ vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Chặng 2 : việc ấy xẩy ra thế nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng? Việc ấy là việc nào? Thiên thần Gabriel cho Đức Mẹ hay Mẹ sẽ thụ thai và sinh hạ con Đấng Tối Cao, Con Mẹ sẽ làm vua nhà Giacóp đến vạn đại. Việc sinh ra không do tác động của người nam nào mà chỉ do quyền phép Chúa Thánh Thần. Làm sao hiểu được điều trái lẽ tự nhiên ấy? Những điều Mẹ vừa nghe thì quá lớn lao, vượt lòng mong ước, không ai có thể tưởng tượng nổi. Mẹ có thể tin vào giác quan của mình hay không? Mẹ có thể tin vào trí khôn của mình hay không? Hành trình đức tin của Mẹ dường như mỗi lúc càng căng thẳng và khó hiểu: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy nghĩ trong lòng” (Lc 2, 19)
Chặng 3 : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Có thể nói biến cố Truyền tin là biến cố mà qua đó Mẹ được nhận lãnh ơn đức tin, vì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ có thể tin:
– Chúa Cha, Đấng sai Đức Giêsu xuống thế,
– Chúa Con, Đấng ngự vào cung lòng Mẹ
– Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Mẹ được thụ thai.
Lời xin vâng của Mẹ là con đẻ của đức tin, qua đó Mẹ “được tham dự ân sủng cứu độ và thánh hoá […] Mẹ được đón nhận sự sống từ Chúa Con […] Và vì “sự sống mới” ấy, Mẹ tiếp nhận trọn vẹn, xứng đáng với tình yêu của Chúa Con dành cho Thân Mẫu mình.” (x. T.Đ. Redemptoris Mater số 10) Thánh Augustino cho rằng Mẹ Maria đã cưu mang Ngôi Lời trong tâm hồn trước khi cưu mang trong thân xác.
Quả thực, lời Fiat hôm nay của Mẹ là nốt nhạc nền cho bản trường ca Magnificat suốt đời của Mẹ: “Nơi ngưỡng cửa nhà Elizabét, Mẹ đã tỏ bày một lời tuyên xưng của lòng tin được linh hứng, trong đó Mẹ đáp trả lời mặc khải bằng việc hướng cả con người về Thiên Chúa một cách thiêng liêng và thi vị. Trong những lời lẽ tuyệt vời ấy, vừa rất đơn giản vừa đầy cảm hứng từ những bản văn thánh của Israel, ta thấy được kinh nghiệm cá nhân và tâm hồn ngây ngất của Đức Maria […] Mẹ là người đầu tiên tham dự vào mạc khải mới mẻ của Thiên Chúa và trong đó, Mẹ được tham dự vào ân ban mới là chính Thiên Chúa.” (x.T.Đ. Redemptoris Mater số 36)
2. Không thể sống niềm tin AMEN nếu không thực thi FIAT
Chắc chắn Mẹ Maria đã hiện diện với các tông đồ và các tín hữu đầu tiên trong những lần họ họp nhau bẻ bánh: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Mẹ đã thưa tiếng Amen sau mỗi lần nhận lãnh Thánh Thể. Tiếng Amen của Mẹ bộc toát một niềm tin mạnh mẽ. Tiếng Amen cô đọng một chiều dài lịch sử Con Mẹ luôn ở với Mẹ, và giờ đây Mẹ được cưu mang lại người Con ấy trong một thái độ nội tâm đầy thánh thiện sốt mến của Mẹ, và chính vì vậy mà Mẹ xứng đáng để được tôn xưng là “người nữ Thánh Thể.”
Tiếng Amen miên trường vọng vang trong đời Mẹ, là một thúc đẩy hai chiều của lòng tin. Tin ở Đấng đang ngự trong lòng mình là Thiên Chúa, mà đồng thời cũng phải loan rao niềm tin ấy cho những người Mẹ gặp gỡ. Trình thuật Mẹ đi viếng Bà thánh Isave nói lên điều đó. Vì qua Mẹ, niềm tin của bà Elizabét được lớn lên, bà đã xác nhận rằng Đức Maria thật là Mẹ của Thiên Chúa: “Em thật là có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1, 45) Và ngay cả Gioan trong bụng mẹ cũng nhảy mừng, nói lên niềm vui của những người đang mong đợi Đấng Cứu Thế, mà nay đã gặp.
Vì Mẹ có một đức tin tuyệt đối, nên Mẹ cũng có một đức tuân phục cao độ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nối kết lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19) và lệnh truyền của Mẹ tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì thì cứ làm theo” (Ga 2, 5). Hai lời răn dạy có chung một mục đích là làm điều Chúa truyền. Mẹ đã sống tuân phục và Mẹ cũng dạy những gia nhân sống tuân phục. Đức Maria sẵn sàng chấp nhận hoàn toàn những gì nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Mẹ cũng ân cần quan tâm đến những nhu cầu và sự thiếu thốn của con người. Mẹ cũng thao thức cho họ nhanh nhạy đi theo kế hoạch của Ngài.
Đức Maria xứng đáng được gọi là “người có phúc vì đã tin.” Vì sau lời đáp trả “xin vâng” Mẹ đã bước vào hành trình tuân phục trong đức tin qua nhiều biến cố xảy đến trong đời Mẹ. Mẹ là mẫu người chỉ biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Đức Giêsu đã công nhận điều đó, khi một người phụ nữ lên tiếng ca ngợi “phúc thay bà mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.” (Lc 11,27) Đức Giêsu trả lời “đúng hơn phải nói rằng phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)
Cũng vậy, tiếng Amen của người tín hữu, tiếng Amen của Giáo Hội đã không ngừng vang vọng trong suốt cuộc lữ hành ở trần gian. Tiếng Amen nói lên niềm tin của Giáo Hội vào Bí Tích Thánh Thể về sự hiện diện của Chúa Giêsu dưới hình bánh và rượu, là Con Thiên Chúa và cũng là Con Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài nữa. Tiếng Amen tuy thật quen thuộc và đơn giản trên bờ môi của người tín hữu, nhưng thâu tóm cả một chiều dài lịch sử lúc tỏ lúc mờ những thách đố của niềm tin. Điều đó cho thấy: “Cuộc lữ hành của Giáo Hội là cuộc lữ hành nhờ lòng tin “nhờ thần lực của Đấng Phục Sinh”, là cuộc lữ hành trong Thánh Thần […] Chính trong cuộc lữ hành của Giáo Hội, Đức Maria vaăn hiện diện như một người “hạnh phúc vì đã tin”, như một người tiến trong cuộc lữ hành của lòng tin, vì tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô như bất cứ thụ tạo nào khác.” (x.T.Đ. Redemptoire Mater số 25)
Nếu như theo phán quyết Thánh Giacôbê: “Đức Tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17) thì lời Fiat và những hành vi Fiat của Mẹ là những dẫn chứng sống động về niềm tin đáng cho mỗi người chúng ta suy nghĩ và cật vấn về lối sống hình thức của mình.Vì thế khi chúng ta tuyên xưng Amen mà không thực thi những lời Chúa chỉ dạy thì lời tuyên xưng của chúng ta không có ý nghĩa gì cả. Là lời tuyên xưng trống rỗng và vô nghĩa. Khi Tiếng Amen được thốt lên như một sự thâm tín Thiên Chúa đang hiện diện sống động trong lịch sử cuộc đời chúng ta, thì cũng bừng phát ngay một nếp sống Fiat tuân theo lời Ngài mà cao trổi hơn cả, quan trọng hơn cả là bài ca đức ái.
Amen là Fiat là một cặp song đôi không thể tách rời trong cuộc sống của Đức Maria và người tín hữu. Do vậy mà những yêu sách của hai tiếng Fiat và Amen sẽ luôn được thi hành đồng loạt. Khi Đức Maria tuyên lời Fiat thì cũng là lúc Mẹ đón nhận trong niềm tin, người Con trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa và từ giây phút ấy Mẹ sống Fiat miên trường trong niềm tin liên lỉ vào Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài. Nhưng xem ra còn rất nhiều lúng túng, khi mỗi người Kitô hữu chúng ta vẫn nói tiếng Amen một cách rất thường xuyên và quen thuộc mà trên trục quay Fiat, cuộc sống chúng ta không vận chuyển đều, hoặc có khi bị đứng lại. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta tìm gặp Thiên Chúa để chính Ngài sẽ là kim chỉ nam định hướng lại những vận hành của niềm tin chúng ta.
Sr. Agnès Hoàng Thị Hòa