Tuần cửu nhật kính Thánh Giuse
Kính THÁNH GIUSE
Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria
Thánh Giuse thường chỉ được nhìn ngắm trong phạm vi của Thánh Gia, cụ thể là trong tương quan « gia đình » với Đức Maria và Đức Giêsu. Nếu như thế và theo cảm thức thông thường, chúng ta có thể nói rằng đó là những tương quan thật ‘xót xa’.
- Thánh Giuse là « bạn trăm năm » của Đức Maria, nhưng ai trong chúng ta cũng biết là không theo cách thức vợ chồng sống với nhau bình thường. Ngài sống trọn đời với người mình yêu, nhưng, như người ta thường nói đùa mà lại rất thật : « chẳng sơ múi gì ». Có thể nói, ngài như bị Thiên Chúa lấy mất cái quyền bình thường nhưng cao quí của một người chồng và một người cha.
- Thánh Giuse là « cha nuôi », chứ không phải là cha ruột của Đức Giêsu, trong khi Đức Maria là Mẹ ruột. Ngài như là người chứng kiến bất lực trước một cuộc sinh ra hoàn toàn do Thiên Chúa sắp đặt ; vì thế, bao nhiêu hào quang và vinh dự Đức Mẹ lãnh hết, và hào quang và vinh dự lớn nhất là tước hiệu « Mẹ Thiên Chúa » !
Rồi thánh Giuse kết thúc cuộc đời trong thinh lặng, thinh lặng cũng lớn như chính cuộc đời của Ngài. Chỉ có những bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu mới nói tới cái chết của thánh Giuse, còn các Tin Mừng và cả Truyền Thống nữa hoàn toàn không nói gì. Và chính trong cách thức đảm nhận những tình cảnh « éo le » như thế, mà người ta cảm nhận được tất cả những nhân đức cao quí của Thánh Nhân : công chính, trong sạch, thầm lặng, lắng nghe, vâng phục, hi sinh, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, khiêm tốn, hiền lành, khôn ngoan, trung tín, cần cù, tận tụy… ; chắc chắn là vẫn chưa hết, chẳng hạn đức ái, tỉnh thức và cầu nguyện[1].
Thánh Cả Giuse rạng ngời bởi các nhân đức và không ngừng nêu gương cho chúng ta bằng các nhân đức, được khám phá không ngừng theo dòng thời gian và tùy theo bối cảnh. Tuy nhiên, những gì mà các sách Tin Mừng, nhất là sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu muốn nói cho chúng ta về thánh Giuse vượt xa bình diện các nhân đức và mời gọi chúng ta nhận ra và chiêm ngắm đức công chính đích thực của Thánh Giuse và tầm mức sứ mạng mà ngài được Thiên Chúa mời gọi đảm nhận trong kế hoạch cứu độ.
* * *
Thật vậy, ngay trang đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 1, 1-17), thánh Giuse đã được định vị như điểm tới, hay ít nhất như là tên gọi cuối cùng, của cả một gia phả lớn lao diễn tả lịch sử cứu độ, khởi đầu với tổ phụ Abraham :
Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này (c. 2)…
Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô (c. 16)
Và gia phả này là gia phả hay chính xác hơn là « nguồn gốc » của Đức Giêsu Kitô, Con vua Đavít, Con tổ phụ Abraham : « Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham danh ». Như thế, chính nhờ sự hiện diện của thánh Giuse mà ba Thánh Danh « Abraham – Đavít – Giêsu » được kết nối, và như thế, làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất. Tin Mừng theo thánh Luca kể lại việc mang thai và sinh ra « Con Thiên Chúa », bởi Đức Trinh Nữ, còn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu tường thuật lại việc sinh ra của Đấng Messia, « Con vua Đavít », ngang qua sự ưng thuận, nghĩa là lời « xin vâng » trong tự do và hoàn toàn vô điều kiện, của thánh Giuse. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm tiên vàn một Thánh Giuse như thế đó.
Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, không chỉ được sinh ra bởi lời « xin vâng » của Đức Trinh Nữ Maria, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhưng còn được « sinh ra » từ một dân tộc, bởi lời « xin vâng » của Thánh Giuse. Vậy, dân tộc mà Đức Ki-tô thuộc về là dân tộc nào ? Và Thánh Giuse đã lắng nghe, ưng thuận và sống đến cùng lời mời gọi của Đức Chúa như thế nào ?
[1] ĐGM. GB. Bùi Tuần, “Ơn khôn ngoan nơi thánh Giuse”, Công Giáo và Dân Tộc, số 1547, 3-9/3/2006, trang 18-19.
Ngày 1 và 2
ĐỨC GIÊSU KITÔ, THÁNH GIUSE
VÀ LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
(Mt 1, 1-17)
1. Nguồn gốc của Đức Giê-su Ki-tô
Đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay nhất là trong ơn gọi dâng hiến phát xuất từ và đặt nền tảng trên kinh nghiệm hiểu biết và yêu mến Người ; như chính Người đã hỏi Phê-rô: “con có yêu mến Thầy không?”, rồi sau đó Người mới mời gọi: “Hãy theo Thầy” (x. Ga 21, 15-19). Và ơn gọi của thánh Phê-rô là khuôn mẫu của mọi ơn gọi.
Nhưng để tìm hiểu Đức Ki-tô, chúng ta nên bắt đầu từ đâu và giai đoạn nào ? Cũng tương tự như tìm hiểu một người, chúng ta phải trở về « nguồn gốc » của Ngài. Nói về nguồn gốc, chúng ta nghĩ ngay đến hành trình từ trời xuống thế, nghĩa là nguồn gốc theo chiều dọc trực tiếp từ Thiên Chúa, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : « Người đã từ trời xuống thế ». Nhưng các Tin Mừng trình bày cho chúng ta một nguồn gốc khác, theo chiều ngang, đó là bản gia phả, hay nguồn gốc của Đức Ki-tô, vì Ngài cũng là Con của Con Người, như sau này Ngài thích tự xưng như thế, và nhất là Ngài có sứ mạng « mang lấy các bệnh hoạn tật nguyền » của loài người và của từng người chúng ta. Và ở chiều kích nhân loại, Thiên Chúa cũng vẫn là ngọn nguồn, bởi vì loài người xuất phát từ Adam và Adam là con Thiên Chúa (Lc 3, 38) !
Đức Ki-tô vừa có nguồn gốc trực tiếp từ Thiên Chúa, vừa có nguồn gốc từ một dân tộc như chúng ta, và vừa có cùng nguồn gốc với chúng ta. Giống như mỗi người chúng ta : vừa thuộc về một dân tộc, vừa thuộc về loài người, được Thiên Chúa tạo dựng. Tại sao Đức Ki-tô có hai nguồn gốc ? Đó là để mang lấy, đem lại ý nghĩa và dẫn tới hoàn tất, với tư cách – và chỉ có thể với tư cách này – là Ngôi Lời Thiên Chúa, được sinh ra từ thủa đời đời.
2. Gia phả của Đức Giê-su Ki-tô
Bản gia phả, dịch sát nghĩa là « cuốn sách về nguồn gốc » : « Gia phả của Đức Giêsu Kitô, con vua Đavít, con tổ phụ Abraham ». Một bản gia phả luôn luôn là khô khan, xa lạ và đều đặn (theo nghĩa là người này sinh ra người kia). Nhưng nếu chúng ta chịu khó dừng lại để suy niệm, chúng ta sẽ khám phá cả một lịch sử sống động ở bên dưới hàng chuỗi những tên gọi, thậm chí cưu mang những tên gọi. Khi đó, chúng thấy mình thật gần gũi và có thể cảm nếm được ; bởi vì, Đức Ki-tô cũng phát xuất từ một lịch sử đầy thăng trầm như chúng ta và còn hơn thế nữa cùng « nguồn gốc » với chúng ta : Đức Ki-tô là con Adam, và Adam là con Thiên Chúa (x. Lc 3, 23-38).
Ngay câu đầu tiên của bản văn, cũng là câu đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, đã mở ra cho chúng ta một chân trời rất rộng: “Cuốn sách về nguồn gốc của Đức Giêsu Kitô”, vì câu này làm chúng ta nhớ một câu khác trong sách Sáng Thế: « Cuốn sách nguồn gốc của Adam » (St 5, 1). Điểm khác nhau : trong Sáng Thế, đó là gia phả con cháu Adam ; trong trình thuật Tin Mừng, đó là gia phả tổ tiên của Đức Giêsu. Như thế, trình thuật Tin Mừng mời gọi chúng ta nhận ra Đức Ki-tô là Adam mới, Ngài làm cho tất cả những gì xẩy ra trước Ngài, và tất cả những gì xẩy ra sau Ngài trở nên có nghĩa.
Sứ điệp ở đây không phải là tương quan máu huyết ; nhưng là Đức Kitô, ngang qua cuộc sống của mình, và nhất là với Mầu Nhiệm Vượt Qua, sẽ thực sự đảm nhận lịch sử cụ thể của loài người và của từng người để đưa tới đích, là sự sống trong Thiên Chúa. Như thế, lịch của loài người, của từng dân tộc, của từng người trở nên có ý nghĩa và có hướng đi.
– Nguồn gốc Thiên Chúa : Tin Mừng Mác-cô không nói đến gia phả của Đức Giêsu, và cũng không tường thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu, nhưng lại mở đầu Tin Mừng với câu : « Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa », tương tự như Tin Mừng Gioan : « Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa » (Ga 1, 1).
– Nguồn gốc Con Người : Còn Tin Mừng Mát-thêu khẳng định ngay từ đầu : « Đức Giêsu Kitô, con của Đavít, con của Abraham ». Đức Giêsu là người con của một dân tộc cụ thể, như tất cả mọi người chúng ta. Tin Mừng Luca sẽ đưa Đức Giêsu đi xa hơn : Đức Giêsu Kitô là con của Adam và Adam là Con Thiên Chúa. Như thế, Đức Giêsu là con Thiên Chúa không chỉ từ thủa đời đời, nhưng Ngài là Con Thiên Chúa ngang qua Ông Bố của cả loài người chúng ta. Ngài còn là người con của Nhân Loại, là « Con của Người », là danh xưng mà Ngài rất thích dùng.
3. Đức Ki-tô thuộc về một lịch sử
a. Đầy những thăng trầm
Thời các tổ phụ đầy trắc trở về mọi mặt ; thời sinh sống và rốt cuộc trở thành nô lệ bên Ai Cập ; thời thử thách trong sa mạc ; thời lập quốc đầy chiến tranh loạn lạc, thời hoàng kim của Đa-vít và Salomon, nhưng mau lụi tàn bởi sự chia rẽ Bắc Nam ; thời lưu đầy bi đát, thời hậu lưu đầy thật ảm đạm với cảnh bị các đế quốc thay phiên nhau đô hộ . Vậy mà, lịch sử dân tộc của Đức Giêsu vẫn có một cấu trúc cân đối một cách hoàn hảo : 14 – 14 – 14 ! (14 là hai lần 7). Chúng ta hãy dừng lại « đọc và cầu nguyện » với từng giai đoạn của bản gia phả.
Giai đoạn 1 : Đa-vít là đỉnh cao, vì Đa-vít điểm tới của lịch sử các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop và Giuse, và đồng thời Đa-vít chuẩn bị cho thời kì sụp đổ sau đó. Abraham được hứa ban cho vô điều kiện một dòng dõi. Đa-vít, người con của Abraham cũng nhận được cùng một lời hứa và cũng vô điều kiện : ngai vàng vĩnh viễn dành cho một trong những người con của nhà vua (Tv 72,17 ; Tv 47, 10), và mọi dân tộc sẽ đến qui tụ chung quanh ngai vàng Đa-vít. Trước đó, Đức Chúa cũng tuyên bố điều tương tự dành cho Abraham : Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi ; ai nhục mạ ngươi Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên trên mặt đất sẽ được chúc phúc » (St 12, 3). Như thế, vua Đa-vít sẽ mang lại sự hoàn tất hoàn hảo cho lời hứa dành cho Abraham.
Giai đoạn 2 : Tuy nhiên, trong thực tế, kết thúc phần 2 của gia phả là biến cố lưu đày ; với biến cố này, mọi điều tốt đẹp của lời hứa đều tan biến hết : đền thờ, đất đai, ngai vàng. Đất nước rơi vào tay người Babylon.
Giai đoạn 3 : Giai đoạn này là thời gian hậu lưu đày ở Babylon, dân tộc vẫn phải sống lệ thuộc vào người Ba Tư, tiếp theo là người Hy Lạp và sau cùng là người Roma. Giai đoạn này kéo dài khoảng 6 thế kỉ. Như thế, Gia phả của Đức Giêsu theo cách nhìn của thánh sử Mát-thêu, từ thời lưu đày cho đến Giuse và Đức Giêsu, vẫn có một vai trò, một ý nghĩa đối với dân tộc của Đức Giêsu. Cho dù trong thực tế, chẳng còn gì là sôi nổi, thậm chí bị mất hút nữa. Có thể nói lịch sử (theo nghĩa những biến cố đáng lưu tồn) đã dừng lại với thời hậu lưu đày. Kinh Thánh có rất ít trình thuật về thời này. Tuy nhiên khoảng trống này lại được lấp đầy bởi sự chờ đợi, chờ đợi đến tận cùng, khi mà chẳng còn gì để hy vọng (trường hợp các bà Sara, Elisabeth…). Lời nguyện của rất nhiều Thánh Vịnh diễn tả sự chờ đợi tận căn này : « Tôi đã tin cả khi mình đã nói : ôi nhục nhã ê chề… » (Tv 116B ; Tv 42-43 ; Tv 106).
Đức Giêsu đến không chỉ đến để hoàn tất lời hứa được ban cho Abraham và Đa-vít, nhưng còn đi vào trong khoảng không gian của đợi chờ (nhưng không vì thế mà Ngài đóng lại, vì chúng ta vẫn sống trong « Mùa Vọng » lớn, được Giáo Hội cử hành hằng năm). Và Ngài sẽ đi vào sự chờ đợi trong đắng cay một cách thật sự : « Đấng Kitô phải chịu đau khổ nhiều bởi những kẻ tội lỗi », để định hướng, mang lại ý nghĩa, niềm hi vọng và dẫn đưa tới sáng tạo mới.
b. Và nhiều tội lỗi
Hơn nữa dân tộc này cũng đầy tội lỗi như bao dân tộc khác. Hiển nhiên, các ông là những tội nhân, nhất là vua Đa-vít, một khuôn mặt tượng trưng cho lời hứa. Còn các bà thì sao ? Cả gia phả qui mô như thế, chỉ có bốn người mẹ được nêu danh, nhưng cả bốn đều « nổi tiếng » :
– Bà Ta-ma, phạm tội loạn luân với bố chồng (c. 3; St 38)
– Bà Ra-kháp, là cô gái đứng đường đất Canaan (c. 5; Gs 2)
– Bà Ruth gốc Moab, nghĩa là dân ngoại (c. 5; Rt 4, 12-22)
– Và bà Bátseva, vợ của tướng Uria, phạm tội ngoại tình với vua Đa-vít (c. 6 ; 2 Sm 11).
Khám phá này làm cho chúng ta thật an ủi: Đức Giêsu bén rễ trong tội của dân tộc Ngài, dân tộc mà Ngài sẽ cứu vớt (Mt 1, 21) ; và cách Ngài cứu sẽ rất lạ lùng : Ngài sẽ mang lấy vào thân mình ngang qua dân tộc này, tội lỗi của tất cả mọi người : « Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta » (Mt 8, 17 trích Is 53, 4). Và chính trong một lịch sử như thế mà Thiên Chúa làm trào vọt những điều lạ lùng, trào vọt ra Thánh Gia (Thánh Giuse, Đức Maria và Đức Giêsu), trào vọt ra ơn cứu độ.
* * *
Là Ki-tô hữu, chúng ta đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi gia đình, dâng hiến hay độc thân; và ơn gọi của chúng ta cũng được Thiên Chúa chuẩn bị từ xa, và cũng bằng những nẻo đường rất bình thường và cũng rất đời thường, và với cả những sai lầm tội lỗi nữa (chẳng hạn tội, của các anh đối với người em Giuse, trong sách Sáng Thế). Nhớ lại và suy đi nghĩ lại trong trong lòng để nhận ra “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136), được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ có sức mạnh để yêu mến và dấn thân bền vững hơn, theo gương của Đức Maria và Thánh Cả Giuse.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[2] Khi vua Salômon chết, năm 930, vương quốc bị phân chia ra làm hai : phía nam, vương quốc Giu-đa, thủ đô là Giêrusalem; phía bắc là vương quốc Israel, thủ đô là Tirsa, sau đó là Samaria. Vào năm 722, người Assyria thôn tính vương quốc Israel. Năm 587, Giêrusalem bị phá hủy và người Juda bị đưa đi lưu đày ở Babylon. Năm 539, vua Perse, là Cyrus chinh phục Babylon. Người Do Thái dần dần được trở về lập cư quanh Giêrusalem, nhưng sống dưới sự thống trị của người Perse. Từ năm 333, Alexandre chinh phục vùng Cận Đông và áp đặt nền văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp. Từ năm 63, người Roma chiếm cứ vùng Cận Đông và vua Hêrôđê cai trị từ năm 40 đến 4, trước công nguyên (xem Étienne Charpentier, Pour lire l’Ancien Testament, Paris, Editions du Cerf, 1994, trang 22-23).