Ai dại, ai khôn ? – Suy niệm CN XVIII TN, năm C

0

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN, NĂM C

112a

LỜI CHÚA: Lc 12, 13 – 21

Sống trên trần gian không ai lại không cần tiền vì bất cứ ai ở địa vị nào cũng cần đến nó. Chính vì lý do này mà người ta phải lao đao làm việc để bảo đảm hạnh phúc cho chính mình và cho gia đình mình. Làm việc để lo hiện tại và quan phòng tương lai. Cảm được sự cùng khó của cái nghèo nên người ta tìm mọi cách để tránh né nó.

Lời cầu nguyện tha thiết cảm động của người tin trong sách Giảng Viên đã cho chúng ta cảm được cái khổ không có của cải như thế nào: “Lạy Chúa xin ban cho con hai điều: xin đừng để con quá giàu, con sẽ bỏ quên Chúa và cũng đừng để con quá nghèo, con sẽ liều trộm cắp làm ô danh Chúa con”( Cn 30, 7- 9). Đúng là nghèo khó thì phi nhân bản nhưng giàu có cũng là một cám dỗ. Cám dỗ thích tiền đến độ Chúa Giêsu phải cảnh báo: “ Không ai có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và tiền của được”. Và hôm nay Chúa đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề khi trả lời cho người đến nhờ Chúa can thiệp chia gia tài: “ Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Chúa cảnh tỉnh chúng ta về thói tham lam tích lũy: thật quá ngu ngốc cho kẻ giàu sang khi nghĩ của cải trần gian bảo đảm cho họ sống lâu khỏi chết nên cứ hưởng thụ cho sung sướng. Họ không ngờ rằng khi quá bám víu vào của cải họ quên cùng đích cuộc đời.

Tolstoy kể câu truyện nổi tiếng về người nông dân tên là Pakhom. Ông này rất tham lam, muốn có nhiều đất đai. Ông bắt đầu tích lũy tiền và tậu được 40 mẫu đất, ông rất sung sướng. Tuy nhiên, lòng tham không đáy, ông còn muốn mua nhiều đất hơn nữa nên ông bán 40 mẫu đất và mua thêm 80 mẫu ở nơi khác. Nhưng từng đó đất vẫn không làm ông mãn nguyện và ông tiếp tục tìm thêm nữa.

Một buổi chiều nọ một người lạ mặt đến thăm, ông bày tỏ nguyện vọng của ông. Người lạ mặt bảo ông bên kia dãy núi có một bộ lạc sinh sống, họ có nhiều đất đai và muốn bán.

Ngày hôm sau ông đến và Già Làng đó nói với ông: Chỉ cần một ngàn rúp ông có thể có nhiều đất như ông mong ước, với điều kiện là trong một ngày ông phải khoanh vùng được miếng đất ông muốn mua, bằng không ông sẽ trở về tay không.

Đêm đó Pakhom hồi hộp không thể nhắm mắt. Khi mặt trời vừa ló rạng ông bắt đầu chạy và người ghi nốt chân ông cũng đồng thời xuất hiện. Ông chạy rất nhanh và khi thấy mặt trời xế bóng ông càng dồn hết sức để khoanh vùng đất rộng bao nhiêu có thể. Khi hoàng hôn lịm tắt thì bước chân ông cũng chạm đến điểm xuất phát, ông nằm sấp xuống mặt đất.

Già Làng hô to: chúc mừng anh, anh đã khoanh được một một vùng đất rộng rãi mà trước anh chưa ai đạt được như thế. Phakom nằm bất động và người ta lật anh lên, anh đã chết. Người ta để cho anh đúng ba mét đất để chôn xác anh.

Câu truyện này rất quen thuộc nhưng nó nói với chúng ta nhiều điều sâu sắc. Người nông dân giầu có này không thỏa mãn với gia tài của mình và lòng tham của ông đã khiến ông phải chấm dứt cuộc đời ngay trên cái cao điểm của sự giầu có. Ông ra đi cách đột ngột không được báo trước và ông cũng không thể mang gì theo  khi bước vào đời sau. Ông nghĩ mình sẽ hạnh phúc khi sở hữu được miếng đất rộng rãi. Ông sẽ là điền chủ, có nhiều nô lệ dưới quyền. Ông sẽ tự hào về sự giầu có của mình. Ông sẽ oai phong lẫm liệt với tầng lớp bần cố nông. Ông dùng tiền của để uy hiếp họ. Từ nay ông sẽ vinh quang như diều gặp gió như rồng gặp mây. Chính lúc ông đang ở đỉnh ước mơ thì cơn bão táp ập đến bất ngờ làm cho bong bóng đời ông xẹp trong tích tắc.

Tiền bạc tự nó không xấu, nó là phương tiện để chúng ta sống trên đời. Chúa không nên án tiền vì nếu người biết dùng nó để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân cũng như không ảo tưởng về nó, thì tiền của có thể trở thành một phương tiện để người ta lớn lên trước mặt Chúa và được sự sống đời đời. Chúa lên án kẻ quá cậy dựa vào nó, lên án thái độ ích kỷ của người giầu, lên án sự tham lam vô lối là nguồn phát sinh mọi sự dữ.

Người giầu có không phải là người có nhiều của nhưng là người biết vui hưởng hồng ân Chúa ban. Một đứa trẻ không có gì nhưng nó lại là người thụ hưởng giàu có nhất.

Cuộc đời chúng ta chỉ được hạnh phúc khi an vui trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Tìm kiếm sự giầu sang nhưng không biết vui hưởng thì cũng giống như người mù ngắm cảnh. Những sự trần gian này không làm thỏa mãn con tim chúng ta, không làm chúng ta hạnh phúc, câu truyện người giầu cũng khóc là vậy. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho chúng ta hạnh phúc lâu dài và đích thực.

Khi con chim làm tổ nó chỉ cần một cành cây, con nai khi khát chỉ cần mấy phút uống nơi giòng suối. Vậy tại sao chúng ta luôn bị cám dỗ phải tích trữ? Ngày xưa người ta tích trữ lúa gạo, ngày nay người ta tích trữ vàng bạc hay quĩ an sinh. Chúng ta bám vào nó vì nó cho chúng ta ảo tưởng về sự an toàn. Nhưng sự an toàn không thể tìm thấy nơi của sở hữu, nó chỉ tìm thấy nơi Thiên Chúa.

Một người hà tiện nọ đã tích lũy rất nhiều của và ông nghĩ sẽ sung sướng với những tiền của này. Đang khi ông nghĩ cách để hưởng thụ nó thì thần chết hiện đến. Người hà tiện xin thần chết cho sống thêm một thời gian nữa. Thần chết lắc đầu. Ông van xin cho sống thêm ba ngày và ông sẵn sàng dâng cho thần chết nửa gia tài.

Thần chết trả lời: gia tài của ông không đổi được sự sống.

Ông khóc lóc van xin: Xin cho tôi một ngày, tôi sẽ cho ông tất cả tài sản mà tôi đã tích lũy được bằng mô hôi và nước mắt.

Thần chết lắc mạnh đầu và quay đi chỗ khác.

Người hà tiện quì gối khóc lóc: Xin cho tôi một ít phút để tôi viết những lời này: “ Hỡi bạn, dẫu bạn là ai xin đọc giòng chữ này: Nếu bạn đang sống đừng phung phí đời bạn vào việc tích lũy tài sản. Gia tài kếch xù của tôi không thể mua được một giờ sống.”

Điểm chính của dụ ngôn hôm nay Chúa muốn nhấn mạnh với chúng ta là chúng ta không biết giờ nào Chúa gọi. Và để thanh thản ra đi chúng ta phải thanh thoát với những gì níu kéo chúng ta vào cõi đời này.

Chúa dạy phải dùng của phi nghĩa này để mua lấy bạn hữu Nước Trời.

Gia tài có thể là phép lành nhưng cũng có thể là sự nguyền rủa.

Chúng ta đều nghiệm ra điều này: của cải có thể làm cho chúng ta dễ chịu nhưng nó không mang lại cho chúng ta hạnh phúc, có khi còn làm chúng ta bận tâm hơn.

Con chim không bay lên được vì bị sợi dây chỉ vướng chân, còn con người không thanh thoát được vì bị tiền bạc níu kéo. Còn người dùng tiền bạc mua bạn hữu Nước Trời sẽ bay cao trên bầu trời xanh lơ. Hạnh phúc của họ là yêu thương, là  chia sẻ, là nếm trước mối phúc thứ nhất trong tám mối phúc: “ Phúc cho kẻ nghèo khó vì nước Trời là của họ”.

Ước gì lời cầu xin của sách giảng viên luôn thức tỉnh chúng ta trong cuộc sống này: “ Xin đừng để con quá giầu, con sẽ bỏ quên Chúa. Cũng xin đừng để con quá nghèo, con sẽ liều trộm cắp, làm ô Danh Chúa con” ( Gv. 30, 7 – 9)

Nữ tu Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon