Căn tính đời tu mang đậm nét Tin Mừng là “Hiến thân vì Nước Trời”, là muốn theo sát Chúa Kitô, muốn được trở nên giống Ngài mỗi ngày một hơn qua việc thực thi ba lời khấn Dòng: Khiết Tịnh – Khó Nghèo – Vâng Lời. Chiêm ngắm con đường Tình Yêu Tự Hủy của Đức Kitô sẽ giúp chúng ta khởi hứng bước theo Ngài trong đời sống tu trì. Ở đây chúng ta đặc biệt được mời gọi chiêm ngắm dung mạo khó nghèo của Đức Giêsu, Đức Maria – Người nghèo của Giavê, Cha Thánh Đaminh – Mẫu gương nghèo khó và sự tự nguyện sống nghèo của người tu sĩ chúng ta hôm nay.
1/ Đức Giêsu – Tình Yêu Tự Hủy
Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã chấp nhận đi vào trần gian qua nếp sống nghèo mà Thánh Phaolô diễn tả trong Thư Philip 2, 6-8:
“Đức Giêsu Kitô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
Mặc lấy thân nô lệ
Trở nên giống phàm nhân
Sống như người trần thế…”
Qua mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô, chúng ta nhận thấy rằng Ngài tự nguyện chọn lối sống nghèo, sinh ra nơi máng cỏ súc vật, sống thân phận cuả những nghèo nơi làng Nazareth, kết thúc cuộc đời dương thế bằng chết trần trụi trên cây thập giá… Chính vì vậy Ngài luôn yêu thương những người đau khổ; nghèo hèn, Ngài đứng về phía người nghèo để bênh vực, để chăm sóc và dạy dỗ họ (x.Mt 14, 13-21). Ngài nghèo đến nỗi không có chỗ tựa đầu (x.Lc 9, 57-62).
Vâng, Ngài đồng hóa với kiếp sống nghèo của con người như Lời thơ của R.Tagore mà nhạc sĩ Ân Đức đã diễn tả trong bài hát có tựa đề “CHỖ ĐỨNG CỦA NGƯỜI”: “Chỗ này là thảm hoa, nhưng Người không bước vào, Người lại đứng nơi kia bên những người nghèo đói… Người ở với người nông dân đang cày bừa, Người ở với người công nhân đang đập đá, Người đang đổ mồ hôi dưới nắng mưa từng ngày, và chân bùn tay lấm trong tấm áo tả tơi. Hãy cùng Người bước xuống mảnh đất cằn!”
HP. 13 [1] cho ta thấy rõ khuôn mẫu sống nghèo tự nguyện của Đức Giêsu “Ngài tuy giàu sang, đã trở nên thiếu thốn để chúng ta được giàu sang nhờ sự nghèo hèn của Người. Người chia sẻ thân phận của giới lao động tại Nazareth và chấp nhận nếp sống bấp bênh trong khi rao giảng Tin Mừng. Người đón nhận mọi sự nơi Chúa Cha, kể cả cái chết trần trụi trên thập giá. Theo gương ấy, chúng ta tự nguyện sống nghèo, chia sẻ với người cùng khổ và hoàn toàn tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa.” Phải chăng đây là con đường Tình Yêu Tự Hủy của Chúa Giêsu đã chọn để hoàn trọn thánh ý Chúa Cha là cứu độ con người
2/ Đức Maria – Người nghèo của Giavê
Đức Maria – người nghèo của Thiên Chúa. Mẹ là người nghèo nhất trong số người nghèo của Giavê. Các sách Tin Mừng trình bày hình ảnh Đức Maria là một thiếu nữ sống rất thanh thoát, đơn sơ, khó nghèo và khiêm hạ, Mẹ cùng chia sẻ số phận với người đồng hương. Mẹ sinh sống ở làng quê Nazareth hết sức tầm thường đến nỗi bị người ta khinh miệt “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được!” (Ga 1, 46). Ấy thế mà Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn làm người cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế (x.Mt 1, 1.18). Từ Đức Maria sẽ xuất hiện một dòng giống mới thuộc chi tộc Đavít. Nơi Mẹ, sấm ngôn của Đức Chúa về Đấng Emmanuel được ứng nghiệm, vì Thiên Chúa ở cùng nhà Đavít đến muôn đời. Matthêu cho chúng ta thấy nguồn gốc tầm thường của người chăn dắt đàn chiên tên là Đavít, gợi lại thành Bêlem quê hương ông. Thánh Ephrem Syria diễn tả tuyệt vời về viễn ảnh này “Người có phúc là ai, hỡi Maria, con gái của người nghèo, người là Mẹ sinh ra Chúa của các Vua”. Nhìn vào bối cảnh ra đời của Đấng Cứu thế là bằng chứng nói lên địa vị thấp hèn của cha mẹ Ngài. Chẳng vậy, khi dâng Hài Nhi Giêsu vào đền thờ, ông bà đã phải dâng lễ vật ấn định cho người nghèo. Ta thấy, kể từ thời thơ ấu, tuổi thành niên cho đến lúc trưởng thành, Đức Giêsu đã chia sẻ sự khó nghèo với Đức Maria và Thánh Giuse. Hiến Pháp Dòng cho thấy rõ hình ảnh này. “Mẹ đã tình nguyện liên kết với sự khó nghèo của Đức Kitô, hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và ân sủng của Người” (HP. 14)
3/ Thánh Đaminh – Mẫu gương nghèo khó
Cha Thánh Đaminh – Tổ Phụ chúng ta là hiện thân của Đức Kitô khó nghèo một cách sống động. Đối với Cha Thánh “Chỗ đất đứng là nhà, và tấm đá thô gối đầu…”. Hành trang mang theo khi đi rao giảng chẳng có gì khác ngoài chiếc bị đeo trên vai và tập Kinh Thánh… “Như các Tông Đồ, Cha Thánh Đaminh và các anh em tiên khởi đã triệt để sống khó nghèo Phúc Âm. Người còn để lại di ngôn Các con hãy có đức ái, giữ lòng khiêm tốn và tình nguyện sống nghèo”(HP. 15). Hẳn đây là tấm gương và là bài học vô giá cho chúng ta qua mọi thời đại.
Vậy đâu là sự khó nghèo Tin Mừng mà người tu sĩ chúng ta được Chúa mời gọi?
4/ Tự nguyện sống nghèo của người tu sĩ hôm nay
Lần dở lại trang Tin Mừng theo Thánh Matthêu, ta nhận thấy đầu đời sứ vụ công khai của Đức Giêsu là bài giảng khai mạc “Tám Mối Phúc Thật – Hiến Chương Nước Trời”
“Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
Thánh sử Luca lại cho chúng ta thấy sự khó nghèo của người tu sĩ không hẳn chỉ dừng lại ở mặt tinh thần, nhưng là sự khó nghèo thực sự trong cách ăn nết ở, trong mọi sinh hoạt của đời sống, là không có gì để bám víu, để tích trữ… “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. (Lc 6, 20)
Chúng ta thấy Tám Mối Phúc Thật mà Đức Giêsu rao giảng dường như là một nghịch lý đối với con người thời đại, vì nó hoàn toàn đi ngược với những khát vọng vô biên cũng như những ước muốn của con người sống hạnh phúc, sống sung mãn… Phải chăng Đức Giêsu đang đi ngược dòng đời, bởi người đời vẫn thường nói:
“Tiền là tiên là phật,
là sức bật của con người,
Là nụ cười của tuổi trẻ
là sức khỏe của tuổi già,
là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý…
Có tiền mua tiên cũng được… thậm chí người thời nay còn dám nói rằng “nói thật thì ăn cháo, nói láo mới ăn cơm…” Người ta bất chấp tất cả miễn làm sao là có tiền! Nhưng đối với Đức Giêsu Ngài không ít lần cho thấy của cải tự nó không mang lại hạnh phúc đích thực cho con người (x.Lc 19, 1tt), dẫu biết rằng tiền của có thể phần nào giúp cho con người vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hẳn khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ, phải đói rách, phải bần cùng thiếu thốn… Tiền của vốn là tên đầy tớ tốt khi nó phục vụ cho cuộc sống con người, nhưng ngược lại nếu con người nô lệ nó, bị nó sai khiến, nó trở thành ông chủ thống lãnh ta thì thật là tai hại! Ai cũng ý thức được điều đó, nhưng nó không dễ để chúng ta phân biệt rõ ranh giới của hai lãnh vực ấy. Ta cần có sự sáng suốt để biện phân khi sử dụng những của cải trần thế và dám can đảm sống chứng tá cách hùng hồn về giá trị tạm bợ của tiền của, bởi vì Chúa Giêsu đã tỏ thái độ dứt khoát đối với người môn đệ của Ngài là không ai có thể làm tôi hai chủ. (x.Lc 16, 9-13)
“Tự nguyện sống khó nghèo theo Chúa Kitô của người tu sĩ là chứng tá hùng hồn tiên báo Nước Trời vĩnh cửu vượt trên mọi của cải trần gian” (HP. 16). Sống nghèo là chấp nhận lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa qua bàn tay chăm sóc của Hội Dòng, dám ra khỏi sự an toàn của các phương tiện vật chất, chấp nhận cả những giới hạn của mình, sẵn sàng để mọi sự làm của chung, bởi chúng ta đọc thấy trong Sách Công Vụ Tông Đồ: “Các tín hữu thời đó để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 1, 44-45)
Điều xác tín này được thể hiện rõ trong ngày ta tuyên khấn “Con xin phó thác đời con cho Hội Dòng…”. Ta thực sự chọn Chúa làm gia nghiệp. “… ta tuyên xưng Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất và đích thực của con người… Người tu sĩ sống khó nghèo Phúc Âm để dễ dàng dấn thân trọn vẹn, từ bỏ tất cả để sống thân tình với Đức Kitô và bước theo Người trên mọi nẻo đường cứu độ” (HP. 17)
Vâng, hạnh phúc của người tu sĩ là sống với Chúa, thuộc về Chúa. Điều này ta đọc thấy trong sách Ngôn Sứ Isaia 43, 1b “Ngươi là của riêng ta”. Và như thế người tu sĩ có thể cất lên lời ngợi ca hạnh phúc “Đối với tôi niềm vui là chính Chúa” (Tv 104, 34b). “Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 16, 5) và “ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc”(Tv 16, 2b). Quả thật, qua lời khấn giúp ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, giải thoát ta khỏi mọi ràng buộc của vật chất, sống thanh thản, tự do trong mọi hoàn cảnh để ta dám mạnh dạn quả quyết như Thánh Phaolô “Tôi biết chịu thiếu thốn cũng như biết sống sung túc. Tôi có thể thích nghi trong mọi nơi mọi lúc. No, đói, thiếu thốn tôi quen cả. Tôi làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 12-13). Ta ý thức rằng vạn vật phải lệ thuộc Thiên Chúa, bởi Ngài là Đấng Tác Sinh muôn loài và như thế mọi sự lại quy hướng về Ngài. Hẳn đây là cái gía phải trả cho những ai biết đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác, cậy trông vào một Thiên Chúa có tên gọi là TÌNH YÊU, một Thiên Chúa giàu lòng xót thương và luôn động lòng trắc ẩn đối với con người! Sự giàu sang mà Thiên Chúa muốn nơi người tu sĩ phải chăng là “Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác Ngài sẽ ban cho” (Mt 6, 33).
Vậy, sống nghèo vì Tin Mừng mà ta chọn phải chăng loại trừ hết những giá trị trần thế! Thưa không. Điều này hướng ta đến một thực tại siêu nhiên hơn, tích cực hơn khi ta làm chứng cho các giá trị Tin Mừng được sáng lên trong lòng mọi người. Sứ điệp mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta hôm nay là hãy dùng của cải đời này để mua lấy Nước Trời mai sau (x.Lc 12, 21). Thánh Tôma Aquinô người Anh của Dòng quả quyết rằng : “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của dư thừa”. Như vậy, chúng ta sống nghèo là để sống trọn đức ái, để chia sẻ và trao ban, để sống tình liên đới với anh em, đặc biệt người nghèo. Thực ra trước mặt Thiên Chúa tất cả chúng ta đều là người nghèo, vậy mà trong cuộc sống có lắm lúc chúng ta cũng rơi vào tình trạng ngu si khờ dại như người phú hộ trong Tin Mừng Luca kể lại. Ông nghĩ rằng sự an toàn bảo đảm cho cuộc sống là tiền dư bạc thừa… Ông ta tự nhủ với lòng mình: “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc!…” (x.Lc 12, 16-20). Và Augier đã nói lên một triết lý rằng “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”, câu nói này đáng cho mỗi người chúng ta suy nghĩ và tự hỏi về mình!
Một lần nữa, sứ điệp Chúa Giêsu trao gởi cho người môn đệ Ngài là “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống như những bông huệ giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!”. Tự nguyện sống nghèo vì Tin Mừng của ta hôm nay thật là một thách đố lớn, một con đường rất nhiều cam go, nhiều cạm bẫy! Bởi bản tính con người tự nhiên ai cũng thích dễ dãi, thích thuận theo sự thoải mái, tiện nghi. Nhưng chúng ta hy vọng và tin tưởng vào Chúa. Xin Chúa trợ giúp và giải thoát chúng ta khỏi lối sống của kẻ hai lòng. Khi ta quyết định đi theo Chúa, Ngài đã cho ta thấy rõ điều kiện dứt khoát phải có của người môn đệ Đức Kitô không thể làm tôi hai chủ “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”(Mt 6, 24). Phải chăng đây là lời mời gọi ta phải có thái độ dứt khoát với những quyến rũ trần thế để ta được trở nên tinh tuyền, thánh thiện, sống trọn đời hiến dâng phục vụ.
Nữ tu Maria Đoàn Khang Thảo, OP
…………………………………………………………………………….
[1] HP: Hiến Pháp Chị Em Đaminh Việt Nam, số 13