Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 28.02.2018

0

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô
trong cuộc tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 28.02.2018

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Giờ đây chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Thánh Lễ. Sau phần Phụng Vụ Lời Chúa – mà Cha đã nói tới trong các Bài Giáo Lý vừa qua – thì đến một phần căn bản khác của Thánh Lễ: Phụng Vụ Thánh Thể. Trong phần Phụng Vụ này, Giáo hội không ngừng hiện tại hóa hy tế của Giao Ước mới, tức Giao Ước đã được Chúa Giê-su chứng thực trên bàn thờ Thập Giá (xc. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Sacrosanctum concilium, 47).

Đó chính là bàn thờ đầu tiên của Ki-tô giáo, bàn thờ Thập Giá, và khi chúng ta đi tới Bàn Thờ để cử hành Thánh Lễ, thì chúng ta sẽ bước vào trong sự tưởng nhớ Bàn Thờ Thập Giá, nơi hy lễ đầu tiên đã được hiến dâng. Linh mục, người thay thế Chúa Ki-tô trong Thánh Lễ, sẽ thực hiện điều mà chính Ngài đã thực hiện và đã ủy thác cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: Ngài cầm lấy bánh và chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Hãy nhận lấy mà ăn… mà uống: Đây là mình Thầy… Đây là chén máu Thầy. Hãy làm việc này để tưởng nhớ tới Thầy.”

Vâng lệnh Chúa Ki-tô, Giáo hội đã trao ban Bí Tích Thánh Thể trong những khoảnh khắc mà chúng tương ứng với những Lời và những cử chỉ đã được Ngài thực hiện trong Bữa Tiệc Ly trước khi Ngài chịu khổ hình. Vì thế, trong phần chuẩn bị lễ vật, bánh và rượu, tức những vật liệu mà Chúa Ki-tô đã cầm trên tay, sẽ được mang lên bàn thờ. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc của Ngài, và những lễ vật sẽ trở thành Mình và máu Chúa Giê-su Ki-tô. Tiếp theo là nghi thức bẻ bánh và Hiệp Lễ, mà thông qua nghi thức đó, chúng ta sẽ tái nếm trải kinh nghiệm của các Tông Đồ, tức những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể từ chính tay của Chúa Ki-tô (xc. Phần dẫn nhập vào Sách Lễ Rô-ma, số 72).

Cử chỉ đầu tiên của Chúa Ki-tô – “Ngài cầm lấy bánh và chén rượu” – tương ứng với phần chuẩn bị lễ vật. Đó là phần đầu tiên của Phụng Vụ Thánh Thể. Thật tốt đẹp biết bao khi các tín hữu chính là những người dâng bánh và rượu cho Linh mục, vì họ chứng tỏ cho thấy hy lễ thiêng liêng của Giáo hội đang được quy tụ lại đó để cử hành Bí Tích Thánh Thể. Thật tuyệt vời biết bao khi chính các tín hữu mang bánh và rượu tới Bàn Thờ. Ngay cả khi, “trong thời đại hôm nay, các tín hữu không còn tự mang bánh và rượu từ gia đình mình đến để cử hành Bí Tích Thánh Thể giống như trước kia nữa, thì hành vi này cũng vẫn còn giữ lại được khả năng diễn cảm, cũng như ý nghĩa thiêng liêng của nó”  (nt, số 73). Và trong mối liên hệ này, cũng thật là ý nghĩa biết bao khi trong nghi thức phong chức cho một tân Linh mục, Giám mục sẽ trao bánh và rượu cho vị tân Linh mục đó rồi nói: “Con hãy nhận lấy hy lễ của Dân Thiên Chúa để cử hành hiến lễ hy sinh”  (Sách Lễ Nghi Giám Mục – phần phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế). Dân Thiên Chúa tiến dâng lễ vật bánh và rượu – đó là đại lễ vật hy sinh để cử hành Thánh Lễ! Và như thế, qua dấu chỉ bánh và rượu, Dân tín hữu đặt những lễ vật của mình vào trong đôi tay của Linh mục, và vị Linh mục này sẽ đặt những lễ phẩm đó lên Bàn Thờ, hay trên Bàn của Chúa, “trung tâm điểm của toàn bộ phần Phụng Vụ Thánh Thể”  (Phần dẫn vào Sách Lễ Rô-ma, số 73).

Như vậy, trung tâm điểm của Thánh Lễ chính là Bàn Thờ, và Bàn Thờ chính là Chúa Ki-tô; người ta phải luôn luôn nhìn lên Bàn Thờ vì đó là trung tâm điểm của Thánh Lễ. Do đó, bổn phận của các tín hữu sẽ được thể hiện trong câu “hoa màu ruộng đất và công lao của con người”,  họ biến chính bản thân mình thành hy lễ để thể hiện niềm tuân phục đối với Lời Thiên Chúa, và hy lễ đó “được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận“, và “mưu ích cho toàn thể Hội Thánh Người”.  “Đời sống của các tín hữu, lời tụng ca của họ, nỗi khổ đau, sự cầu nguyện và công sức lao động của họ sẽ hiệp nhất với những điều đó của chính Chúa Ki-tô, với sự trao hiến hoàn toàn của Ngài, và sẽ nhận được một giá trị mới”  (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1368).

Chắc chắn rằng, hy lễ của chúng ta rất ít ỏi, nhưng Chúa Ki-tô lại cần tới một chút hy lễ đó. Chúa Ki-tô xin chúng ta một ít, rồi Ngài ban cho chúng ta nhiều. Ngài chỉ xin chúng ta một ít thôi. Ngài chỉ xin chúng ta sự thiện chí trong cuộc sống hằng ngày; Ngài xin chúng ta một tấm lòng rộng mở; Ngài xin chúng ta lòng muốn trở nên tốt hơn để đón nhận Ngài, Đấng trao hiến chính bản thân mình cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể; Ngài xin chúng ta những hy lễ có tính biểu tượng đó để những hy lễ ấy trở thành Mình và Máu Thánh Ngài.

Một hình ảnh đầy xúc động của lời cầu nguyện chính là trầm hương, mà khi bị tiêu hao bởi lửa, nó sẽ tỏa ra khói hương thơm ngào ngạt, và khói ấy sẽ bay lên cõi cao xanh: việc xông hương hy lễ như được thực hiện trong các Lễ Trọng, và việc xông hương Thánh Giá, Bàn Thờ, Linh mục và Dân Tư Tế, diễn tả một cách rõ ràng sự hiệp lễ mà nó liên kết tất cả những thực tại đó với hy tế của Chúa Ki-tô (xc. Phần dẫn vào Sách Lễ Rô-ma, 75). Và xin anh chị em đừng quên: Bàn Thờ chính là Chúa Ki-tô, nhưng luôn trong mối liên hệ với Bàn Thờ đầu tiên, Thánh Giá. Và chúng ta mang tới Bàn Thờ, tức Chúa Ki-tô, một ít lễ phẩm của mình, bánh và rượu, và rồi một chút bánh rượu đó sẽ trở nên nhiều: chính Chúa Giê-su, Đấng trao hiến chính bản thân Ngài cho chúng ta.

Và tất cả những điều đó cũng sẽ được diễn tả thông qua lời nguyện trên lễ vật. Với lời nguyện đó, Linh mục sẽ cầu xin Thiên Chúa đón nhận hy lễ mà Giáo hội đang tiến dâng, bằng cách là Ngài cầu xin cho sự trao đổi kỳ diệu giữa cái nghèo hèn của chúng ta với sự giầu sang của Thiên Chúa được đơm bông kết trái. Qua bánh và rượu, chúng ta dâng lên Thiên Chúa hy lễ cuộc đời chúng ta, để hy lễ đó được Chúa Thánh Thần biến thành hy tế của Chúa Ki-tô, và với Ngài, trở nên một hy lễ thiêng liêng duy nhất mà Thiên Chúa Cha sẽ vui lòng chấp nhận. Khi kết thúc phần dâng bánh rượu, thì cũng chính là lúc người ta bắt đầu phần Kinh Nguyện Thánh Thể (xc. nt, số 77). Ước chi linh đạo về việc tự hiến mà phần Phụng Vụ này của Thánh Lễ dậy chúng ta, sẽ soi sáng những ngày sống của chúng ta, sẽ dẫn dắt những mối tương quan của chúng ta với những điều mà chúng ta thực hiện, sẽ chiếu soi vào những nỗi khổ đau mà chúng ta đang phải đối diện với, và giúp chúng ta kiến tạo những thành thị và những thôn làng thế trần này trong ánh sáng của Tin Mừng.

Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến,
Sáng thứ Tư ngày 28 tháng 02 năm 2018

ĐTC Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon