Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng … chúng ta (Hebrews 4,15) – Suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh

0

Suy niệm: Hebrews 4,14-16
Thứ Sáu Cuộc Khổ Nạn của Chúa (Thứ Sáu Tuần Thánh)

 

Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta (Hebrews 4,15)

Một làn roi xé rách thịt da Chúa. Một cây gỗ nặng đèn xuống trên đôi vai Chúa. Những cây đinh xuyên thủng tay và chân Chúa. Khi chúng ta đọc lại cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, chúng ta không thể không xúc động bởi sự đau đớn thể lý mà Người đã chịu.

Nhưng nỗi thống khổ nói gì về cảm xúc của Chúa Giêsu? Đây là một số những cảm xúc mà Chúa Giêsu đã trải nghiệm:

Sự kinh hãi (sợ hãi): Trong Vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến. Chỉ trong một vài giờ nữa, Người sẽ đối diện với các kẻ thù của mình rồi bị tra tấn và bị giết chết. Ấy thế mà, sự sợ hãi đã gợi mở con đường để đầu hàng (lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con), nhưng Chúa Giêsu đã thưa tiếp với Chúa Cha “Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42).

Sự nhục nhã (bẽ mặt). Một vài ngày trước, Chúa Giêsu đã được hoan hô trên các đường phố như Con Vua Đa Vít. Bây giờ, Chúa bị buộc tội là phạm thượng. Chúa bị những người lính buông lời mỉa mai. Chúa bị lột trần quần áo. Chúa bị đóng đinh giữa hai tên trộm. Tuy nhiên, sự nhục nhã lại trở nên sự tin tưởng khi Chúa Giêsu thinh lặng chịu đau khổ với niềm xác tín lớn lao (Is 53,7).

Sự ruồng bỏ (bỏ rơi). Các bạn hữu của Chúa Giêsu đã bỏ rơi Chúa. Trên thập giá, thậm chí Chúa Giêsu cảm thấy chính Chúa Cha cũng bỏ rơi mình. Tuy nhiên, sự ruồng bỏ đó lại mở ra con đường để tín thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Chúa Giêsu đã chịu tất cả những điều này vì tình yêu thương dành cho chúng ta – cho bạn. Bởi vì Chúa đã chịu đau khổ, nên Chúa có thể cảm thông với sự đau đớn của bạn. Thậm chí bạn có thể diễn tả điều đó. Bạn có thể cảm thấy sợ hãi khi bạn chờ đợi kết quả kiểm tra sức khỏe. Bạn có thể cảm thấy bị nhục nhã vì một vài lỗi lầm bạn đã mắc phải hoặc vì những tội bạn đã phạm. Bạn có thể đã bị bỏ rơi bởi người phối ngẫu hay bởi cha (mẹ), hoặc có thể một đứa con hay anh (chị/em) ruột không nói chuyện với bạn. Nếu bạn đang đau đớn, hãy thưa với Chúa Giêsu điều đó. Người muốn lắng nghe bạn. Hãy biết rằng Người đang ở với bạn và Người hiểu bạn bởi vì chính Người đã có kinh nghiệm về những điều đó.

Thập giá của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta không có một Thiên Chúa xa vời, không thể đến gần được. Đúng hơn, Thiên Chúa của chúng ta đã trở nên người phàm, như chúng ta, và đã chịu “thử thách về mọi phương diện” (Hebrews 4,15). Hôm nay, khi bạn chiêm ngắm thập giá, bạn hãy để tâm hồn mình tràn ngập lòng biết ơn: Chúa Giêsu sẽ luôn ở với bạn, qua mọi niềm vui và mọi nỗi khổ đau. Mỗi ngày, từng giọt nước mắt của bạn sẽ được lau sạch khi bạn chia sẻ trong vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu!

“Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì hy tế tình yêu của Chúa!”

 Theo the Word Among us
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon