Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico
Lễ Chúa Hiển linh
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trọng Chúa Hiển Linh trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Dưới đây là bản dịch tiếng Anh chính thức bài giảng của Đức Thánh Cha:
06 tháng Một 2019, 10:41
Epiphany (Hiển linh): từ ngữ này chỉ về sự tỏ mình ra của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra với tất cả mọi dân tộc mà hôm nay đại diện là ba Nhà Thông Thái, như Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta hôm nay trong bài đọc hai (x. Eph 3:6). Qua cách đó, chúng ta nhìn thấy được vinh quang được tỏ lộ của Thiên Chúa đấng đã đến cho mọi người: tất cả mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ và mọi người đều được Ngài chào đón và yêu thương. Việc đó được tượng trưng bằng ánh sáng soi sáng và chiếu tỏa trên mọi sự.
Và khi Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài ra cho mọi người thì điều còn đáng kinh ngạc hơn nhiều là cách Ngài thực hiện việc đó. Tin mừng đề cập đến những rì rầm bàn tán quanh cung điện của Vua Hê-rô-đê khi Chúa Giê-su xuất hiện như một vị vua. Các Nhà Thông thái hỏi: “Đức Vua dân Do thái hiện mới sinh đang ở đâu?” (Mt 2:2). Họ sẽ tìm được Người, nhưng không phải ở nơi mà họ đã nghĩ: không phải trong cung điện hoàng tộc của Giê-ru-sa-lem, nhưng trong một ngôi nhà tầm thường ở Bê-lem. Chúng ta cũng nhìn thấy sự mâu thuẫn tương tự như vậy trong ngày Giáng sinh. Tin mừng tường thuật về cuộc điều tra dân số được thực hiện trong thời của Hoàng đế Au-gút-tô, thời Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn (x. Lc 2:2). Nhưng chẳng ai trong số những con người quyền lực đó nhận biết rằng vị Vua của lịch sử đã sinh ra trong thời đại của họ. Rồi lại một lần nữa, lúc Chúa Giê-su khoảng 30 tuổi, và bắt đầu sứ vụ công khai, được dọn đường trước bởi Gioan Tẩy Giả, Tin mừng lại một lần nữa tường thuật biến cố còn long trọng hơn, bằng cách liệt kê tất cả những “người quyền thế” trong thời đó, những có thế lực rất lớn của trần gian và tinh thần: Ti-bê-ri-ô Xê-da, Phong-xi-ô Phi-la-tô, Hê-rô-đê, Phi-líp-phê, Ly-xa-ni-a, các thượng tế là Kha-nan và Cai-pha. Và Tin mừng kết luận rằng khi đó “có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa” (Lc 3:2). Lời không nói với những người có quyền thế, nhưng nói với một người đã lui vào trong hoang địa. Đây là một điều bất ngờ: Thiên Chúa không cần đến những địa vị nổi bật của trần gian để làm cho trần gian biết đến Người.
Khi chúng ta nghe đến danh sách một loạt những người cao sang quyền quý đó, chúng ta bị hướng sự chú ý sang họ. Có thể chúng ta lại nghĩ rằng đáng lẽ ngôi sao của Chúa Giê-su phải xuất hiện ở Roma, trên Đồi Palatine, nơi hoàng đế Au-gút-tô thống trị thế giới; như thế ngay lập tức toàn đế quốc đều trở thành Ki-tô hữu hết. Hoặc nếu ngôi sao xuất hiện trên cung điện của Vua Hê-rô-đê, thì chắc ông ta đã làm điều lành chứ không phải là điều ác. Nhưng ánh sáng của Chúa không chiếu tỏa trên những người muốn tỏ ánh sáng của riêng họ. Thiên Chúa “giới thiệu” chính Ngài, chứ Ngài không “ép buộc người khác.” Người tỏa rạng ánh sáng; Người không ở trong bóng tối. Cám dỗ thường làm chúng ta lẫn lộn giữa ánh sáng của Thiên Chúa và những ánh sáng của trần gian. Không biết bao nhiêu lần chúng ta theo đuổi những ánh sáng của quyền lực và danh vọng, mà lại tin rằng chúng ta đang thực hiện tốt công việc phục vụ Tin mừng! Khi làm như vậy, chúng ta đã chuyển trọng tâm chú ý không đúng chỗ, vì Chúa không ở đó. Ánh sáng tốt lành của Người chiếu tỏa trong tình yêu khiêm nhường. Là Giáo hội cũng vậy, không biết bao lần chúng ta đã cố gắng chiếu tỏa bằng ánh sáng của chúng ta! Tuy nhiên chúng ta không phải là mặt trời của nhân loại. Chúng ta chỉ là mặt trăng, cho dù có những bóng tối nhưng vẫn phản chiếu ánh sáng thật, đó chính là Thiên Chúa. Người là ánh sáng của trần gian (x. Ga 9:5). Là Người, không phải là chúng ta.
Ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trên những người đón nhận nó. Ngôn sứ I-sai-a trong bài đọc một (x. 60:2) nói cho chúng ta biết rằng ánh sáng không ngăn cản bóng tối và những đám mây đen dày đặc che phủ trần gian, nhưng chiếu tỏa trên những người sẵn sàng đón nhận nó. Và vì thế, ngôn sứ gửi đến một bài giảng thách đố mọi người: “Đứng lên, bừng sáng lên” (60:1). Chúng ta cần phải đứng lên, vươn dậy khỏi cuộc sống ù lỳ của chúng ta và chuẩn bị cho một hành trình. Bằng không, chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, giống như những kinh sư mà vua Hê-rô-đê triệu đến để hỏi; họ biết rất rõ nơi sinh ra của Đấng Mê-xi-a, nhưng họ không di chuyển. Chúng ta cũng cần phải bừng sáng lên, để được mặc lấy Thiên Chúa Đấng là ánh sáng, từng ngày từng ngày, cho đến khi chúng ta hoàn toàn mặc lấy Chúa Giê-su. Tuy nhiên, để được mặc lấy Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng thì rất đơn giản, trước hết chúng ta phải cởi bỏ những chiếc áo khoác kiêu căng tự phụ. Bằng không, chúng ta cũng sẽ giống như Hê-rô-đê, là người thích những ánh sáng của thế gian đó là sự thành công và quyền lực hơn là ánh sáng của nước trời. Còn các nhà Thông thái thì ngược lại, họ đã hoàn tất lời ngôn sứ. Họ đứng lên và tỏa sáng, và được mặc lấy ánh sáng. Chỉ mình họ nhìn thấy ngôi sao xuất hiện trên trời: không phải là những kinh sư, không phải là Hê-rô-đê, cũng chẳng phải là bất kỳ cư dân nào của Giê-ru-sa-lem.
Để tìm được Chúa Giê-su, chúng ta cũng cần phải thực hiện một lộ trình khác, đi theo một con đường khác, đó là con đường của Người, con đường của tình yêu khiêm nhường. Và chúng ta phải kiên trì. Đoạn kết Tin mừng hôm nay nói rằng các Nhà Thông thái, sau khi gặp Chúa Giê-su “đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2:12). Một lối khác, lối đi khác với lối của Hê-rô-đê. Một lối đi khác thay vì lối đi của trần gian, giống như lối đi của những người đến thờ lạy Chúa Giê-su trong đêm Giáng sinh: Mẹ Maria và Thánh Giu-se, các mục đồng. Cũng giống như các Nhà Thông Thái, họ đã lên đường và trở thành những người lữ khách của Thiên Chúa. Đối với những người dám bỏ lại sau lưng những thứ thuộc trần gian và lên đường thì mới tìm được sự huyền nhiệm của Thiên Chúa.
Điều này cũng áp dụng cho chúng ta. Chỉ biết nơi Chúa Giê-su sinh ra là chưa đủ, nếu chúng ta không đi tới đó, cũng giống như các kinh sư. Biết rằng Chúa Giê-su đã sinh ra là chưa đủ, cũng như Hê-rô-đê, nếu chúng ta không đến gặp gỡ Người. Khi nơi của Người trở thành nơi của chúng ta, khi thời gian của Người trở thành thời gian của chúng ta, khi bản thân Người trở thành cuộc sống của chúng ta, thì những lời ngôn sứ trở nên viên mãn trong chúng ta. Và khi đó Chúa Giê-su hạ sinh chính trong chúng ta. Người trở thành Thiên Chúa Hằng sống cho tôi. Hôm nay chúng ta được yêu cầu phải bắt chước các nhà Thông thái. Họ không tranh luận; mà họ lên đường. Họ không dừng lại để trông xem, nhưng họ tiến vào trong nhà của Chúa Giê-su. Họ không đặt mình vào vị trí trung tâm, nhưng sấp mình trước Đấng là trung tâm. Họ không bị dính chặt vào những chương trình của họ, nhưng sẵn sàng đón lấy những lộ trình khác. Hành động của họ cho thấy một sự gắn kết mật thiết với Chúa, một sự mở lòng trọn vẹn cho Ngài, một sự gắn kết tuyệt đối với Ngài. Với Ngài, họ sử dụng ngôn ngữ của tình yêu, trùng với ngôn ngữ mà Chúa Giê-su đã nói lên, dù vẫn còn là một trẻ thơ. Thật vậy, các nhà Thông thái không đến với Thiên Chúa để nhận lấy, nhưng là để cho đi. Chúng ta hãy tự hỏi mình câu này: vào ngày Giáng sinh chúng ta có mang những quà tặng đến cho Chúa Giê-su để Ngài dự tiệc không, hay chúng ta chỉ trao đổi cho nhau những món quà?
Nếu chúng ta đã đến với đôi tay không, thì hôm nay chúng ta vẫn có thể sửa chữa lại. Theo một ý nghĩa thì Tin mừng cho chúng ta một “danh mục quà” nho nhỏ: vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng, thứ kim loại quý giá nhất, nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa phải được ưu tiên cho vị trí hàng đầu; Người phải được tôn thờ. Nhưng để làm được như vậy, chúng ta cần phải tháo bỏ con người mình khỏi vị trí trung tâm và nhận thấy những thiếu thốn của mình, nhận thấy sự thật rằng chúng ta không thể tự chu cấp đầy đủ. Sau đó là nhũ hương, nó tượng trưng cho mối quan hệ với Chúa, là sự cầu nguyện, nó giống như hương trầm bay lên tới Chúa (x. Tv 141:2). Cũng như hương trầm phải được đốt lên để tạo nên hương thơm, thì trong việc cầu nguyện cũng vậy, chúng ta cần phải “đốt cháy” một chút thời gian của chúng ta, để dành thời gian đó với Thiên Chúa. Không chỉ bằng lời, nhưng cả bằng hành động. Chúng ta còn nhìn thấy mộc dược, loại dầu được dùng để phủ lên thân thể của Chúa Giê-su khi Người được đưa từ thập giá xuống (x. Ga 19:39). Chúa rất vui lòng khi chúng ta chăm sóc cho những thân thể bị hành hạ bởi những khổ đau, da thịt của những người mong manh không có khả năng tự bảo vệ, của những người bị gạt lại phía sau, của những người chỉ có thể nhận mà không có khả năng đáp lại bất cứ thứ gì thuộc vật chất. Lòng thương xót thể hiện cho những người chẳng có gì để trả lại thật quý giá biết bao trước mắt Thiên Chúa. Quảng đại cho đi!
Khi mùa Giáng sinh đang kết thúc, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội để dâng lên món quà quý giá cho Đức Vua của chúng ta, Đấng đến với chúng ta không bằng sự huy hoàng của thế gian, nhưng trong sự khó nghèo rạng ngời của Bê-lem. Nếu chúng ta có thể thực hiện được điều này thì ánh sáng của Người sẽ chiếu tỏa trên chúng ta.
[Nguồn: vaticannews]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2018]