Hãy Cầu Nguyện cho Hòa Bình
Câu chuyện về Fatima
Vào một ngày mùa xuân năm 1916, ba đứa trẻ đang chăn cừu của gia đình các em trên một sườn đồi ở vùng nông thôn Bồ Đào Nha. Hoàn toàn không biết gì về việc đất nước của mình đang có chiến tranh và Đức Giáo hoàng Benedict XV đang cầu xin sự can thiệp của Đức Maria và than khóc về Thế chiến I như một “vụ tự sát của Châu Âu”, các em vẫn ca hát, nhảy nhót và chơi các trò chơi.
Khi trời bắt đầu mưa, các em trú ẩn trong hốc đá giống như hang động và cầu nguyện chuỗi Mân côi hàng ngày như thói quen vẫn làm. Trong lúc vội vã quay trở lại trò chơi của mình, các em chỉ đọc những lời đầu tiên của mỗi lời cầu nguyện khi các em đưa ngón tay lần chuỗi: “Lạy Cha chúng con, Kính mừng Maria, Kính mừng Maria, Kính mừng …”
Vào buổi chiều ấm áp đó, Lucia dos Santos, mười tuổi và hai anh em họ Phanxicô và Giaxinta Marto, chín và bảy tuổi, đã nhìn thấy một thiên thần lần đầu tiên trong ba lần thấy thị kiến. Và những cảnh tượng này chỉ nhằm mục đích dẫn đến một điều gì đó phi thường hơn nữa đó là sự hiện ra của Đức Mẹ Fatima.
Sứ Điệp từ Thiên Đàng. Sứ giả trên trời tự nhận mình là “Sứ Thần (Thiên Thần) của Hòa bình” và bảo các em hãy cầu nguyện và dâng hy sinh để cầu cho những người không tin vào Chúa. Trong lần hiện ra cuối cùng, Sứ Thần xuất hiện tay đang mang Thánh Thể. Người trao Thánh Thể cho các em và nói rằng: “Hãy ăn và uống Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô”. Một lần nữa, thiên thần mời các em hãy cầu nguyện thay cho những người có tội làm đau lòng Chúa.
Mặc dù không hoàn toàn hiểu lời mời gọi của Sứ Thần, các em đã đáp lại bằng sự đơn sơ chân thành. Các em để cho Chúa Giêsu lấp đầy các em với khát khao được tiếp cận với những người không tin và các em bắt đầu cầu nguyện, đồng thời tìm kiếm những cơ hội để dâng những hy sinh nho nhỏ như một cách để cầu nguyện chuyển cầu cho họ.
Đức Mẹ Mân Côi. Vài tháng sau, vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, trong khi đang nhốt đàn gia súc của mình trên một cánh đồng, các em sợ hãi bởi một tia sáng. Khi tia sáng lóe lên lần tiếp đó, các em nhìn thấy một quả cầu ánh sáng trên ngọn cây thấp. Trong ánh sáng đó là một bà (Thánh Mẫu) xinh đẹp.
Khi Thánh Mẫu nói rằng Mẹ đến từ thiên đàng, Lucia cũng xin Mẹ đem các em lên đó. Để làm các em vui, Đức Mẹ hứa sẽ làm như vậy: Giaxinta và Phanxicô sẽ đi sớm, trong khi đó, Lucia sẽ ở lại “thêm một thời gian nữa”. Sau đó Đức Mẹ yêu cầu các em đón nhận bất cứ điều gì đau khổ có thể xảy đến, hy sinh cầu nguyện cho cả những người đã chối bỏ Thiên Chúa và như một cách để “an ủi” Chúa. Các em đồng ý. Đức Mẹ cảnh báo: “Các con sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều, nhưng ân sủng của Thiên Chúa sẽ là niềm an ủi của các con”. Đức Mẹ nói các em hãy đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày để cầu cho hòa bình thế giới và Mẹ đã nhẹ nhàng “sửa dạy” cách cầu nguyện rút ngắn “hiệu quả” của các em! Sau đó, Đức Mẹ rời đi và hứa sẽ trở lại vào ngày mười ba của tháng trong năm tháng tiếp theo.
Trong lần hiện ra thứ hai, vào ngày 13 tháng 6, Đức Mẹ cho các em thấy một tầm nhìn về hỏa ngục khiến các em kinh hãi khủng khiếp. Đức Mẹ dạy các em một lời cầu nguyện để thêm vào cuối mỗi mười Kinh của chuỗi Mân côi: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi xa hỏa ngục và đưa tất cả các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn đến lòng thương xót Chúa hơn”. Mỗi lần hiện ra, Đức Mẹ đều yêu cầu các tín hữu hãy phó thác thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ và lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày để cầu nguyện cho hòa bình và cho các cuộc hoán cải.
Khi thông tin về sự hiện ra (của Đức Mẹ) lan rộng, các đám đông bắt đầu tuốn về Fatima. Thống đốc địa phương, một người vô thần, đã quyết định dừng lại “những điều vô nghĩa”. Vào ngày 13 tháng 8, ông ta đã nhốt ba trẻ trong một nhà tù ẩm ướt và đe dọa sẽ nấu sôi các em trong dầu trừ khi các em phủ nhận những lần đã thấy (Đức Mẹ hiện ra). Nhưng các em đã kiên vững và Đức Mẹ đã hiện ra với các em vào ngày 19 tháng 8 sau khi các em được thả ra.
Đức Mẹ hứa rằng sẽ có một phép lạ trong cuộc gặp gỡ của Mẹ với các em ngày 13 tháng 10 và khoảng bảy mươi ngàn người đã tập trung tại cánh đồng để xem phép lạ. Ngày hôm đó, giữa một cơn mưa bão, mặt trời xuất hiện và làm khô cả cánh đồng lầy lội và những người hành hương ẩm ướt. Sau đó mặt trời quay tròn và chiếu thẳng về phía mặt đất. Các nhân chứng nhìn thấy các màu sắc liên tục thay đổi xung quanh họ. Nhiều người đã quỳ xuống cầu xin ơn tha thứ.
Không lâu sau đó, Phanxicô và Giacinta đã bị nhiễm “cúm Tây Ban Nha” và đã chết. Hai em đã được phong chân phước vào ngày 13 tháng 5 năm 2000, với sự hiện diện của chị Lucia. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích rằng các em “đã sống các nhân đức Kitô giáo ở một mức độ anh hùng mặc dù tuổi còn rất trẻ”. Đó là “những thái độ anh hùng của trẻ em, nhưng là anh hùng thực sự”.
Hơn nữa, Đức Giáo hoàng còn nói: sự thánh thiện của các tùy thuộc hoàn toàn “vào sự trung thành và dấn thân của các em trong việc đáp lại ân huệ phi thường mà các em đã lãnh nhận từ Chúa và từ Mẹ Maria… Các em là một tấm gương sáng chói… về việc vâng theo cách đơn sơ và quảng đại với hành động biến đổi của ân sủng thánh thiêng”.
Phanxicô: Làm Vui Lòng Chúa Giêsu. Trước khi gặp Đức Mẹ Maria, Phanxicô Marto không mấy đạo đức. Em đã cầu nguyện Kinh Mân Côi hàng ngày nhưng không do dự sử dụng phương pháp rút ngắn của Giaxinta. Lần đầu tiên nhìn thấy Đức Mẹ, Phanxicô đã bảo chị Lucia hãy ném đá vào Mẹ để xem Mẹ có thật không.
Phanxicô đã thay đổi sau khi Đức Mẹ hiện ra với em. Em thường mất hút để cầu nguyện và từ chối chơi cho đến khi em đọc xong chuỗi tràng hạt của mình. Phanxicô cũng đề nghị như một sự hy sinh là các em nên nhường bữa ăn trưa của các em cho đàn cừu. (Sau đó, Giaxinta đã cải thiện ý tưởng bằng cách nhường thức ăn cho các trẻ em nghèo).
Khi các trẻ bị bắt, Phanxicô vẫn kiên quyết. Tin chắc rằng các em thực sự sắp bị ném vào dầu sôi, Phanxicô nói với chị Lucia: “Nếu họ giết chúng ta, chúng ta sẽ ở trên thiên đàng trong vài phút nữa! Chúng ta thật may mắn biết bao! Em không sợ gì cả. Em hy vọng Giaxinta không sợ!”
Trong năm sau các cuộc hiện ra, Phanxicô đã dành nhiều thời gian cầu nguyện trước Thánh Thể. Khi Phanxicô và Lucia đi bộ đến trường, em nói: “Chị đi học đi, em sẽ ở đây trong nhà thờ. Thật không đáng để em học đọc, vì em sẽ sớm được lên thiên đàng”. Phanxicô trân trọng thời gian ấy để ở với “Chúa Giêsu ẩn mình (trong Thánh Thể)” và em đã dùng đó để suy gẫm về những sứ điệp trên trời mà Đức Mẹ đã trao cho em. Với sự đơn sơ và quảng đại, em tận hiến chính mình cho đời sống cầu nguyện tha thiết và tự do từ bỏ những thú vui thời thơ ấu ngây thơ.
Giaxinta: Quyết Tâm Giúp Đỡ Những Người Hư Mất. Giaxinta có thể trông giống Phanxicô, nhưng em có một tính tình rất khác. Giaxinta năng động, vui vẻ và bốc đồng, em thích nhảy nhót và vui chơi.
Giaxinta bị xúc động sâu sắc bởi thị kiến ngày 13 tháng 6 về hỏa ngục. Từ lúc đó, em không bỏ lỡ cơ hội cầu nguyện và hy sinh cho những người khác. Em thấy không đủ để chỉ bản thân em được bảo đảm lên thiên đàng – em đã không muốn bất cứ ai xuống địa ngục. Theo cách cầu nguyện chuyển cầu của Giaxinta, em đã dành bữa ăn trưa của em cho trẻ em nghèo, thay vào đó em đã ăn quả đầu đắng và những trái ô liu xanh; em đã từ bỏ khiêu vũ và hy sinh không uống nước ngay cả trong sự oi bức của mùa hè.
Trong thời gian Giaxinta bị bệnh, mối tương quan của em với Mẹ Maria ngày càng sâu sắc. Khi Phanxicô sắp chết, Mẹ Maria hỏi Giaxinta rằng em có sẵn sàng chịu đựng và chuyển cầu lâu hơn không. Giaxinta đã đồng ý. Sau đó, khi Mẹ Maria tiết lộ Giaxinta sẽ chết một mình trong một bệnh viện tối tăm, em đã trả lời: “Lạy Chúa Giêsu, bây giờ Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân, bởi vì của lễ này là một sự hy sinh lớn lao”. Ở Lisbon[1], khi trải qua cuộc phẫu thuật để loại bỏ hai xương sườn mà không có thuốc gây mê, các bác sĩ đã nghe Giaxinta kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, đó là vì tình yêu của Chúa! … Bây giờ, Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân”.
Hành động anh hùng như vậy của một cô bé gần như không thể tưởng tượng được, nhưng trái tim non trẻ của Giaxinta đã bị say mê bởi tình yêu dành cho Chúa và em mong muốn mọi người sẽ được ở bên Chúa mãi mãi. Sự đáp trả của em đối với ân sủng Chúa làm cho em có khả năng chịu đựng những hy sinh đáng kinh ngạc bằng tình yêu và sự kiên nhẫn, tất cả thời gian em đều dành để cầu nguyện cho những người có nguy cơ lìa xa Chúa vĩnh viễn.
Hòa Bình cho Thế Giới. Sứ điệp Fatima mời gọi mỗi chúng ta hãy góp phần của mình để mang hòa bình vào thế giới và vào trái tim mỗi cá nhân bằng cách cầu nguyện chuỗi Mân Côi hàng ngày và cầu nguyện cho những người không tin.
Sự làm chứng của Phanxicô và Giacinta thôi thúc chúng ta thưa vâng (đồng ý) với Thiên Chúa một cách yêu thương và trọn vẹn như các em đã làm. Sự lựa chọn là của chúng ta. Như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói vào tháng 10 năm 2000: “Chúng ta có thể biến thế giới này thành một khu vườn hoặc thu nhỏ nó thành một đống gạch vụn… Ngày nay, như chưa từng có trong quá khứ, nhân loại đang đứng trước ngã ba đường. Và một lần nữa, hỡi Đức Thánh Trinh Nữ Maria, ơn cứu độ nằm trọn vẹn và duy nhất nơi Chúa Giêsu, Con của Mẹ”.
Có niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa! Sức mạnh của lời cầu nguyện, như được thể hiện trong cuộc sống của Phanxicô và Giaxinta Marto, có thể là nguồn cảm hứng cho chúng ta. Chúng ta hãy bắt chước các em và hãy để cho Chúa Giêsu lấp đầy chúng ta bằng tình yêu và sự quan tâm chăm sóc của Người đối với thế giới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình và tạo sự khác biệt trong thế giới của chúng ta!
Theo The Word Among Us (wau.org)
Saints & Heroes Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
[1] Lisbon: seaport and capital city of Portugal (Hải cảng và thành phố thủ đô của Bồ Đào Nha).