Suy niệm: Ga 21, 1- 19
Sau khi Chúa chết các môn đệ đã trở về với nghề cũ của mình để tiếp tục sống những ngày còn lại không mấy lạc quan. Nhưng buồn rủi thay, vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, các ông khó nhọc suốt đêm với những kinh nghiệm nghề nghiệp cũng không có kết quả như lòng mong muốn, mà trái lại, còn tệ hơn nữa là ngay cả một con cá cũng không dính lưới. Trong lúc thất vọng như thế thì Đấng Phục Sinh đến với các ông cách rất bất ngờ. Ngài đứng trên bờ và xin các ông mấy con cá còm nhưng không có nên truyền cho các ông thả lưới bên phải mạn thuyền. Vâng lời Chúa các ông đã choáng váng với kết quả bất ngờ.
Trong Tin Mừng nhất lãm cũng như Tin Mừng Gioan lưới chỉ Nước Trời. Thiên Chúa muốn mọi người được vào trong chiếc lưới phổ quát này. Khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, được chứng kiến phép lạ nhãn tiền, Phêrô đã nhận ra Thầy và cảm nghiệm sự hèn kém trần trụi của mình trước Đấng ba lần thánh: “Lạy Thầy xin xa con vì con là kẻ tội lỗi.” Cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh này đã thúc đẩy các môn đệ ra khơi.
Ngày nay Giáo Hội nối bước các Tông Đồ ra chỗ sâu tung lưới để chài các linh hồn về cho Chúa. Việc chài lưới này không cốt tại phương pháp này hay phương pháp nọ nhưng là ra đi theo lệnh của Chúa và theo ý Chúa. Chúng ta, những người được sai đi thường lầm hiểu rằng Chúa theo phương pháp của chúng ta, Ngài thuận theo viễn tượng của chúng ta và như thế là mọi chuyện sẽ diễn ra cách êm xuôi. Nhưng ngược lại, Chúa là Thầy hướng dẫn và mẻ cá lạ chỉ xảy ra khi vâng phục mệnh lệnh Chúa. Nếu các môn đệ cậy vào khả năng nghề nghiệp của mình thì các Ngài đã không gặp Đấng Phục sinh và không được mẻ cá lạ lùng. Trong khi đi thăm anh em tôi đã gặp những nhà truyền giáo không chuyên nghiệp, những người không có khả năng thuyết phục, những người quê mùa, những người kém cỏi về văn hóa, những người vô danh tiểu tốt nhưng đã gặt được những thành quả bất ngờ nhờ gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
Nếu trong đêm tối thế gian, trong biển chết chóc, các môn đệ đã cậy sức riêng mình sẽ thất bại nặng nề: Mất ăn, mất ngủ, phí sức, phí thời giờ mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Nhưng khi Bình Minh ló rạng, ngày mới của Chúa bắt đầu, Đấng Phục Sinh xuất hiện tất cả đã được đảo lộn: Thả lưới bên phải, bên được chúc phúc. Lưới cá đã đầy đến nỗi không thể kéo lên bờ.
Trước khi trao quyền cho Phêrô Chúa không đòi Ngài phải trổi vượt hơn anh em, phải là người được anh em quý mến, phải là người có tài lãnh đạo nhưng Chúa đòi phải là người yêu mến Chúa, người không cậy sức riêng, người phó thác hoàn toàn cho tình yêu dẫn dắt. Đó là phương pháp của người yêu mến. Người yêu mến sẽ luôn tìm ý Chúa làm theo ý Chúa, luôn tìm cách để Chúa được tôn vinh. Với khao khát đó họ ra đi không mệt mỏi, không bao giờ dừng lại, ra khỏi mọi ranh giới để đem Chúa đến cho anh em. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu mặc dù giam mình nơi bốn bức tường nhưng đã trở thành vị truyền giáo bằng lòng yêu mến ngang với Thánh Phanxicô, nhà truyền giáo lỗi lạc.
Để có thể là người tung gieo Tin Mừng đúng ý Chúa, chúng ta hãy noi gương các môn đệ, những người đã cùng song hành với Chúa trên các nẻo đường Galilê với những thăng trầm trong cuộc sống và cả cái chết nhục nhã trên Thập giá. Sau khi phục sinh, các Ngài đã nhận ra Ngài là Chúa, yêu mến và hoạt động theo sự hướng dẫn của Ngài.
Chúng ta cũng vậy phải khám phá ra Ngài là ai trong bản thể sâu xa của chúng ta:
“ Ngài là ai?” Và trong cuộc đời mình chúng ta phải nhận ra “Ngài là Chúa!” Kinh nghiệm này sẽ cho chúng ta được bình an hạnh phúc để hân hoan ra đi. Như các Tông Đồ chúng ta hãy mở cửa lòng để Đấng Phục Sinh vào dùng bữa với chúng ta. Chúng ta hãy để Đấng Phục Sinh cật vấn: “Con có yêu Ta hơn các người này không?” Câu trả lời của chúng ta phải thật khiêm tốn và chân thành như Phêrô; “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết lòng con yêu mến Chúa.”
Hôm nay Đấng Phục Sinh cũng hỏi chúng ta ba lần như đã hỏi Phê-rô. Và trở về với lòng mình chúng ta đã cảm nghiệm nỗi đau đớn của sự phản bội nên đã khiêm tốn để thưa với Chúa: Chúa biết tất cả, Chúa biết sự yếu đuối, tội lỗi, con người yếu hèn của con…Con yêu Chúa trong sự nghèo khó đó.
Nếu chúng ta thưa được như thế thì bạn và tôi sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ lên đường, lên đường là ra đi, là đem niềm vui của Chúa đến cho mọi người. Truyền giáo không chỉ dành riêng cho người Linh mục, tu sĩ hay cho ai đó, nhưng là lời mời gọi tất cả các thành phần dân Chúa cùng “ra đi”, cùng sống và cùng làm chứng cho Đức Kitô. Bất cứ sống trong môi trường nào bạn và tôi phải cảm nghiệm được lời Chúa thúc bách mình ra khơi sống chứng nhân cho Tin Mừng. Mỗi người theo hoàn cảnh sống, địa vị, bổn phận và công việc của mình giúp anh em nhận ra chân lý.
Chúa không đòi chúng ta phải có khả năng, dày dạn kinh nghiệm, nhưng Chúa đòi lòng mến. Chính tình yêu này sẽ thúc đẩy chúng ta sẵn sàng xả thân vì Nước Trời dù phải đương đầu với biết bao nguy hiểm hay phải vượt qua những cạm bẫy vô vàn trên bước đường truyền giáo. Và phần thưởng là mẻ cá lạ lùng sẽ xảy đến cách rất bất ngờ và ngỡ ngàng.
Cánh đồng lúa chín mênh mông, biển khơi vô vàn cá to nhỏ vẫy vùng đang chờ đợi những tay nghề trên cạn cũng như dưới biển sâu. Tay nghề được trang bị không phải bằng liềm sắc hay bằng lưới mới nhưng bằng lòng yêu mến, bằng sự khát khao cho danh Chúa được rạng rỡ vinh quang. Ước gì Chúa được vinh danh nơi cuộc sống khiêm tốn của chúng ta!
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu