Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi – bản PDF- trang 14)

0

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Phần III, Chương IV: Sự đào tạo toàn diện )

PHẦN III

Chương IV
Sự đào tạo toàn diện

Tính cụ thể, sự phức tạp và hòa nhập

157. Thực tại hôm nay được đánh dấu với sự phức tạp ngày càng tăng của các hiện tượng xã hội và kinh nghiệm cá nhân. Trong cuộc sống hàng ngày, những thay đổi đang diễn ra có sự tác động lẫn nhau và không thể giải quyết theo cách có chọn lọc. Trong cuộc sống thực tế, mọi thứ đều được kết nối với nhau: đời sống gia đình và sự gắn kết với nghề nghiệp, sử dụng những công nghệ và kinh nghiệm cộng đồng, bảo vệ thai nhi và bảo vệ người di cư. Tính cụ thể trình bày cho chúng ta một cái nhìn nhân học về con người nói chung và một cách nhận biết không tách rời nhưng hiểu thấu được các sự kết nối, học hỏi kinh nghiệm, đọc lại nó dưới ánh sáng của Lời Chúa, và tìm thấy nguồn cảm hứng từ những chứng ngôn gương mẫu hơn là từ những mô hình trừu tượng. Điều này đòi hỏi một loại hình đào tạo mới nhằm tích hợp các cách nhìn, làm cho họ đủ khả năng nắm bắt sự liên kết của các vấn đề và biết cách hợp nhất những chiều kích khác nhau của con người. Cách tiếp cận này có sự hài hòa sâu sắc với quan điểm Ki-tô giáo trong sự chiêm ngắm, sự nhập thể của Chúa Con, sự gặp gỡ không thể tách rời giữa Thiên Chúa và con người, giữa trần gian và thiên đàng.

Giáo dục, trường học và đại học

158. Trong Thượng hội đồng, có một sự nhấn mạnh đặc biệt và liên tục về trách nhiệm quyết định và quan trọng của việc đào tạo chuyên môn trong các trường học và đại học, đặc biệt vì đây là những nơi mà hầu hết người trẻ trải qua phần lớn thời gian của họ. Ở một số nơi trên thế giới nền giáo dục cơ bản là câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất mà giới trẻ đặt ra cho Giáo hội. Do đó, đối với cộng đồng Ki-tô giáo, vấn đề quan trọng là phải duy trì sự hiện diện nổi bật trong các lĩnh vực này qua các giáo viên giỏi, phát triển các vai trò tuyên úy và sự tham gia văn hóa nghiêm túc.

Các viện giáo dục Công giáo phải là chủ thể của sự phản ánh cụ thể. Chúng phải thể hiện sự khắc khoải của Giáo hội đối với việc đào tạo toàn diện cho người trẻ. Đây là những đấu trường quý giá cho những cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng và văn hóa của một dân tộc và cho sự phát triển nghiên cứu. Những nơi này được kêu gọi phải đưa ra được một mô hình đào tạo có khả năng đưa đức tin vào cuộc đối thoại với các câu hỏi đặt ra của thế giới đương đại, với những quan điểm nhân học khác nhau, với những thách đố của khoa học và công nghệ, với những thay đổi trong phong tục xã hội và cam kết đối với sự công bằng.

Cần phải chú ý đặc biệt đến những nơi này để thúc đẩy tính sáng tạo của người trẻ trong các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật, thơ ca và văn học, âm nhạc và thể thao, thế giới kỹ thuật số và truyền thông, v.v.. Bằng cách này, người trẻ sẽ có thể khám phá tài năng của họ và đưa ra để phục vụ xã hội vì lợi ích của tất cả mọi người.

Chuẩn bị những người đào tạo mới

159. Tông hiến Veritatis Gaudium gần đây về các phân khoa và đại học thuộc giáo hội đưa ra một số tiêu chuẩn nền tảng cho việc đào tạo đủ khả năng giải quyết những thách đố của thời đại hôm nay: sự suy ngẫm về tinh thần, trí tuệ và hiện sinh của sứ điệp, đối thoại toàn diện, công việc đa ngành được thực hiện với sự khôn ngoan và tính sáng tạo và nhu cầu cấp thiết của việc “kết nối mạng” (x. Tông hiến Veritatis Gaudium, 4d). Những nguyên tắc này có thể truyền cảm hứng cho tất cả các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; việc áp dụng chúng sẽ đặc biệt có lợi cho cho công việc đào tạo các nhà giáo dục mới, giúp họ mở ra một tầm nhìn có khả hòa hợp kinh nghiệm và sự thật. Ở cấp độ toàn cầu, các Đại học Giáo hoàng đóng một phần quan trọng và cũng góp phần như vậy ở cấp độ châu lục và quốc gia là các trường đại học và trung tâm nghiên cứu Công giáo. Đánh giá định kỳ, hướng tới các tiêu chuẩn cao nhất và sự đổi mới liên tục của các tổ chức này, là một sự đầu tư chiến lược tuyệt vời vì lợi ích của giới trẻ và của toàn Giáo hội.

Đào tạo các môn đệ thừa sai

160. Hành trình của Thượng hội đồng nhấn mạnh khát khao rất lớn để đưa ra hình ảnh cho sự tham gia tích cực của giới trẻ ngày càng nhiều hơn. Chắc chắn thừa tác vụ tông đồ của người trẻ đối với những người trẻ khác không thể là sự ngẫu hứng, nhưng phải là kết quả của một hành trình đào tạo nghiêm túc và kỹ lưỡng: làm thế nào để đồng hành với tiến trình này? Làm thế nào để cung cấp các công cụ tốt nhất cho giới trẻ, để họ có thể là chứng nhân đích thực của Tin Mừng? Câu hỏi này cũng phản ánh mong muốn của nhiều người trẻ muốn đào sâu đức tin của họ hơn: khám phá những nguồn cội Kinh thánh của đức tin, để nắm bắt sự phát triển lịch sử của giáo lý, ý nghĩa của tín điều, sự phong phú của phụng vụ. Điều này giúp giới trẻ có thể suy tư về các vấn đề hiện tại trong môi trường đức tin được thử thách, để biết cách đưa ra được một lý do cho niềm hy vọng có trong họ (x. 1 Pr 3:15).

Do đó, Thượng hội đồng đề xuất rằng những kinh nghiệm truyền giáo cho giới trẻ phải được tăng cường bằng cách thiết lập các trung tâm đào tạo cho việc truyền giáo, nhắm vào người trẻ và các đôi vợ chồng trẻ, và bằng một kinh nghiệm toàn diện để hoàn thành việc sai họ đi rao giảng. Hiện đã có những sáng kiến như vậy ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng mỗi Hội đồng Giám mục được yêu cầu phải nghiên cứu làm thế nào có thể đạt được trong bối cảnh cụ thể.

Thời gian cho sự đồng hành phân định

161. Trong Nghị trường Thượng Hội đồng thường xuyên có những lời yêu cầu chân thành xin sự đầu tư một cách quảng đại cho giới trẻ, cho niềm đam mê giáo dục, sự mở rộng thời gian và cả các nguồn lực kinh tế. Tập hợp những đóng góp và mong muốn khác nhau nổi lên trong các cuộc trao đổi của thượng hội đồng và lắng nghe những kinh nghiệm đang được thực hiện, Thượng Hội đồng đề nghị tất cả các Giáo hội địa phương, các dòng tu, các phong trào, các hiệp hội và các tổ chức của giáo hội thuyết phục họ cung cấp cho các bạn trẻ một kinh nghiệm của sự đồng hành khi cân nhắc phân định. Kinh nghiệm này – với thời lượng cần được xác định tùy theo bối cảnh và cơ hội – có thể được mô tả như là một thời gian dành cho sự trưởng thành của đời sống người Ki-tô hữu. Nó liên quan đến thời gian dài thoát ra khỏi những môi trường và các mối quan hệ theo thói quen, và nó cần được xây dựng theo ít nhất ba yếu tố không thể thiếu: kinh nghiệm về đời sống huynh đệ được chia sẻ với những người đào tạo lớn tuổi hơn là điều vô cùng cần thiết, đơn sơ và tôn trọng ngôi nhà chung; một kế hoạch tông đồ vững chắc và đầy ý nghĩa, được kết hợp với nhau; một yêu cầu về linh đạo bén rễ trong đời sống cầu nguyện và bí tích. Bằng cách này, tất cả các thành phần cần thiết được đưa ra để Giáo hội có thể cung cấp cho những người trẻ mong muốn nó trở thành một kinh nghiệm sâu sắc cho sự phân định ơn gọi.

Đồng hành trong hôn nhân

162. Điều quan trọng là phải đồng hành với các đôi bạn trẻ trong quá trình chuẩn bị tiến đến hôn nhân, nhớ rằng có nhiều cách phù hợp để tổ chức những hành trình như vậy. Như chúng ta đã đọc trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu), 207: “Họ không cần phải được học toàn bộ Giáo lý hoặc bị choáng ngợp với quá nhiều thông tin … sự chuẩn bị cho hôn nhân cần trở nên như một bước ‘khởi đầu’ cho bí tích hôn phối, cung cấp cho các đôi vợ chồng sự trợ giúp họ cần có để lãnh nhận bí tích một cách xứng đáng và tạo nên một khởi đầu vững chắc của cuộc sống như một gia đình.” Điều quan trọng là phải đồng hành cùng các gia đình trẻ, quan trọng nhất là trong những năm đầu tiên của hôn nhân, và điều này cũng bao gồm việc giúp họ đóng một vai trò tích cực trong cộng đoàn Ki-tô giáo.

Sự đào tạo chủng sinh và những người nam nữ sống đời thánh hiến

163. Nhiệm vụ đặc biệt của việc đào tạo các ứng viên cho thừa tác vụ chức thánh và cho đời sống thánh hiến nam hoặc nữ vẫn là một thách đố quan trọng đối với Giáo hội. Chúng tôi cũng lưu ý đến tầm quan trọng của sự đào tạo nền tảng văn hóa và thần học vững chắc cho những người nữ và nam tận hiến. Liên quan đến chủng sinh, nhiệm vụ đầu tiên rõ ràng là việc đưa vào áp dụng Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis mới. Trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội đồng, một số điểm nhấn quan trọng đã xuất hiện đáng được quan tâm.

Ở vị trí hàng đầu là sự lựa chọn các nhân viên đào tạo: với họ việc có trình độ chuyên môn là chưa đủ; họ cần phải có khả năng tạo những mối quan hệ huynh đệ, lắng nghe và thấu hiểu, sự tự do sâu sắc trong tâm hồn. Ở vị trí thứ hai, những gì cần thiết trong việc đồng hành thích hợp với các chủng sinh là công việc rất nghiêm túc và đòi hỏi có khả năng đối với các nhóm giáo dục phân định, trong đó bao gồm cả phụ nữ. Cấu trúc của các nhóm đào tạo này, nơi các ơn gọi khác nhau có ảnh hưởng lẫn nhau, là một hình thức thu nhỏ nhưng vô cùng quý giá của công đồng tính, nó có thể tác động đến tâm trí của những người trẻ trong giai đoạn đào tạo ban đầu của họ. Ở vị trí thứ ba, sự đào tạo phải tập trung vào việc phát triển khả năng của những mục tử tương lai và những người nam và nữ tận hiến để thực hiện vai trò của họ là những người hướng dẫn theo cách có thẩm quyền, nhưng không độc đoán, giáo dục các ứng viên trẻ để cống hiến cho cộng đoàn. Cần chú ý đặc biệt đến một số tiêu chuẩn đào tạo, chẳng hạn: chiến thắng khuynh hướng thiên về chủ nghĩa giáo sĩ trị, khả năng làm việc theo nhóm, nhạy cảm với người nghèo, minh bạch về lối sống, sẵn sàng cho phép mình được đồng hành. Ở vị trí thứ tư, sự phân định ban đầu nghiêm túc là rất quan trọng, vì rất thường khi những người trẻ gia nhập các chủng viện hoặc các nhà đào tạo được chấp nhận nhưng lịch sử quá khứ của họ không được biết rõ hoặc không được nghiên cứu sâu. Vấn đề này trở nên vô cùng tế nhị trong trường hợp của “những chủng sinh lang thang”: sự bất quân bình về quan hệ và tình cảm, và thiếu nền tảng giáo hội, là những tín hiệu nguy hiểm. Bỏ qua các chuẩn mực giáo hội về những vấn đề này là hành vi vô trách nhiệm, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cộng đoàn Ki-tô giáo. Điểm thứ năm liên quan đến quy mô của các cộng đoàn đào tạo: những cộng đoàn quá lớn có nguy cơ thiếu sự theo dõi cá nhân và thiếu kiến thức đối với những người trẻ đang đi trên hành trình của họ, trong khi những cộng đoàn quá nhỏ có thể gặp khó khăn và phải chịu luận lý của sự phụ thuộc; trong những trường hợp này, tốt hơn là xây dựng các chủng viện hoặc nhà đào tạo liên giáo phận được kết hợp bởi một số tỉnh dòng, với các dự án đào tạo rõ ràng và trách nhiệm được xác định rõ.

164. Thượng Hội đồng đã trình ba đề xuất để khuyến khích sự đổi mới.

Đề xuất đầu tiên liên quan đến sự đào tạo liên kết cho giáo dân, các tu sĩ và linh mục. Điều quan trọng là giữ cho các thanh niên nam nữ đang được đào tạo tiếp xúc với đời sống hàng ngày của các gia đình và các cộng đoàn, đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của phụ nữ và các đôi vợ chồng Ki-tô hữu, sự đào tạo đó đặt nền móng trên thực tại của cuộc sống và được đánh dấu bằng các mối quan hệ có thể hòa hợp vào trong bối cảnh xã hội và văn hóa.

Đề xuất thứ hai được quan tâm bao gồm chương trình chuẩn bị các khóa học đặc biệt về việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ cho thừa tác vụ chức thánh hoặc đời sống thánh hiến, thông qua các chương trình có kế hoạch chu đáo và những kinh nghiệm về công tác mục vụ và rao giảng tin mừng.

Đề xuất thứ ba yêu cầu cân nhắc về khả năng hỗ trợ cho hành trình đào tạo về kinh nghiệm và trong bối cảnh cộng đoàn – với sự phân định đích thực về con người và hoàn cảnh theo tầm nhìn và tinh thần của Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis. Đây là trường hợp đặc biệt trong giai đoạn cuối của hành trình đó, là giai đoạn xem xét các ứng viên sẽ từng bước được giới thiệu vào trách nhiệm mục vụ. Những cách thức này được giải thích và đưa vào áp dụng có thể được chỉ rõ bởi Hội đồng Giám mục của mỗi quốc gia, phù hợp với các phiên bản Ratio Fundamentalis riêng của họ.

Kết luận

Được kêu gọi nên thánh

165. Tất cả các ơn gọi khác nhau đều hợp nhất trong một tiếng gọi chung là sự nên thánh, nó là sự kiện toàn cho tiếng gọi đến với niềm vui của tình yêu vang lên trong trái tim của mỗi người trẻ. Chỉ qua việc đặt nền tảng trên một tiếng gọi duy nhất nên thánh thì các hình thức khác nhau của đời sống mới có thể được liên kết, biết rằng Thiên Chúa “muốn chúng ta trở thành những thánh nhân và không dừng lại ở một đời sống vô vị và tầm thường” (Phanxico, Tông huấn Gaudete et Exsultate, 1). Sự nên thánh tìm thấy nguồn mạch vô tận nơi Chúa Cha, Đấng qua Thần Khí của Người sai Chúa Giê-su đến với chúng ta, “là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1:24), Người đến giữa chúng ta để làm cho chúng ta nên thánh qua tình bạn hữu với Người, Đấng mang đến niềm vui và sự bình an cho cuộc sống của chúng ta. Phục hồi trong tất cả các công tác mục vụ thông thường của Giáo hội sống kết hiệp mật thiết với sự hiện hữu hạnh phúc của Chúa Giê-su là điều kiện cơ bản cho mọi sự đổi mới.

Tái thức tỉnh thế giới với sự nên thánh

166. Chúng ta phải là những thánh nhân để chúng ta có thể mời gọi người trẻ trở nên thánh. Người trẻ đang rất cần một Giáo hội đích thực, tỏa sáng, minh bạch, hân hoan: chỉ có một Giáo hội của các vị thánh mới có thể đáp ứng được những yêu cầu như vậy! Nhiều người trẻ đã rời bỏ Giáo hội vì họ không tìm thấy sự thánh thiện trong Giáo hội, mà thay vào đó là sự tầm thường, sự kiêu căng, chia rẽ và hủ hóa. Thật không may, thế giới bị làm tổn thương bởi những sự lạm dụng của một số người trong Giáo hội thay vì được tiếp thêm sức mạnh bởi sự thánh thiện của các thành viên trong Giáo hội: do đó, toàn thể Giáo hội phải quyết tâm đi theo con đường thay đổi dứt khoát, tức thời và triệt để về quan điểm! Người trẻ cần những thánh nhân có thể đào tạo nên những vị thánh khác, từ đó cho thấy rằng “sự thánh thiện là một khuôn mặt cuốn hút nhất của Giáo hội” (Phanxico, Tông huấn Gaudete et Exsultate, 9). Có một ngôn ngữ mà tất cả những người đàn ông và phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi, vùng miền và văn hóa đều có thể hiểu được, vì nó mang tính trực tiếp rạng ngời: đó là ngôn ngữ của sự nên thánh.

Bị cuốn hút bởi sự thánh thiện của người trẻ

167. Rõ ràng ngay từ bước khởi đầu của hành trình thượng hội đồng người trẻ tạo thành một phần thiết yếu của Giáo hội. Sự thánh thiện của họ cũng vậy, trong những thập kỷ gần đây đã phát triển theo nhiều cách khác nhau trên khắp thế giới: chiêm ngưỡng và phản ánh trong Thượng Hội đồng về sự can đảm của rất nhiều người trẻ đã hy sinh cuộc sống của họ để giữ lòng trung thành với Tin Mừng khiến chúng tôi vô cùng cảm động; lắng nghe những chứng ngôn của người trẻ có mặt tại Thượng Hội đồng, là những người giữa sự bắt bớ đã chọn cách chia sẻ cuộc thương khó của Chúa Giê-su, đã mang lại sức sống. Qua sự thánh thiện của người trẻ, Giáo hội làm mới tinh thần hăng hái và sức sống tông đồ của mình. Nhựa sống của sự nên thánh được tạo ra bởi đời sống tốt lành của rất nhiều người trẻ có thể chữa lành những vết thương của Giáo hội và thế giới, đưa chúng ta trở lại với sự viên mãn của tình yêu mà chúng ta luôn được kêu gọi đạt đến: các vị thánh trẻ truyền cảm hứng cho chúng ta quay trở về với tình yêu ban đầu của mình (x. Kh 2:4).

[1] International Theological Commission, Synodality in the life and mission of the Church, 2 March 2018, §9. The document illustrates, moreover, the nature of synodality in these terms: “It is possible to go deeper into the theology of synodality on the basis of the doctrine of the sensus fidei of the People of God and the sacramental collegiality of the episcopate in hierarchical communion with the Bishop of Rome. This ecclesiological vision invites us to articulate synodal communion in terms of ‘all’, ‘some’ and ‘one’. On different levels and in different forms, as local Churches, regional groupings of local Churches and the universal Church, synodality involves the exercise of the sensus fidei of the universitas fidelium (all), the ministry of leadership of the College of Bishops, each one with his presbyterium (some), and the ministry of unity of the Bishop of Rome (one). The dynamic of synodality thus joins the communitarian aspect which includes the whole People of God, the collegial dimension that is part of the exercise of episcopal ministry, and the primatial ministry of the Bishop of Rome. This correlation promotes that singularis conspiratio between the faithful and their Pastors, which is an icon of the eternal conspiratio that is lived within the Trinity” (§64).

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/4/2019]

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi (bản PDF)

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

Comments are closed.

phone-icon