Vì chúng ta

0

Vì Chúng Ta

Thật là tin tốt lành là Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với Người!

Bởi: JEANNE KUN

Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

– Kinh Tin Kính Nicea

Mỗi lần chúng ta cầu nguyện với Kinh Tin Kính Nicea, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và những việc làm cứu rỗi của Người dành cho chúng ta. Vài câu này tóm tắt toàn bộ sự thật về ơn cứu chuộc của chúng ta. Nhưng những từ đã trở nên quen thuộc đến nỗi chúng ta đọc quá trôi chảy, gần như không cần suy nghĩ. Chúng ta đã ghi nhớ chúng và dễ dàng đọc thuộc lòng, có thể nói như vậy. Nhưng làm thế nào để chúng ta thực sự hiểu cách sâu sắc ý nghĩa của những lời kinh ấy? Làm thế nào chúng ta có thể thực sự nắm bắt được bằng trái tim những sự thật sâu sắc mà những lời kinh ấy chứa đựng?

Bằng cách học hỏi Kinh Thánh về ý nghĩa và sức mạnh của thập giá. Cầu nguyện chiêm ngắm Chúa bị đóng đinh của chúng ta và bạn sẽ biết được chiều sâu của lòng thương xót và lòng trắc ẩn của Người đối với chúng ta, những tội nhân không xứng đáng với tình yêu hy sinh như vậy.

Nghịch Lý của Thập Giá

Thánh Basiliô vĩ đại đã viết vào thế kỷ thứ tư: “Khi nhân loại bị tách biệt khỏi Thiên Chúa bởi sự bất tuân, Thiên Chúa Đấng Cứu Độ của chúng ta đã lập một kế hoạch nâng chúng ta lên khỏi sự sa ngã của chúng ta và phục hồi chúng ta để đưa chúng ta đến tình bạn với chính Người. Theo kế hoạch này, Chúa Kitô đến thân phận người phàm, Người chỉ cho chúng ta thấy lối sống phúc âm, Người chịu đau khổ, chết trên thập tự giá, được mai táng và sống lại từ cõi chết. Người đã làm điều này để chúng tôi có thể được cứu độ bằng cách noi gương Người, và lấy lại tình trạng nguyên thủy của chúng ta như những người con (trai) của Thiên Chúa bằng cách nhận chúng ta làm con”.

Trong những từ ngữ vang vọng Kinh Tin Kính, Thánh Basiliô xem xét rõ ràng và hiệu quả lịch sử ơn cứu chuộc của loài người, câu chuyện về nhu cầu cứu rỗi của chúng ta và cách Thiên Chúa thực hiện điều đó qua Chúa Giêsu Con của Người. Trọng tâm của ơn cứu rỗi của chúng ta là cái chết của Chúa Kitô trên thập tự giá: Nhờ sự hy sinh của mình, Con Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và Satan, chiến thắng vòng vây của tử thần đặt trên con người và phục hồi chúng ta để kết hiệp với Đấng Tạo Hóa. Thập giá của Chúa Giêsu là nghịch lý lớn nhất: Nhờ cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta đã lãnh nhận được sự sống. Thập tự giá có vẻ là một công cụ tra tấn trong mắt những người không tin, nhưng với những người tin, đó là công cụ cứu rỗi của chúng ta. “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cr 1,18).

Thánh Phaolô là người đầu tiên viết nên một “thần học về thập giá”. Trong thư gửi cho hội thánh tại Côrintô, ngài đã giải thích: “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa… Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,19. 21). Tin tốt lành là Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với chính Người qua Chúa Kitô và Người không còn chấp tội lỗi và sự sa ngã của chúng ta nữa! Nhưng chúng ta được tha thứ, không phải vì Thiên Chúa không biết đến những tội chúng ta đã phạm, mà vì chính Chúa Kitô đã tự mình gánh lấy những tội lỗi ấy. Sự hòa giải với Thiên Chúa đã giành được cho chúng ta với cái giá là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Cuộc khổ nạn và sự đóng đinh của Chúa Giêsu là một lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng ơn cứu độ của chúng ta, ơn tha thứ khỏi mọi tội lỗi của chúng ta đã được trả bằng một cái giá rất đắt.

Thập giá không chỉ mang lại cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu, nhưng thập giá còn mang lại cho chúng ta một cuộc sống phong phú hơn ở đây và bây giờ. Chúa Giêsu “đã mang tội lỗi của chúng ta vào thân thể (của Người) mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta có thể sống cuộc đời công chính” (1 Pr 2,24). Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã mang lại cho chúng ta chiến thắng trước tội lỗi của chúng ta. Qua thập giá của mình, Chúa Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi tất cả những gì ngăn cách chúng ta với Chúa và khỏi những gì ngăn cản chúng ta đi theo Người: (đó là) sự bất tuân, sự kiêu ngạo, sự tức giận và sự tự cao tự đại của chúng ta. Trong Chúa Kitô, chúng ta chết đối với “con người cũ” này, và trong Chúa Kitô, chúng ta vươn lên thành con người mới.

Hãy để cho lời nài xin của Phaolô: “Anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20) gây ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn bạn. Phaolô kiên quyết kêu gọi chúng ta đừng từ chối lời đề nghị cứu rỗi của Thiên Chúa, “anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa,thì đừng để trở nên vô hiệu” (2 Cr 6,1). “Ngay bây giờ” – hôm nay, mỗi ngày và mọi ngày – “đều là thời gian có thể được chấp nhận” để chúng ta trở về với Chúa, “đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,1) đối với chúng ta.

Chúng ta hãy nắm giữ sức mạnh ban sự sống của thập giá để chúng ta có thể chia sẻ chiến thắng mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta. Niềm hy vọng của chúng ta là vào ngày cuối cùng, chúng ta sẽ được kết hiệp với Chúa trong sự phục sinh của Người, được chữa lành và được biến đổi nơi thân xác, tâm trí và tinh thần, và hoàn toàn phù hợp với hình ảnh của Chúa. “Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới, xin tôn vinh Người trong Hội Thánh nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Ep 3,20-21)

Đây là một lựa chọn từ Sức Mạnh Ban Tặng Sự Sống của Thập Giá của Jeanne Kun (The Word Among Us Press, 2011).

Theo The Word Among Us
Prayer Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon