Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 6: Bước đi trong ánh sáng chân lý Sự Phân định

0

Gợi ý mục vụ năm 2019
Bài 6: Bước đi trong ánh sáng chân lý Sự Phân định

Đối với các gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, Hội thánh ý thức mình phải kiên nhẫn và trong yêu thương đồng hành, dưới ánh sáng Lời Chúa giúp họ phân định để nhận ra sự thật tình trạng hiện tại còn xa với sự thật của tình yêu như Thiên Chúa muốn. Hội thánh ý thức luật tiệm tiến là tiêu chuẩn căn bản của sự phân định và sẽ không thực hành được nếu không có sự đồng hành. Vậy, phân định là gì?

1. Phân định không phải là …

Phân định không phải là phán xét về tình trạng ân sủng của một người. Vì, xét cho cùng, chỉ Thiên Chúa, mới có thể phán xét nội tâm của con người. Đức Thánh cha Phanxicô đã có lần nói: “Tôi là ai mà dám phán xét người ta?” Hội thánh luôn giới hạn mình lại trong khả năng phán định hạnh kiểm bên ngoài hay tình trạng khách quan cuộc sống của một người mà thôi.[1] Khi Hội thánh không chấp nhận những người li dị tái hôn (về mặt dân sự) được rước lễ – trừ trường hợp họ không tỏ những dấu hiệu sám hối khách quan (sống tiết dục) – không có nghĩa là Hội thánh phán xét họ sống trong tình trạng tội nguy tử. Nhưng vì đó là một phán định dựa trên hoàn cảnh sống bên ngoài của họ vốn mâu thuẫn một cách khách quan với mầu nhiệm hiệp thông trong tình yêu trung thành giữa Chúa Kitô và Hội thánh Người trong Bí tích Thánh Thể.

Ở đây, có hai điểm chắc chắn mà chúng ta phải lưu ý trong khi làm mục vụ:

1) Ta không thể lượng định, nhận biết hay phán xét được sự tự do của một người dấn thân trong hoàn cảnh tội lỗi khách quan tới mức độ nào. Và 2) Vấn đề xét ở đây một người có được xưng tội, rước lễ hay không (như là việc công khai), không bởi tình trạng ân sủng cá nhân hoặc bởi nhận thức chủ quan của người ấy, nhưng là bởi điều kiện khách quan công khai bên ngoài.

2. Hoàn cảnh sống công khai của một người là điều quan trọng

Tại sao tính công khai của hoàn cảnh sống của một người lại quan trọng đến thế? Một điều kiện cần thiết để một người có thể được rước lễ là: trong lương tâm người ấy có thể nói: “tôi không thấy mình có tội trọng gì”. Thế nhưng điều kiện này không đủ. Tuyên bố về việc cho một người li dị tái hôn được phép Rước lễ của Hội đồng Tòa thánh về Giải thích các Bản văn Luật đã được Tông huấn Amoris laetitia trích dẫn lại (x. AL 302, chú thích 345) xác định rằng “Đón nhận Mình Thánh Chúa trong tình trạng bất xứng công khai là một việc gây tổn hại khách quan cho sự hiệp thông Giáo hội; đó là một hành vi xâm phạm các quyền lợi của Giáo hội và của tất cả các tín hữu đang sống phù hợp với những đòi hỏi của sự hiệp thông ấy”.[2] Tính chất công khai của sự kiện về tình trạng sống của một người tín hữu tạo nên một hoàn cảnh mới liên hệ không những đến lương tâm cá nhân người ấy, mà còn tới toàn thể cộng đoàn Hội thánh.

Hôn nhân cốt yếu là một thực tại công khai. Thật vậy, “sự ưng thuận làm nên hôn nhân không thuần túy là một quyết định riêng tư, bởi lẽ nó tạo nên nơi mỗi người và nơi cả cặp vợ chồng một hoàn cảnh mới thuộc Giáo hội và xã hội”.[3] Nếu như hôn nhân là một chuyện riêng tư, thì bấy giờ phán quyết riêng tư về sự hôn nhân bất thành của đương sự cũng đủ để người ấy có thể đi đến kết hôn với một người khác. Tuy nhiên, khi vợ chồng kết hợp với nhau trong hôn nhân, đó là họ đã làm một cái gì vượt quá chính bản thân họ. Họ đã bước vào thực tại xã hội và Giáo hội. Bởi thế, “phán quyết của lương tâm về tình trạng hôn nhân của mình không chỉ liên hệ đến một tương quan trực tiếp giữa con người với Thiên Chúa, bỏ qua trung gian của Giáo hội, mà còn liên hệ đến cả Giáo luật ràng buộc lương tâm” (Ibid.). Hôn nhân là thực tại thuộc Giáo hội, bỏ qua điều đó là chối bỏ tính bí tích của hôn nhân. Bởi thế, vấn đề hôn nhân không thành sự đòi buộc phải có một sự phân định “bằng con đường của tòa ngoài của Giáo hội” (Ibid., 9). 

Đức Thánh cha Phanxicô lưu ý “có mối liên kết sâu xa giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể” (AL 318). Chính vì hôn nhân không chỉ là một sự kiện riêng tư giữa tôi, bạn đời của tôi và Chúa Giêsu, nên việc hiệp thông Thánh Thể cũng không chỉ là vấn đề riêng tư. Đức Thánh cha nhấn mạnh “ta cần biết phân định Thân Mình của Chúa, nhận ra Thân Mình ấy bằng đức tin và đức ái trong các dấu chỉ bí tích cũng như trong cộng đoàn” (AL 186). Đó là nhận biết Thân Mình ấy hiện diện trong dấu chỉ bí tích, đồng thời hiện diện trong Thân Mình Người là Giáo hội. “Thánh Thể đòi hỏi chúng ta phải hội nhập vào thân thể Hội thánh duy nhất” (AL 186). Giáo hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ (Lumen gentium 48), là “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp thân mật với Chúa và sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Chúng ta được cứu độ trong chừng mực chúng ta là thành phần của thân thể Người, là Hội thánh. Do đó, như đức Thánh cha nhấn mạnh, sự phân định phải mang chiều kích Giáo hội. Như lời Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI nói, “Đừng quên rằng “cái thần bí” của Bí tích có đặc tính xã hội” (Deus Caritas est 14; AL 186). Thế nên, sự hiệp thông Thánh Thể thể hiện qua hành động rước lễ của người tín hữu biểu lộ sự hiệp nhất.

Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận

1. Theo anh /chị một người li dị tái hôn xác tín trong lương tâm cuộc hôn nhân trước đó của họ không thành sự, cần điều kiện gì để có thể công khai lãnh nhận các bí tích?

2. Bí tích Hôn phối và Bí tích Thánh Thể có liên hệ chặt chẽ với nhau như thế nào? Tính chất “riêng tư” và “công khai” có khác gì với “tính thần bí” và “tính xã hội” trong các Bí tích của Hội thánh Chúa Kitô? Từ đó để chúng ta hiểu tại sao một người li dị tái hôn không thể xưng tội và rước lễ.

3. Trong đồng hành với những tín hữu li thân, li dị tái hôn, Hội thánh cần giúp họ như thế nào để nhận thức yêu sách về sự thật (dây hôn phối bất khả phân li) và bác ái (trách nhiệm hiện tại với những người liên hệ) theo Tin mừng?

4. Đâu là những cản trở khó vượt qua nhất trong tiến trình hoán cải của người tín hữu đang sống trong tình trạng “trái qui tắc” để dần hướng họ tới hội nhập trọn vẹn vào Hội thánh qua thực hành các bí tích (Hòa giải, và Thánh Thể)?


[1] Cf. Cđ Trentô, Sắc lệnh về sự Công chính hóa, khóa VI, ch. 9, H. Denzinger 1534. X. Tôma Aquinô, Super Evangelium S. Matthaei lectura, ch. 7, đ. 1.

[2] Hội đồng Tòa thánh về Giải thích các Bản văn Luật, Tuyên bố về việc cho một người li dị tái hôn được phép Rước lễ, 24.06.2000, 2.

[3] Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo về việc Hiệp thông Thánh Thể đối với những người li dị tái hôn, 14.09.1994, 8.

Ủy ban Mục vụ Gia đình
http://vietnamese.rvasia.org

Comments are closed.

phone-icon