Phỏng Vấn Linh Mục Giuse Ngô Sĩ Đình
Tổng Thư Ký Tổng Hội Dòng Đa Minh
Ngày mùng 7 tháng 7 năm 2019, tổng hội Dòng Đa Minh sẽ khai mạc tại Tòa Giám mục Xuân Lộc. Đây là tổng hội lần thứ 290 để bầu vị Bề trên Tổng quyền thứ 88, tính từ thời Thánh Tổ Phụ Đa Minh. Với bề dầy lịch sử hiện diện hơn 800 năm thì lần tổng hội này của Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Việt Nam là một biến cố đặc biệt của Dòng và của Giáo Hội việt Nam. Với 140 tham dự viên đến từ khắp nơi trên thế giới trong tổng số 5,392 tu sĩ.
Chúng tôi được cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP. Tổng Thư Ký của Tổng Hội dành cho cuộc phỏng vấn đặc biệt để biết thêm thông tin về tổng hội này.
Nt. Minh Du: Con xin kính chào Cha, thưa Cha, cơ duyên nào Tổng Hội Dòng Đa Minh lại được tổ chức tại Việt Nam và tại sao Tỉnh dòng VN lại chọn Xuân Lộc làm nơi hội họp mà lấy tên là tổng hội Biên Hòa?
Thưa Chị, trước tiên xin cám ơn Chị đã dành cho tôi cơ hội chia sẻ một số thông tin liên hệ đến sự kiện Tổng hội Dòng Đa Minh được tổ chức tại Việt Nam. Câu hỏi của Chị có hai ý, tôi xin trả lời ý thứ nhất trước, cơ duyên của việc tổ chức tổng hội này.
Chị cũng biết là Giáo hội Việt Nam vẫn được Chúa ban hồng ân ơn gọi dồi dào. Dòng tu nào cũng ghi nhận sự kiện này. Riêng Dòng Đa Minh, số nhân sự trong tỉnh dòng Việt Nam hiện nay được xếp thứ hai trong toàn Dòng, chỉ sau tỉnh dòng Ba Lan. Hơn nữa, nếu tính số hơn một trăm ngàn thành viên huynh đoàn Đa Minh tại Việt Nam thì có thể nói thành viên gia đình Đa Minh hiện nay đa số là ở Việt Nam. Nói như thế Chị cũng hiểu ý định của các đại biểu tham dự Tổng hội Dòng năm 2016 tại thành phố Bolonia nước Italia, muốn một cuộc họp cấp cao nhất, với sự tham dự của các thành phần điều hành toàn Dòng, phải được tổ chức ở Việt Nam. Bình thường các tỉnh dòng tình nguyện đăng cai tổ chức tổng hội, nhưng lần này hơi khác, tỉnh dòng Việt Nam chưa kịp đăng cai thì các đại biểu đã gợi ý và đề nghị tỉnh dòng Việt Nam tổ chức. Đơn giản cơ duyên là như thế.
Ý thứ hai tại sao Tổng hội tổ chức ở TGM Xuân Lộc mà là lấy tên là Tổng hội Biên Hoà. Lý do cũng đơn giản thôi. Theo truyền thống, các Tổng hội của Dòng được tổ chức trong một tu viện của anh em Đa Minh. Tổng hội lần này ban đầu cũng dự định tổ chức tại tu viện thánh Martinô tại Hố Nai, Biên Hoà, nhưng vì tu viện không đủ điều kiện cơ sở vật chất. Trong khi đó, chúng tôi rất mừng được Đức Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc quảng đại cho mượn Trung tâm Mục vụ và Đại chủng viện của Giáo phận để tổ chức tổng hội. Tuy vậy chúng tôi vẫn giữ tên gọi lúc đầu là Tổng hội Biên Hoà như một biểu tượng liên kết với Dòng, và cũng vì thế, mà ngày bế mạc 04/8/2019, tất cả các đại biểu tham dự Tổng hội sẽ chuyển về tu viện Martinô để cử hành nghi thức bế mạc.
Nt. Minh Du: Lần tổng hội này có bao nhiêu nghị huynh và khách mời tham dự? Xin Cha chia sẻ sơ qua về tầm quan trọng của Tổng Hội lần này ạ.
Tổng hội lần này là tổng hội lần thứ 290 kể từ thời cha thánh Đa Minh, là lần thứ hai tổ chức ở châu Á, nhưng là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia ngoài Kitô giới. Năm 1977 một tổng hội đã được tổ chức tại thành phố Quezon Philippines, nhưng Philippines được coi như một quốc gia nơi Kitô giáo là đa số. Năm 2010, Tỉnh dòng Ấn Độ cũng đã đăng cai tổ chức tổng hội nhưng đến gần ngày khai mạc, thì phải thay đổi địa điểm sang Roma vì tình hình an ninh ở Ấn Độ lúc bấy giờ không ổn định.
Do đó, Tổng hội lần này mang tầm quan trọng đối với toàn Dòng vì là biểu tượng cho cánh cửa mở ra với các nền văn hoá ngoài Âu châu. Thêm vào đó, Tổng hội lần này là tổng hội bầu cử, các đại biểu sẽ bầu vị tổng quyền thứ 88 kể từ thời cha thánh Đa Minh, với nhiệm kỳ 9 năm. Do đó, số đại biểu cũng nhiều hơn các tổng hội không có việc bầu cử, 103 đại biểu chính thức. Ngoài ra, còn có 18 khách mời thuộc gia đình Đa Minh làm quan sát viên, và khoảng 20 chuyên viên, trong đó đa số là các chuyên viên biên dịch và phiên dịch. Tổng cộng là hơn 140 tham dự viên.
Nt. Minh Du: Tại Việt Nam số người chính thức tham dự Tổng Hội là bao nhiêu và số lượng người phục vụ cho tổng hội thế nào, thưa Cha?
Có phải Chị muốn hỏi số đại biểu thuộc tỉnh dòng Việt Nam. Thưa có 4 vị: giám tỉnh, giám định viên, phụ tá giám định viên, và một đại diện của anh em thuộc phụ tỉnh Việt Nam tại Bắc Mỹ. Ngoài ra, còn có 05 vị khách người Việt Nam gồm một tu huynh Đa Minh, một nữ đan sĩ Đa Minh, một nữ tu Đa Minh hoạt động, một đại diện tu hội đời Đa Minh, và một đại diện Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam. Có thể kể đến hai đại biểu gốc Việt thuộc các tỉnh dòng khác, một vị thuộc tỉnh dòng Hoa Kỳ và một vị thuộc tỉnh dòng Úc, có lẽ do Tổng hội họp ở Việt Nam nên các tỉnh dòng có người Việt muốn đề cử đại biểu người Việt chăng. Như vậy, tổng cộng người Việt tham dự Tổng hội là 11 người.
Về số lượng người phục vụ, khó xác định lắm thưa Chị, vì ngoài những người trực tiếp phục vụ tại chỗ, còn có rất nhiều anh chị em khác phục vụ cách âm thầm, và kiên trì. Nói tổng quát thì số lượng người phục vụ cũng tương đương hoặc nhiều hơn một chút so với số người chính thức tham dự Tổng hội.
Nt. Minh Du: Thưa cha, hiện nay Dòng Đa Minh có bao nhiêu linh mục, tu sĩ và tập sinh?
Tôi nghĩ tình hình chung trong đa số các dòng tu trong Giáo hội, là nhân sự có chiều hướng giảm sút. Dòng Đa Minh cũng vậy. Hiện nay Dòng có 41 giám mục, 4.178 linh mục, 15 phó tế vĩnh viễn, 123 phó tế đang chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục, 276 tu huynh, 800 sinh viên thần học và triết học, 196 tập sinh, 210 thỉnh sinh. Tổng cộng nếu tính từ khấn lần đầu, con số là 5.392 tu sĩ.
Đó là con số của năm 2019. Nhưng để có cái nhìn so sánh lịch sử, tôi xin phép đưa ra một vài số liệu như sau:
Số linh mục năm 2010 là 5.680, năm 2019 là 5.392, giảm 288.
Số sinh viên 2010 là 865, 2019 là 800 giảm 65.
Số tu huynh 2010 là 363, năm 2019 là 276, giảm 87.
Nhưng điều đáng mừng là ơn gọi những năm gần đây có chiều hướng gia tăng nhẹ. Cụ thể số tu sĩ khấn đơn
năm 2010 là 142, năm 2019 là 206, tăng 64.
Số anh em lãnh tác vụ linh mục năm 2010 là 82, năm 2019 là 92, tăng 10
Nt. Minh Du: Thưa Cha, theo con được biết Tổng Hội đã được tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam chuẩn bị rất xa, cụ thể việc chuẩn bị ấy đã diễn ra thế nào và hiện nay công việc đã đến đâu?
Ngay sau khi có quyết định tổ chức Tổng hội tại Việt Nam, Tỉnh dòng đã bắt đầu các khâu tổ chức. Tôi xin trình bày ba lãnh vực, một là thủ tục hành chính, hai là cơ sở vật chất, ba là chương trình sinh hoạt của tổng hội.
Việc đầu tiên là giấy phép tổ chức. Chúng tôi rất mừng khi nhận được giấy phép của Ban Tôn giáo Chính phủ khá sớm, khoảng tháng 03/2018, tức là một năm rưỡi trước khi khai mạc Tổng hội. Một vấn đề cũng khá nhiêu khê là xin Visa cho các đại biểu. Việc này cần nhiều thủ tục và thời gian. Tuy vậy, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của các ban ngành nên hiện nay tất cả các thành viên đều đã được cấp Visa.
Vấn đề thứ hai là cơ sở vật chất, chúng tôi may mắn được Toà Giám mục Xuân Lộc dành mọi sự dễ dàng trong việc sử dụng cơ sở của Toà Giám mục và Đại chủng viện. Thiết tưởng cơ sở của Toà Giám mục Xuân Lộc là thuận lợi nhất đối với chúng tôi hiện nay.
Vấn đề thứ ba là chương trình sinh hoạt, với sự cộng tác của rất nhiều anh chị em Đa Minh Việt Nam, chúng tôi cũng đã soạn được chương trình sinh hoạt khá phong phú và đã được ban Tổng cố vấn dòng chấp thuận. Trong đó phải kể đến ngày gia đình Đa Minh 21/7/2019 với sự tham dự của hơn một ngàn anh chị em với khẩu hiệu One World, One Family, One Mission, Một thế giới, Một gia đình, Một sứ vụ. Và ngày bế mạc 04/8/2019 có sự tham dự của hơn 10.000 thành viên gia đình Đa Minh.
Hiện nay tiến độ chuẩn bị cũng đã sắp xong, kịp đón tiếp các đại biểu.
Nt. Minh Du: Với tư cách là Tổng thư ký nghĩa là trưởng ban tổ chức cho kỳ tổng hội 290 này, trách nhiệm của Cha là gì, và nỗi ưu tư, lo lắng nào làm cha bận tâm nhất ạ?
Thưa Chị, Hiến Pháp Dòng Đa Minh, số 414, qui định nhiệm vụ của Tổng thư ký như sau: “Vị Tổng quyền phải chỉ định tổng thư ký của tổng hội để chịu trách nhiệm về tất cả những gì liên quan tới việc chuẩn bị và tổ chức tổng hội.”
Còn ưu tư lớn nhất của tôi chắc chắn là kết quả Tổng hội, có nghĩa là làm thế nào để các đại biểu tham dự có được điều kiện thuận lợi nhất cho công việc, chẳng hạn nơi ăn chốn ở, thực phẩm, thời tiết, nhịp độ làm việc… nhưng một vấn đề khác chúng tôi cũng quan tâm, đó là chúng tôi cần giới thiệu những giá trị nào trong văn hoá Việt Nam cho quý khách. Chắc chắn về phương tiện vật chất và kỹ thuật tiên tiến, chúng ta không bằng người ta, các di tích lịch sử về văn hoá ở miền Nam thì cũng không có mấy, các cơ sở mục vụ của Dòng cũng ít ỏi và chưa mang tính tầm cỡ…. Vì thế, chúng tôi lựa chọn giá trị căn bản là giới thiệu lòng hiếu khách, tình huynh đệ, và sự cộng tác của anh chị em Đa Minh Việt Nam. Ngoài ra trong các sinh hoạt, chúng tôi cũng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
Nt. Minh Du: Con nghĩ rằng sự lựa chọn giới thiệu lòng hiếu khách, tình huynh đệ và sự cộng tác của Anh chị Em Đa Minh là một lựa chọn rất đặc biệt.
Xin cha chia sẻ cho quý đôc giả biết Tổng Hội Biên Hòa sẽ bàn thảo về những đề tài nào và điểm nào được Dòng Đa Minh quan tâm nhất hiện nay?
Tổng hội đã có 7 uỷ ban thảo luận về 7 đề tài khác nhau. Nhưng chung chung vẫn là những thách đố hiện nay đối với Dòng, vì thế cần phải duyệt lại các lãnh vực liên hệ đến sứ vụ như việc canh tân đời sống huynh đệ nhằm đến sự vụ giảng thuyết, canh tân sứ vụ giảng thuyết, việc đào tạo, quản trị, tình liên đới và cộng tác giữa các thành phần trong gia đình Đa Minh…
Nt. Minh Du: Có một câu hỏi hơi tế nhị, nhưng nếu được xin Cha nói qua về tài chánh để tổ chức Tổng hội ạ?
Thưa Chị, nói chung là các tỉnh dòng đóng góp cho các chi phí của Tổng hội. Trong đó có thể phân biệt như sau. Một là chi phí di chuyển, cụ thể là vé máy bay. Các nghị huynh chia đều chi phí này, tức là mỗi nghị huynh nộp hoá đơn vé máy bay cho ban tổ chức, và chi phí này sẽ được chia đều cho mọi anh em. Như vậy, ngay cả các nghị huynh tỉnh dòng Việt Nam chỉ đi chuyến xe từ Sài Gòn về Long Khánh, nhưng cũng phải gánh đều chi phí của các vị bay từ Âu châu hay Nam Mỹ đến. Xin phép nói thêm một chút, nhiều người nghĩ rằng chi phí tổ chức Tổng hội ở Việt Nam rẻ hơn các nơi khác, điều này cũng đúng. Nhưng nếu tính tiền vé máy bay của số đại biểu từ châu Âu và châu Mỹ đến, thì chi phí tổng hội lần này cũng chẳng thấp hơn bao nhiêu so với việc tổ chức Tổng hội ở châu Âu chẳng hạn.
Ngoài ra các nghị huynh cũng trả chi phí ăn ở mỗi ngày, tuỳ theo số ngày cụ thể của mỗi người. Còn chi phí cho các chuyên viên và khách mời thì Trung ương Dòng đảm nhận.
Nt. Minh Du: Con xin cám ơn những chia sẻ rất chi tiết và rõ ràng cũng như mạch lạc về một Tổng Hội tầm cỡ quốc tế, điều đó làm chúng con dễ hiểu và dễ dàng hiệp thông trong lời cầu nguyện với các Nghị Huynh.
Xin Thiên Chúa tiếp tục ban muôn ơn lành trên Cha với vai trò Tổng Thư Ký để điều hành những ngày Tổng Hội diễn ra. Và Ân Sủng của Tình Yêu ở cùng với quý tham dự viên trong suốt Tổng Hội.
Xin cám ơn Sr. Minh Du và VietCatholic đã dành sự quan tâm tới Dòng Anh Em Thuyết Giáo qua bài phỏng vấn này. Xin Thánh Tổ Phụ Đa Minh luôn cầu bầu cùng Chúa cho Cha Giám Đốc cũng như toàn thể Quý Vị độc Giả. Xin tiếp tục cầu nguyện cho Dòng chúng tôi. Tôi xin cám ơn thật nhiều.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
Nguồn: http://daminhvn.net