Chúa Nâng Cao Những Kẻ Khiêm Nhường – Suy niệm Chúa Nhật 22 TN, Năm C

0

Có một câu chuyện vui như sau: Vào một buổi tối, một ông nhà văn nổi tiếng cùng với vợ và 4 đứa con của mình đi xem phim tại một rạp hát. Khi họ đến thì trong rạp mới chỉ có sáu người. Và lúc họ bước vào thì cả sáu người trong rạp đều đứng lên vỗ tay. Ông nhà văn mỉm cười đáp lễ. Sau khi ngồi vào chỗ, ông quay sang bà vợ và nói: “Có lẽ họ đã nhận ra anh vì hình ảnh của anh được đăng trên báo và những tác phẩm của anh được quảng cáo một cách rộng rãi”.

Ngay lúc đó, có một chàng thanh niên tiến đến bắt tay ông. Ông nhà văn bèn hỏi: “Làm sao anh có thể nhận ra tôi?”.

Thế nhưng, chàng thanh niên đã trả lời: “Thật sự tôi chẳng hề biết ông là ai cả. Sở dĩ chúng tôi vỗ tay khi ông và gia đình bước vào rạp là vì người quản lý rạp đã nói: ‘Nếu không có thêm bốn khán giả cho đủ mười người thì anh ta không thể chiếu xuất phim này’”. 

Các bạn thân mến, giả sử chúng ta là ông nhà văn đó, khi nghe chàng thanh niên nói xong, phản ứng của mỗi người sẽ như thế nào? Hụt hẫng, hay nói theo ngôn ngữ thời đại hôm nay là “cạn lời”, hay là chấp nhận giới hạn nhỏ bé của chính mình!? Ắt hẳn chúng ta sẽ dễ dàng tìm được câu trả lời cho bản thân, nhưng lại không dễ dàng để sống trọn vẹn thông điệp về sự khiêm tốn mà câu chuyện muốn gởi đến cho từng người chúng ta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của đức tính khiêm nhường trong đời sống người kitô hữu. Trước bao con mắt đang dò xét, Chúa Giêsu nhận thấy khách mời thích chọn những chỗ ngồi quan trọng trong bàn tiệc, vì chỗ ngồi tượng trưng cho địa vị trong xã hội. Người ta chọn những vị trí đặc biệt ấy không phải để được ăn ngon, nhưng chỉ để được vinh dự hơn và thỏa mãn lòng tự tôn của mình. Từ đó Ngài dạy họ bài học khiêm nhường: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai  hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Thật vậy, sự khiêm tốn đích thực là chân thành nhìn nhận sự thật về những ưu khuyết điểm của chính mình trước mặt Thiên Chúa và mọi người, qua thân phận bất toàn và giới hạn. Vì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những thụ tạo nhỏ bé, hèn kém, và chỉ có Ngài mới đánh giá đúng địa vị đích thực của mỗi người.

Lời dạy của Chúa Giêsu đã đụng chạm đến cái tôi của người biệt phái Pharisêu tự phụ, giả hình. Thế lời dạy ấy có đang đụng chạm đến lòng tự ái của mỗi người chúng ta không? Tuy không nói ra, nhưng theo lẽ thường, hầu như ai cũng muốn tìm kiếm danh vọng địa vị, thích được người khác kính nể ca tụng, nổi bật giữa đám đông và gây được ảnh hưởng trên người khác. Thế nên, ngày nay, sự khiêm nhường thường bị coi là thua kém và nhu nhược; nhưng đức tính ấy lại được Chúa Giêsu coi trọng và đặt lên hàng đầu. Thánh Augustinô đã từng dạy rằng: “Trước tiên con phải có lòng khiêm tốn, nếu không, dù có làm việc đạo đức tốt lành đi nữa thì chính tính kiêu ngạo cũng xen vào làm cho hư mất”. Xin Thiên Chúa ban thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần để giúp mỗi người chúng ta tập luyện được nhân đức cao quý này.

Gợi ý suy niệm:

  1. Chúng ta học được gì nơi mẫu gương khiêm nhường tuyệt hảo của Chúa Giêsu, Ngài đã rời bỏ “chỗ ngồi” của người Thầy và của một vị Thiên Chúa cao sang, trong bữa Tiệc Ly, để đi làm công việc của một người đầy tớ?
  2. Có người cho rằng: khiêm nhường đồng nghĩa với giả hình và nhu nhược. Chúng ta nghĩ như thế nào?

Lm. Joseph Lưu Trung Kiên

Comments are closed.

phone-icon