Cầu Nguyện Để Phục Vụ

0

Trong thế giới hôm nay, tình yêu giữa người với người quá mờ nhạt. Họ không còn thời gian để cho nhau. Sự quan tâm, lo lắng cho nhau đã được thay thế bằng một thứ tình yêu vị kỷ. Họ luôn tìm cách chăm chút cho bản thân, có khi còn làm giàu cho mình trên đau khổ của đồng loại. Từ đó họ đánh mất đi trái tim biết yêu thương mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ. Từ nguyên thủy, “Thiên Chúa đã tạo dựng nên ta là để yêu thương, trao tặng tình yêu thương cho tha nhân, để mang đến cho tha nhân sự ân cần, trìu mến và để biết cách thức đem Chúa Giêsu đến cho tha nhân” [Jose’ Luis Gonzalez-Balado, Tâm hồn tràn ngập niềm vui (linh đạo phục vụ của Mẹ Têrêsa Calcutta)]. Vì thế, con người cần yêu và được yêu.

Nhưng trong một thế giới vô cảm, con người đã làm ngơ trước mọi nỗi đau của anh chị em mình. Trong thực tế, chúng ta không chỉ bắt gặp những con người nghèo khổ, bệnh tật về mặt thể lý nhưng bên cạnh đó có rất nhiều tâm hồn đang bị tổn thương. Họ thiếu một thứ bình an, một niềm vui đích thực, một sự quan tâm và tôn trọng. Là một người tu sĩ, chúng ta phải mang lại cho họ những điều họ đang cần đến, không những vật chất mà còn cả tinh thần. Chúng ta phải sống để trở thành suối nguồn tình thương chảy vào sa mạc cuộc đời làm cho thế giới đong đầy tình bác ái yêu thương. Làm cho những con tim vị kỷ biết mở ra với tha nhân, làm cho tâm hồn buồn sầu thất vọng đón nhận được bình an hạnh phúc thực sự khi cảm được tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa, cho mỗi nhân vị nhận biết Đức Giêsu là nguồn mạch tình yêu.

Chúa Giêsu đã thực thi bác ái yêu thương trong suốt cuộc đời của Ngài. Không bao giờ Ngài ngưng hoạt động bác ái qua lời nói, hành động với một tình yêu trọn vẹn. Để trở nên giống Ngài, chúng ta cần phải có đời sống cầu nguyện để có mối tương giao mật thiết với Chúa và để biết cách phục vụ, biết cách cho đi với tình yêu thương mà Chúa Giêsu đã sống.

  1. Cầu nguyện là bước đầu cho việc phục vụ bác ái

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời nhất của cầu nguyện. Tin Mừng đã cho ta thấy: Trước khi bước vào cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã ở trong hoang địa 40 đêm ngày để ăn chay cầu nguyện và chịu cám dỗ (Mt 4,1-2); Trước mỗi ngày sống, vào lúc sáng sớm, Ngài đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện; Sau mỗi công việc rao giảng, phục vụ, làm phép lạ cho dân (Mt 14,23), Ngài lại lui vào một nơi riêng để cầu nguyện với Chúa Cha; Khi chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn, Ngài cũng vào vườn Ghết-sê-ma-ni để cầu nguyện (x.Mt 26,36); Trước khi trút hơi thở, Ngài cũng dâng lời cầu nguyện (Mt 23,33). Trong suốt cuộc đời nơi dương thế, Chúa Giêsu đã luôn kết hiệp với Chúa Cha qua cầu nguyện trước khi Ngài thực hiện và sau khi hoàn tất. Vì thế, tất cả những gì Ngài thực hiện đều chứa đựng một tình yêu sâu thẳm, đều quy về lợi ích cho người khác, cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của Ngài. Vậy, là một tu sĩ, chúng ta cần phải theo gót chân Ngài, hãy cầu nguyện liên lỉ! Vì trong cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận rõ được tình yêu mà Chúa đã giành cho ta. Và khi đã biết Chúa yêu ta rồi, chúng ta mới có thể lan tỏa tình thương cho mọi người bằng cách sống của ta. Nhờ cầu nguyện, chúng ta nhận thêm sức mạnh, lòng nhiệt thành để ra đi phục vụ bác ái cho anh chị em.

  1. Cầu nguyện để biết cách phục vụ

Chúng ta hãy cầu nguyện để nhận ra: Ai ai cũng khát khao mình được yêu thương và trân quý. Vì “Nếu không cầu nguyện trái tim ta cũng dần dần ra chai đá, sẽ trở nên băng giá, sẽ không còn biết rung động yêu thương Chúa, yêu thương tha nhân ngay cả yêu thương chúng ta nữa” (Phút cầu nguyện cuối ngày). Nếu chúng ta không biết rung cảm thì thật khó để cảm thông với những nỗi đau mà anh chị em ta đang gặp phải, thật khó để tiếp nhận, phục vụ chăm sóc cách chân thành. Nhưng nhờ cầu nguyện chúng ta có thể làm được, và hơn thế nữa bạn sẽ mang lại cho những chi thể đau khổ đó một sự an ủi, niềm vui vì họ thấy mình được yêu thương và trân trọng.

Ta có thể nhìn vào vị thánh đã sống trong thời đại chúng ta, đó là mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ luôn dành trọn một giờ đồng hồ để cầu nguyện, chiêm niệm, thờ lạy Chúa Giêsu Thánh thể. Nhờ việc thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể mà Mẹ đã đủ sức làm việc đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày, giúp mẹ biết yêu thương, dấn thân phục vụ người nghèo với một đức tin mạnh mẽ và đức ái thẳm sâu nhất. Mẹ nói rằng: “Bí tích Thánh Thể chính là nguồn sức mạnh đem lại cho chúng tôi nghị lực, ý chí và nhất là tình yêu để chu toàn những gì chúng tôi cam kết với Thiên Chúa”. Mẹ đã phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo, những con người bị xã hội bỏ rơi như phục vụ Chúa Kitô, với một trái tim đong đầy yêu thương. Muốn phục vụ tốt, hãy nhìn vào mẫu gương Giêsu, Người đã cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ. Vậy chúng ta cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân với một sự khiêm nhường và tôn trọng họ và điểm cốt yếu của việc phục vụ nơi người tu sĩ là đem Chúa Giêsu đến cho mọi người.

  1. Cầu nguyện để biết cách cho đi

Chúng ta hãy cầu nguyện. Chỉ trong cầu nguyện chúng ta mới nhận ra rằng: Tất cả những gì chúng ta có không phải là do tự tay chúng ta làm ra nhưng là bởi tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho ta. Đúng thế. Ta có không khí để thở, có nước để uống, có cơm để ăn, có ánh sáng để chiêm ngắm vạn vật. Tất cả là nhờ có Chúa dựng nên để ta hưởng dùng. Thiên Chúa đã cho ta nhưng không, vậy tại sao chúng ta không san sẻ cho người khác những gì mình có? Lời Chúa: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Và đối với một người Kitô hữu, bác ái là một điều không thể thiếu. Một người Ấn Độ giáo nói rằng: “Kitô giáo là cho đi”.

Nhưng chúng ta cho bằng cách nào? Cho đi là biết vét rỗng con người của mình, cho đi một nụ cười đẹp, một ánh mắt cảm thông. Cho đi chính là cử chỉ cao cả và đẹp nhất. Đối với người nghèo, họ không cần sự thương hại của chúng ta, nhưng họ cần sự quan tâm giúp đỡ chân thành của chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta thấy từ thiện có nhiều hình thức như phát quà cho người nghèo, bếp cơm tình thương, xây dựng nhà tình thương, chăm sóc bệnh nhân, cô nhi… điều đó cần đối với họ. Nhưng như thế chưa đủ. Trong cuốn sách Nụ cười của người nghèo – giai thoại về mẹ Têrêsa Calcutta, tác giả Jose’ Luis Gonzalez – Balado có viết: “Người nghèo khổ đang đói cơm bánh, nhưng cũng đói cả tình thương và Lời Thiên Chúa hằng sống nữa. Các người nghèo khổ đang khát nước uống, nhưng cũng khát cả chân lý, an bình và công chính. Người nghèo khổ đang cần một mái nhà bằng gạch ngói, nhưng cũng cần đến một trái tim vui tươi biết rung động, cảm thông, săn sóc và yêu thương họ. Tình yêu thương thật sự là tình yêu biết tự hủy, biết cho đi tất cả”. Họ cần chúng ta trao ban cho họ một tình yêu chứ không phải sự thương hại, để đánh bóng tên tuổi của công ty hay một cá nhân nào. Họ không muốn mình bị lợi dụng. Tuy họ là những con người khốn khổ, nhưng họ cũng cần được trân trọng về nhân phẩm của mình. Để đáp ứng nhu cầu đó, không còn cách nào khác đó là cho đi con tim của mình với một thái độ cảm thông và làm cho họ nhận biết Chúa trong cuộc đời của họ. Vì Thiên Chúa là Tình yêu, nên chỉ khi nào họ nhận ra được Tình yêu Thiên Chúa họ mới tìm được niềm vui, sự bình an thật sự. Và đó là điều họ đang cần.

Chúng ta hãy cầu nguyện trong mọi việc. Tất tả những gì chúng ta thực hiện đều cần ơn Chúa và có bàn tay Thiên Chúa phù trợ. Hãy xin ơn Chúa trước mỗi công việc, để mọi việc ta làm đều tốt đẹp cho tha nhân và làm vinh danh Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện để việc phục vụ của chúng ta mang vẻ đẹp của Chúa Giêsu, cho mọi người nhận biết Chúa qua việc phục vụ của mỗi chúng ta.

Nt. Têrêsa Lại Thị Mỹ Hạnh

Comments are closed.

phone-icon