Cộng Đoàn Anh Chị Em Đa Minh, Giáo xứ Rờ Kơi, Đăk Hà, Kon Tum

0

Cộng đoàn ace đa minh Koroi

Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,19)

Lời của Đức Giêsu Kitô vẫn còn vang vọng suốt hơn 2000 năm qua và tiếp tục thôi thúc các môn đệ thuộc mọi thời đại tiếp tục lên đường để loan báo Tin Mừng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Kitô.

Đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, vào thế kỷ XVI (năm 1533) các nhà thừa sai Bồ Đào Nha đã cập bến Việt Nam, đem hạt giống đức tin rắc gieo vào lòng dân Việt. Dẫu phải trải qua những chặng đường gian khổ, những cuộc bách hại đẫm máu, nhưng chính trong những gian khổ đó, hạt giống Đức Tin được nảy sinh và lớn mạnh. Những cuộc truy lùng các Kitô hữu đã khiến các nhà thừa sai và các Kitô hữu phải di dời, tản mác khắp nơi nhưng không dập tắt được lửa nhiệt tình hằng nung nấu trong lòng các vị Thừa sai. “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác…” (Mt 10,23). Và đi tới đâu, các ngài mang Tin Mừng tới đó. Cả lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, các nhà Thừa sai và các Kitô hữu đều rao truyền đạo yêu thương, củng cố, nuôi dưỡng đức tin cho dân Chúa, đào tạo nhân sự cho công cuộc truyền giáo và lên đường đến vùng đất mới mang ánh sáng vào nơi tối tăm, mang Tin Mừng vào nơi sầu khổ.

Từ những năm 1946 – 1947, các nhà Thừa Sai đã không quản ngại núi rừng hiểm trở, đường xá xa xôi cùng với sự cấm cách của chính quyền, nhiệt thành can đảm đem hạt giống Đức Tin đến với anh chị em ở Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nằm trên ngõ trục Lào và Campuchia.

Trong suốt 65 năm (1946- 2011), cùng với những thăng trầm lịch sử và các cuộc bách hại đạo triền miên, bà con phải tản mác, di dời nhiều nơi, vùng đất biên giới Rờ Kơi cũng trải qua 7 đời cha quản nhiệm.

Tháng 2 năm 2011 Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh bổ nhiệm cha Tadeo Nguyễn Ái Quốc về đặc trách địa bàn Rờ Kơi.

Cha Tadeo đến xin trú ngụ tại làng Đakrode, bà con không dám đón nhận, sang làng Khukloong cũng bị từ chối vì họ sợ liên lụy. Cuối cùng già làng Kram đón cha đến ở trong nhà mình.

Đến với đoàn chiên bơ vơ không người chăm sóc, không nơi phượng tự. Cha xứ tiên khởi bước vào công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo, một số bà con biết mình có đạo, nhưng việc hiểu biết giáo lý và đạo Chúa thì “quá xa vời”, người đạo đức đi lễ một năm được một vài lần (đường quá xa, bị ngăn cấm, bắt giữ).

Song song với việc chăm lo đời sống đức tin cho dân Chúa, Cha Tadeo xây dựng cơ sở vật chất, cha mua đất, cất nhà nguyện, phòng dạy giáo lý, nhà xứ, nhà nuôi các em nội trú.

 Cha còn mua đất để xây nhà thờ mới trong tương lai.

Theo thống kê năm 2015 số tín hữu trong giáo xứ là 1.455 trong tổng số 290 gia đình, trong đó người dân tộc Hà Lăng có 1.399 tín hữu trong tổng số 277 hộ gia đình, người kinh 56 tín hữu/ 13 hộ gia đình.     

Năm 2016 Đức Cha Alosio Nguyễn Hùng Vị – Giám mục Giáo phận Kon Tum, trao giáo xứ Rờ Kơi cho Tỉnh dòng Đa Minh, với hy vọng rằng, khởi đi từ Rờ Kơi, anh em Đa Minh sẽ tiến sâu vào Mô Rây, một vùng đất “trắng tôn giáo”.

Cha Giuse Nguyễn Đức Phú làm chánh xứ, sau đó cha Luca Nguyễn Văn Mạnh làm chánh xứ và cha Tadeo Hồ Vĩnh Thịnh làm phó xứ.

Từ ngày 27 tháng 08 năm 2017 đến nay, Anh em Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, mời Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp đến cộng tác với quý cha, quý thầy để anh chị em Đa Minh cùng nhau thi hành sứ vụ tại giáo xứ Rờ Kơi. Thật quả đúng như lời Thánh vịnh gia:

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh chị em được sống vui vầy bên nhau”(Tv. 133,1).

Tạ ơn Chúa, trong năm vừa qua, ngoài việc thiết lập, củng cố, duy trì, phát triển đoàn thiếu nhi, các ca đoàn, Legio, Huynh đoàn Đa Minh ….giáo xứ đã mở những lớp giáo lý dự tòng, số người rửa tội được 64 người, hợp thức hóa hôn nhân gần một trăm gia đình…, dự định ngày 18 tháng 10/ 2109, lễ Thánh Luca bổn mạng cha chánh xứ, cha xứ sẽ Rửa tội và hợp thức hóa hôn nhân lớp Giáo lý Dự tòng- Hôn nhân với trên 80 người tham dự.

Thiên Chúa luôn mạc khải những điều cao cả cho những người bé mọn, nghèo hèn, đến với lớp giáo lý có nhiều độ tuổi, nhiều người không biết chữ và bà con ở đây nghe tiếng Việt là nghe ngoại ngữ. Vì thế phải lấy đức tin mà bù lại, vì có nhiều điều nghe đi nghe lại mà chẳng hiểu, chẳng nhớ, nhưng chắc chắn Chúa hiểu những người con của Chúa thiếu thốn, thiệt thòi nhiều và Chúa sẽ có cách.

Sau đây là cuộc đối thoại giữa một người không tin và một người mới trở lại đạo Công giáo:

Anh đã trở lại đạo?

Vâng.

Vậy Đức Giêsu sinh ra ở nước nào?

Tôi không biết.

Đức Giêsu giảng bao nhiêu bài giảng?

Tôi không biết.

Đức Giêsu chết năm bao nhiêu tuổi?

Tôi không biết.

Quả thật anh biết quá ít để quả quyết anh đã trở về với Đức Giêsu.

Đúng vậy, tôi hổ thẹn vì tôi biết qúa ít về Ngài. Nhưng một điều tôi biết chắc là: Trước đây tôi là một thằng sáng say, chiều xỉn, đánh vợ, chửi con, nợ nần chồng chất, mọi người thấy tôi là xa lánh, khiếp sợ. Nhưng bây giờ tôi đã bỏ rượu, không còn nợ nần ai, gia đình hạnh phúc, vợ con luôn mong ngóng chờ tôi về nhà vào mỗi buổi tối, mọi người yêu thương tôi. Những điều này chính Đức Kitô đã làm cho tôi, và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.

Câu trả lời “không biết” là câu trên môi miệng người lớn cũng như trẻ nhỏ của người dân ở đây, đau chân “không biết đi”, bệnh không ăn được “không biết ăn” … Câu trả lời “không biết” là dễ dàng và nhanh gọn. Nên có những người ngày nào cũng tham dự lớp giáo lý trong suốt 5-6 tháng, và  khi được hỏi về Chúa Giêsu và giáo lý… thì hồn nhiên, tươi cười trả lời “be lo” (không biết). Còn việc thay đổi lối sống để gia đình được an vui hạnh phúc là điều ước mong và hy vọng của mọi người.

 Một niềm vui chung của giáo xứ, là những người bỏ Chúa nhiều năm vì nhiều lý do, thuộc nhiều thành phần, nông dân, cán bộ tỉnh, huyện, xã, làng, được ơn trở về, họ xin đăng ký học giáo lý, xin lãnh Bí tích Hòa giải và can đảm trước thánh lễ thứ Bảy, Chúa nhật đứng trước cộng đoàn xin lỗi Chúa, cha xứ và cộng đoàn vì những tháng năm bỏ Chúa, rời xa cộng đoàn và xin lòng thương xót Chúa và tình thương của cộng đoàn để bắt đầu làm lại.

Qua những chứng nhân sống động được ơn trở về, giúp cộng đoàn cảm nhận sâu sắc tình yêu Chúa dành cho tất cả mọi người, mời gọi mọi người sống gắn bó với Chúa và yêu thương nhau nhiều hơn, và tạo động lực thúc đẩy cho những người khác tiếp tục trở về.

Giáo xứ tạo tương quan thân thiện với bà con trong các làng qua những buổi giao lưu văn hóa trong những ngày lễ, tết, ngày truyền thống của làng.

 Quý cha tổ chức cho các già làng, Yao phu, chức việc, giáo lý viên, nội trú và những người nhiệt thành… đi Gia Lai, Buôn Mê Thuật, Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu, Đà Lạt, Quy Nhơn…để thăm quan danh lam thắng cảnh, học hỏi mở rộng sự hiểu biết.

Cộng đoàn quan tâm chăm sóc bà con trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là tình thương và sự cảm thông với nếp sống của người địa phương, càng hiểu càng thương, càng thương lại càng muốn tìm hiểu, để trở nên mọi sự cho mọi người.

Như người cha chạnh lòng thương con cái, cảm nhận tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, quý cha cũng biểu lộ lòng trắc ẩn với những người trở về, cho dù trước đây họ là người cấm cách, bắt bớ, giam giữ, phạt tiền, phạt lao công những người đi lễ …nhưng đến giây phút cuối đời, chỉ một lời mời cha đến xức dầu, làm lễ là cha lên đường ngay, quả đúng là “tình thương phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8).

 Giáo xứ vừa chăm lo đời sống tâm linh vừa quan tâm đời sống vật chất.

Cụ thể giáo xứ có lò sấy măng, sấy khổ qua rừng để tiêu thụ sản phẩm của bà con.

Qua các đoàn từ thiện từ Biên Hòa- Đồng Nai, Sài Gòn, bà con nhận được lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở, thuốc men và cả nhà nữa.

Đặc biệt mỗi buổi sáng giáo xứ lo cho hơn 200 em học sinh được ăn sáng trước khi đến trường và 96 em được nhận học bổng.

Cộng Đoàn Anh Chị Em Đa Minh ở đây như một gia đình, con cái đau yếu, bệnh tật, sinh đẻ… đều đến gõ cửa nhà cha mẹ. Cha xứ có xe 7 chỗ và cha kiêm luôn tài xế chuyên chở người khỏe mạnh, yếu đau… và cả hàng hóa nữa.

Sắp tới đây giáo xứ sẽ được khởi công xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nơi nuôi các em nội trú.

Hiện diện giữa buôn làng, đồng hành với những người nghèo khổ, cộng đoàn anh chị em Đa Minh được mời gọi “Hãy là chứng nhân của Thầy” (x. Cv 1,8) “Sống giữa vùng ngoại biên” để “chèo ra chỗ sâu thả lưới”.

 Đây là một lời mời gọi Chúa dành cho những người Chúa yêu thương, tuyển chọn, là ơn thánh, một sứ vụ của Hội Thánh và Hội Dòng, chúng con xin được tiếp bước Thầy Giêsu và ước mong có trái tim trắc ẩn của Thầy và không quên xin sự “khôn ngoan và đơn sơ” mà Thầy nhắc nhớ các môn đệ khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, anh em hãy “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16-23), để “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 17,14), hòa nhập mà không hòa tan. Với ước mong chúng con thành men nồng, muối mặn giữa dòng đời hôm nay, để có tới “vùng ven” tới “chỗ sâu” cũng tìm được được đường về, vì chính “Thầy là đường là sự thật và là sự sống”.

Nt. Maria Đinh Thị Tơ, OP.

Comments are closed.

phone-icon