Tôi Khát

0

Khám phá ra một sự liên kết (mối tương quan) sâu sắc hơn với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện.

Lisa và Jason đã mong đợi một chuyến đi vui vẻ về nhà sau sự ra đời của Amanda, cô con gái đầu tiên của họ. Nhưng sau đó, một trong những y tá bệnh viện đến báo cho họ biết các thông tin đáng lo lắng: “Khả năng nghe của Amanda không bình thường như  các trẻ sơ sinh khác. Điều đó không có nghĩa là cháu đã mất thính lực, nhưng anh chị cần phải cùng theo dõi cháu với bác sĩ nhi khoa”. Đó là lần đầu tiên trong nhiều cuộc nói chuyện gay go về bệnh tật (của Amanda).

Thực tế, Amanda đã có những dấu hiệu cho thấy cô bé mất thính lực nghiêm trọng. Cô bé không giật mình trước tiếng ồn lớn hoặc không nhìn về phía nguồn gây ra âm thanh. Cô bé mỉm cười khi nhìn thấy mặt của cha mẹ mình nhưng cô bé không quay đầu của mình khi họ nói chuyện với cô từ phía bên kia tầm nhìn của mình. Đau lòng, Lisa và Jason đã theo đuổi mỗi lựa chọn sẵn có để giúp chữa trị cho con gái của họ. Một cuộc hẹn sau đó tiếp theo, cho đến ngày mà Amanda được chuẩn bị để mang một máy trợ thính.

Lisa giữ Amanda trong lòng chị khi các bác sĩ gắn các thiết bị. Jason nhìn chăm chú vào mắt của Amanda. “Amanda, Amanda”, Lisa gọi từ phía sau con gái chị.

“Amanda, mẹ đâu?” Jason hỏi. Chẳng có phản ứng gì.

“Amanda, mẹ ở đây nè”, Lisa nói, nghẹn lại những giọt nước mắt. (Amanda vẫn) Im lặng.

Bất thình lình nét mặt của Amanda thay đổi và em quay sang nhìn lại mẹ mình. “Amanda, mẹ ở đây nè!” Amanda thoáng nở nụ cười trên khuôn mặt của và toàn bộ cơ thể của em chồm lên với sự phấn khích.

“Amanda!” Jason đã khóc. Amanda quay về phía cha mình với hơi thở hổn hển. (Những giây phút căng thẳng) trôi qua cách nhẹ nhàng, cha mẹ bắt đầu cười và khóc cùng một lúc. Con gái anh chị có thể nghe thấy tiếng của anh chị! Còn phần mình, Amanda cười khúc khích và vặn người qua lại với niềm vui thích.

Chúng ta có thể có niềm vui này nếu chúng ta ngày càng gần gũi hơn với Thiên Chúa khi chúng ta cầu nguyện.

Một Cuộc Gặp Gỡ với Thiên Chúa. Có rất nhiều cách cầu nguyện. Có những lời cầu nguyện truyền thống mà chúng ta đã học khi còn trẻ con. Có những lời cầu xin chân thành chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Có những lời cầu nguyện của Thánh Lễ. Nhưng dù tất cả các loại cầu nguyện có khác nhau thế nào, chúng đều có một mục đích chung: một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

Đây là cách Thánh Têrêsa thành Lisieux, một nữ tu dòng Camêlô (Cát Minh) từ thế kỷ XIX, đã diễn tả việc cầu nguyện: “Đối với tôi, cầu nguyện là một cơn sóng của tâm hồn; nó là một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời, đó là một tiếng kêu của sự nhìn nhận và tình yêu”. Điều đó nghe rất giống những gì Amanda đã trải nghiệm khi lần đầu tiên em nghe thấy tiếng nói của cha mẹ em. Đó là kinh nghiệm của tâm hồn chúng ta kết hiệp với Cha trên trời của chúng ta: là chính Thiên Chúa.

Trong tháng này, chúng ta muốn khám phá cách chúng ta có thể trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa cách sâu sắc hơn khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta muốn hỏi làm thế nào chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa như Thánh Têrêsa đã gặp, làm thế nào chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của Chúa như Amanda nghe được tiếng nói của cha mẹ em và làm cách nào chúng ta có thể đáp lại tiếng nói đó theo cách biến đổi cuộc sống của chúng ta.

Chúng Ta Khao Khát Thiên Chúa. Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và giống với Người (x. St 1,26-27). Thánh Kinh dạy rằng Thiên Chúa đã khắc ghi vào tâm khảm chúng ta khát vọng tìm kiếm Người và (sẽ) tìm thấy Người. Điều đó có nghĩa rằng tận sâu trong tâm hồn (trái tim) chúng ta, tất cả chúng ta từ lâu hẳn đã được liên kết với Thiên Chúa. Ngay cả khi, ở giữa con người tội lỗi của chúng ta “con người vẫn mang hình ảnh của Đấng Tạo Hóa của mình và con người vẫn duy trì sự khao khát Thiên Chúa, Đấng đã làm cho họ hiện hữu” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 2566). Hoặc như Sách Châm Ngôn nói Thiên Chúa đã đặt “sự vô tận vào trong trái tim [của chúng ta]” để tất cả chúng ta ý thức rằng chúng ta thuộc về vĩnh cửu và thuộc về Thiên Chúa vĩnh hằng (hằng hữu) (Gv 3,11).

Tuy nhiên, cho dẫu tất cả chúng ta đều khao khát Thiên Chúa, chúng ta không luôn luôn nhìn nhận rằng đó chính là Thiên Chúa Đấng chúng ta đang khao khát. Thường thì chúng ta cố gắng làm dịu cơn khát về Thiên Chúa vĩnh cửu của mình bằng những thứ phù du. Niềm vui và quyền lực, uy tín và của cải có thể hấp dẫn chúng ta, nhưng chúng chỉ cho chúng ta sự trợ giúp (khuây khỏa) tạm thời.

Trong khi những sự hấp dẫn lành mạnh, như sự giáo dục, những thành công trong công việc, hay sự thành toàn trong hôn nhân và gia đình của chúng ta, có thể giúp chúng ta khuây khỏa, nhưng những điều đó có thể không làm chúng ta hài lòng. Chúng ta khao khát một cái gì đó hơn thế nữa. Đó là bởi vì, như Thánh Augustinô đã nói, chúng ta đã được tạo dựng cho Thiên Chúa và “tâm hồn chúng con khắc khoải cho đến khi tìm được sự nghỉ ngơi” trong Chúa.

Thiên Chúa Khao Khát Chúng Ta. Nhưng chúng ta không phải là những người duy nhất đang khao khát. Chính Thiên Chúa khao khát chúng ta! Thiên Chúa đã luôn luôn mong muốn chúng ta gặp gỡ Người. Thánh Vịnh 139 cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa biết khi chúng ta ngồi và khi chúng ta đứng; Thiên Chúa biết tường tận sự đi lại và nghỉ ngơi của chúng ta. Người luôn dõi theo chúng ta, hướng dẫn chúng ta để chúng ta có thể tìm thấy con đường của mình mà đến với Chúa (x. Tv 139,2.3.10).

Từ thời khắc cha mẹ đầu tiên của chúng ta phạm tội cho đến ngày hôm nay, Thiên Chúa của chúng ta vẫn đang gọi chúng ta: “Ngươi (con) ở đâu?” (St 3,9). “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Sách Giáo Lý cho chúng ta biết: “Dù con người có thể quên Đấng Tạo Hóa của mình hay trốn xa nhan Người, dù họ chạy theo các ngẫu tượng của mình hay than trách Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng kêu gọi từng người đến gặp Người cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện” (CCC, 2567).

Trên thập giá, Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta cách rõ ràng nhất về lòng khát khao của Người đối với chúng ta. Khi Chúa Giêsu kêu lên “Ta khát” (Ga 19,28) là Người đang nói với chúng ta rằng Người mong muốn chúng ta được kết hiệp với Người biết chừng nào. Người cũng chỉ cho chúng ta thấy chiều dài những gì Người đã thực hiện để mang chúng ta trở lại với Người. Thậm chí ngày nay, hai ngàn năm sau khi đưa ra lời tuyên bố này, Chúa Giêsu vẫn ao ước tình yêu của chúng ta. Người không bao giờ thôi khao khát để tập họp chúng ta vào trong cánh tay yêu thương và lòng xót thương của Người. Chúa Giêsu đang mong mỏi (khao khát) bạn.

Nước Hằng Sống cho Những Tâm Hồn Khao Khát. Bạn có nhớ câu chuyện về cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với “người phụ nữ bên bờ giếng” (x. Ga 4,4-42)? Chúa Giêsu đang ngồi nghỉ bên một bờ giếng trong thị trấn Samari, Sychar (giếng Giacóp) thì một người phụ nữ đến múc nước. Nhìn thấy chị, Chúa Giêsu nói: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (Ga 4,7). Bây giờ, còn có nhiều yêu cầu hơn cả nhu cầu Chúa Giêsu xin một cốc nước uống vào một ngày oi bức này. Thánh Augustinô cho chúng ta biết: “Cho dẫu Chúa Giêsu xin nước uống, nhưng sự khát thật của Chúa là niềm tin của người phụ nữ này”. Theo Thánh Têrêsa: “Khi Chúa Giêsu nói: ‘Chị cho tôi xin chút nước uống’, đó là tình yêu của thụ tạo nghèo nàn mà Đấng Tạo Hóa của vũ trụ đang tìm kiếm. Thiên Chúa khao khát tình yêu (của con người)”.

Khi câu chuyện mở ra, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu hiểu về quá khứ của người phụ nữ này. Người biết rằng chị đã kết hôn năm lần và rằng người đàn ông chị đang sống chung không phải chồng của chị. Người biết rằng chị đang tránh xì căng đan bằng cách đến giếng (lấy nước) vào lúc nóng nhất trong ngày, khi không có ai khác có mặt ở đó. Nhưng Chúa Giêsu đã không làm lơ những tội lỗi quá khứ hoặc tình trạng hiện thời của chị. Người nói với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Những lời nói của Chúa Giêsu đã làm lộ rõ cơn khát mà chị đã cố gắng làm dịu (làm cho hết khát) bằng những “tình yêu” khác trong cuộc sống của chị.

Sau đó, Chúa Giêsu đã dẫn dắt người phụ nữ đi từ sự xấu hổ và cô lập tới niềm tin và đi vào một mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa. Người đã cho chị thấy rằng chị cần không bao giờ khát nữa. Về phần mình, người phụ nữ đã nếm thử nước hằng sống là sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu. Thực vậy, chị đã rất vui mừng đến nỗi chị đã chạy đi nói với tất cả dân làng về Chúa Giêsu và nước hằng sống mà Người muốn ban cho họ (x. Ga 4,39-41). Sau cùng, chị nhận ra những gì chị đã khao khát bấy lâu nay. Và sau hết, tại bờ giếng, sự khao khát của Thiên Chúa về chị đã được thỏa mãn.

Cầu Nguyện: Nơi Cả Hai Bên Khát Có Thể Được Thỏa Lòng (Hết Khát). Vậy làm cách nào bạn có thể làm dịu đi cơn khát của bạn? Làm cách nào để niềm khát vọng sâu xa nhất của bạn có thể được thỏa mãn? Bằng cách gặp gỡ Chúa Giêsu trong cầu nguyện. Dĩ nhiên không chỉ một lần, nhưng mỗi ngày trong nhà (gia đình) của bạn, trong Thánh Lễ, trong giờ chầu Thánh Thể, khi bạn cầu nguyện với kinh Mân Côi và bất cứ cách nào khác mà bạn cầu nguyện. Bạn hãy nhớ, Chúa Giêsu cũng khao khát bạn, vì thế Người không muốn làm gì cản trở cho bạn. Cũng giống như người phụ nữ Samari, bạn có thể đến và dành nhiều thời gian với Chúa Giêsu; bạn có thể trò chuyện với Người. Bằng cách ngồi dưới chân Người trong cầu nguyện ngày này qua ngày khác, bạn sẽ đặt mình vào một nơi mà bạn có thể trải nghiệm tình yêu rất bao la của Người dành cho bạn và (vào) “nước hằng sống” là sự hiện diện của Người.

Điều này không có nghĩa là việc cầu nguyện sẽ luôn luôn dễ dàng. Đôi khi chúng ta cảm thấy khô khan hoặc bị phân tâm hay lo lắng. Có thể là khó khăn để tìm ra thời gian cầu nguyện hoặc thậm chí khó khăn để có lòng khao khát muốn cầu nguyện. Có lẽ bạn xem việc cầu nguyện như một nghĩa vụ tôn giáo, một đòi hỏi mà Thiên Chúa đang yêu sách bạn. Có lẽ bạn cảm thấy tội lỗi rằng bạn không cầu nguyện đủ hoặc bạn đến với Thiên Chúa chỉ khi bạn cần sự giúp đỡ của Người. Dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn luôn hạnh phúc lắng nghe bạn, ngay cả khi đó chỉ là một lời cầu xin năm giây để được Người giúp đỡ. Nhưng Người muốn nhiều hơn nữa và Người muốn bạn trải nghiệm nhiều hơn nữa. Người khao khát về một cuộc trao đổi tình yêu, “cơn sóng của tâm hồn” mà Thánh Têrêsa đã đề cập đến.

Trong hai bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá cách mà bạn có thể đến với Cha trên trời của bạn và trải nghiệm tình yêu của Người cách sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ xem việc gặp gỡ Chúa có thể làm dịu cơn khát nội tâm của bạn và làm cho bạn muốn tiếp tục trở lại với Người thêm nữa. Giống như em bé Amanda, bạn có thể ngày càng gần gũi với Thiên Chúa hơn bằng cách học để nghe Người nói với bạn những lời về tình yêu, lòng thương xót và sự khích lệ .

Theo The Word Among Us [wau.org]
October Issue 2019
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon