Dọc dài Kinh Thánh, chúng ta không còn xa lạ với những cuộc phiêu lưu của biết bao con người được Chúa chọn gọi như tổ phụ Abraham, Thánh Phao lô, và trong thời đại hôm nay vẫn không thiếu những cuộc phiêu lưu như thế.
1. MỘT THIÊN CHÚA TỎ MÌNH DỌC ĐƯỜNG
Giáo xứ Ninh Phát, Giáo hạt Gia Kiệm, Giáo phận Xuân Lộc là nơi 7 anh chị em được sinh ra và lớn lên. Ba Má lại vốn là hai anh chị trưởng của Hướng Đạo sinh năm xưa, nên với tinh thần muốn phục vụ Giáo Hội, Ba Má đã dâng hiến cho Chúa 3 người con: Anh cả hiện là Linh mục Giáo phận Phú Cường, em út là chủng sinh chủng viện St Giuse Xuân Lộc và người con thứ tư là con.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nên Ba Má đã rất vất vả để nuôi dạy bảy anh chị em chúng con: làm rẫy, buôn bán, đóng giày dép, chăn nuôi ….guồng máy cơm áo gạo tiền cứ quấn lấy Ba Má và kéo theo 7 đứa con, nên khi mới học lớp 6,7 là con đã phải phụ má buôn bán kiếm tiền đóng học. Dù cuộc sống có vất vả và có nhiều đổi thay, nhưng có 3 điều không đổi đó là Ba Má luôn nhắc nhở con cái đi tham dự Thánh lễ mỗi ngày, đọc kinh Sáng Tối và “ mai mốt lớn lên đi tu mà phục vụ Chúa và Giáo hội nha con”. Chính nhờ được hấp thụ trong nền giáo dục đạo đức như thế, nên con rất thích việc cầu nguyện mỗi khi có thể, vì nó mang lại cho con cảm giác bình an và nhiều lúc chợt nghĩ nếu đi tu mình sẽ được sống với điều vui thích này cách dễ dàng hơn.
Năm 2002, Một lần con đến thăm một người thân, hiện là nữ tu dòng Nữ Tử Bác ái Vinh Sơn đang phục vụ tại traị Phong Bến Sắn – Bình Dương và ở lại đó một thời gian ngắn. Chứng kiến nỗi đau khổ của các bệnh nhân phong cùi và cảm phục thái độ phục vụ bệnh nhân của các nữ tu nơi đây, và con đã thầm thưa với Chúa “ Chúa có muốn con là bàn tay nhỏ của Chúa để xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cho các bệnh nhân không?”
Nhưng chẳng bao lâu, ý nghĩ thánh thiện ấy cũng nguôi dần trong con. Năm 2005 tốt nghiệp Trung học ngành Điều dưỡng và làm tại khoa xạ trị ung bướu của BVĐK PHÚ THỌ TPHCM.
Hằng ngày khi tiếp xúc với những bệnh nhân ung thư trong tâm trạng lo lắng hoảng sợ, con càng nhận ra họ phần lớn là những người chưa biết Chúa, nhưng quả là không dễ khi đứng trước bệnh nhân đang “bị án treo” để nói về một Thiên Chúa là Cha yêu thương họ… Cái khó vì họ là những người học cao hiểu rộng mà con chưa học hiểu về Chúa nhiều, lại càng không có nhiều về kinh nghiệm thiêng liêng. Khó là vì con là nhân viên Công Giáo duy nhất trong khoa nên cũng ngại nói về Chúa. Những lúc như thế con lại ước mong có một tu sĩ xuất hiện để nói về Thiên Chúa cho họ, nhưng chẳng biết tìm tu sĩ ở đâu. Nhiều khi cảm thấy nhói lòng vì nhiều bệnh nhân hôm qua vẫn còn trò chuyện với con, nhưng hôm sau họ đã qua đời mà chưa một lần được biết Chúa, những lúc như thế con lại tự trách mình: lại để mất thêm một linh hồn về cho Chúa! Con chỉ biết sau những lời thăm hỏi động viên bệnh nhân, thói quen chiều trở về bên Thánh Thể Chúa trong Thánh Lễ hay nơi Nhà Nguyện nhỏ của Gx. Nam Hòa- TPHCM, kể hết cho Chúa nghe về những con người đau khổ và cả những giới hạn của bản thân. Các bệnh nhân dường như là sợi dây vô hình kéo con đến gần Thiên Chúa hơn.
Rồi một ngày sau khi đã trút mọi muộn phiền lên Chúa, bỗng một tư tưởng lóe lên trong con: “Tại sao con không là tu sĩ” ??? “Tại sao con không là tu sĩ” ??… Nhưng đi tu thì phải từ bỏ nhiều quá!!… và con sẽ được gì? Chúa có cho con các linh hồn không???
2. CHẤP NHẬN PHIÊU LƯU CÙNG CHÚA
Chúa không trả lời, nhưng vì tính muốn phiêu lưu, nên sau một thời gian làm việc, suy nghĩ, cầu nguyện và tìm hiểu, con quyết định tìm hiểu Dòng Đaminh Tam Hiệp dưới sự hướng dẫn của Anh Hai (Lm. G.B Phạm Quý Trọng) và Dì Maria Trần Thị Hiên.
Năm 2007, tận dụng những ngày nghỉ phép năm, con đã đăng ký khóa thanh tuyển của Dòng Đaminh Tam Hiệp, sau 5 ngày tìm hiểu, ngoài việc cầu nguyện, học hỏi tìm ý Chúa, con còn nhận ra có sự hiệp nhất trong cách làm việc của Hội Dòng: Từ Bề Trên Tổng Quyền, đến các Dì trẻ, các Dì lớn tuổi nhà An Dưỡng đến các em Thỉnh Sinh cùng cộng tác với nhau trong việc tổ chức sinh hoạt cho khóa thanh tuyển rất vui nhộn, thêm vào đó là tính năng động và sáng tạo của các Dì giáo, cho con cảm nhận ơn gọi của mình được nhà dòng trân quý, vì thế con đã quyết định đi tu dòng Đaminh Tam hiệp.
Nhưng cũng không dễ dàng giũ bỏ bụi trần như thế. Về viết đơn xin nghỉ việc ở BVĐK Phú Thọ con lại muốn viết đơn xin việc ở BV ĐHYD- TPHCM. Con thưa với Chúa: “Con muốn thử sức mình xem sao, đây là cơ hội tốt nhưng hơi khó, vì con không phải sinh viên trường ĐHYD, cũng không có hộ khẩu TPHCM, mà con phải vượt qua nhiều đối thủ mới mong có cơ hội làm việc, nếu Chúa cho con đậu, con sẽ đi tu, bằng không…. Thật ra lý do đó dường như chỉ là cái cớ để cố líu kéo những gì còn đang dang dở của tuổi trẻ nơi con thôi: danh vọng, tiền tài, bạn bè, tình cảm… Vậy mà Chúa biết hết, nên Ngài đã cho con đậu thật và con đã đi làm lại, nhưng sau 1 ngày trở về lại bên Chúa, con lại bị dằn vặt bởi lời hứa của mình, vì đã hứa với Chúa rồi mà, vả lại con cũng đã 25 tuổi rồi, sợ lớn tuổi quá nhà Dòng không nhận thì sao, nên sau đó con đã giữ lời hứa và đi tu.
3. NHỮNG LỐI RẼ
Ngày 18 /7/2007 con đã bước vào lối rẽ mới: Thỉnh viện, với HƯỚNG DẪN VIÊN LÀ ĐỨC KITÔ
Những năm đầu trong nhà Dòng, một mặt con được nếm cảm sự thanh thoát của đời tu, nhưng mặt kia sao thấy nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ đồng nghiệp quá….và để khỏa lấp nỗi nhớ ấy, Chúa đã cho con cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong các giờ kinh nguyện, niềm vui trong đời sống cộng đoàn, trong công việc, và trong tình thương của Quý Dì Giáo. Để rồi sau 3 năm ở Thỉnh Viện, chính môi trường này đã giúp con trưởng thành hơn, năng động hơn, và khôn lớn hơn về nhiều mặt.
Như các môn đệ xưa sau khi được Chúa tỏ mình trên núi, Chúa vẫn muốn các ông xuống núi với Ngài để tiếp tục cuộc hành trình.
Ngày 30/8/2010 con được Hội Dòng mời gọi tiến lên Tiền Tập Viện cùng với 16 chị em. Cùng với Dì Giáo Maria Nguyễn Thị Kim Hoa và Dì Nhất Faustina Lý Thị Báu chúng con bắt đầu làm quen với việc chăm sóc vườn chè và học tập Mục vụ giáo xứ. Đặc biệt hơn trong giai đoạn này con được Chúa huấn luyện về sự kiên nhẫn và đức vâng phục qua sứ vụ may vá. Một năm phụ việc nhà may Thỉnh viện, tay nghề của con chỉ đủ để thay cái thun quần, thế mà Dì Giáo vẫn muốn con học may để may áo Vest cho chị em khoác đi lễ. Khóa học kéo dài 5 ngày, nhưng sao thấy dài như 5 năm vậy. Đây là công việc con không muốn, nên cũng hơi căng thẳng, các chị em cũng cảm thông nỗi khó khăn của con, nên khi phải mặc những chiếc áo của sự vâng lời, chị em vẫn vui vẻ động viên nhau, dù không biết nên mặc áo đi lễ hay áo đi lao động.
Bài học Vâng Phục ấy cho con hiểu rằng: Người nữ tu cần phải học đức Vâng phục như nền tảng đời thánh hiến, vì đối với ĐGS vâng phục là nền tảng của công trình cứu độ, còn Thánh giá mới là đỉnh cao của sự vâng phục. Cách huấn luyện của Chúa là thế, Ngài chẳng quan tâm đến sự thành công mà chỉ quan tâm đến hoa trái của nhân đức thôi.
Ngày 6/8/ 2011 con được cùng Chúa bước vào vùng đất mới: Tập viện. “ Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc để cùng nó thổ lộ tâm tình” ( Hs 2. 16) đó là ý định ban đầu của HƯỚNG DẪN VIÊN mà mãi sau này con mới hay.
Được bước vào vùng đất thánh thiêng với vị “Hướng Dẫn Viên” hạnh phúc lắm, không biết phải diễn tả thế nào về niềm hạnh phúc của một Tập sinh lần đầu được mặc áo dòng như một dấu chỉ để từ nay con thuộc về Chúa. Nhưng trong niềm hạnh phúc của cô gái đến tuổi yêu, con lại cảm thấy trong lòng thật bối rối, không bối rối sao được khi càng khám phá ra sự cao cả và ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa, càng thấy mình bất xứng dường bao, nên thường đặt câu hỏi: “Liệu mình có đủ thánh thiện để tiếp tục ở với Chúa trong ơn gọi thánh hiến không”???. Những lúc xao xuyến như thế, Dì Giám tập Maria Nguyễn Thị Lựu đã giúp con hiểu ra rằng:” Không phải những người thánh thiện mới được mời gọi sống đời thánh hiến, nhưng chỉ những ai xin vâng trước lời mời gọi của Chúa, Chúa sẽ làm cho họ nên thánh thiện hơn. Từ đó con bình an hơn để cho hạt mầm ơn gọi được đâm chồi nơi mảnh đất Tập Viện.
Người ta nói: năm tập là mùa xuân ơn gọi, phải, mùa xuân ở đây không phải là một lễ hội, nhưng là thời gian giúp mầm sống ơn gọi của con được nảy nở và phát triển vững vàng hơn nhờ đời sống kết hợp với Chúa, kín múc sự ngọt ngào của tình yêu và sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, rồi Chúa lại tiếp tục đưa con xuống núi để nhận định ơn gọi rõ hơn qua năm tập II.
Ngày 6/8/2013 con được tuyên khấn lần đầu trong tay BTTQ Maria Nguyễn Thị Hùy. Với Ba lời khấn Khiết tịnh – Khó nghèo – Vâng phục, từ nay con được thánh hiến cho Thiên Chúa để thuộc về Ngài. Diễn tả sao xiết niềm vui được kết ước với Đấng Tình Quân lại là “ HƯỚNG DẪN VIÊN” đời mình, hạt bụi được yêu thương, một kết ước không môn đăng hộ đối về sự thánh thiện, nhưng được thêu dệt bởi tình yêu và lòng thương xót, để rồi khi cất cao lời kết ước, con xác tín thưa với Chúa: “Không phải lần đầu tiên mà là kết ước trọn đời đấy Chúa nhé!”
Nối tiếp niềm vui của ngày tiên khấn, con được Hội dòng cho con có cơ hội học hỏi về Chúa qua 3 năm thần học tại Học Viện Thánh Tôma.
ĐGH Gioan Phaolo II đã nói, “ Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm ngắm chân lý”. Nhưng đứng trước sự bao la của tri thức nhân loại nói về Thiên Chúa, con thấy mình tuy nhỏ bé nhưng thật may mắn vì được phiêu lưu vào những miền đất thánh thiêng của các tổ phụ, mảnh đất đầy những tiếng sấm các ngôn sứ.. và mảnh đất năng động và ân sủng của Giáo hội, qua đó con có được cơ hội theo sát Đức Kitô hơn nhờ được học hiểu Kinh Thánh và lớn lên trong đời sống tâm linh. Đồng thời tri thức cũng giúp con có những suy nghĩ thánh thiện hơn và làm việc có phương pháp hơn. Song bên cạnh đó, cũng có một miền đất âm u đầy dãy những con người đau khổ, nơi đó Chúa mời gọi con thực tập nói về Chúa cho những bệnh nhân bệnh ung thư đang trong những ngày cuối đời, tạ ơn Chúa một số người trong số họ đã được biết Chúa và lãnh bí tích rửa tội trước khi qua đời.
Nếu như ba năm thần học giúp con khám phá về Thiên Chúa để hiểu và yêu Ngài nhiều hơn, thì 3 năm sứ vụ, Hội dòng lại mời gọi con sống phần tiếp theo linh đạo Đa Minh đó là: “Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”
4. THỬ THÁCH VÀ NHỮNG ĐIỀU KỲ THÚ
Năm thực tập đầu tiên, con được sai đến Tx Kitô Vua- Bình Hà . 2h30 sáng ngày 16/8, chuyến xe đêm đưa con và hai chị khác từ Sài Gòn đến xã Thuận Hạnh – Đaknong. Cơn mưa rả rích rích có lẽ kéo dài từ đêm qua làm cho con đường đất đỏ càng thêm lầy lội, không một bóng người qua lại, ánh sáng của điện đường đủ để nhận ra nơi đang đứng có lẽ là cái chợ quê. Cái lạnh ẩn trong cái hoang vu của miền sơn cước làm cho con thêm phần sợ hãi, biết hỏi đường ai đây, chỉ còn biết hỏi Chúa: “ Chúa ơi, Mình đi đâu thế” ???, chẳng thấy Chúa trả lời, chỉ thấy xa xa một cậu thanh niên xuất hiện.
- Các Sơ hả? vào nhà con ngủ đi sáng mai con chở về.
- Anh ơi nhà Sơ ở đâu vậy? ( hỏi xong mới hay đây là câu hỏi của người không bình thường lắm)
- Cách đây khoảng 1 cây số, nhưng đường dốc, lại tối tăm, khó đi lắm.
Chẳng ai biết anh ta là ai, sau một hồi bàn tính, quả thật lúc này không còn chọn lựa nào khác, chỉ còn biết tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và hy vọng đây là sự sắp đặt của bề trên, nên chị em đành theo chân người thanh niên vào nhà và chia phiên ngủ để canh cho nhau, nhưng vì chặng đường dài cộng thêm được chăn êm nệm ấm đã làm cho các lính canh dần dần cũng chìm vào giấc điệp cho đến sáng. Tạ ơn Chúa đã cho chị em một đêm bình an.
7 giờ sáng hôm sau, người thanh niên đêm qua đã liên hệ được chiếc xe máy cày để chở ba chị em và hành lý về cộng đoàn. Phải cố gắng lắm con mới có thể tìm được một chỗ an toàn để khỏi bị rớt đất khi xe phải băng qua những ổ voi của xã Thuận Hạnh, núi đồi chập chùng đang ẩn mình trong lớp sương mù dày đặc, thỉnh thoảng lại thấy vài mái nhà heo hút giữa thảm xanh của núi rừng, nhìn chặng đường khúc khuỷu, cho con nhận ra thế nào là sự hy sinh vất vả của những bước chân của những nhà truyền giáo năm xưa, và thầm thưa với Chúa “con sẽ mang Tin Mừng của Chúa đến nơi này, bằng cách nào con cũng chưa biết, nhưng Chúa giúp con nhé”!
Ngoài việc dạy giáo lý và phụ trách ca đoàn, con được trao nhiệm vụ phụ trách nhà thuốc. Vì chưa từng làm nhà thuốc bao giờ, cộng thêm tay nghề còn non nớt, lúc đầu con cũng từ chối làm nhà thuốc, nhưng vì không thể cầm lòng trước những bệnh nhân nghèo, có khi đi cả hơn chục cây số đến mua thuốc không lẽ ngoảnh mặt làm ngơ. Sau nhiều ngày cầu nguyện và với lời động viên của một vị Giáo sư: “Con đừng xem thường Chúa Thánh Thần nha!”. Thế là một lần nữa con quyết định phiêu lưu với Chúa Thánh Thần và tiếp tục mở cửa nhà thuốc: Với thời gian, Nhà thuốc không chỉ là nơi chữa bệnh, mà còn là nơi gặp gỡ, chia sẻ, truyền giáo cho những nông dân chất phác dễ thương, cũng từ đó Chúa cho con và các bệnh nhân nghèo có thêm nhiều niềm vui nhờ ơn chữa lành, và cũng từ đó con cũng tự tin hơn với tay nghề của mình.
Kết thúc năm thực tập I con nhận ra rằng: Chúa không thua lòng quảng đại của con, Chúa cần con liều lĩnh một chút, quảng đại một chút để lên đường, phần còn lại Chúa lo.
Với kinh nghiệm mới, niềm vui mới của đời tông đồ, con tiếp tục thưa với Chúa “này con đây” khi được Hội dòng sai đến Tu xá Phanxico. Cuộc sống tông đồ tưởng chừng như êm ả, bỗng dưng Chúa lại muốn dẫn con vào vùng đất nguy hiểm hơn: con phải trải qua ca phẫu thuật u nang buồng trứng.
Trong sự đau đớn của bệnh tật con mới hiểu hơn về sự khó nghèo của phận người nên đã hỏi Chúa: “Bây giờ con yếu sức rồi, Chúa có muốn con tiếp tục lên đường với Chúa không?”. Chúa vẫn lặng thinh, nhưng trong sự im lặng của Thiên Chúa, con được hiểu rằng: Khó nghèo không phải là một nền thần học loại bỏ, nhưng là trao hiến, hiến dâng để làm cho nó có giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa và mưu ích hơn cho tha nhân. Với câu trả lời ấy, càng làm cho con xác tín hơn về ơn gọi Chúa dành cho con, nên con đã bình an “xin vâng”, dâng lên Chúa con người với những giới hạn của mình, xin Ngài Thánh hiến, để lên đường tiếp tục đến với các cụ già neo đơn nơi Viện dưỡng lão tình thương Suối Tiên trong năm thực tập III
Nếu năm I việc phụ trách nhà thuốc cho con có thêm kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân, năm II cho con nhận ra sự nghèo khó của phận người để cảm thông, thì năm III Chúa lại mời gọi con “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,18) .
130 cụ già neo đơn: Cụ thì bại liệt, cụ thì cả đời bán vé số nay bị kẻ xấu lừa mất hết tiền của, rồi hóa dại đến cả tên mình cũng chẳng nhớ; cụ thì bị con cháu tống ra ngoài đường vì chủ nhà không cho người già trọ; cụ thì phải xin ăn để mang tiền về nuôi đứa cháu nghiện ngập; cụ thì từng làm gái bán thân rồi thành “Tú bà”, nay sám hối tìm về nương ẩn nơi nhà Chúa… Mỗi người là mỗi câu chuyện về sánh sáng và bóng tối, tình yêu và thân phận, cuộc đời họ đã bị mưa quăng, gió quật, đã rách , đã nát tả tơi, duy niềm tin nơi Chúa vẫn còn đầy đặn… thảy đều nhói buốt trong nhau.
Đức Kitô trên Thánh giá năm xưa vẫn hiện diện nơi đây, vẫn còn đó những vết thương đang chảy máu, bẩn thỉu, có khi hôi thối, có khi đã loét sâu và đang làm mồi ngon cho giòi bọ. Thoạt đầu, con cũng e ngại khi đến với những chi thể đau đớn của Đức Kitô, nhưng khi con hiểu rằng: họ là những người thân cận mà Chúa muốn con yêu như chính mình, thì con can đảm hơn vui vẻ tự nguyện dấn thân trong công việc phục vụ. Để có thể làm được như thế, mỗi sáng quỳ trước Thánh Thể con luôn thưa với Chúa: “Xin làm cho điều làm vui lòng Chúa trở thành điều con yêu thích và say mê Chúa nhé!”
Cũng nơi đây, ngoài cơ hội tự rèn luyện bản thân, tập sống thích ghi với những thay đổi trong sinh hoạt thường ngày để sống đức ái nhiều hơn nơi Viện Dưỡng Lão tình thương này, con cũng học được nhiều gương sáng của các Dì, các chị: Sự kiên nhẫn, và nhạy bén trong công việc, sự nghiêm khắc và mềm mỏng, sự hy sinh và dấn thân. Nhưng trên hết, đó là niềm vui được gặp Chúa, sờ chạm được Chúa không chỉ nơi những người nghèo khổ mà còn qua chị em, qua ân nhân và các tình nguyện viên nơi đây. Tình Chúa và tình người như đôi cánh giúp con mỗi sớm mai lại hân hoan lên đường thi hành sứ vụ với hy vọng: Nguyện cho danh Cha cả sáng hơn.
Sau những năm bôn ba sứ vụ, năm nay con được Mẹ Hội Dòng dành cho 1 năm để chuẩn bị cho hiến lễ trọn đời, đây cũng là thời gian con có cơ hội nhìn lại lịch sử đời mình trong suốt 37 năm sống trong ân sủng Chúa và hơn 12 năm sống trong ơn gọi dâng hiến, không phải như những sự kiện lịch sử, cũng không phải để đặt lại câu hỏi về ơn gọi, nhưng để xác tín hơn về ơn gọi Chúa muốn và để biết mình muốn thuộc về ai?.
Và đến hôm nay con cũng không dám đặt lại câu hỏi năm nào: “theo Chúa con sẽ được gì”? Vì con biết điều con được không phải là công việc, cũng không phải các linh hồn mà là CHÍNH CHÚA
5. TRI ÂN
Nhìn lại hành trình ơn gọi để một lần nữa sống tâm tình tạ ơn với Thiên Chúa, Đấng không chỉ tạo dựng nên con mà còn mời gọi con cùng phiêu lưu với Ngài trong hành trình đức tin.
Xin tri ân Mẹ Hội Dòng đã thương cưu mang và nuôi dưỡng con trong ơn gọi thánh hiến.
Con xin tri ân đến quý Dì Giáo, Quý bề trên, Quý Dì và quý chị em đã luôn đồng hành và hướng dẫn con như người em nhỏ trong gia đình Đaminh Tam Hiệp.
Con cũng xin khắc ghi công ơn sinh thành dưỡng dục và tình yêu thương của Ba Má và các anh chị em trong gia đình đã luôn động viên con, đồng thời luôn tạo điều kiện tốt nhất để con được an tâm trọn tình bước theo Chúa.
Xin tri ân Dì Maria Trần Thị Hiên và Anh Hai là Lm GB. Phạm Quý Trọng và tất cả những ai đã âm thầm đồng hành với con cách này cách khác trong trong ơn gọi dâng hiến.
Nt. Maria Phạm Hồng Thúy Kiều