Hoài niệm

0

Nhớ ngày xưa tháng cũ,
 con hoài niệm mọi công trình của Chúa
 và gẫm suy việc tay Chúa làm nên[1].

Lịch sử là chuyện đã qua nhưng nhờ nhìn lại lịch sử, chúng ta cảm nhận được sự linh hoạt kỳ diệu của Thánh Thần trong đời sống Hội Thánh cũng như trong từng tập thể hay cá nhân. Hôm nay, nhân dịp mừng 50 năm thiết lập chương trình Thần học dành cho các nữ tu (Lớp Sedes Sapientiae) – 50 năm đối với một đời người quả có dài, nhưng với lịch sử hơn hai nghìn năm của Giáo hội, thì đây chỉ là một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi, còn với 52 năm hình thành và phát triển Tỉnh Dòng Đa Minh tại Viêt Nam thì lại là mốc điểm lịch sử rất đáng trân trọng, vì đã giúp cho việc thăng tiến người nữ tu theo chiều kích của Hội Thánh, để giúp họ có thể chu toàn sứ vụ chứng tá trong một xã hội đang đổi thay đến chóng mặt, đồng thời biết vận dụng tối đa khả năng trực giác, trí thông minh và lòng nhân hậu của người nữ để tìm ra những phương thế dấn thân tông đồ và mục vụ cách sáng tạo, sẵn sàng cùng thao thức muốn “chèo ra chỗ sâu” với Hội Thánh…

Chúng ta cùng nhìn về quá khứ với một niềm tri ân cảm tạ qua những đoản khúc dệt lời tạ ơn hôm nay và mãi mãi.

1. Luồng gió Thần Khí:

Ai cũng biết rằng, Công đồng Vatican II được ví như một luồng gió mới thổi vào làm thay đổi một cách toàn diện đời sống đức tin của Giáo hội. mời gọi Giáo Hội tự nhìn lại mình trong cuộc hành trình truyền giáo và phát triển đạo theo dòng lịch sử để canh tân như thánh Gioan XXIII nói: “Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ”[2].   Riêng với những người sống đời thánh hiến, Công đồng đã đề ra một phương hướng chuẩn bị chu đáo để trang bị và đào luyện những giá trị và vốn liếng cần thiết trong việc sống đời thánh hiến và thi hành sứ vụ mà chúng ta cần đến, nhất là cho các tu sĩ trẻ:

“Để việc thích nghi đời sống dòng tu với những đòi hỏi của thời đại chúng ta không chỉ hời hợt bên ngoài và để những tu sĩ chuyên lo việc tông đồ bên ngoài theo hiến chương khỏi thiếu khả năng chu toàn nhiệm vụ, phải cho họ học biết cách thích đáng những lối sống, cách cảm nghĩ và suy tư đang thịnh hành trong xã hội hiện tại, mỗi người tùy khả năng trí thức và tâm tính riêng. Phải biết hòa hợp các yếu tố của việc huấn luyện sao cho người tu sĩ có một đời sống thuần nhất. Suốt đời, các tu sĩ hãy chuyên chăm hoàn bị việc huấn luyện tu đức, giáo lý, kỹ thuật; còn các Bề trên hãy tùy sức lo cho họ có cơ hội, phương tiện và thời giờ để chu toàn bổn phận ấy. Các Bề trên cũng có nhiệm vụ chọn lựa kỹ lưỡng và chuẩn bị cẩn thận những vị giám đốc, linh hướng và giáo sư.”[3].

Tự sắc Ecclesiae Sanctae đã đề ra hướng thực hiện cho các Hội dòng một cách khá rõ ràng:

“Việc theo học thêm sau năm Tập, tùy theo cách thích hợp của mỗi Dòng, là việc rất cần thiết cho hết mọi Tu sĩ, dù là những tu sĩ sống đời chiêm niệm. Đối với các Tu sĩ dòng giáo dân và các Nữ tu thuộc dòng chuyên việc tông đồ, việc học ấy nói chung phải kéo dài hết kỳ Khấn tạm như ở nhiều dòng đã có Học viện, Kinh viện hay tên gì đó”[4]

“Việc học ấy phải thực hiện ở các nhà thích hợp và để khỏi chỉ là lý thuyết suông, nó cần phải được kiện toàn bằng việc thực tập các công việc hay các nhiệm vụ theo tính chất và hoàn cảnh riêng của mỗi dòng để các tu sĩ được xen dần dần vào đời sống họ phải sống mai ngày”.[5]

Vì mỗi Dòng không thể dạy Giáo lý hay chuyên môn riêng cho đầy đủ được nên có thể nhiều Dòng hãy tập hợp lại, lấy tình huynh đệ mà cộng tác giúp nhau. Việc cộng tác đó có thể thực hiện được bằng nhiều trình độ và hình thức khác nhau như: chung nhau về bài học hay trao đổi Giáo sư lẫn cho nhau, hoặc tập trung giáo sư và phương diện thiết yếu lại ở một trường để tu sĩ các Dòng đến đấy học chung. Những Dòng có dồi dào phương tiện hơn, hãy vui lòng giúp các Dòng khác[6].

Đó chính là lý do mà việc thiết lập Học viện tại nhiều Hội dòng được hình thành. Tuy nhiên điều chính yếu về chương trình học, giáo sư hướng dẫn lại là mối băn khoăn lớn! Làm sao mỗi Hội dòng có thể tự hoàn bị được chương trình này như Thánh bộ Tu sĩ mong muốn: Học đúng như đã quy định và phải học đầy đủ. Nghĩa là: Không được lên lớp, nếu không đủ điểm để lên, và không được bỏ qua một phần nào của chương trình. Học đúng theo thời gian quy định, không được bớt xén chút nào.. Phải chăm lo hết sức đừng để các sinh viên triết lý thần học ngơi tiến trên đường trọn lành. Điều họ phải đạt được là giáo lý chắc chắn và đời sống gương mẫu thánh thiên[7].

2. Niềm vui hoan hỉ:

Việc CHÚA làm cho chúng con, Ngài sẽ hoàn tất ;

          lạy CHÚA, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

          Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.[8]

Thật là ý Chúa quan phòng rất kỳ diệu, giữa lúc các Bề trên Hội dòng đang băn khoăn lo lắng – thì niềm vui đã đến: Đó là khi Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam được thành lập vào ngày 18-03-1967 – thì Học Viện Thánh Alberto chính thức trở thành một Trung Tâm Học Vấn Hiến định của Tỉnh Dòng được đặt tại Vũng Tàu… đến năm 1968, Học Viện này chuyển về Thủ Đức, Sài Gòn – được đổi tên là “Học Viện Đaminh” và tiếp tục phát triển…[9]

Vào năm 1969, Tỉnh dòng đã mở lớp TRIẾT LÝ THẦN HỌC (SEDES SAPIENTIAE) dành riêng cho các Nữ tu. Khai giảng ngày 15/9/1969

Mục đích: Giúp các Nữ tu sĩ đi sâu vào các vấn đề Tôn giáo, ngõ hầu đáp ứng những nhu cầu đào tạo nội bộ cũng như việc tông đồ như dạy giáo lý tại các  trường Trung, Tiểu học công giáo.

Thời gian:  Khóa học kéo dài 3 năm. Mỗi tuần 9 giờ (tuần học 3 ngày).

Niên khóa khai giảng vào tháng 8, bế mạc tháng 4

Sát hạch:

Sau mỗi Tam cá nguyệt, sẽ có một kỳ sát hạch tổng kết cuối niên khóa, môn nào cũng phải trên trung bình mới được lên lớp và cấp học bạ.

Điều kiện:

  • Học viên chính thức phải có học lực Tú tài Việt Nam. (hay tương đương), có giấy giới thiệu của Bề trên Trung Ương, đóng học phí mỗi niên khóa.
  • Chấp nhận học viên dự thính với những điều kiện dễ dãi hơn, nhưng không được dự thi và cấp học bạ.

Chương trình được phân phối như sau:

NĂM I NĂM II NĂM III
1.        Luận Lý học

2.        Vũ trụ học

3.        Tâm Lý học

4.        Siêu hình học

5.        Bình luận học

6.        Xã hội học

7.        Giáo Hội Học

8.        Mạc Khải Luận

9.        Kinh Thánh nhập môn.

 

1.      Tín Lý

2.      Luân lý

3.      Giáo luật.

4.      Dân luật

5.      Giáo Sử

6.      Chú giải Thánh Kinh

7.      Lịch sử cứu rỗi

8.      Tôn Giáo sử

9.      Giáo Phụ học

10.  Phụng vụ học.

1.   Tín Lý

2.   Luân lý

3.   Giáo luật

4.   Dân luật

5.   Giáo Sử

6.   Chú giải Thánh Kinh

7.   Giáo mục

8.   Kỹ thuật Dạy Bổn

9.   Tổ chức Hội đoàn

10.  CG.Tiến hành.

 Các giáo sư :

Cha Giuse Nguyễn Chu Cung, OP     : Luận lý học.

Cha Giuse Nguyễn Công Lý, OP       :  Nhập Môn Thánh Kinh

Cha Giuse Đoàn Thiệu, OP                :  Nhập Môn Triết học

Cha Anrê Đinh Dưỡng Thiệm, OP    : Minh Giáo

Cha Ignatio Nguyễn Ngọc Rao, OP   :  Giáo Hội Học

Cha Gioan Baot. Đỗ Đình Hoan, OP : Siêu hình học

Cha Đa Minh Nguyễn Văn Hộ, OP   : Xã Hội Học

Cha Giuse Nguyễn Triền Miên, OP   :

Và còn một số giáo sư vào những năm kế tiếp mà tôi không thể nhớ…

3. Vào dười mái trường

Ngày 15 tháng 09 năm 1969 là ngày tràn niềm hân hoan, giữa tiết trời nắng cháy   của khu vực gần trường sỹ quan Thủ đức, những chiếc xe hơi lớn nhỏ từ từ lăn bánh tiến vào và dừng lại trước tòa nhà rộng lớn tọa lạc trên mảnh đất mênh mông. Đó chính là Học Viện Đa Minh Thủ Đức, nơi đào tạo các ứng sinh lên chức linh mục của Tỉnh Dòng Đa Minh VN. Các chị em Nữ tu chúng tôi được quý cha tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hành. Cha Bề trên Học viện Giuse Nguyễn Công Lý, OP. đã dành cho chị em một hội trường rộng rãi ngay tầng trệt làm lớp học, có một hành lang thoải mái phía trước để thư giãn giờ ra chơi. Đó là khu vực chúng tôi được phép đi lại, ngoài ra là khu dành riêng của các Thầy.

Con số học viên tới lớp Thần học mang tên “Sedes Sapientiae” tại Thủ đức trong năm đầu tiên khá đông, gồm các chị em thuộc Dòng Đức Bà Truyền giáo (Thủ Đức), Hội dòng Con Đức Mẹ Nam Vang, Hội dòng  Đa Minh Tam Hiệp, Đa Minh Thánh Tâm, … Số chị em dự thính cũng khá đông, đa số là các chị đã khấn trọn đời.

Nghĩ về ngày ấy, chúng tôi thật giản đơn, đến độ trong vòng mấy năm học như thế mà các lớp không hề ghi lại một tấm hình nào để đưa vào kỷ niệm. Nhưng về việc học thì ai nấy ý thức nghiêm túc và một sự khổ chế nào đó trong việc học hành và thi cử. Tuy mỗi cha giáo có một cung cách truyền đạt khác nhau… Nhưng không giáo sư nào phải thở dài về các học viên nữ tu của mình, bởi chị em thuộc các Hội dòng hầu hết  ý thức việc chúng tôi đến với lớp Sedes Sapientiae để làm gì, nếu không phải là để chuyên cần truy tầm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và trang bị cho mình những giá trị cần thiết giúp  trở nên những nữ tu trưởng thành về các mặt thiêng liêng, trí thức, nhân bản, có khả năng đảm nhận sứ mạng được giao cách trung hành và sáng tạo, trở thành những người thợ lành nghề cho vườn nho của Chúa, những người sẵn sàng ra vùng ngoại biên, tùy theo linh đạo của mỗi Hội dòng,

Chúng tôi xác tín rằng chính tình yêu đối với Giêsu và với con người mới giúp vượt qua được những khó khăn của giai đoạn học tập.

Lớp học thuở ban đầu có 3 màu áo rõ ràng: trắng (Đa Minh), xám tro (Đức Bà truyền giáo), đen (Con Đức Mẹ Nam Vang). Điều này là cơ hội tốt giúp chúng tôi sống tình bạn, tình hiệp thông với tất cả những ai sống đời thánh hiến..

4. Cảm tạ hồng ân

50 năm trôi qua,

Lạy CHÚA, con hết lòng cảm tạ,

kể ra đây muôn việc lạ Chúa làm.[10]

50 năm trôi qua,

Công trình Ngài, lạy CHÚA, quả thiên hình vạn trạng !

Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, [11]

50 năm trôi qua,

Chúng con xin thắp sáng một tâm tình tri ân cảm mến sâu đậm:

Mẹ Giáo Hội qua Công đồng Vaticano II

Tỉnh dòng Nữ Vương Các thánh Tử đạo Việt Nam:

Cha Giám tỉnh, cha Bề trên và các cha giáo sư tại Học viện Đa Minh Thủ đức

Quý Mẹ Bề trên , Quý Bề trên và quý chị giáo;

Cũng như tất cả những vị đã dành thời gian để hướng dẫn và giúp đở chúng con, về tinh thần cũng như vật chất.

Việc CHÚA làm cho chúng ta, ôi vĩ đại !

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.[12] 

5. Tưởng niệm:

Chúng con thắp nén hương lòng tưởng niệm tri ân công đức cao dầy của:

Cha Giám Tỉnh Gioakim Nguyễn Văn Liêm, OP

Cha Bề trên Giuse Nguyễn Công Lý, OP

Cha Giám đốc Anrê Đinh dưỡng Thiệm,OP

Cha Giuse Đoàn Thiệu, OP

Cha Giuse Nguyễn Chu Cung, OP

Cha Giuse Đỗ Đình Hoan,OP

Cha Giuse Nguyễn Triền Miên, OP.

Quý Mẹ Bề trên,

các Bề trên, Chị giáo và các thầy dạy

đã ra đi trước chúng con.

Thương nhớ chị Josephine Nguyễn Thị Thọ,

người chị em Học viện Đa Minh Tam Hiệp

đã về Nhà Cha khi còn đang theo học Lớp Sedes Sapientiae..

Nt Terêsa Nguyễn Thị Phượng.

Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp

 

Tài liệutham khảo:

  • Sắc lệnh Canh tân thích nghi đời sống tu trì của Công đồng Vaticano II
  • Tự sắc Ecclesiae Sanctae của ĐTC Phaolo VI
  • Nữ tu đọc Văn Thư Tòa Thánh (HD Đa Minh Tam Hiệp)
  • Hướng Mới của Thánh Bộ Tu sĩ 1970
  • Dòng Đa Minh Tam Hiệp 50 năm hình thành và phát triển (2001)
  • Nội san Ánh Sáng của dòng số 90-96/1970

[1]    Tv 143,5

[2]   50 năm Công đồng Vatican II – từ những góc nhìn

[3]   Hướng Mới Thánh Bộ Tu Sĩ, số 18

[4]  Tự sắc Ecclesiae Sanctae số 35

[5]   Tự sắc Ecclesiae Sanctae số 36

[6]   Tự sắc Ecclesiea Sanctae số 37

[7]   Tự sắc Ecclesiae Sanctae số 38

[8]   Tv 138,8

[9]   Giới thiệu khái quát về Học viện – Trung tâm học vấn Đa Minh tại VN.

[10]   Tv 9,2

[11]   Tv 104,24

[12]  Tv 126,3

Comments are closed.

phone-icon