Các con rất thân mến!
Mỗi năm vào dịp lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội sống lại niềm vui không thể diễn tả của những ngày đầu hiện diện và hoạt động loan báo Tin Mừng đặc thù và đã đạt được nơi tất cả các dân tộc trên trái đất. Vì vậy vào ngày rất ý nghĩa này, như thường lệ, tôi mong được gửi tới các con sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo sẽ được cử hành vào tháng 10 tới đây.
1. Giáo Hội sinh ra từ hơi thở của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Trung thành với lệnh truyền của Chúa Kitô, các Tông đồ đã tề tựu trong nhà tiệc ly để cầu nguyện và suy gẫm cùng với Đức Maria. Nơi những con người ưu tuyển này, thấp thoáng một cảm giác lo lắng nào đó khi đứng trước sứ mạng Thầy trao phó: “Anh em hãy đi… và giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (Mt 28,19). Sự lo lắng về những đe doạ gần đây của những người Do thái, về sự thiếu hiểu biết những lần quả quyết của Chúa, và nhất là kinh nghiệm về sự thất bại và giới hạn của mình trong việc đáp trả lệnh truyền của Chúa. Các tông đồ đầu tiên này, thất học và sợ sệt, đã gắn bó mật thiết với người mà họ cảm thấy như là Mẹ, nguồn hy vọng và niềm tin tưởng.
Rồi ở đây, đột nhiên xảy ra một sự “biến đổi”, nhờ hơi thở mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần. Một sự biến đổi cơ bản về tâm trí và trái tim : giờ đây các tông đồ cảm thấy tâm trí của họ được mở ra, tràn đầy nhiệt huyết năng động không thể kiềm chế; họ bị ảnh hưởng bởi một sự thúc đẩy duy nhất là đi rao giảng, truyền đạt cho người khác những gì họ đã chiêm niệm trong ánh sáng mới của mặt trời. Chúa Thánh Thần đã liên kết họ như liên kết một bức tranh tuyệt vời, bằng mỗi lời được công bố từ Chúa Kitô.
Như thế, Giáo Hội được sinh ra. Sinh ra trong ngày lễ Ngũ Tuần. “Được sinh ra, như tôi đã nói trong bài giảng khi kết thúc Đại Hội Thánh Thể quốc gia lần thứ XX tại Milano, ngày 22 tháng 5 năm 1983, nhờ hơi thở quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài đã mời gọi các tông đồ ra khỏi nhà Tiệc ly để bắt đầu sứ mạng của mình. Họ đã ra đi giữa muôn người và đặt ra cho thế giới một con đường để dậy dỗ muôn dân”.
2. Giáo Hội, cộng đoàn không ngừng truyền giáo
Bởi thế, Giáo Hội xuất hiện từ lúc thiết lập lần đầu tiên, giống như cộng đoàn của các môn đệ, họ có lý để tồn tại là thi hành trong thời đại mình sứ mạng của chính Chúa Kitô, là loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới. Do đó, Giáo Hội là một cộng đoàn luôn ở trong tình trạng truyền giáo, tức là cộng đoàn truyền giáo, trong đó các thành viên được liên kết trong một nhiệm thể để được sai đi đến với muôn dân; nếu bên trong cộng đoàn đa dạng này gồm các vai trò, các hoạt động và các “đặc sủng” (x. 1Cor 12, 4-5), thì tất cả mọi người đều có chung ơn gọi truyền giáo (x. LG 17, AG 35-36): giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân.
Tất cả mọi người, không phân biệt ai, được mời gọi để thi hành sứ mạng của Đấng Cứu Chuộc, ngay cả trong ơn gọi chuyên biệt và trong điều kiện và khả năng riêng. Tất cả mọi người phải cảm thấy dấn thân trong sứ mạng truyền giáo duy nhất này: hãy dành một chỗ trong thế giới để đem tin mừng mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta, để hoàn tất lời ngôn sứ của tác giả Thánh vịnh : “Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 19,5).
Không những thế, họ còn phải cảm thấy dấn thân đặc biệt với những người làm việc trên đường phố về Phúc Âm hóa, còn được gọi là các “nhà truyền giáo”, cũng như mỗi linh mục hoặc người được thánh hiến trong lãnh vực hoạt động riêng của mình, phải khơi dậy trong các tín hữu ý nghĩa của bổn phận truyền giáo.
Kể cả các giáo dân cũng phụ thuộc vào bổn phận Phúc Âm hoá sâu sắc trong bối cảnh xã hội và văn hóa mà họ đang sống, có thể trong các quốc gia, nơi mà lời rao giảng đức tin vẫn chưa có hoặc những quốc gia đã có kitô hữu nhưng cần được hồi sinh để lấy lại sức mạnh mới và sâu sắc hơn để quảng bá.
3. Những người trẻ, niềm hy vọng của việc rao giảng Tin Mừng
Như .ôi đã nói, nếu đòi hỏi này là phổ biến với mọi thành phần trong Hội Thánh, thì sự đòi hỏi đó liên quan cách đặc biệt đến những người trẻ nam cũng như nữ. Vì vậy trong Năm quốc tế về Giới trẻ, tôi tha thiết kêu gọi khả năng, lòng quảng đại và sự cống hiến nhanh nhẹn của họ mà không bao giờ thiếu khi nói đến hỗ trợ một lý do chính đáng nào đó.
Trong bối cảnh ngàn năm thứ ba đang tới, và trong thời điểm quan trọng của lịch sử nhân loại mà mối đe dọa về sự tàn phá và hủy diệt dường như đang đè nặng trên thế giới của chúng ta, chúng tôi kêu gọi, chúng tôi khích lệ các con, nhân danh Đức Giêsu Kitô, làm cho các con trở thành người loan báo Tin Mừng để truyền bá lời cứu độ, là chân lý của Thiên Chúa với tất cả sức mạnh của các con; và điều này, vừa có sự cống hiến bằng chính đời sống của các con là làm chứng cho Nước Trời mai hậu, sự thật và tình yêu; vừa hoạt động cách cụ thể để biến đổi mọi thực tại thời gian theo tinh thần Tin Mừng (x. Thư gửi Giới trẻ, ngày 31/5/1985, số 9), vượt qua những cám dỗ chán chường dẫn tới việc rút lui và thiếu dấn thân.
Đây không phải là thời gian để sợ hãi, để thoái thác cho người khác nhiệm vụ này, đúng là khó khăn thật, nhưng cao cả. Mỗi người, như thành viên của Giáo Hội, phải đảm nhận phần trách nhiệm của mình. Mỗi người trong anh em phải làm sao cho những người ở gần mình, trong gia đình, trong trường học, trong thế giới thuộc mọi nền văn hóa, mọi ngành nghề hiểu rõ rằng Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống; chỉ có ngài mới có thể đánh tan nỗi tuyệt vọng, sự tha hóa của cá nhân, và đưa ra lời giải thích về sự hiện hữu của con người, một thụ tạo hiểu biết có phẩm giá cao cả bởi vì được làm ra giống hình ảnh của Thiên Chúa. Cần phải công bố và làm cho mọi người nhận biết chân lý cứu độ, bởi vì không thể thờ ơ với hàng triệu triệu người chưa nhận biết hoặc hiểu sai về kho tàng vô giá của ơn cứu chuộc.
Sau hai ngàn năm “giảng dậy” về Chúa Kitô: đúng vậy, lệnh truyền đó dường như đã dừng lại ở một vài nơi, trong khi ở những nơi khác việc thực hành dường như chậm chạp. Vì vậy, chúng tôi mời gọi các con, những người trẻ trên toàn thế giới, và tôi mời gọi các con cũng như Chúa Kitô sai các tông đồ, cùng với sức mạnh đến từ lời của chính Chúa Kitô: tương lai của Giáo Hội tùy thuộc vào các con, việc loan báo Tin mừng cho toàn cõi đất trong những thập kỷ sắp tới tùy thuộc các con. Các con là Giáo Hội. Hãy làm cho Giáo Hội luôn tươi trẻ với sự hiện diện nhiệt tình của các con, hãy gây ấn tượng khắp nơi về sự sống và sức mạnh ngôn sứ.
Chúa Kitô cần các bạn trẻ để loan báo sự thật, để mang sứ điệp cứu độ trên khắp nẻo đường của thế giới, Ngài cần trái tim quảng đại và sẵn lòng của các con để biểu lộ cho tất cả mọi người tình yêu vô biên và lòng thương xót của Ngài.
Các con hãy khích lệ, hãy làm nhạy cảm nơi các bạn đồng trang lứa, các cộng đoàn của các con, hãy thắp lên ngọn lửa đức tin ở bất kỳ nơi đâu: vì chỉ đức tin mới có thể chiến thắng được tướng quỉ của ma túy, chỉ đức tin mới có thể đánh bại các tai họa của bạo lực, của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa khoái lạc mãi mãi mà chúng trêu chọc làm chệch hướng năng lực cao quí của các bạn trẻ! Chỉ như vậy mới có thể mở ra một cuộc đối thoại sống động hiệu quả và xây dựng của các anh em thuộc các tôn giáo khác. Và trong kết quả tuyệt vời này, cũng như các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, luôn để cho Chúa Thánh Thần, “tác nhân chính của việc loan báo Tin Mừng” hướng dẫn (EN, 75), nâng đỡ, soi sáng, an ủi, hoàn thiện.
4. Cộng tác truyền giáo: một sự dấn thân nghiêm trọng và khẩn cấp của toàn thể Dân Thiên Chúa.
Vì vậy, tất cả mọi kitô hữu được nhắc nhở suy tư bằng cách chú ý hơn về những cân nhắc trên đây. Quả thực, tất cả các tín hữu, tất cả mọi thành phần của Giáo Hội “do bản chất truyền giáo” (AG 2) được “sai đi” đồng trách nhiệm mở rộng Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, nếu mọi người xem xét nhanh chóng sự cần thiết của hoạt động truyền giáo và tình trạng đáng báo động của một phần lớn nhân loại vẫn chưa đạt tới lời loan báo Tin Mừng, thì không thể không cảm nhận một cách sâu xa trong tâm hồn mình lệnh truyền quả quyết của Chúa Kitô, không thể không nhận ra tính nghiêm trọng của bổn phận thuộc trách nhiệm của mọi Kitô hữu, để cổ võ sự tiến bộ của việc rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, thánh Phaolô nói : “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?15 Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15).
Cũng như cộng đoàn, như thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo Hội đồng hành và nâng đỡ sự dấn thân truyền giáo của các thành viên, đưa ra những thể thức thích hợp hơn về sự cộng tác theo đó mỗi cá nhân có thể đóng góp phần của mình.
Có nhiều cách trong những thể thức này, vô số các phương tiện, tuy nhiên, nhân kỷ niệm Ngày Thế Giới Truyền Giáo, tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng đặc biệt của một vài phương tiện này, được thử nghiệm từ kinh nghiệm, không loại trừ, nhưng ưu tiên, theo nghĩa liên hệ cách chặt chẽ với Tòa thánh Phêrô : tức các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.
5. Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, công cụ ưu tiên về việc cộng tác.
Như chúng ta đọc thấy trong điều lệ liên hệ, các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là “công cụ chính và đầu tiên của toàn thể Giáo Hội để cộng tác truyền giáo”. Công Đồng còn xác nhận “các Hội này phải chiếm chỗ nhất vì chúng là những phương tiện vừa để người công giáo, ngay từ tuổi thơ, được thấm nhiễm cảm thức thực sự phổ quát và truyền giáo, vừa để khuyến khích một cuộc lạc quyên hữu hiệu những tiền trợ cấp cho tất cả các xứ truyền giáo tuỳ theo nhu cầu từng nơi” (AG 38). Trên thực tế, chúng là công cụ hoạt động, hiện đại, năng động để hỗ trợ trong tất cả các khía cạnh hoạt động trực tiếp của các nhà truyền giáo nơi tiền tuyến và bảo đảm sự hỗ trợ cần thiết cho các dân tộc được trao phó cho việc chăm sóc mục vụ của họ.
Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là công cụ đức ái của Dân Thiên Chúa, của phép lạ tình yêu huynh đệ mà mỗi năm đổi mới vì lợi ích của nhiều người, có khi vì rủi ro mà các Hội không thể đến được với tất cả mọi người. Trong số đó, Liên Hiệp Truyền Giáo của các linh mục, tu sĩ nam nữ, là một trong bốn Hội giữ cho sống động nơi các tín hữu biết nhận thức về bổn phận cộng tác truyền giáo, qua việc hướng dẫn dân Chúa, hình thành và giáo dục hợp thời cho việc truyền giáo, gắn liền với ơn gọi của họ, thông qua công việc năng động liên tục được thực hiện bởi công trình xứng đáng này.
Đó là lý do tại sao tôi muốn nhắc lại một lần nữa cho tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ, các thành viên của các tu hội, những người có niềm vui sống đời thánh hiến, không làm việc độc lập nhưng trong sự hiệp thông gần gũi, theo cùng một lý tưởng và cùng một cam kết chung. Hội Giáo Sĩ Liên Hiệp Giáo Hoàng cống hiến cơ hội này, tạo nên tinh thần truyền giáo, cổ vũ anh chị em và giúp anh chị em trong hành trình của mình.
Tôi tin tưởng rằng sứ điệp này mang lại cho mọi tín hữu trong từng Giáo Hội địa phương, đánh thức mỗi người bổn phận hỗ trợ cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo mà họ vẫn chưa được biết đến và chưa được vun trồng ở khắp mọi nơi. Để hỗ trợ các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, mỗi kitô hữu có thể cảm thấy một phần quan trọng và sống động của Giáo Hội hoàn vũ và thẩm thấu ý nghĩa đích thực nhất của tính Công giáo: trong thực tế, các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo là phương tiện hữu hiệu nhất cho tất cả Kitô hữu, hợp tác với nỗ lực truyền giáo của chính Giáo Hội, mà họ cảm thấy và được tác động như những “viên đá sống động” (x. 1Pr 2,5) xây nên một thân thể mầu nhiệm.
Chúng ta hãy làm điều đó với những người hiện đang ở khắp nơi trên thế giới, đang giơ tay hướng về chúng ta van xin cứu giúp, một ngày nào đó họ sẽ nói như thánh tông đồ: “ Bây giờ tôi có đủ thứ cần dùng, lại còn dư dật nữa là khác. Tôi rất đầy đủ kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi… chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận” (Phil 4, 18).
Xin Đức Maria chí thánh, Mẹ của Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, trợ giúp các con trong việc dấn thân quảng đại truyền giáo.
Tôi ưu ái ban cho mọi người phép lành toà thánh, như lời cam kết phong phú các ân ban trên trời.
Ngày 9 tháng 6 năm 1985
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP