Sứ Điệp Của ĐTC Gioan Phaolô II Cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1993

0

Anh chị em rất thân mến!

1. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Với những lời này, Chúa Giêsu diễn tả ý nghĩa và mục đích về sứ mạng của Ngài trên thế giới. Trải qua hai ngàn năm lịch sử, Giáo Hội luôn chịu trách nhiệm về sứ điệp này và đã toả sáng trong thế giới của văn hoá sự sống. Được hướng dẫn bởi Đức Kitô và Chúa Thánh Linh, kể cả ngày nay, Giáo Hội cũng không ngừng loan báo Tin Mừng về sự sống.

“Tin vui” này sẽ vang lên trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ VIII tại Denver. Đây là lời loan tin cứu độ đồng nghĩa với Nước Thiên Chúa và là lời loan báo được gửi tới tất cả các tín hữu. Như tôi đã nhấn mạnh trong thông điệp Sứ vụ Đấng cứu thế, Tin Mừng “không phải một khái niệm, một tín lý hay một hoạch định muốn cắt nghĩa sao cũng được, mà trước hết là một con người, có dung mạo và danh xưng Giêsu người Nazareth, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (GS 22; RM 18). Thật vậy, Đấng đã nói: “Ta là sự sống” (Ga 14,6) có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu không thể thiếu về sự sống tâm linh của con người, và nhờ bí tích rửa tội, sự hiện hữu của con người liên kết với chính sự sống của Thiên Chúa.

2. Việc đưa Tin Mừng vào cuộc sống: đây là nhiệm vụ lớn lao của gia đình và của chính Cộng đoàn Kitô hữu đối với những người trẻ khởi đi từ thời thơ ấu. Trực giác nền tảng này đã truyền cảm hứng cho Đức Cha Nancy, Đức cha Forbin – Janson để thiết lập Hội thánh Nhi vào năm 1843, mà Hội sẽ tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày thành lập trong năm nay. Việc phục vụ Giáo Hội, mà Hội Thánh Nhi sau này được gán cho danh hiệu Giáo hoàng, mở ra cho tất cả các Châu lục, nó luôn cho thấy sự trân trọng và quan phòng hơn. Việc phục vụ Giáo Hội góp phần đẩy mạnh hoạt động truyền giáo của trẻ em thuận lợi cho các bạn đồng trang lứa. Nó hỗ trợ quyền của trẻ em để phát triển nhân phẩm của con người cũng như của kitô hữu, giúp đỡ chúng trước hết nhận ra ước muốn của mình để nhận thức, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Sự cộng tác của các trẻ em cho công cuộc loan báo Tin Mừng rất là cần thiết : Giáo Hội đặt hy vọng lớn vào khả năng thay đổi thế giới của các em.

3. Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo, tôi muốn mời gọi các tín hữu trên toàn thế giới, đặc biệt là các phụ huynh, các nhà giáo dục, các giáo lý viên cũng như các tu sĩ nam nữ, để tập trung vào việc huấn luyện truyền giáo cho trẻ em, trong nhận thức rằng giáo dục tinh thần truyền giáo cho chúng từ khi còn thơ ấu. Nếu các em được hướng dẫn một cách thích hợp trong môi trường gia đình, học đường và giáo xứ, các em có thể trở thành các nhà truyền giáo của các bạn cùng trang lứa, và không chỉ cho các bạn ấy. Với sự ngây thơ trong trắng và sẵn sàng quảng đại, trẻ em có thể thu hút bạn bè của chúng vào niềm tin và làm nảy sinh ấn tượng về đức tin nhiệt thành và vui tươi của người lớn. Do đó, việc huấn luyện truyền giáo phải được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện, nguồn năng lực không thể thiếu, để trưởng thành trong sự nhận biết Thiên Chúa và ý thức của Giáo Hội; việc huấn luyện này phải được hỗ trợ nhờ sự chia sẻ rộng rãi, kể cả vật chất, và những khó khăn mà những trẻ kém may mắn đang phải đối mặt. Chính trong tinh thần này mà việc thu gom những quà tặng nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay sẽ được đặt ra, giữa những việc khác, để tăng thêm phần đó cho các trẻ em trên thế giới đang sống trong những điều kiện thiếu nhân bản, tìm cách trả lại cho các em khả năng vui tươi tiến bộ trong niềm tin của Tin Mừng.

Tôi tin rằng sự dấn thân song song giữa việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, cũng cần khơi lên nơi lòng của các em cảm xúc để có thể nảy sinh những ơn gọi mới cho đời sống linh mục và tu sĩ, bởi vì, như tôi đã trích trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ : “Đức tin được tăng cường khi đem đức tin ban phát cho người khác” (RM 2). Vì vậy, việc thăng tiến và chăm sóc các ơn gọi truyền giáo là nhiệm vụ hiện thời và khẩn cấp. Thực tế, số người mà Giáo Hội có bổn phận phải đem sứ điệp cứu độ cho họ ngày càng gia tăng và “việc rao giảng Tin Mừng đòi phải có các nhà rao giảng, mùa màng cần thợ gặt. Việc truyền giáo được thực hiện trước hết bởi những con người nam nữ tận hiến đời mình cho công cuộc của Phúc âm, và là những con người sẵn sàng mang ơn cứu độ ra đi đến khắp nơi trên thế giới” (RM 79).

4. Nhân dịp đặc biệt này, một lần nữa, tôi muốn bày tỏ tâm tình biết ơn chân thành tới toàn thể Giáo Hội, tới các nhà truyền giáo nam nữ, các tu sĩ và giáo dân. Họ làm việc với sự dấn thân nhiệt tình, đôi khi ngay cả với chi phí của cuộc sống, liên quan đến việc loan báo Tin Mừng và phục vụ cho con người. Chứng tá của họ, dù không thường xuyên là anh hùng, nhưng biểu lộ một sự trung thành sâu sa với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài; đó là một thí dụ, một biểu tượng và một sự khích lệ lành mạnh cho các kitô hữu; tất cả được mời gọi để cho đi ý nghĩa đầy đủ về sự hiện hữu nhờ đức tin sống động.

Các nhà truyền truyền giáo cống hiến mọi năng lực thể chất và tinh thần của họ để truyền bá Tin Mừng về niềm hy vọng. Qua họ, Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc loài người, lặp lại với con người rằng: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Đúng vậy, trong ngày Thế Giới Truyền Giáo, người công giáo được thúc đẩy để diễn tả một sự liên kết cụ thể, cảm thông và cộng tác của họ. Tính nghiêm trọng và khẩn cấp là những nhu cầu được gắn kết với việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Bản thân tôi có thể nhận ra điều này khi thực hiện những chuyến tông du tại các Châu lục khác nhau. Chúng ta cần hỗ trợ nhau trong tinh thần liên đới cụ thể, và thực hành cả việc trợ giúp về vật chất nữa. Mọi con tim sẽ được mở ra và những cánh tay của các tín hữu, đặc biệt là những người có khả năng kinh tế, sẽ góp phần một cách quảng đại vào sự gia tăng “quỹ chung”, nhờ đó Bộ Truyền Bá Đức Tin tìm cách đáp ứng những nhu cầu của các nhà truyền giáo.  Trong những nhu cầu khẩn cấp hơn chắc chắn là việc xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện, nơi mà các tín hữu có thể tập hợp để cử hành Thánh Thể, nuôi dưỡng và huấn luyện các ứng sinh trở thành linh mục và giáo lý viên; xuất bản các sách tôn giáo bằng các tiếng địa phương để giáo dục đức tin, chẳng hạn như Kinh Thánh, giáo lý quốc gia và các sách phụng vụ. 

Các cộng đoàn kitô hữu có thể tranh đua trong việc bắt chước mẫu gương quảng đại của cộng đoàn kitô hữu đầu tiên “chỉ một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Trao ban bởi tình yêu, họ đã trải nghiệm thế nào về việc “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Sự phân chia này làm phát sinh nơi Giáo Hội một suối nguồn hiệp thông được đổi mới và đức ái mang tính ngôn sứ.

5. Mẫu gương về tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân đó chính là Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô và là mẹ của các tín hữu. Tôi xin trao phó cho Mẹ những người dâng mình cho công cuộc truyền giáo c.ủa Con ngài : đó là những nhà truyền giáo nam nữ, để Mẹ nâng đỡ hoạt động tông đồ và những hy sinh; những cộng tác viên và những nhà hảo tâm của họ, để họ luôn cảm thấy nhiệt tâm chia sẻ tinh thần và vật chất của họ cho những người còn thiếu thốn.

Tôi vui mừng gửi đến tất cả anh chị em phép lành Tòa Thánh, nhất là trong dịp kỷ niệm 150 năm của Hội Thánh Nhi, tôi muốn ôm tất cả các trẻ em vào lòng với niềm vui và lòng quí mến, đặc biệt là các trẻ em đang trong tình trạng nghèo túng do bệnh tật, nghèo khổ và bị bỏ rơi.

Vatican ngày 18 tháng 6, lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu năm 1993, năm thứ mười triều đại Giáo Hoàng.

GIOAN PHAOLÔ II

Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP

Comments are closed.

phone-icon