Không biết tự bao giờ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, nhất là người mẹ, đã in trong kho tàng của lịch sử những hình ảnh và những lời ca ngợi rất đẹp. Đặc biệt, đẹp biết bao hình ảnh những người mẹ nghèo nàn lam lũ như thân cò vì đàn con. Tình yêu và những hi sinh của mẹ đã làm nên sự vĩ đại mà không kỳ quan nào trên thế giới có thể so sánh được. Đó là bởi vì kỳ quan người mẹ mang trong mình một trái tim từ mẫu và kỳ quan ấy được tạo nên bởi chính bàn tay của Thiên Chúa tình yêu. Trong tháng Năm với Ngày Của Mẹ, chúng ta cùng khám phá một số tính cách thường thấy nơi người mẹ, điều mà có thể làm cho những người con cảm thấy khó chịu, nhưng ẩn sâu trong đó lại là một thế giới bí ẩn thiêng liêng. Chúng ta hãy cùng khám phá!
Quan tâm quá mức
Người mẹ có quan tâm quá mức chăng khi chúng ta đi chơi khuya, mẹ cứ thấp thỏm trong nhà, mong chờ người con về? Hẳn là chúng ta cũng có kinh nghiệm khi chuẩn bị đi đâu đó xa xôi một mình, mẹ lại dấm dúi chuẩn bị khăn gói cho ta. Mẹ khiến cho chúng ta cảm thấy vướng víu, nhất là khi chúng ta chỉ muốn đi cách nhẹ nhàng, không phải đùm đề nhiều thứ. Hẳn là chúng ta cũng cảm thấy khó chịu khi đang vội đi mà mẹ lại cứ lân la hỏi thăm rồi lo lắng cho an toàn và sức khỏe của chúng ta. Nhiều, nhiều lắm những quan tâm tương tự, đôi khi khiến chúng ta nổi đóa.
Nhưng có bao giờ chúng ta nhìn vào mắt mẹ để thấy một tình yêu vĩ đại mà chỉ mẹ mới có thể làm được những quan tâm như vậy? Đâu phải là mẹ không nhận ra những khó chịu trên gương mặt và trong cảm xúc của chúng ta, nhưng không quan tâm như thế, thì trái tim đó không còn là trái tim của mẹ nữa.
Chắt bóp hà tiện
Có khi nào chúng ta cảm thấy xấu hổ khi mẹ ăn mặc quê mùa, không sang trọng, không trang điểm đài các như mẹ người ta? Có khi nào chúng ta khó chịu khi mẹ chậm trễ đưa tiền đóng học phí cho lớp học chính quy hoặc lớp học thêm của chúng ta? Có khi nào chúng ta khó chịu khi mẹ có tiền mà vẫn tiết kiệm không dám ăn không dám xài cho chính mình? Rồi chúng ta lại cảm thấy bực bội khi mẹ cứ phải tính toán chi li ăn cái này, mua cái kia? Chúng ta cũng lạu bạu khi mẹ không vứt đi những đồ đã cũ trong nhà mà cứ giữ và sử dụng tiếp?
Nhưng có bao giờ chúng ta nhìn vào mắt mẹ để thấy những lo toan khi sớm nắng chiều mưa lặn lội làm việc để dành dụm cho chúng ta có đầy đủ phòng ngừa khi đau ốm, bệnh tật? Chúng ta có đọc được những xót xa tủi nhục trong lòng mẹ khi thấy con mình thiếu thốn không bằng bè bạn? Hãy nhìn vào sâu trong mắt của mẹ, để hiểu hiểu được kiểu chắt bóp, hà tiện của mẹ!
Càm ràm nhiều lời
Có khi nào chúng ta âm thầm lảng đi để tránh những lời “biết rồi khổ lắm nói mãi” từ mẹ? Có một lỗi hay thiếu xót gì thì mẹ cứ “tua tới tua lui” đến nghe mà chán ngấy. Nhà bẩn chưa kịp quét thì mẹ nhắc hoài. Một ngày không biết mẹ phải nói biết bao nhiêu lời, và khoảng thời gian giữa ngưng nói và nói có thể là rất ngắn. Mẹ vừa làm vừa càm ràm mà không mệt mỏi. Điều đó khiến chúng ta giả điếc làm ngơ hoặc bực dọc trong lòng. Có không nhỉ?
Thế nhưng, có khi nào chúng ta nhìn sâu trong mắt mẹ để hiểu sao mà mẹ có đủ nội lực để nói và nhắc nhở nhiều thế? Mẹ có thể im lặng để mặc kệ, nhưng trái tim của mẹ lại không mặc kệ các con được. Tình yêu và ưu tư, sự sốt ruột và những lo toan bộn bề trong cuộc sống làm mẹ như vậy. Có khi nào chúng ta nhìn sâu vào mắt mẹ để cảm thông và đỡ đần, để sẻ chia và gánh vác những lo toan để mẹ không phải khổ cực càm ràm hay không? Nếu chúng ta nghe lời hoặc làm đúng công việc phải làm, mẹ có cần phải nhắc ta chăng?
Chịu đựng thiệt thòi
Có những khi chúng ta cảm thấy phẫn nộ vì tại sao mẹ cứ phải thinh lặng chịu đựng những bất công. Sao mẹ không nói lại những người đả kích mẹ? Sao mẹ không nói ra hết những gì khiến mẹ phải oan ức? Mẹ vẫn âm thầm chịu đựng, nhịn trong lòng những nỗi cay đắng. Có những lúc chúng ta bất bình vì những bất công mẹ phải chịu rồi bực lây sang mẹ. Sao mẹ không nói ra? Sao mẹ không đứng lên cho quyền lợi của mẹ? Sao và sao mẹ cứ phải chịu đựng thiệt thòi khi mẹ là người tốt?
Nhưng hãy nhìn sâu tận trong mắt mẹ để thấy rằng mẹ luôn nỗ lực để xây dựng, bảo vệ hạnh phúc và sự ấm êm trong gia đình và trong tình lối xóm. Vì sự hi sinh của mẹ mà những bất hòa trong gia đình đáng lẽ đã xuất hiện vì tính hiếu chiến của những đứa con, thế nhưng nó đã không xảy ra vì những chịu đựng và hi sinh “một sự nhịn chín sự lành” của mẹ. Vì sự thiệt thòi của mẹ mà tình làng nghĩa xóm được bền vững. Vì sự thiệt thòi đó, mà chúng ta đang được sống trong gia đình bình an.
Còn nhiều nữa những điều từ nơi mẹ mà chúng ta khó chịu. Có bao giờ chúng ta cố gắng để hiểu và để cảm thông? Là phụ nữ, mẹ cũng yếu đuối và cần chở che, nhưng mẹ đã phải mạnh mẽ vì mẹ là mẹ. Mẹ cũng muốn tất cả những điều tốt đẹp nhất cho người nữ trên trần gian này, nhưng mẹ đã hi sinh nó cho những điều tốt đẹp nhất của những đứa con. Hãy yêu thương mẹ nhiều hơn khi mẹ đang còn bên cạnh và hãy yêu mẹ nhiều hơn nữa khi chúng ta bắt đầu cảm thấy những tính cách khó chịu sắp sửa xuất hiện qua hành động và lời nói của mẹ.
Nt. Têrêsa Mai Thị Thu Hường, O.P.