Sứ Điệp Của ĐTC Gioan Phaolô II Cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1998

0

Chúa Nhật 18 tháng 10 năm 1998

Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

1. Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay được dành riêng cho Chúa Thánh Thần, năm thứ hai chuẩn bị tức thời cho Đại Năm Thánh 2000, ngày này không thể không suy tư về Ngài. Thật vậy, Chúa Thánh Thần chính là tác nhân của toàn bộ sứ mạng của Giáo Hội, “tác động của ngài nổi bật trong việc truyền giáo đến với muôn dân, như chúng ta đã thấy trong Giáo Hội thời sơ khai” (RM số 21).

Chắc chắn chúng ta không thể hiểu được hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và trong thế giới bằng các phân tích thống kê hoặc bằng sự trợ giúp của các khoa học nhân văn khác, bởi vì hoạt động của Ngài đặt trên bình diện khác, đó là bình diện của ân sủng, được nhận thức bởi đức tin. Có thể nói, đó thường là một hoạt động âm thầm, huyền nhiệm, nhưng luôn đạt hiệu quả. Chúa Thánh Thần không mất đi sức mạnh thôi thúc mà Ngài có như thời Giáo Hội sơ khai; Ngài hoạt động mỗi ngày như trong thời của Chúa Giêsu và các Tông đồ. Những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện được diễn tả trong Tông đồ Công vụ, còn lặp lại trong thời của chúng ta, nhưng thường chúng không được biết đến, bởi nhiều nơi trên thế giới, nhân loại đang sống trong các nền văn hóa bị tục hóa, mà chúng giải thích thực tại như thể Thiên Chúa không tồn tại.   

Ngày Thế Giới Truyền giáo đến thật đúng lúc để mời gọi chúng ta chú ý đến những sáng kiến kỳ diệu của Chúa Thánh Thần, để chúng ta được vững mạnh trong đức tin và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có được sự tỉnh thức về truyền giáo trong Giáo Hội. Thật vậy, không phải việc củng cố đức tin và việc làm chứng trong đời sống của mọi Kitô hữu là mục tiêu chính của Năm Thánh này hay sao?

2. Ý thức được Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn các tín hữu và can thiệp vào những biến cố của lịch sử mời gọi chúng ta hướng tới sự lạc quan và hy vọng. Dấu hiệu cao cả đầu tiên của tác động mà tôi muốn đề nghị mọi người cùng suy tư đó chính là những khủng hoảng mà thế giới hiện đại đang phải trải qua: một hiện tượng phức tạp mà trong sự tiêu cực của nó, thường khơi dậy bằng phản ứng, những lời cầu khẩn tha thiết hướng về Chúa Thánh Thần đấng ban sự sống, biểu lộ sự khát khao sâu sa về Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng Cứu độ hiện diện trong trái tim con người.

Về vấn đề này, làm sao chúng ta có thể quên không nhắc đến nhận định khôn ngoan về thế giới ngày nay của Công Đồng Vaticano II nói trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (số 4-10)? Trong những thập niên gần đây, cuộc khủng hoảng thời đại đã được phân tích trong Hiến chế trên cũng trở nên sâu sắc: sự thiếu vắng lý tưởng sống và những giá trị thường được lan rộng; cảm thức về sự thật đã bị đánh mất và chủ nghĩa tương đối luân lý đã gia tăng; một nền luân lý cá nhân, vụ lợi, không có điểm tham chiếu vững chắc dường như đang thắng thế; từ nhiều phía, người ta nhấn mạnh rằng con người hiện đại, khi từ chối Thiên Chúa, họ thấy mình ít là người hơn, đầy sợ hãi và căng thẳng, khép kín, bất mãn, ích kỷ.

Những hậu quả thực hành trên thật là rõ ràng: kiểu sống hưởng thụ, mặc dù bị phê bình, nó càng trở nên hấp dẫn hơn; những quan tâm, đôi khi hợp pháp, đối với những vấn đề vật chất, có nguy cơ đồng hóa đến mức làm cho các mối tương quan con người trở nên lạnh lùng, khó khăn. Nhiều người thấy mình trở nên khô khan, hống hách, không thể mỉm cười, không chào hỏi, không nói lời “cảm ơn”, không cảm thông với những vấn đề của người khác. Về một chuỗi những yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa phức tạp như thế, các xã hội tiên tiến hơn đã nhận thấy một sự “khô cằn” đáng lo ngại, ngay cả về tinh thần lẫn dân số.

Nhưng chính từ những tình huống trên đưa con người đến bờ tuyệt vọng, thường khơi lên một sự thôi thúc cầu xin với Đấng “là Chúa và là Đấng ban sự sống”, bởi vì con người không thể sống mà không có ý nghĩa và không có niềm hy vọng.

3. Một dấu chỉ cao cả thứ hai về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là sự tái sinh ý nghĩa tôn giáo nơi các dân tộc. Đây là một phong trào không phải là không có sự mập mờ, tuy cho thấy một cách rõ ràng sự thiếu sót về lý thuyết cũng như thực hành của triết học và ý thức hệ vô thần, của chủ nghĩa duy vật mà chúng thu hẹp chiều kích con người vào những điều của trần thế. Con người không bằng lòng với chính mình. Hiện nay, người ta tin rằng sự thống trị thiên nhiên và vũ trụ, khoa học và kỹ thuật tinh vi nhất không đủ đối với con người, bởi vì chúng không cho thấy ý nghĩa cuối cùng của một thực tại: chúng đơn thuần chỉ là những phương tiện chứ không là cùng đích cho đời sống của con người cũng như cho cuộc hành trình của nhân loại.

Và bên cạnh việc thức tỉnh tôn giáo, điều quan trọng cần xác định là “công nhận nơi các dân tộc những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong chính đời sống của Ngài (hòa bình, công chính, tình huynh đệ, sự quan tâm chăm sóc những người cùng cực) (Sứ vụ Đấng Cứu Thế số 3). Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử của hai thế kỷ qua, chúng ta sẽ hiểu thế nào về giá trị của của con người, về quyền lợi của người nam và người nữ đã phát triển nơi các dân tộc, khát vọng phổ quát về hòa bình, ước muốn nhằm loại bỏ những ranh giới và sự chia rẽ chủng tộc, hướng đến cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và văn hoá, khoan dung đối với những người khác với mình, dấn thân sống tình liên đới và làm việc thiện, chối từ chủ nghĩa độc đoán chính trị bằng việc củng cố nền dân chủ và khát vọng tiến đến một nền công bằng quốc tế quân bình hơn trong lãnh vực kinh tế. 

Làm thế nào chúng ta có thể không nhìn thấy nơi tất cả những điều này hoạt động của Chúa quan phòng, đang hướng nhân loại và lịch sử hướng tới những điều kiện sống xứng đáng hơn cho mọi người? Do đó, chúng ta không được bi quan. Thay vào đó, niềm tin vào Thiên Chúa mời gọi hướng tới sự lạc quan, một sự lạc quan bắt nguồn từ sứ điệp Tin Mừng: “Nếu chúng ta nhìn về thế giới ngày nay theo bề ngoài, thì chúng ta bị đánh động bởi nhiều yếu tố tiêu cực có thể dẫn đến sự bi quan. Nhưng đó là những cảm giác không thể được biện minh: chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa… Thiên Chúa đang chuẩn bị một mùa xuân cho Kitô giáo, và chúng ta đã nhìn thấy trước những dấu chỉ đầu tiên của mùa xuân đó rồi” (RM 86).

4. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội trong sứ mạng đến với muôn dân. Thật là điều an ủi khi biết không phải chúng ta, mà là chính Thánh Thần, tác nhân truyền giáo. Điều này cho chúng ta một sự thanh thản, niềm vui, hy vọng và can đảm. Đây không phải là kết quả mà nhà truyền giáo quan tâm, bởi vì chúng tùy thuộc vào Thiên Chúa: nhà truyền giáo phải dấn thân hết mình để Chúa làm việc trong nội tâm sâu thẳm của mình. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần mở rộng viễn tượng truyền giáo của Giáo Hội cho đến tận cùng thế giới. Hàng năm, chúng ta được mời gọi về điều này trong ngày Thế Giới Truyền Giáo, nhấn mạnh rằng đừng bao giờ giới hạn chân trời của công cuộc truyền giáo, nhưng giữ chúng luôn được mở ra với những chiều kích của toàn thể nhân loại.

Ngay cả trong Giáo Hội, một Giáo Hội được sinh ra từ thập giá của Chúa Kitô, nay vẫn còn chịu sự bách hại và tử đạo, trở nên dấu chỉ hy vọng hùng hồn cho sứ mạng truyền giáo. Về việc này, làm thế nào chúng ta có thể quên các nhà truyền giáo và các tín hữu tiếp tục hiến dâng mạng sống mình vì danh Chúa Giêsu ? Ngay cả lịch sử của những năm gần đây cũng cho thấy cuộc bách hại làm phát sinh các Kitô hữu mới, và sự đau khổ, được gánh chịu vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng, là điều cần thiết cho việc mở mang Nước Chúa. Tôi cũng muốn ghi nhớ và cám ơn vô số anh chị em, trong thinh lặng phục vụ hàng ngày, đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện và những đau khổ cho các sứ vụ và các nhà truyền giáo.

5. Hơn nữa, trong các Giáo Hội trẻ, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được biểu lộ bằng một dấu chỉ hùng hồn khác: các cộng đoàn Kitô hữu trẻ rất nhiệt tình trong đức tin, và các thành viên trong cộng đoàn của họ, đặc biệt là các bạn trẻ, trở thành người truyền bá đức tin thuyết phục. Trên bình diện này, trước mắt chúng ta là sự an ủi. Các tín hữu mới trở lại, hoặc kể cả những anh em dự tòng, tất cả đều cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Thánh Thần và với sự nhiệt tình trong đức tin, họ trở thành những nhà truyền giáo trong môi trường của họ.

Hoạt động tông đồ của họ cũng được trải rộng ra bên ngoài. Chẳng hạn tại Châu Mỹ La Tinh, nguyên tắc và việc thực hành “sứ mạng đến với muôn dân” đã được xác nhận, đặc biệt là sau hai Đại Hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ (Celam) tại Puebla năm 1979 và tại Santo Domingo năm 1992. Có năm Đại Hội Truyền Giáo tại Châu Mỹ La Tinh đã được tổ chức, và các Giám mục hãnh diện công bố rằng, mặc dù vẫn còn thiếu người làm việc tông đồ, nhưng các ngài cũng có vài ngàn linh mục, nữ tu và các giáo dân thiện nguyện trong công cuộc truyền giáo, nhất là tại Phi Châu.

Sau đó, tại đại lục này, việc cử người  tông đồ từ quốc gia này sang quốc gia khác là một thực hành đặc biệt, được xác định như một sự trợ giúp lẫn nhau giữa các Giáo Hội, qua đó cũng sẵn sàng sứ mạng truyền giáo ra nước ngoài.

Khoá họp đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu được tổ chức vào mùa xuân năm nay tại Rôma, đã nhấn mạnh đến tinh thần truyền giáo của các Giáo Hội Á Châu, trong đó, có những viện truyền giáo khác nhau của hàng giáo sĩ đã được thành lập như Ấn độ, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản. Các linh mục và các nữ tu Châu Á đang làm việc tại Châu Phi, Châu Đại Dương, tại các quốc gia Trung Đông và Mỹ Châu Latinh.

6. Trước sự hưng thịnh về nhiều sáng kiến tông đồ ở khắp nơi trên trái đất, thật không khó để nhận ra Chúa Thánh Thần biểu lộ chính ngài qua những đặc sủng khác nhau, làm cho Giáo Hội phổ quát được phong phú và phát triển. Trong thư thứ nhất Côrintô, thánh Phaolô nói đến một chuỗi các đặc sủng được phân phát để làm cho Giáo Hội gia tăng (chương 12-14). “Thời gian của Chúa Thánh Thần” là thời gian chúng ta đang sống, hướng chúng ta càng ngày càng nhiều tới nhiều cách diễn tả, đa dạng về phương pháp và hình thức, trong đó, sự phong phú và sống động của Giáo Hội được thể hiện. Đây là tầm quan trọng của các xứ truyền giáo và của các cộng đoàn Giáo Hội trẻ, những cộng đoàn này, trong âm thầm, đã làm một cuộc canh tân đời sống của họ theo cách thức của Chúa Thánh Thần. Không nghi ngờ gì nữa, ngàn năm thứ ba đến như là lời mời gọi đổi mới để về sứ mạng phổ quát, đồng thời, về hội nhập văn hoá của Tin Mừng từ phía các Giáo Hội địa phương khác nhau.

7. Tôi đã viết trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế: “Trong lịch sử Giáo Hội, hoạt động truyền giáo luôn là dấu chỉ cho sự sống động của Giáo Hội, cũng như sự giảm bớt hoạt động truyền giáo là dấu chỉ cho cuộc khủng hoảng đức tin… Hoạt động truyền giáo canh tân Giáo Hội, làm sống động đức tin và căn tính Kitô giáo, mang lại nhiệt tình mới và động lực mới” (số 2).

Do đó, chống lại mọi bi quan, tôi mời gọi hãy xác nhận lại đức tin vào tác động của Chúa Thánh Thần, đấng kêu gọi mọi kitô hữu đến sự thánh thiện và dấn thân truyền giáo. Chúng ta vừa kỷ niệm 175 năm thành lập Hội Truyền Bá Đức Tin được thiết lập tại Lyon vào năm 1822 do một người nữ giáo dân trẻ tuổi tên là Paolina Jaricot, người đang được tiến hành làm án phong thánh. Với một trực giác đúng, sáng kiến của cô đã làm phát triển trong Giáo Hội một số giá trị căn bản, mà ngày nay được phổ biến bởi các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo: đó là giá trị của chính sứ mạng, khả năng tái tạo trong Giáo Hội sự sống động của đức tin, đức tin này được gia tăng khi có sự dấn thân thông truyền đức tin cho người khác: “Đức tin được củng cố khi được trao ban!” (RM 2); đó là giá trị tính phổ quát về sự dấn thân truyền giáo, bởi vì tất cả mọi người, không trừ ai, được mời gọi cộng tác một cách quảng đại vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội; đó là giá trị của việc cầu nguyện, dâng lên mọi đau khổ và chứng tá đời sống như những yếu tố đầu tiên cho việc truyền giáo, theo khả năng của mọi con cái cái nam nữ của Giáo Hội.

Cuối cùng, tôi nhắc lại giá trị của những ơn gọi truyền giáo “suốt đời”: nếu Giáo Hội là truyền giáo, xét vì bản tính của Giáo Hội, thì những nhà truyền giáo nam cũng như nữ sống suốt đời là mô thức của Giáo Hội. Do đó, nhân cơ hội này, tôi lặp lại lời kêu gọi của tôi với những ai, nhất là những người trẻ đang dấn thân trong Giáo Hội rằng : “công việc truyền giáo… chỉ mới bắt đầu” như tôi đã nhấn mạnh trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 1 và vì thế, cần phải lắng nghe tiếng nói của Chúa Kitô ngày nay đang tiếp tục mời gọi: “các con hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các con trở thành những kẻ lưới người” (Mt 4,19). Các con đừng sợ, hãy mở rộng tâm hồn và đời sống các con cho Chúa Kitô! Hãy để mình gắn bó với sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa: vì điều này mà Thiên Chúa “đã được sai xuống để thi hành sứ mạng” (x. Lc 4,43) và ngài trao ban cùng một sứ mạng đó cho các môn đệ của ngài trong mọi thời đại. Thiên Chúa, Đấng không chịu thua lòng quảng đại của bất cứ ai, Ngài sẽ ban thưởng cho các con một trăm lần và sẽ ban cho các con sự sống đời đời (x. Mt 19,29).

Trong khi tôi phó thác cho Mẹ Maria,  mẫu gương truyền giáo và là Mẹ của Giáo Hội truyền giáo, tất cả những ai đang cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân hay tại lãnh thổ mình, trong mọi hoàn cảnh sống, tôi ưu ái ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Vatican, ngày 31 tháng 5 năm 1998, lễ Trọng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP

Comments are closed.

phone-icon