Ở với Chúa được gì?

0


Như các Tông Đồ xưa, tu sĩ là người được Thiên Chúa “tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3, 12 ) để ở lại với Ngài và được Ngài sai đi. Như thế, muốn có đủ “năng lượng” để thi hành sứ vụ rao loan Tin Mừng, chúng ta cần “nối nguồn” với chính Thiên Chúa là Đấng đã chọn gọi chúng ta bằng cách ở lại với Người như lời mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Sử dụng động từ “ở lại” Thánh sử Gioan không đơn thuần nói đến sự cư ngụ trong một khoảng không gian nào đó nhưng tác giả Tin Mừng muốn diễn tả sự gắn bó, hiệp thông và liên kết thiêng liêng với Thiên Chúa. Quả vậy, Đức Giêsu đã luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện và sự trung thành. Ngài đã tìm đến một nơi thanh vắng để được “ở lại” với Cha từ lúc khởi đầu ngày mới[1] cũng như sau một ngày làm việc vất vả[2] để thân thưa với Cha về những khó khăn trong sứ mạng Cứu Thế của mình. Còn tôi, người đã được Thiên Chúa tuyển chọn, tôi có sẵn lòng “ở lại” với Chúa để đón nhận tình yêu thương và sự hướng dẫn Người dành cho tôi hay chưa?. Phương thế giúp tôi “ở lại” với Chúa thì rất nhiều: Thánh Lễ, phụng vụ, các Bí Tích, việc đạo đức bình dân, lời nguyện tắt…Tuy nhiên, thiết nghĩ việc nhìn lại để nhận ra những gì tôi sẽ nhận được khi ở lại với Chúa là điều thiết thực hơn giúp tôi thăng tiến trong hành trình tu luyện của bản thân.

1.Ở với Chúa để thoát khỏi “lối sống đạo đức giả”

Trong bài giảng thánh lễ bắt đầu lúc 6 giờ, chiều chúa nhật 3/5/2015 trong cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại giáo xứ “Đức Mẹ nữ vương hòa bình” ở vùng biển Ostia Lido, Đức Thánh Cha đã giải thích “ở lại với Chúa” nghĩa là: chúng ta tìm kiếm Chúa qua đời sống cầu nguyện, qua các Bí Tích. Bên cạnh đó, Ngài còn thêm: việc ở lại trong Chúa Giêsu là điều khó khăn nhất đối với người tín hữu, bởi lẽ việc ở lại trong Chúa đúng nghĩa đòi hỏi chúng ta phải làm điều Chúa Giêsu đã làm và có cùng thái độ của Ngài. Đức Thánh Cha minh chứng: Khi nói hành nói xấu người khác, chúng ta không ở trong Chúa vì Chúa Giêsu không bao giờ làm như thế. Khi lường gạt người khác bằng những công việc bẩn thỉu, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu. Ở lại trong Chúa Giêsu là làm cùng điều Chúa đã làm: làm điều thiện, giúp đỡ người khác, cầu xin Chúa Cha, săn sóc các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo, có niềm vui của Thánh Linh…”[3]. Theo lối giải thích của Đức Thánh Cha thì quả thật, ở lại trong Chúa không phải là điều dễ, bởi chưng nhân tính luôn muốn chúng ta làm theo ý mình và việc từ bỏ cái tôi của mình cũng không phải là đều đơn giản. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến chúng ta – những người sống đời thánh hiến khó thoát khỏi lối sống đạo đức giả: làm việc đạo đức theo ý riêng mình chứ không theo ý Chúa, hay chương trình chung của cộng đoàn. Đức Giêsu đã quả quyết: “Không phải bất cứ ai nói với Thầy, lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy – Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”. (Mt 7, 21) Vậy, nếu đời sống đức tin của người tín hữu được nuôi dưỡng và tăng trưởng bằng cách sống và tìm theo thánh ý Chúa thì chắc hẳn, đời sống của người theo Chúa không còn phương thế nào khác ngoài việc tìm và sống theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, tức là vui làm những gì Đức Giêsu muốn ta làm và làm những gì Đức Giêsu đã làm. Muốn thế, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất đó là “nối nguồn” với Chúa trong đời sống cầu nguyện trực tiếp qua những trang Tin Mừng vì đó là Lời của Ngài, kín múc nguồn sức mạnh nơi các Bí Tích vì đó là nguồn mạch của ân sủng Thiên Chúa thông ban qua Giáo Hội… Một sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa sẽ đưa ta vào đời sống đức tin giúp ta lướt thắng ý riêng, vượt qua những hình thức đạo đức bên ngoài và can đảm dấn thân, hy sinh cho lý tưởng dâng hiến.

2. Ở với Chúa để tìm vinh danh Chúa

Bản chất của người môn đệ là đến ở lại với Chúa và để được Chúa sai đi làm công việc của Chúa nhưng thực tế, chúng ta đã chọn Chúa hay công việc của Chúa?. Để hoàn toàn chọn Chúa và duy tìm vinh danh Ngài là điều không mấy dễ dàng đối với nhân tính của chúng ta. Muốn tìm vinh danh và quy hướng mọi việc về Chúa trước hết cần phải có lòng mến Chúa, bởi chúng ta không thể tìm vinh danh Chúa khi không yêu mến hoặc yêu mến một cách hời hợt. Mẹ Maria – một mẫu gương yêu mến điển hình trong việc tìm vinh danh Chúa đã cho ta thêm xác tín về điều này qua lời Mẹ nhắn nhủ với Thánh nữ Brigitta: “Hỡi con, Mẹ đêm ngày chỉ chăm lo một việc là yêu mến Thiên Chúa. Trong đêm thanh vắng, Mẹ hằng quỳ trước cung thánh đền thờ Giêrusalem dâng lên Thiên Chúa lòng yêu mến thiết tha hăng say và quyết tâm chỉ làm hết mọi việc vì yêu mến Chúa, cho danh Chúa được vinh sáng.[4] Không chỉ bằng lời nói nhưng cả cuộc đời của Mẹ đã diễn tả tình yêu mến, tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Chính tình yêu mến tràn đầy và trọn hảo Mẹ đã làm mọi việc để vinh danh Chúa.

Là con cái Cha Thánh Đaminh được che chở, bảo bọc dưới tà áo Mẹ chúng ta sẽ làm gì để tìm vinh danh Con Mẹ nếu không phải là siêng năng ở lại với Chúa trong thinh lặng cầu nguyện trên Lời của Ngài, qua các Bí Tích, các giờ Phụng Vụ, các việc đạo đức… với một tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, ngõ hầu có thể thoát khỏi xu hướng làm theo ý riêng, tìm vinh quang, lời khen cho bản thân trong việc phụng sự Chúa và tha nhân mà hoàn toàn thuộc về Chúa và tìm vinh danh Ngài.

3. Ở lại với Chúa để can đảm chọn “con đường hẹp”

Cuộc đời là một hành trình, trên hành trình ấy chúng ta phải đối diện với rất nhiều lựa chọn và lẽ dĩ nhiên, những lựa chọn đó luôn đi kèm theo với những hậu quả như Robert Louis Stevenson nói: “Chẳng sớm thì muộn, mọi người đều sẽ dự bữa tiệc hậu quả.” Mỗi người sẽ tự do lựa chọn cho mình con đường mình muốn giữa muôn vàn con đường với đầy lôi cuốn và hứa hẹn. Giữa những hứa  hẹn ấy, người môn đệ Đức Kitô lại được mời gọi: “Hãy qua cửa hẹp mà vào vì cửa rộng và đường rộng thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường hẹp  thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7, 13 -14). Chọn theo Đức Giêsu đã là một từ bỏ, và sống theo “con đường hẹp” mà lựa chọn ấy đòi hỏi lại thêm một lần hy sinh, từ bỏ. Một lần từ bỏ đã là khó, từ bỏ lần thứ hai xem ra càng khó hơn, đó là lý do chúng ta cần đến sự can đảm. Can đảm để lựa chọn và sống “con đường hẹp” theo Tin Mừng của Đức Giêsu, bởi duy chỉ con đường ấy mới đưa ta tới sự sống và hạnh phúc đích thực. Là người tu sĩ ít nhiều chúng ta đã từng nghiệm thấy rằng: giữa những khó khăn, thử thách trong đời sống sứ vụ cũng như cộng đoàn, một trong những phương thế tối ưu nhất giúp ta giải quyết vấn đề đó là lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa trong chiêm niệm và cầu nguyện. Cũng vậy, động lực duy nhất cho chúng ta can đảm đáp trả lời mời gọi của Chúa chính là ở lại với Chúa để kín múc nguồn sức mạnh giúp ta can đảm dấn bước theo con đường Phúc Âm.

Một vài suy tư đơn sơ để nhìn nhận ân ban chúng ta nhận được khi dám bỏ lại sau lưng những bận rộn lo toan của đời sống sứ vụ để ở lại trong Chúa có lẽ chẳng bao giờ đủ so với tình yêu vô tận Chúa đã dành cho chúng ta. Ước mong, mỗi người chúng ta ngày thêm khám phá niềm vui, hạnh phúc khi được ở lại với Chúa để rồi mỗi ngày thêm xác tín: dù phong ba bão táp, dù thử thách đau thương, chúng ta vẫn an toàn, như con thơ ngủ yên trong tay mẹ hiền vì Chúa đang cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường dương thế. Từ đó, chúng ta không còn đi tìm hạnh phúc ở đâu xa, nhưng chỉ đơn giản là “ở lại với Chúa” để được Người yêu thương che chở, hướng dẫn và chúc lành.

Nt. Maria Trần Vân (HVTH)

[1] X. Mc 1, 35

[2] X. Mt 14, 23 ; Mc 6, 45 – 46

[3] Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại giáo xứ “Đức Mẹ nữ vương hòa bình” ở vùng biển Ostia Lido, 3/5/2015

[4] http://dongcong.net/MeMaria/TinhMeYeuCon/21.htm

Comments are closed.

phone-icon