Trong bầu khí ảm đạm chết chóc của đại dịch, chúng ta nép vào áo choàng Mẹ bằng tràng chuỗi Mân Côi. Lời kinh Kính Mừng lúc này chúng ta dâng lên Mẹ sao mà thấm thía thế! Nó không phải là những bông hoa tươi đẹp với những cung nhạc trầm bổng du dương nhưng là những vòng hoa gai hòa với nước mắt để xin Mẹ dủ tình thương cứu chữa. Tâm hồn chúng ta chùng xuống khi âm thầm hay đọc ra tiếng để gọi tên Mẹ như trẻ thơ đang khát sữa cần Mẹ dủ thương. Một lời kinh nâng hồn chúng ta lên Mẹ với trọn ý nghĩa của nó.
Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha đã đụng chạm đến trái tim chúng ta: “Lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, trong tình cảnh bi thương hiện tại, đầy đau khổ và lo lắng đang siết chặt thế giới, chúng con chạy đến với Mẹ và tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.”
Hơn lúc nào hết, chúng ta cảm được mẹ đang ở với chúng ta, mẹ khóc nỗi buồn của chúng ta. Mẹ đang van nài Chúa: “Con ơi! Họ hết rượu rồi”. Mẹ đang thổn thức trong những nỗi cay đắng của nhân loại. Trái tim Mẹ không thể mầm ngơ trước sự chia ly đau đớn, trước những nỗi qoằn qoại của các bệnh nhân trên giường bệnh. Lời cầu nguyện của vị cha chung như tiếng khóc giẫy nẩy với Mẹ: “Lạy Đức Trinh nữ Maria, xin thương xót ghé mắt đoái nhìn chúng con đang trong đại dịch virus corona; xin an ủi những người mất mát và than khóc người thân của họ đã qua đời, đôi khi được an táng cách đau lòng. Xin nâng đỡ những người đang lo lắng cho các bệnh nhân, những người mà vì để tránh lây nhiễm, họ không thể ở gần bên. Xin ban sự tin tưởng tín thác cho những ai đang lo lắng vì tương lai không chắc chắn và vì các hậu quả kinh tế và việc làm”.
Những đau khổ của đoàn con đang đổ dồn lên Mẹ. Mẹ muốn lắm nhưng Mẹ cũng phải kiên nhẫn chờ giờ của Chúa: “Giờ con chưa đến”.
Trong đại dịch này trên mạng xã hội cũng đưa tin về cái chết của rất nhiều văn nhân nghệ sĩ. Cái chết sốt dẻo làm cho nhiều người thương tiếc là sự ra đi của Phi Nhung. Ca sĩ ra đi khi sự nghiệp đang đi lên và việc bác ái cô làm đã để lại nhiều dấu ấn. Cô từ giã cõi đời trong sự nuối tiếc của những người hâm mộ. Cô để lại hai mươi bốn trẻ mồ côi, những người con đang cần sự nuôi nấng, dạy dỗ chăm sóc của cô. Biết bao đau khổ như thế đang diễn ra hằng ngày thì ai sẽ là người đem lại hy vọng cho chúng ta trong nỗi thất vọng nếu không phải Mẹ? Tình yêu của Mẹ rất bén nhạy trước những nhu cầu của chúng ta.
Chúng ta có cảm tưởng trong cơn đại dịch này khi chạy đến với Mẹ chúng ta được bình an. Lời kinh đã để lại nơi chúng ta một âm vang dịu dàng trìu mến: “ Mừng vui lên hỡi Đấng Đầy Ơn Phúc! Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ và Con lòng Bà gồm phúc lạ!”Lời kinh đẹp về hình thức, hay về ý nghĩa, và súc tích về thần học này luôn được mọi tầng lớp dân Chúa yêu thích dùng như lời nguyện thường hằng trong khi bình an cũng như lúc nguy khốn. Lời kinh của kẻ học thức cũng như bình dân, của người già cũng như người trẻ. Lời kinh không thể thiếu nơi các gia đình, nơi giáo đường cũng như nơi các viện tu nhất là nơi các linh địa của Mẹ. Khi lời kinh vang lên là cả vũ trụ như được hòa nhịp vào giây phút quyết định của công trình Cứu độ.
Lời kinh này cuốn hút chúng ta đến nỗi ngày nào bỏ quên là ngày ấy như thiếu một điều gì quan trọng chưa hoàn thành trước khi ru mình vào giấc điệp. Một vị giảng tĩnh tâm nọ đã khuyên những lão bà bà hãy nhủ mình cái phương châm đơn giản dễ nhớ và ý nghĩa cho lứa tuổi của mình: “ Sức khỏe, bình an, ăn khoai lang. Lang thang lần hạt, chầu Thánh Thể.”
Đây là lời kinh Mẹ ưa thích và cũng là lời kinh chúng ta thường hằng dâng lên Mẹ trong cơn đại dịch này. Đức Thánh Cha Phanxico ngày 13-10-2017 trong sứ điệp video gửi các tín hữu tham dự buổi lễ kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Sứ điệp được chiếu trên màn hình tại nhiều phòng ở Đền thánh Đức Mẹ Fatima trong cuộc hành hương quốc tế, Đức Thánh Cha nói: “Tôi để lại cho anh em một lời khuyên: đừng bao giờ rời bỏ tràng hạt, hãy đọc kinh Mân Côi như Đức Mẹ yêu cầu… Đừng bao giờ rời bỏ Mẹ; như một người con nhỏ cạnh mẹ và cảm thấy được an ninh, cạnh Đức Mẹ chúng ta cũng cảm thấy an ninh, đó là sự bảo đảm của chúng ta”.
Khi ban phép lành cho các tín hữu, cuối sứ điệp, ĐTC đã rút trong túi áo Ngài xâu chuỗi Mân Côi và Ngài mong ước cho các tín hữu cũng luôn mang trong mình (Ecclesia 13-10-2017).
Tôi rất thích tư tưởng của tác giả Antôn Lương Văn Liêm nói về chuỗi mân côi: “Tràng chuỗi Mân Côi tuy đơ sơ, rẻ tiền, nhưng ta có thể ví sản phẩm này như chiếc điện thoại di động hoàn hảo nhất, bền nhất; không tốn năng lượng, không phải bỏ ra kinh phí thuê bao dù trả trước hay trả sau; không bao giờ lỗi thời, người già và trẻ em, sống đời tận hiến hay giữa đời thường đều sử dụng được, người sáng tạo ra nó không ai khác là Thiên Chúa Ba Ngôi, người giới thiệu sản phẩm là Mẹ Maria, nhà phân phối chính là Giáo Hội. Sản phẩm tuyệt vời này có chức năng liên lạc, tâm sự, xin trợ giúp về mọi mặt và mọi phương diện rất cần thiết cho cuộc sống hiện tại, cũng như cuộc sống đời sau; mạng nối kết vượt thời gian, không gian, liên lạc được giữa trời và đất, giữa ta và Đấng Tạo Hoá, giữa ta với các Thánh trên trời cũng như với các linh hồn nơi luyện ngục, qua tổng đài tuyệt đối hoàn hảo không bao giờ bị mất sóng, tắc nghẽn, gián đoạn, lại kết nối nhanh như chớp, đó là Đức Trinh Nữ Maria, phím nối kết là lời kinh Kính Mừng rất đơn sơ. Ấy thế mà lại rất ít người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ và các đấng mày râu.”
Biết bao người đã dùng chuỗi mân Côi để lướt thắng ba thù, và giải quyết vấn đề khúc mắc trong cuộc sống cách dễ dàng. Mẹ sẽ cùng đi, cùng chiến đấu với chúng ta. Ðức Thánh Gioan XXIII cảm nghiệm được hồng ân lớn lao cho những ai biết đến với Mẹ bằng chuỗi Mân Côi nên Ngài đặc biệt khuyên các gia đình: “ Chớ gì kinh Mân Côi là hương thơm, là sự bình an cho gia đình các con; ước chi con cái của các con chạy đến với Mẹ Maria, để được gìn giữ sự trong trắng ngây thơ; ước chi các bạn thanh niên học được nơi Ðức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Ðức Nữ Trinh.”
Trong tháng mười này nhất là trong đại dịch này, chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta năng đến với Mẹ bằng lời kinh mà Mẹ yêu thích, để Mẹ an ủi, gìn giữ, che chở chúng ta trong áo choàng của Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng ta vững bước trên đường Thập giá dẫu phải trải qua những đau khổ ngặt nghèo mà tự sức chúng ta không thể vượt qua.
Trong khi đại dịch vẫn chưa dừng, chúng ta cần chạy đến với Mẹ với tâm tình con thảo. Xin mượn lời cha chung để kết cho bài chia sẻ này: “Lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, xin cầu cùng Chúa, Thiên Chúa là Cha thương xót chúng con, để thử thách này chấm dứt, đồng thời chân trời hy vọng và bình an sẽ trở lại. Như ở Cana, xin Mẹ cầu khẩn cùng Con Thiên Chúa của Mẹ, xin Người an ủi gia đình của các bệnh nhân và nạn nhân; và mở lòng họ với sự tin tưởng”.
Maria Faustina Lý Thị Báu