Tôi ra vùng ngoại biên

0

         

 Đại dịch Covid làm cho tôi vừa lo vừa sợ, lo không biết mình có thể chiến thắng với tử thần? sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà tiếp xúc với người khác.

Nhưng lời mời gọi của Đức Kitô đã không ngừng thôi thúc trong tôi: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu!”.  Nhưng ra đấy làm gì? Có nguy hiểm đến tính mạng không? Nhiều người còn nói với tôi rằng: “ chỉ có những kẻ dại khờ, kém hiểu biết mới liều lĩnh xông pha ra tuyến đầu trong hoàn cảnh đại dịch này”….

Ngồi trước Thánh Thể, tôi hỏi ý Chúa thế nào?- Ngài thinh lặng, như khi tôi im lặng chiến đấu nội tâm trước nỗi sợ hãi của bao người. Trong thinh lặng ấy tôi nhớ đến ngôn sứ Isaia khi Chúa hỏi ông “Ta sẽ sai ai đây?” (Is 6,8). Phải , nếu ai cũng sợ lây bệnh, thì ai dám chăm sóc các bệnh nhân? Nếu ai cũng an vị lo cho sự an toàn của mình, thì ai sẽ chia cơm cho người đói rách? Thánh Giacobe cũng đã chẳng từng dạy : có ai trong anh em nói “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”….cuối cùng tôi quyết định thưa “ Này con đây, xin hãy sai con đi” (Is 6,8)

Cùng với Đức Kitô, tôi gạt đi mọi toan tính sợ hãi của ích kỷ bản thân, ra khỏi sự an toàn của Tu viện để cùng với các anh chị em Linh mục, tu sĩ đến vùng ngoại biên: Bệnh viện dã chiến số 1.

Bước vào tâm dịch, đối diện với sự dữ của của tử thần, tiếng kêu cứu của các bệnh nhân Covid tưởng chừng như tiếng gào thét bị lạc lõng của anh mù Bartimê giữa đám đông đang cố đàn áp “im đi”. Vì thế, là một tình nguyện viên khi ra vùng ngoại biên, tôi chỉ xin Chúa một điều: “ Xin cho con được thấy”. Quả thật, trong hoàn cảnh hỗn độn giao tranh sống- chết ấy, Ngài đã mở mắt tôi.

Tôi đã thấy Ngài qua quyết định liều lĩnh của vị Chủ chăn khi dám cho các linh mục, tu sĩ xông pha nơi tuyến đầu trực tiếp chăm sóc các bênh nhân và để chia sẻ bớt những giọt mồ hôi đọng trên trán các nhân viên y tế và các nhà lãnh đạo quốc gia. Tôi hiểu Ngài muốn mở lớn các của sổ của Giáo Hội để chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được (ĐGH Gioan XXIII).

Tôi đã thấy Ngài không phải là một Thiên Chúa trên cao, nhưng qua các linh mục, tu sĩ, Ngài đã cúi xuống đến bên giường bệnh, thăm hỏi, lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với những thao thức của các con chiên đau yếu bệnh tật, đồng thời sẵn sàng ban ân sủng bí tích cho họ.

Tôi đã thấy lòng thương xót của Chúa đang lau khô những giọt nước mắt thống hối ăn năn của các con  chiên lạc đang hấp hối bên máy thở, sự thiếu thốn nồng độ oxy trong máu không ngăn nổi sự giàu có của ân sủng khi bệnh nhân được lãnh nhận bí tích giao hòa trong những giây phút cuối đời.

Tôi đã thấy Chúa nơi những tu sĩ cẩn thận lau chùi cơ thể bệnh nhân, thay từng cái tã, kiên nhẫn đút từng muỗng cơm và hài hước trong việc khích lệ bệnh nhân uống thuốc.

Tôi đã thấy công việc của Chúa làm, khi các vị lãnh đạoThành phố và bệnh viện phải nhìn nhận: “ Chỉ có tình yêu mới giúp con người chiến thắng sợ hãi để đến gần nhau hơn”.

Tôi đã thấy công việc của Chúa khi các nhân viên y tế vô thần thắc mắc: “Tại sao các cha, các sr, các thầy từ khắp các nơi về đây, nhưng lại có thể đồng lòng cộng tác với nhau làm việc không quản ngại nguy khó, mà cũng chẳng đòi hỏi công lênh?”.

Tôi đã thấy công việc của Chúa khi bác tài xế xe cứu thương, vốn là phật tử cũng thốt lên rằng : Bây giờ tôi mới biết Công giáo là gì? Tôi không ngờ công giáo lại tốt vậy dám hy sinh đến nơi nguy hiểm nhất mà chẳng tính toán thiệt hơn?.

Và tôi cũng đã gặp được Chúa nơi những mạnh thường quân, những Kitô hữu âm thầm ngày đêm hy sinh, cầu nguyện cho các bệnh nhân và cho những ai đang phục vụ tuyến đầu, họ là những ân nhân thầm lặng, khiêm tốn phục vụ chúng tôi theo tinh thần Kitô giáo.

Cũng như anh mù Bartime khi nhìn thấy Chúa, tôi chỉ biết mang trong mình tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa đã cho tôi cơ hội chèo ra chỗ nước sâu để thấy được những mẻ cá lạ. Tạ ơn Chúa vì đã cho tôi thấy Ngài và những công việc của Ngài giữa cơn đại dịch, và rồi hôm nay khi trở về với cuộc sống “bình thường mới”, tôi vẫn muốn  tiếp tục đi trên con đường Ngài đi.

                                                   Nt. Maria Thúy Kiều

Comments are closed.

phone-icon