Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 4, 1-13).
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
******
Chúng ta đã bắt đầu vào Mùa Chay! Nếu hằng năm, vào Chúa nhật đầu tiên của Mùa Chay, Giáo hội mời chúng ta đọc lại trình thuật về những cám dỗ của Chúa Giêsu, đó là vì Giáo hội muốn chúng ta đặt đúng vị trí hành trình thiêng liêng của chúng ta trong Mùa Chay: đó là một cuộc chiến đấu. Có phải là cuộc chiến đấu chống lại Satan không? Đúng vậy! Satan ở đây không phải là một con quỷ đen có sừng với bàn chân lông lá trong trí tưởng tượng của chúng ta, mà là hiện thân của điều ác. Sự dữ ở trong chúng ta, trong thế giới của chúng ta, mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta đừng bao giờ thỏa hiệp với nó. Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi bắt đầu hoặc bắt đầu lại cuộc đấu tranh khốc liệt chống lại tất cả những gì ngăn cản chúng ta sống trọn vẹn cuộc sống của những người tự do, của con cái Chúa.
Trong bài Tin Mừng, cảnh cám dỗ diễn ra ngay sau bài tường thuật về phép rửa ở sông Gio-đan. Đức Giêsu vừa nghe tiếng Chúa Cha, Đấng đã tuyên bố với Người: “Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22). Kể từ đây, Người biết rằng Người là Con Thiên Chúa, và Người sẽ coi trọng lời tuyên bố yêu thương này của Cha mình.
Và này, quỷ đến cám dỗ Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…”, ông sẽ có thể làm những điều phi thường, giật gân, những điều có khả năng thu hút cả đám đông đến với ông. Đúng vậy, Đức Giêsu có thể biến đá thành bánh, biến nước thành rượu, nuôi đám đông với năm chiếc bánh và hai con cá. Nhưng Đức Giêsu từ chối bất cứ điều gì có tính “giật gân”.
Điều cám dỗ thứ hai là quyền lực và sự thống trị. “Quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: ‘Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này.’”
Trong suốt ba năm truyền giáo, Đức Giêsu bị cám dỗ bởi đám đông muốn tôn Người làm vua, bởi các môn đệ mơ ước làm cách mạng và giải phóng trần thế. Đức Giêsu đã từ chối vương quyền trần gian này và tự làm Tôi tớ.
Cám dỗ thứ ba và cuối cùng là cám dỗ tôn giáo. Ở đây, Đức Giêsu bị cám dỗ gieo mình từ nóc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem xuống để, với sự kỳ diệu này, dân Do-thái sẽ nhận ra Người là Thiên Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!”, “Nếu ông là Con Thiên Chúa, ông không thể chết!” Đức Giêsu không chịu khuất phục trước sự cám dỗ này, trước hết vì Người vâng lời Chúa Cha đợi thời điểm thuận lợi, sau đó là vì Người phải chấp nhận những bất trắc của cuộc nhập thể cho đến cùng.
Những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là những cám dỗ của chúng ta vì chúng biểu lộ rõ đặc trưng cho bản chất con người.
Cám dỗ thứ nhất: biến đá thành bánh. Xã hội tiêu dùng, tìm kiếm lợi nhuận, những lo toan của cuộc sống hàng ngày có nguy cơ làm chúng ta quay đầu lại với những giá trị tinh thần, vì hạnh phúc không đạt được bằng việc tích lũy của cải. Đức Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Cám dỗ thứ hai: ở trên cao, để nhìn ngắm tất cả các vương quốc trên trái đất. Đó là sự cám dỗ của quyền lực. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Có thể đôi khi chúng ta đã bị cám dỗ để tôn thờ quyền lực, tiền bạc, các thú vui, v.v… thay vì thờ phượng Thiên Chúa.
Cám dỗ thứ ba: tự gieo mình xuống. Cám dỗ để bắt buộc Chúa phải ra tay, can thiệp. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Thay vì làm theo ý muốn của Chúa, chúng ta buộc Chúa phải làm theo ý của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta phẫn nộ chống lại Chúa nếu Người không làm theo ý của chúng ta, nếu Người không chữa bệnh cho người thân của chúng ta, nếu Người không giúp chúng ta vượt qua những thử thách, nếu con cháu mình không thi đậừ đại học, v.v… Chúng ta biết rõ rằng vấn đề điều Ác hoặc sự Dữ trong thế giới này là nguyên nhân của hầu hết các cuộc khủng hoảng tâm linh và nhiều cuộc bỏ đạo.
Vào đầu Mùa Chay này, Tin Mừng giúp chúng ta điểm lại tình hình để tìm kiếm lại cội nguồn cội của đức tin và dấn thân cho tương lai bằng cách tuân theo sự lựa chọn của Chúa Giêsu: không phải thu vét cho riêng mình, nhưng chia sẻ và hiến thân mình. Không phải để thống trị, nhưng để phục vụ.
Ước gì con đường của Chúa Giêsu cũng là con đường của chúng ta, trong suốt Mùa Chay này: cho niềm vui của chúng ta, niềm vui của anh chị em chúng ta và niềm vui của Thiên Chúa!
Chúc tất cả chúng ta Mùa Chay thánh và sốt sắng!