Catarina Siena – Chứng nhân Lòng Chúa Xót Thương

0

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

Chúng ta đang sống trong Năm thánh ngoại thường Lòng Thương Xót và kỷ niệm 800 năm ngày châu phê Sắc lệnh lập Dòng Anh em Giảng thuyết, thiết tưởng đây cũng là lúc thuận tiện để cùng nhau suy tư về thánh nữ Catarina, vị thánh của lòng Chúa xót thương. Có thể khẳng định rằng khi nói đến lòng thương xót Chúa, chúng ta không thể nào không nói đến thánh nữ Catarina Siena, một con người cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót Chúa trong cuộc sống bé nhỏ, đời thường của mình và còn thể hiện rõ nét qua tác phẩm nổi tiếng Đối thoại. Có thể nói đề tài về lòng thương xót Chúa trở thành chủ đề căn bản của Đối thoại, dựa trên bốn lời cầu khẩn: a) xin thương xót bản thân (ch. 2-16); b) xin thương xót thế giới (ch. 17-109); c) xin thương xót Hội thánh (ch. 110-134) và d) lòng thương xót của Chúa quan phòng (ch. 154-165).

Nhìn lại cuộc đời thánh nữ Catarina, chúng ta cảm nhận được một điều là tình yêu Thiên Chúa luôn ấp ủ, bao bọc, chở che thánh nữ, từ một phụ nữ bé nhỏ trong miền quê Sienna đã trở thành người kêu gọi hòa bình cho toàn thể Châu Âu, từ một tu sĩ dòng ba Đa Minh đã trở nên người đưa giáo triều từ Avignon về lại Roma, từ một phụ nữ tầm thường, ít học đã trở nên tiến sĩ Hội thánh. Động lực nào đã thúc đẩy thánh Catarina? Có thể nói chính trong cô tịch của tâm hồn, thánh Catarina đã cảm nghiệm được chân lý: chị không thể yêu Thiên Chúa, Đấng vô hình, nếu không yêu mến anh chị em hữu hình. Từ chân lý này, thánh Catarina khám phá tình yêu Thiên Chúa trải dài từ tạo dựng đến cứu độ con người. Từ chân lý này, thánh Catarina dấn thân phục vụ người nghèo, chị nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô nơi người nghèo và người đau khổ để sống tròn đầy sứ điệp Lòng Chúa Xót Thương. 

1. Lòng thương xót Chúa được thể hiện qua công trình tạo dựng

Trong một lá thư gởi cho Barthelemi Dominici, thánh nữ Catarina có viết như sau : “Tôi mời thầy đi vào trong biển cả mênh mông bằng lòng mến nồng cháy và trong biển cả sâu thẳm. Tôi đã khám phá ra điều này một cách mới mẻ, không phải là biển cả trở nên mới, nhưng điều mới mẻ ở đây là cảm giác của tâm hồn trước lời nói “Thiên Chúa là Tình yêu”. Cũng như chiếc gương soi gương mặt của chúng ta, và mặt trời tỏa ánh sáng trên mặt đất, cũng vậy lời này chiếu vào tâm hồn tôi cho biết tất cả mọi hoạt động chỉ vì tình yêu. Bởi vì các họat động này không làm gì khác ngoài Tình yêu. Vì lẽ đó mà Ngài đã nói “Ta là Thiên Chúa yêu thương”. Ánh sáng này phát sinh ra trong mầu nhiệm Ngôi lời nhập thể” (T. 146, 1).

Trong đoạn thư này chúng ta để ý đến hai điểm. Điểm thứ nhất thành ngữ “Tôi đã khám phá…” cho thấy không phải tình yêu Thiên Chúa đã đổi mới, lòng thương xót của Ngài không phôi phai, thay đổi, nhưng là một khám phá mới mẻ mà thánh Catarina cảm nhận được khi suy chiêm câu Kinh Thánh “Thiên Chúa là tình yêu”. Điểm thứ hai tình yêu này được thể hiện rõ nét trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người. Vì yêu thương con người tội lỗi mà Con Thiên Chúa đã làm người, mặc lấy thân phận yếu đuối của con người ngoại trừ tội lỗi. Con người là ai mà Chúa lại yêu thương như thế? Để hiểu biết về con người, thánh nữ có nhiều cách diễn tả, cách thứ nhất thánh nữ ghi lại trong Đối thoại: “Hãy mở mắt trí khôn và nhìn vào Ta, con sẽ thấy phẩm giá và vẻ đẹp của tạo thành có lý trí. Và qua vẻ đẹp của tâm hồn mà Ta đã tạo dựng giống hình ảnh Ta. Chỉ khi nhìn vào Thiên Chúa, con người mới nhận ra phẩm giá và vẻ đẹp tạo thành của mình là loài có lý trí. Tuy nhiên, làm thế nào con người có thể nhìn Thiên Chúa diện đối diện? Môsê, người bạn của Thiên Chúa, chỉ được thấy lưng Ngài mà thôi, vì ai thấy Thiên Chúa thì phải chết. Chỉ có Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết Thiên Chúa.

Cách thế thứ hai để hiểu con người, thánh Catarina đã viết trong một lá thư: “Trong sự nhận biết mình, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống Ngài do tình yêu. Chính trong sự thật này Ngài đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta được tham dự vào cuộc sống của Ngài. Ai đã giúp chúng ta khám phá ra chân lý ấy? Chính máu thánh Chúa Giêsu” (T. 227, 1). Thánh Catarina nhấn mạnh rằng trong máu Chúa Giêsu con người nhận biết nguồn gốc của mình là “tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa do tình yêu”. Vậy qua mầu nhiệm nhập thể, khổ nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã mạc khải vẻ đẹp và phẩm giá con người. Chính vì thế, chỉ một mình Chúa Giêsu mạc khải con người một cách trọn vẹn do bản tính nhân loại của Ngài. Hơn thế nữa, con người cần có hình ảnh hoàn hảo là Chúa Kitô để đạt đến đích điểm của đời mình như thánh nữ đã nói: “Ngài đã làm người để chúng con được làm Thiên Chúa[1]. Đối với thánh Catarina chính trong tình yêu nồng cháy mà Thiên Chúa đã dựng con người không như những thú vật không lý trí, và cũng không giống như Thiên Thần, không có xác, nhưng “giống hình ảnh Ngài”, hình ảnh Ba Ngôi như thánh nữ đã thốt lên trong lời cầu nguyện: “Lạy Cha chí thánh, chỉ vì tình yêu mà Cha đã dựng nên chúng con, chúng con là hình ảnh Cha và giống Cha, Cha đã không nói hãy làm như các sinh vật khác, nhưng Cha đã nói chúng ta hãy làm con người giống hình ảnh chúng ta. Ôi tình yêu cao siêu, Cha đã cho con người hình dáng Ba Ngôi. Sự tạo dựng con người là kết quả của tình yêu Ba Ngôi, con người mang những dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi do quyền năng, trí hiểu và ước muốn.

Con người không có thể hiểu biết mình cách trọn vẹn khi đối chiếu với những thụ tạo trong thế giới hữu hình. Chìa khóa để hiểu chính mình đó là con người chiêm ngắm trong Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa hằng sống. Ba Ngôi chí thánh là suối nguồn đầu tiên và quyết định để hiểu bản tính thâm sâu của con người. Như vậy, thánh Catarina nhận biết mọi sự trong Thiên Chúa thay vì biết Thiên Chúa trong mọi sự. Điều này đưa chúng ta đến tư tưởng của Công đồng Vaticano II, “Thật ra, mầu nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Adam, con người thứ nhất, là hình ảnh của Đấng phải đến, tức là Chúa Kitô là Adam mới, qua sự mạc khải về mầu nhiệm yêu mến của Cha, Chúa Giêsu đã cho con người hiểu rõ về chính con người với sự cao cả của thiên chức mình. Vì thế không lạ gì khi các sự thực đã xảy ra trước, thì bây giờ lại tìm được nguồn gốc và đạt thấu thành tựu của mình nơi Chúa Kitô” (GS 22. 1).

2. Lòng thương xót Chúa được thực hiện qua công trình cứu chuộc

Thế nhưng, vẻ đẹp đó đã không còn nguyên vẹn khi con người sử dụng không đúng cách tự do của mình: “Do tự do, con người có thể làm điều tốt và điều xấu với ước muốn của nó”. Tội lỗi đã làm đảo lộn trật tự mà Thiên Chúa đã dựng nên ngay từ ban đầu. Do tội lỗi, con người không thể đạt đến cuộc sống đời đời. Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa còn lớn lao hơn thế nữa, Ngài đã tỏ lộ cho thánh Catarina đạo lý về chiếc cầu: Đức Giêsu Kitô Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Ngài là chiếc cầu nối trời với đất. Chính Ngài đã tái lập tình trạng hoàn thiện ban đầu mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, thánh Catarina đã thốt lên: “Ôi lòng thương xót phát ra từ bản tính thần linh của Đấng tối cao, Đấng quyền năng cai trị cả vũ trụ, bởi lòng thương xót của Ngài mà chúng con được tạo thành. Do lòng thương xót của Ngài, mà chúng con được tái tạo trong máu của Con Ngài[2].

Thánh Catarina nói đến những khốn khổ của con người trong tội lỗi không phải để dừng lại ở tội lỗi, nhưng là để hiểu một cách thâm sâu tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, chính cái nhìn về tình yêu của Thiên Chúa sẽ mang lại một sự hiểu biết đúng đắn về sự hư vô và tội lỗi của con người và điều này sẽ giúp cho tâm hồn bền chí trong hy vọng. Do tội lỗi con người không thể tự mình đến với Thiên Chúa. Họ mù quáng không còn nhận ra mình và nhận biết Chúa[3], con người hoàn toàn bất lực để làm điều thiện hầu đáng được sự sống đời đời[4]. Nhưng chính vì lòng thương xót nhân loại tội lỗi Thiên Chúa đã đến với con người bằng cách sai Con Một Người đến trần gian. Chúng ta thấy tất cả đều khởi đầu từ Thiên Chúa, Ngài không chỉ dựng nên con người, mà còn đến cứu chuộc con người khỏi sự chết đời đời là hậu quả của tội lỗi. Đó là mầu nhiệm Ngôi Lời ghép vào bản tính nhân loại trong cung lòng của Đức Maria.

Việc Nhập thể được soi sáng bằng sự chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính vì thế trong ngày lễ Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, thánh nữ chiêm ngắm Mẹ là nơi ngự trị của Ba Ngôi. Thiên Chúa đã đến ngự trong lòng Mẹ. Tình yêu của Ngài đã mặc lấy xác phàm trong cung lòng Mẹ. Chính vì thế Catarina cầu nguyện như sau: “Ôi Maria, đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa, Mẹ đã mang lấy ngọn lửa, Mẹ đã che giấu ngọn lửa ấy trong thân phận làm người của Mẹ… Mẹ là cuốn sách mà trong nó ngày hôm nay đã viết lên lề luật cho chúng con. Trong Mẹ, ngày hôm nay đã viết sự khôn ngoan của Chúa Cha hằng hữu, nơi Mẹ tỏ hiện sức mạnh và sự tự do của con người, chỉ cho thấy phẩm giá của con người bởi vì khi con chiêm ngắm Mẹ, con nhận thấy bàn tay Chúa Thánh Thần đã viết nơi Mẹ Chúa Ba Ngôi: hình thành nơi Mẹ người con duy nhất của Thiên Chúa, bàn tay này đã viết sự khôn ngoan của Cha, sự diệu hiền của Chúa Thánh Thần” (CN 11).

Vậy chính hôm nay, sự Khôn ngoan của Chúa Cha hằng hữu đã được viết trong lịch sử nhân loại nơi Mẹ Maria. Mẹ là cuốn sách được viết bởi bàn tay của Chúa Thánh Thần. Ngài hình thành trong cung lòng Mẹ Con Thiên Chúa. Chúng ta thấy có một tương quan chính yếu giữa Nhập thể và việc đồng trinh của Đức Maria. Tiếp theo lời cầu nguyện, thánh Catarina nhấn mạnh đến lời xin vâng của Mẹ. Vì thế Catarina bình luận sự đáp trả của Mẹ như sau: “Con Thiên Chúa sẽ không nhập thể trong cung lòng của Mẹ nếu Mẹ không chấp nhận trong ước muốn. Ngài chờ đợi ở cửa ý chí và đợi Mẹ mở và nếu Mẹ không mở thì sẽ không bao giờ Ngài bước vào, Ngài đã vào với lời nói của Mẹ: “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”.

Thiên Chúa chờ đợi lời đáp trả của Mẹ để làm người. Mẹ đã không chỉ mở con tim mà cả tâm hồn để Con Thiên Chúa đến nơi trần gian. Ngày truyền tin, Mẹ tham dự vào cuộc sống bằng cách chấp nhận cưu mang Đấng ban sự sống. Sứ thần xin Mẹ lời xin vâng để mầu nhiệm nhập thể có thể thực hiện. Vậy Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu bằng lời xin vâng. Trong ngày đó, Mẹ đã tự hiến mình hoàn toàn cho công trình của Thiên Chúa. Hành động này của Mẹ hoàn toàn tự nguyện, Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ con người bằng ước muốn và tự do. Về phía con người, lời xin vâng của Mẹ đã quyết định cho việc hoàn thành ơn cứu độ, còn về phía Thiên Chúa, lời này đã làm cho công trình của Ngài được thực hiện. Ở đây chúng ta thấy sự hài hòa với những lời mà thư Do Thái đã nói khi Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha khi đến trong thế gian: “Hy sinh cùng lễ vật Người đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên thân xác cho con, các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người đã chẳng đoái. Bấy giờ, con nói: Này con đến, trong cuốn sách đã viết về con- để thi hành ý muốn của Người, lạy Thiên Chúa” (Dt 10, 5-7).

Lời xin vâng nói lên rằng Mẹ sẵn sàng làm theo thánh ý Chúa Cha. Mẹ là mãnh đất tốt để Thiên Chúa có thể gieo hạt giống đó là con của Ngài. Thánh Catarina viết cho một linh mục ở Naples: “Ôi tình yêu thật dịu hiền, thật êm diệu trong sự nên một mà Ngài đã làm với con người. Ngài đã chỉ rõ tình yêu khôn lường bằng những ân sủng và những ân huệ mà Ngài đã tuôn tràn trên tạo vật, nhất là hồng ân nhập thể của con của Ngài. Hãy nhìn xem sự cao cả đã hạ mình trong thân phận của chúng con. Sự kiêu ngạo của con người đã phải đỏ mặt khi xem thấy Thiên Chúa thật khiêm nhường đã đến trong cung lòng của Mẹ. Điều đó được thực hiện trong mãnh đất được gieo lời Con Thiên Chúa. Thật vậy cha kính mến, trong cánh đồng được chúc lành này, Ngôi lời đã nên một trong thân xác của Mẹ, như hạt giống gieo vào lòng đất và với ánh nắng mặt trời, hạt mới có thể đơm hoa kết trái. Ôi Mẹ Maria, Mẹ đã cho chúng con hoa trái là Chúa Giêsu.” (T. 342). Mẹ là mãnh đất màu mỡ để gieo hạt giống Ngôi Lời. Bằng việc nhập thể, Chúa Giêsu đã nên một trong thân xác Mẹ, Ngài hiện diện bằng xương thịt trong cung lòng của tạo vật của mình bằng cách trở nên con của Mẹ. Ngài là xương là máu của Mẹ. Sự hạ mình của Chúa Giêsu trong cung lòng của Mẹ mạc khải cho chúng ta sự khiêm nhu của Thiên Chúa.

Sau khi chiêm ngắm Mẹ Maria, thánh Catarina đi vào mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Mầu nhiệm này cho chúng ta thấy được tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài đến để cho chúng ta tham dự vào cuộc sống đời đời, Thiên Chúa trở nên con người để con người trở nên Thiên Chúa[5]. Để nói đến mầu nhiệm này thánh Catarina dùng một hình ảnh ghép cây qua thư gởi cho anh Nicolas: “Ôi một điều tuyệt diệu mà chúng ta chiêm ngắm đó là Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người, Thiên Chúa ghép vào bản tính con người, con người đã khô cằn bởi vì không được tham dự vào nhựa sống của ân sủng, chỉ có nhựa này mới làm cho con người sinh hoa kết trái” (T. 172).

Qua việc nhập thể, Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình dưới ánh mắt của chúng ta, như trong Đối thọai đã viết: “Cha là Đấng vô hình, nhưng Cha đã trở nên gọi là hữu hình khi ban cho chúng con Ngôi Lời Con Cha, mặc tính phàm nhân”. Trong một lá thư, thánh Catarina viết cho một linh mục, chị kể chính Chúa Giêsu đã dạy chị mầu nhiệm này: “Ta là Con một của Thiên Chúa, Ta đã trở thành giếng nước ân sủng. Chính ta đã mạc khải cho con biết tình yêu của Chúa Cha, bởi vì tình yêu của Ngài cũng chính là tình yêu của Ta bởi vì Cha và Ta là một. Chính Ta đã mạc khải Chúa Cha, vì thế Ta đã nói: “Điều mà Ta đã nhận được từ nơi Cha, Ta đã tỏ cho con biết”. Thánh Catarina giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm này bằng một hình ảnh khác, đó là hình ảnh món quà và người tặng như Thiên Chúa đã nói với thánh nữ: “nhưng một linh hồn đã thật sự bước vào trong căn nhà của sự biết mình, để chuyên chăm cầu nguyện ở trong đó, nó sẽ thoát khỏi lòng mến yêu bất toàn và sự cầu nguyện bất toàn…Giữa linh hồn đó và Cha, từ nay chỉ có mối quan hệ của đôi bạn hữu. Nó xử sự với Cha như người bạn với người bạn. Nếu nó nhận được món quà, nó sẽ không chỉ nhìn vào món quà, mà còn nhìn vào trái tim, nhìn vào tâm tình của người cho quà: nó chỉ trọng món quà vì tấm lòng tốt của người bạn[6].

Để nói đến mầu nhiệm nhập thể, thánh Catarina không dùng những từ ngữ thần học cao siêu, nhưng chị dùng những hình ảnh rất đơn sơ có nguồn gốc trong Kinh Thánh để chỉ cho chúng ta thấy mầu nhiệm hợp nhất giữa hai bản tính trong con người Chúa Giêsu. Chính vì thế, trong ngày phong thánh nữ Catarina tiến sĩ hội thánh, Đức Giáo hoàng Phaolo VI đã nói: “Chúng ta không tìm thấy trong tác phẩm thánh nữ đã viết… những lý lẽ để biện giải và những điểm thần học táo bạo sánh với những nhân vật lớn trong Hội Thánh thời Cổ, ở Đông phương và Tây phương. Chúng ta không thể đòi hỏi người trinh nữ ít học ở làng Fontebranda phải có những lý thuyết cao siêu của một thứ thần học hệ thống, thứ thần học đã làm cho những bậc tiến sĩ thời Trung Cổ Kinh Viện trở thành bất tử. Và nếu trong các tác phẩm của thánh nữ có phản ánh thần học của Tiến sĩ Thiên Thần (Toma Aquino) đáng cho ta ngạc nhiên thì thứ thần học đó đã bị lột bỏ mình hình thức khoa học rồi. Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả nơi thánh nữ chính là một tri thức thiên phú, tức là hấp thụ một cách xuất sắc, sâu xa và say sưa chân lý về Thiên Chúa mà những mầu nhiệm đức tin hàm chứa trong các sách Cựu ước và Tân ước: vâng, đó là một sự hấp thụ nhờ những ân huệ tự nhiên rất đặc biệt, nhưng cũng thật là phi thường do bởi đoàn sủng khôn ngoan, một đoàn sủng nhiệm mầu mà Chúa Thánh Thần ban cho[7].

Qua những tư tưởng của thánh nữ Catarina, chúng ta cảm nghiệm rằng chính trong quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa mạc khải cho những ai yêu mến Ngài và sự hiểu biết trong niềm tin đi đôi với sự hiểu biết của con tim, một con tim biết lắng nghe, suy niệm lời Chúa trong truyền thống của Giáo hội. Một điểm lưu ý khác nơi thánh Catarina là chổ đứng của Đức Maria trong việc chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập thể. Bàn về vấn đề này, cha Lethel một nhà thần học dòng Carmelo người Pháp đã nói như sau: “Thật khẩn cấp để lấy lại chổ đứng của Đức Maria trong Kitô học, theo những chứng nhân của các Giáo phụ và của các thánh Tiến sĩ. Mẹ Maria luôn luôn đồng trinh, thánh thiện, Mẹ nhận nơi con mình hồng ân trong mầu nhiệm Vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời. Sự vắng bóng của Đức Maria trong những tác phẩm Kitô học thời đương đại là một việc rất đáng tiếc và có thể là một lỗi nặng”.

Nhập thể là giai đoạn hạ mình thứ nhất của Chúa Giêsu, sự hạ mình này đạt đến đỉnh cao của nó ở trong mầu nhiệm khổ nạn của Ngài trên thập giá. Chính vì cứu độ chúng ta mà Chúa Giêsu đã làm người và chết trên thập giá. Bằng việc vâng phục, Chúa Giêsu tự quyết định cho đi cuộc đời của mình bằng cách chết trên thập giá. Vậy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu không chỉ ghép vào bản tính con người và trên thập giá, nhưng nó còn bao gồm sự vâng phục ý định của Chúa Cha cho đến chết trên thập giá. Hành động vâng lời của Chúa Giêsu được đặt một lần cho tất cả.

Chính vì thế trong khi chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập thể, thánh Catarina cũng thấy trong mầu nhiệm ấy cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Thánh nhân thưa cùng Đức Mẹ rằng: Con thấy Ngôi Lời khi được ghi trong lòng Mẹ, Ngài được ghi với thập giá của ước muốn, vì ơn cứu rỗi con người mà Ngài đã nhập thể. Vì thế Ngài đã mang lấy thập giá này thật lâu cho đến lúc hoàn thành. Nhập thể và Khổ nạn không bao giờ tách khỏi trong mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Thập giá ước muốn đã hiện diện trong lúc Ngài nhập thể. Chính Chúa Giêsu đã nói cho thánh Catarina mầu nhiệm này: “Con yêu dấu, con có nhớ có một lần Ta đã chỉ cho con sự ra đời của Ta, con không thấy Ta là một đứa trẻ sơ sinh và mang một cây thánh giá ở cổ sao? Ngay từ khi Ta nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, Ta đã mang lấy thập giá của ước muốn đó là hoàn thành ý định yêu thương của Cha ta trên loài người. Cây thập giá này còn nặng hơn bất cứ thập giá nào khác mà Ta phải mang trong thân xác Ta. Vì thế, tâm hồn Ta vui mừng khôn tả khi Ta tiến đến giờ phút cuối cùng…” (T. 16).

Trong mầu nhiệm cứu độ, Chúa Giêsu vừa hạnh phúc và vừa đau khổ. Làm thế nào để giải thích sự kiện này? Thiên Chúa đã giải thích điều này cho thánh Catarina: “Con yêu dấu của Ta trên thập giá vừa đau khổ và vừa sung sướng: đau khổ vì thân thể Ngài phải vác thập giá và chịu cực hình, đau khổ vì ước ao đền thay tội lỗi của nhân loại; tuy nhiên Ngài vẫn diễm phúc, vì thần tính kết hợp với nhân tính, không hề biết đau khổ, và luôn luôn làm cho linh hồn Ngài hoan hỷ trong cùng bản tính thần linh Thiên Chúa Ba Ngôi[8]. Tư tưởng này cho thấy thánh Catarina chịu ảnh hưởng của thần học thánh Tôma. Trong cuốn tổng luận thần học, thánh Tôma đào sâu mầu nhiệm này bằng cách đặt dấu nhấn trên hai cực, một bên là vinh quang luôn hiện diện trong tâm hồn Chúa Giêsu và một bên là đau khổ Ngài đã chịu, một đau khổ tột đỉnh vượt trên mọi đau khổ, bởi vì mang trong mình tội lỗi của cả nhân loại. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Mầu nhiệm khổ nạn tìm thấy tiếng vang trong tông thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Vào buổi khai nguyên của ngàn năm thứ ba. Đức Thánh Cha đã dùng những thành ngữ rất mạnh để nói đến phương diện nghịch lý này trong mầu nhiệm khổ nạn. Ngài nói “mầu nhiệm trong mầu nhiệm, đứng trước mầu nhiệm này con người chỉ có thể bái lạy và tôn thờ” (số 25). Đối với Đức Thánh Cha, Hội thánh có thể thấu hiểu thảm kịch của cuộc tử nạn nhờ vào truyền thống thần học và truyền thống thần bí. Trong viễn tượng này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vừa lấy dẫn chứng của suy tư thần học, nghĩa là suy tư được chiếu sáng nhờ đức tin và vừa lấy dẫn chứng từ thần học sống động của các thánh, nghĩa là kinh nghiệm thần bí, coi như là việc chứng thực cao nhất của niềm tin trong Tình yêu để giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu.

Tạm kết

Cuộc đời thánh nữ Catarina luôn đắm chìm trong lòng thương xót của Chúa: “Ôi lòng thương xót Chúa! Trái tim con bị đắm chìm khi nghĩ đến Ngài, bất cứ nơi nào con tưởng nghĩ, bất cứ khi nào con hướng nhìn, con đều không thấy điều gì khác ngoài lòng thương xót Chúa”[9]. Chúng ta hãy ngợi khen chúc tụng lòng thương xót Chúa giống như thánh Catarina, chúng ta hãy rao giảng “Tin mừng của lòng thương xót” không chỉ bằng lời nói, nhưng là bằng các việc bác ái, đặc biệt lưu tâm đến người nghèo khổ. Rao giảng bằng lời nói và đời sống đó cũng là ước muốn, lòng khao khát của cha thánh Đa Minh khi lập nên Dòng Giảng thuyết. Thế giới hôm nay cần đến nhân chứng hơn thầy dạy, vì thế mỗi người tu sĩ Đa Minh cần nhìn lại cuộc sống chứng nhân của mình trong môi trường tục hóa. Làm thế nào để sự hiện diện của chúng ta mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho những người chúng ta gặp gỡ, như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô : “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Vâng đó cũng là điều mà thánh nữ Catarina đã mô tả Dòng Đa Minh như là “vườn hoa vui tươi”[10].

________________________

[1] Giáo phụ Irene.

[2] Đối thoại, ch. 30, tr. 59.

[3] Đối thoại, ch. 46, tr. 90.

[4] Đối thoại, ch. 21, tr. 41.

[5] Đối thoại, ch. 110, tr. 241.

[6] Đối thoại, ch. 72.

[7] Bài giảng của ĐTC Phaolô VI ngày 4/10/1970, ngày tôn phong thánh nữ Catarina tiên sĩ hội thánh, trong “Tài liệu nghiên cứu”, số 17 của Văn phòng Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam.

[8] Đối thoại, ch. 78, tr. 162.

[9] Đối thoại, ch. 30.

[10] Đối thoại, ch. 158.

Comments are closed.

phone-icon