Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong lễ Phong Thánh 12 vị Chân Phước ngày 15.5.2022

0

Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ

THÁNH LỄ TUYÊN PHONG HIỂN THÁNH CÁC CHÂN PHƯỚC 

Titus Brandsma – Lazzaro, detto Devasahayam – César de Bus – Luigi Maria Palazzolo – Giustino Maria Russolillo – Charles de Foucauld – Maria Rivier – Maria Francesca di Gesù Rubatto – Maria di Gesù Santocanale – Maria Domenica Mantovani

*******

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, 15 tháng Năm, 2022

Chúng ta đã nghe những gì Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi rời bỏ thế gian này và trở về với Chúa Cha. Ngài nói với chúng ta ý nghĩa của việc trở thành người Kitô hữu: “Anh em cũng phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Đây là di sản Đức Kitô để lại cho chúng ta, là tiêu chuẩn cuối cùng để phân biệt chúng ta có thực sự là người môn đệ của Ngài hay không. Đó là điều răn yêu thương. Chúng ta cùng dừng lại để xét đến hai yếu tố nền tảng của điều răn: tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta – “như Thầy đã yêu thương anh em” – và tình yêu mà Ngài yêu cầu chúng ta thể hiện với người khác – “anh em cũng phải yêu thương nhau”.

Đầu tiên, những lời “như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta như thế nào? Tới tận cùng, hy sinh trọn vẹn bản thân. Thật xúc động khi nghĩ đến những lời này Ngài đã vào đêm tăm tối đó, khi bầu không khí trong phòng Tiệc ly là niềm xúc động và lo lắng thật sâu sắc: là sự xúc động sâu sắc vì Thầy sắp từ biệt các môn đệ của mình; lo lắng vì Chúa nói rằng một người trong họ sẽ phản bội Ngài. Chúng ta có thể tưởng tượng nỗi buồn phiền tràn ngập trong lòng Chúa Giêsu, những đám mây đen đang tụ lại trong lòng các tông đồ, và sự cay đắng của họ khi nhìn thấy Giuđa sau khi nhận miếng bánh do Thầy chấm cho, đã rời khỏi phòng để bước vào đêm đen của sự phản bội. Tuy nhiên, ngay vào giờ bị phản bội Chúa Giêsu đã khẳng định lại tình yêu của ngài dành cho những người của Ngài. Vì giữa những bóng tối và thử thách của cuộc đời, đây là điều quan trọng nhất cho tất cả mọi người: Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Thưa anh chị em, ước mong rằng thông điệp này là cốt lõi của đức tin của chúng ta và trong tất cả những cách chúng ta thể hiện nó: “… không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” (1 Ga 4:10). Chúng ta đừng bao giờ quên điều này. Khả năng và công trạng của chúng ta không phải là điểm trung tâm, mà là tình yêu nhưng không, vô điều kiện của Thiên Chúa mà chúng ta không xứng đáng đón nhận. Đời sống Kitô hữu của chúng ta bắt đầu không phải với giáo lý và những việc làm tốt lành, nhưng bắt đầu từ sự kinh ngạc khi nhận biết rằng chúng ta được yêu thương, tình yêu thương có trước tất cả mọi phản ứng của chúng ta. Trong khi thế giới cố gắng thuyết phục chúng ta rằng chúng ta chỉ được đánh giá cao vì những gì chúng ta có thể tạo ra thì Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về chân lý thật sự của cuộc sống: chúng ta được yêu thương. Một tác giả viết sách thiêng liêng đương thời đã nói như thế này: “Từ rất lâu trước khi bất kỳ người nào nhìn thấy chúng ta, chúng ta đã được nhìn bằng ánh mắt đầy yêu thương của Chúa. Từ rất lâu trước khi có người nghe thấy tiếng khóc hoặc tiếng cười của chúng ta thì chúng ta đã được Thiên Chúa lắng nghe, Đấng luôn sẵn sàng lắng nghe chúng ta. Từ rất lâu trước khi có một ai đó nói chuyện với chúng ta trên thế gian này thì chúng ta đã được trò chuyện với tiếng nói của tình yêu muôn đời” (H. NOUWEN, Life of the Beloved). Người yêu thương chúng ta trước; Người chờ đợi chúng ta; Người luôn yêu thương chúng ta. Đây là căn tính của chúng ta: chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là sức mạnh của chúng ta: chúng ta được Chúa yêu thương.

Chân nhận chân lý này đòi hỏi một sự hoán cải theo cách chúng ta thường nghĩ về sự thánh thiện. Đôi khi, do quá chú trọng vào những nỗ lực làm việc thiện, chúng ta tạo ra một lý tưởng thánh thiện dựa quá mức vào bản thân chúng ta, tính anh dũng của riêng chúng ta, khả năng từ bỏ, sẵn sàng hy sinh bản thân để đạt được phần thưởng. Đôi khi, điều này có thể xuất hiện như một cách nhìn nhận cuộc sống và sự nên thánh “theo phái pelagio” quá nhiều. Chúng ta đã biến sự thánh thiện thành một mục tiêu không thể đạt được. Chúng ta đã tách nó ra khỏi cuộc sống hàng ngày, thay vì tìm kiếm và ôm lấy nó trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, trong khói bụi của đường phố, trong những thử thách của cuộc sống thật, như lời của Thánh Têrêsa Avila nói với các Chị em của ngài, “giữa những xoong nồi và chảo”. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và thăng tiến trên con đường nên thánh trước hết có nghĩa là để cho chúng ta được biến đổi bởi sức mạnh tình yêu của Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên quyền tối thượng của Thiên Chúa vượt trên bản thân chúng ta, của Thần Khí vượt trên xác thịt, của ân sủng vượt trên công việc. Vì đôi khi chúng ta coi trọng bản thân, xác thịt và công việc hơn. Không, quyền tối thượng đó là quyền của Thiên Chúa vượt trên bản thân, của Thần Khí vượt trên xác thịt, của ân sủng vượt trên công việc.

Tình yêu mà chúng ta đón nhận được từ Thiên Chúa là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta. Nó mở rộng trái tim của chúng ta và làm cho chúng ta có thể yêu thương. Vì lý do này, Chúa Giêsu nói – đây là yếu tố thứ hai – “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng phải yêu thương nhau.” Chữ “như” đó không chỉ đơn giản là một lời mời gọi noi gương tình yêu của Chúa Giêsu; nó cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể yêu thương chỉ vì Người đã yêu thương chúng ta, bởi vì Người rót đổ Thần Khí của Người vào tâm hồn chúng ta, Thần Khí của sự thánh thiện, tình yêu chữa lành và biến đổi. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định và thực hiện những hành động yêu thương trong mọi tình huống và đối với mọi người anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, vì chính chúng ta được yêu thương thì chúng ta mới có sức mạnh để yêu thương. Như bản thân tôi được yêu thương, vì thế tôi có thể yêu người khác. Tình yêu mà tôi cho đi được kết hợp với tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tôi. “Như” Người yêu thương tôi, thì tôi có thể yêu người khác. Cuộc sống của người Kitô hữu chỉ đơn giản vậy thôi. Chúng ta đừng làm cho nó phức tạp hơn với quá nhiều thứ. Nó chỉ đơn giản vậy thôi.

Trong thực tế, sống yêu thương có ý nghĩa gì? Trước khi ban cho chúng ta điều răn này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ; rồi sau khi làm việc đó, Người đã tự hiến mình trên gỗ thánh giá. Yêu có nghĩa là: phục vụ và cho đi bản thân. Phục vụ, nghĩa là không đặt lợi ích của mình lên hàng đầu: tẩy xóa khỏi hệ thống của chúng ta mọi chất độc của lòng tham và tính đua tranh; chống lại căn bệnh ung thư của sự thờ ơ và con sâu của tính quy ngã; chia sẻ những đặc sủng và ân tứ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta nên tự hỏi bản thân một cách cụ thể, “Tôi làm được gì cho người khác?” Đó là ý nghĩa của tình yêu, duyệt xét lại cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong tinh thần phục vụ, với tình yêu thương không kể công và không tìm kiếm bất kỳ sự đền đáp nào.

Sau đó là cho đi bản thân. Điều này không chỉ đơn giản là lấy một thứ gì đó của chúng ta tặng cho người khác; nó chính là mang đến cho tha nhân chính con người của chúng ta. Cha thường hỏi những người đến xin cha lời khuyên rằng họ có làm phúc không. Nếu họ có làm thì họ có chạm đến tay của người nhận của bố thí, hay chỉ đơn giản ném của bố thí xuống như một cách tránh vi trùng. Những người đó thường đỏ mặt và nói không. Và cha hỏi liệu khi bố thí, họ có nhìn vào mắt người kia hay nhìn đi hướng khác. Họ nói không. Đụng chạm và nhìn, chạm vào và nhìn vào xác thịt của Đức Kitô đang đau khổ trong những người anh chị em của chúng ta. Điều này rất quan trọng; đó là ý nghĩa của việc cho đi bản thân.

Sự nên thánh không bao gồm một vài cử chỉ anh hùng, nhưng bằng nhiều hành động yêu thương nhỏ bé hàng ngày. “Bạn có được tiếng gọi sống đời thánh hiến không? Rất nhiều người trong anh chị em có mặt ở đây hôm nay! Vậy hãy nên thánh bằng cách sống cam kết của bạn với niềm vui. Bạn đã lập gia đình chưa? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hoặc vợ của bạn, như Chúa Giêsu Kitô đối với Hội Thánh. Bạn có phải làm việc để kiếm sống không? Hãy nên thánh bằng cách lao động liêm chính và với kỹ năng để phục vụ anh chị em mình, bằng cách đấu tranh vì công bằng cho bạn bè của mình, để họ không bị thất nghiệp, để họ luôn nhận được một mức lương xứng đáng. Bạn có phải là cha mẹ hay ông bà không? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy những người bé mọn con đường theo Chúa Giêsu. Hãy cho tôi biết có phải bạn là người có chức quyền không? Hôm nay có rất nhiều người có chức quyền ở đây! Vậy hãy nên thánh bằng cách làm việc vì lợi ích chung và từ bỏ lợi ích cá nhân” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 14). Đây là con đường nên thánh, và nó thật đơn giản! Luôn nhìn thấy Chúa Giêsu ở trong tha nhân.

Để phục vụ Tin Mừng và anh chị em của chúng ta, cống hiến cuộc sống của chúng ta mà không mong đợi được đáp trả bất cứ điều gì, bất kỳ vinh quang nào của thế gian: đây là một bí mật và nó là tiếng gọi của chúng ta. Đó là cách những người bạn đồng hành của chúng ta được phong thánh hôm nay đã sống sự nên thánh của họ. Bằng cách nhiệt thành đón nhận ơn gọi của họ – là một linh mục, là những phụ nữ thánh hiến, là một giáo dân – họ đã dâng hiến cuộc đời cho Tin Mừng. Họ đã khám phá ra một niềm vui không gì sánh được và trở thành sự phản chiếu sáng chói về Thiên Chúa của lịch sử. Vì đó là điều làm nên một vị thánh: là sự phản chiếu chói sáng của Thiên Chúa của lịch sử. Nguyện ước chúng ta cùng cố gắng để làm được như vậy. Con đường nên thánh không giới hạn riêng; nó là phổ quát và nó bắt đầu với Phép Rửa tội. Chúng ta hãy cố gắng đi theo con đường đó, vì mỗi người chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, một cách nên thánh của riêng chúng ta. Sự nên thánh luôn là “nguyên bản”, như Chân phước Carlo Cutis từng nói: nó không phải là bản sao, mà là một “bản gốc”, của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta. Nó hoàn toàn là của riêng chúng ta. Thật vậy, Chúa có chương trình yêu thương cho mọi người. Người có ước mơ cho cuộc đời của bạn, cho cuộc đời của tôi, cho cuộc đời của mỗi người chúng ta. Cha có thể nói thêm điều gì nữa? Hãy theo đuổi ước mơ đó với niềm vui.

Comments are closed.

phone-icon