Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 12, 13-21)
Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
*****************
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình, không phải với thái độ bi quan, nhưng với thực tế: những gì chúng ta đang làm, những gì chúng ta đã làm trong quá khứ với mục đích gì ? Càng có tuổi, chúng ta càng lùi lại để nhận định về cuộc sống.
Trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy người phú hộ này tự giam hãm mình và bị giam cầm trong những gì anh ta sở hữu: hoa mầu, kho lớn, “thóc lúa và của cải mình”, “ta sẽ nhủ lòng”. Sự giàu có của ông giống như một bức tường nhà tù. Ông ta bị giam mình trong đó.
Người chủ giàu nghĩ đã lên kế hoạch tốt cho phần còn lại cuộc đời của mình trong nhiều năm, hưởng thụ của cải vật chất đã sở hữu. Nhưng khi lên kế hoạch cho tương lai, ông ta lại không nghĩ đến cái chết của mình… Và khi chết, không ai mang theo được gì của cải của mình…
Nếu Đức Giêsu kể dụ ngôn về người phú hộ ngu ngốc này, không phải Người muốn chúng ta luôn nghĩ đến và lo sợ về sự chết. Dụ ngôn này được kể sau khi có một người đang có mâu thuẫn với anh trai mình đến xin Chúa can thiệp với anh trai chia phần gia tài cho mình. Nhưng, Đức Giêsu từ chối vai trò người xử kiện và trọng tài, và tương đối hóa mối lo lắng của anh ta: “Vấn đề thừa kế của anh chẳng thấm quan trọng gì so với điều chính yếu! Không phải lo giải quyết mấy chuyện phiền toái này mà anh sẽ được thừa kế sự sống đích thật, nghĩa là sự sống vĩnh cửu!”
Chúa không yêu cầu chúng ta không màng tìm kế sinh nhai, từ bỏ mọi tham vọng nghề nghiệp và mọi ước mơ chính đáng của mình. Người mời gọi chúng ta cân đo đời sống của chúng ta: một thời gian hạn chế được ban cho chúng ta trên trái đất này. Chúng ta làm gì với thời gian này ? Đâu là những ưu tiên của chúng ta? Động lực hành động thật sự của chúng ta là gì: sự thăng tiến và hạnh phúc cá nhân hay sự phục vụ người khác? Với số tiền chúng ta kiếm được, chúng ta làm gì với nó? vào việc gì và cho ai?
Trong bài đọc 1, câu nói của ông Cô-he-lét: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân !” làm cho chúng ta hiểu rõ hơn tại sao điều chính yếu là phải “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Đó là sự giàu có nào ? Đức Giêsu nói rằng sự giàu có đích thực chính là mạng sống của chúng ta, sống trong một viễn cảnh vĩnh cửu, trong chiều kích thực sự của nó. Nếu chúng ta có “tầm nhìn thấp”, chúng ta chỉ có một viễn cảnh ngắn hạn, tức là chỉ có thời gian trên trần gian của chúng ta. Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, mời gọi chúng ta “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” và vì thế chấp nhận một viễn cảnh khác, đó là cuộc sống trần thế ngắn ngủi của chúng ta dẫn đến đời sống vĩnh cửu. Cuộc sống với Thiên Chúa, trong đó mọi chia rẽ, mọi ngăn cách về chủng tộc, giai cấp xã hội, tôn giáo đều bị xóa bỏ, “không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do”. Tất cả đều là anh chị em trong Chúa Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu là người giải phóng chứ không phải kẻ hành hạ lương tâm. Người đến để giải thoát những sức mạnh của tình yêu trong chúng ta, chứ không phải để giam hãm chúng ta trong những nỗi sợ hãi: sợ cái chết, sợ sự phán xét và ngọn lửa vĩnh cửu. Mối quan tâm của Người là làm cho chúng ta khám phá ra điều cốt yếu đang ở trong chúng ta. Bởi vì trong con người cùng tồn tại cái dễ hư hỏng và cái vĩnh cửu, và trên hết là có khả năng lựa chọn giữa cái phù vân và cái bền vững.
Vào một dịp khác, Đức Giêsu có nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh cũng sẽ ở đó” (Mt 6, 21), Nếu lòng bạn chỉ hướng về tiền bạc, chỉ bận tâm đến an toàn vật chất… thì tất cả những thứ chóng qua này sẽ làm bạn khô héo và giết chết bạn. Nhưng nếu lòng bạn hướng về Chúa và anh chị em mình, thì bạn sẽ tìm thấy sự sống dồi dào bởi vì bạn đã bắt rễ từ Tình Yêu!
Trong dịp hè này, chúng ta hãy dành thời gian suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta, suy nghĩ về cách thức cụ thể để “tích trữ hoa mầu trong kho” của chúng ta, để tích trữ trong tài khoản ngân hàng của lòng chúng ta bằng giá trị duy nhất và bền vững nhất, đó là tình yêu… Thánh Gioan Thánh Giá, vào thế kỷ thứ 16, đã cảnh báo chúng ta: “Vào buổi tối của cuộc đời, chúng ta sẽ được phán xét về tình yêu.”