Lương tâm và việc huấn luyện lương tâm

0

Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, CSsR.

Lương tâm là gì?

Lương tâm là khả năng luân lý của con người, giúp họ biết cái gì tốt, cái gì xấu, là cõi thẳm sâu và cung thánh của họ, trong cung thánh ấy con người biết được mình nhờ được đối diện với Thiên Chúa và đồng loại[1]. Lương tâm giúp ta ý thức rằng cái tôi đích thật của ta được gắn kết chặt chẽ với Đức Kitô và ta chỉ là ta khi lắng nghe và đáp lại lời kêu gọi của Đức Kitô.

Lương tâm đặc trưng Kitô giáo

Lương tâm của một Kitô hữu được đánh dấu bằng việc gặp gỡ Đức Kitô, bằng niềm vui được là tạo thành mới trong Đức Kitô, bằng việc nhận biết Cha và anh chị em mình nhờ Đức Kitô (x. Ga 17,3) và bằng việc trao hiến toàn thân cho Đức Kitô, Đấng vẫn đang lôi kéo họ về với Cha.

Hay nói khác đi, ta có một lương tâm đặc trưng Kitô giáo, nếu ta cắm rễ thật sâu trong Đức Kitô, nếu ta ý thức về sự hiện diện của Người và các ân sủng Người ban, sẵn sàng liên kết với Người trong tình yêu Người dành cho mọi người.

Nền tảng của lương tâm Kitô giáo nằm trong đức tin. Phán đoán duy nhất của lương tâm là do đức tin quyết định[2].

Đức Kitô đem cho lương tâm con người nói chung những gì?

Trong lòng ta bao giờ cũng vang dội lời của Ngôi Lời, trong Ngài, ta được tạo dựng. Lương tâm ta sống được là nhờ Ngài. Và Ngài lên tiếng nhờ tiếng nói từ bên trong, một tiếng nói ta có thể nghe bằng tất cả con người ta.

Tự mình, lương tâm chỉ là một chiếc đèn chưa được thắp sáng. Lương tâm đón nhận sự thật từ Đấng là Sự Thật và là Sự Sáng, nhờ Ngài, lương tâm trở nên chói chang, ấm cúng[3]. Luật vàng của lương tâm là “làm cho người ta những gì ta muốn họ làm cho ta” (Mt 7, 12). Như thế, Đức Kitô đem cho lương tâm chính lời của Ngài.

Có thể ép ai làm trái với lương tâm mình không?

Không, vì Thánh Anphong nói: Nếu một vị mục tử, một cha giải tội hay bất cứ ai khác thúc ép người ta phải hành động trái với lương tâm chân thành của họ, hay cố công khai nhồi nhét một qui tắc khách quan nào đó, khiến họ phải bối rối chỉ vì họ không thể kham nổi luật lệ hoặc qui tắc ấy, thì đó phải kể là một tội nặng chống lại phẩm giá của lương tâm.

Những yếu tố nào khiến phán đoán của lương tâm bị lệch lạc

Phán đoán của lương tâm sai lầm, lệch lạc có thể do:

Vô tri bất khả thắng, tức không biết vì muốn biết mà cũng không thể biết được. Trong trường hợp này, người ta không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhưng nếu sai lầm vì biếng nhác, hờ hững, vô tâm trong việc tìm hiểu luân lý,  tìm kiếm chân lý và sự tốt lành

Do mù quáng vì thói quen phạm tội mà không hối cải

Và nhất là do thiếu sự chân thành, không trung thực, đây là điều rất tệ hại, và là một điều xấu về mặt luân lý.

Làm điều xấu theo lương tâm ngay thẳng có phạm tội?

Trước hết ta phải xác định thế nào là lương tâm ngay thẳng: người ta có được một lương tâm ngay thẳng khi người ta có chủ ý đúng, thực sự muốn tìm kiếm giải pháp tốt nhất trong một hướng chiều đúng đắn nhất, đối với người ấy trong hoàn cảnh ấy, và vào lúc ấy.

Khi một người nào đó thực tâm tìm kiếm những gì là tốt lành, ngay chính, thì trong lương tâm họ sẽ có được sự không thể sai lầm[4]. Đức Hồng Y Newman quả quyết: Nếu ta thực tâm tìm cách khám phá ra ý Chúa, thành tâm tìm kiếm chân lý và quyết tâm sống theo chân lý ấy, thì Thiên Chúa sẽ nhìn nhận sự chân thành của tâm hồn ta. Như thế khi làm điều xấu theo lương tâm ngay thẳng, ta không phạm tội.

Nhưng nếu ta làm đều xấu theo lương tâm không ngay thẳng, tức không có chủ ý đúng, và vô tâm trong việc tìm kiếm chân lý, và luân lý, thường xuyên phạm tội mà không hoán cải, hay không chân thành, thì ta phạm tội trước mặt Chúa.

Việc huấn luyện lương tâm

Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài, nhưng ta lại sống trong một thế giới đang tôn thờ quá nhiều ngẫu tượng, nên để có một lương tâm ngay thẳng, sáng suốt, cần phải có sự huấn luyện lương tâm.

Việc huấn luyện này sẽ giúp người ta biết rằng “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những thứ khác giống như thế” (Gal 5, 19-21) chắc chắn là điều xấu và phải tránh. Những gì là “mến yêu, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gal 5, 22) bao giờ cũng là điều quan trọng.

Mục đích

Việc huấn luyện lương tâm phải nhắm tới chỗ: trong những biến cố rắc rối nhất, vẫn đọc ra ý nghĩa của các thời cơ và nhu cầu, nên cần biện phân cách chính xác các thực tại khách quan để có những hành động phù hợp hầu đáp lại ân sủng của Thiên Chúa và nhu cầu của con người[5]. Nói cách khác việc huấn luyện lương tâm nhằm giúp người ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có được giải pháp tốt nhất, đúng đắn nhất theo tin mừng

Việc huấn luyện lương tâm Kitô giáo

Nếu lương tâm Kitô giáo lành mạnh đòi phải có sự hợp nhất giữa lý trí, ý chí và tình cảm dưới ánh sáng đức tin, thì việc huấn luyện lương tâm Kitô giáo bao giờ cũng bao gồm việc đào tạo:

Một lý trí sáng suốt:

Biết cái gì đúng, cái gì sai, cái gì tốt, cái gì xấu dựa trên Lời Chúa, giáo huấn của Hội thánh và các truyền thống tốt lành biết bảo vệ phẩm giá và quyền lợi toàn diện của con người.

Biết phê phán mọi sự dưới ánh sáng Lời Chúa trong tinh thần xót thương và xây dựng. Đồng thời cũng biết đón nhận những phê bình của người khác.

Thói quen học hỏi và tìm kiếm sự thật là lương thực bổ dưỡng quan trọng cho một lý trí sáng suốt.

Một ý chí mạnh mẽ

Biết làm điều tốt, tránh điều xấu bằng mọi giá.

Biết can đảm đứng lên theo lời mời gọi của Chúa khi vấp ngã.

Luyện tập nhân đức, thực hành khổ chế là con đường bằng phẳng đưa tới một ý chí mạnh mẽ.

Cần phải biết yêu mến điều lành, ghét điều xấu.

Một đức tin vững mạnh

Biết đón nhận với lòng biết ơn tất cả những gì Thiên Chúa nói qua Lời Ngài

Biết đón nhận tất cả mọi sự kể cả những thứ dưới mắt thế gian là xui rủi, tai họa với lòng biết ơn vì tin rằng Thiên Chúa là tình yêu, chỉ muốn điều tốt lành cho ta.

Biết dành thời gian tham dự các bí tích, và tự mình có những giờ riêng tư với Chúa mà không bị bất cứ áp lực nào.

Biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh vì các thánh của Thiên Chúa không phí sức vào việc càm ràm, chửi rủa mà luôn hân hoan bước đi trên con đường thánh giá[6].

Sự bất bình và phản kháng theo lương tâm có chính đáng không? Tại sao? Và khi nào ta phải từ chối, không tuân lệnh chính quyền?

Khi một sự kiện hay một luật nào đó trái ngược với tin mừng, và với phán quyết của lương tâm ngay thẳng của mình, người ta được quyền phản kháng. Nếu một người nào đó cảm thấy không thể giết người kể cả trong chiến tranh tự vệ, nên không gia nhập quân đội, thì Hội thánh kêu gọi chính quyền tôn trọng lương tâm của người ấy, nhưng bù lại người ấy vẫn phải chu toàn nhiệm vụ công dân của mình bằng cách làm những việc khác.

Với tư cách là Kitô hữu, ta buộc phải phê phán, nhưng phải hoặc phê phán dưới mắt Thiên Chúa hoặc sẽ rơi vào một trong hai sự sai lạc quá khích là tuân thủ cách biếng nhác hoặc phê phán với ý xấu. Việc phê phán của ta phải chi tiết, rõ ràng và bao giờ cũng chỉ mong cho mọi sự được tốt đẹp. Còn lúc nào cũng sặc mùi căm ghét, thì phê bình sẽ là một tội[7].

Khi bị buộc phải giết người hay phá thai, ta không những phải từ chối mà còn buộc phải phản kháng vì trái nghịch với ý Thiên Chúa và quyền lợi chính đáng của con người.

________________

[1] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành trong Đức Kitô, tập II, tr. 13.

[2] R. Schnackenburg, Moral Teaching of the New Testament, 249.

[3] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành trong Đức Kitô, tập II, tr. 14.

[4] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành trong Đức Kitô, tập II, tr. 32.

[5] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành trong Đức Kitô, tập II, tr. 56.

[6] Gaudetet et Exsulate, 72.

[7] Xem P. Freire, Education for Critical Consciousness, New York, 1973; G. Goulet, La Conscience critique, Paris, 1971.

 

 

Comments are closed.

phone-icon