Hãy canh thức và sẵn sàng – Chúa Nhật I Mùa Vọng A

0

Linh mục Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (24, 37-44)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Noê xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noê vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.

“Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

***

Mỗi năm, Mùa Vọng khởi đầu bằng việc loan báo việc trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô. Qua các bài đọc của bốn Chúa nhật Mùa Vọng, Giáo Hội hướng cái nhìn của chúng ta về một sự kiện rất gần: Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta một Đấng Cứu Tinh. Giáo Hội cũng muốn chúng ta luôn ở trong tư thế chờ đợi, bởi vì Chúa, là Đấng mà chúng ta đón mừng vào lễ Giáng sinh, cũng là Đấng sẽ trở lại một ngày nào đó trong vinh quang.

Khi được hỏi về “khi nào” và “như thế nào” về ngày Con Người quang lâm, Chúa Giêsu không trả lời. Đó là bí mật của Thiên Chúa. Người mời chúng ta quản lý một lịch sử kéo dài và luôn ở tư thế sẵn sàng. Để minh họa giáo huấn của Người, Chúa Giêsu so sánh với nạn hồng thủy và với kẻ trộm ban đêm.

Khi so sánh với nạn hồng thủy, Chúa Giêsu không nhấn mạnh về hành vi sai trái của những người bị chết chìm, nhưng về thái độ không tiên liệu của họ: cuộc sống vẫn tiếp tục, “thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng” và không quan tâm đến việc Chúa có thể can thiệp như là vị thẩm phán trong đời sống thường nhật. Chúng ta vẫn luôn sống như vào thời ông Nô-ê: Chúng ta luôn bận rộn với bao nhiêu trách nhiệm: việc học tập hoặc các việc bổn phận, nghề nghiệp đến nỗi chúng ta không còn nhiều thời gian rảnh. Có bao nhiêu việc khẩn cấp phải làm. Chúng ta lúc nào cũng vội vàng, thậm chí cũng chẳng có thời gian để gặp Chúa là Đấng ban sự sống và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Không ai đoán trước được nạn hồng thủy, cũng không thể đoán trước khi nào kẻ trộm sẽ đến. Chỉ có chủ nhà khôn ngoan và cảnh giác mới biết tìm ra cách bảo vệ và chống kẻ trộm. Ngày quang lâm của Chúa Kitô cũng vậy: “Chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Chúng ta không cần đi sâu vào các thể loại văn chương, so sánh và biểu tượng. Điều mà chúng ta cần quan tâm, đó là sứ điệp đầu tiên của Mùa Vọng. Sứ điệp đó nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác và biết tiên liệu. Con người sẽ đến bất thần và tách chúng ta ra khỏi các hoạt động hàng ngày, “đang làm ruộng… đang kéo cối xay.” Hay nói theo hoạt động thường ngày trong thời đại chúng ta hôm nay: đang ở trong văn phòng, đang lái xe, đi siêu thị, đang dạo phố ở nhà, v.v…

Bài Tin Mừng hôm nay muốn khẳng định rằng việc quang lâm của Chúa Kitô liên quan đến mọi người, không ai thoát được. Biến cố sẽ là một thảm họa? Vâng, cho những ai không cảnh giác! Thật vậy, mọi người sẽ bị xét xử, từng cá nhân một: “Hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại”. Tình liên đới huynh đệ không loại bỏ trách nhiệm cá nhân. Những người khác có thể giúp chúng ta chọn lựa, nhưng không ai có thể đưa ra các quyết định quan trọng cho cuộc đời chúng ta.

Do đó, chỉ có một thái độ khả dĩ cho các môn đệ của Chúa Giêsu: “Canh thức… sẵn sàng” Chờ Chúa đến, không phải trong tình trạng căng thẳng, nhưng trong sự nôn nao chờ đợi, tích cực và thanh thản, như những đứa trẻ mong chờ lễ Giáng Sinh, vui mừng trước viễn cảnh hạnh phúc đang chờ đợi chúng.

Chúa Giêsu đề cập đến ông Nô-ê và nạn hồng thủy, không phải để khủng bố, hù dọa chúng ta khi loan báo những bất hạnh sẽ đến trong tương lai, mà là để lay động sự lơ là của chúng ta: tất cả mọi thứ chúng ta đang sở hữu có thể bị mất trong chớp mắt, ngoại trừ tình yêu. Do đó, chúng ta phải phòng ngừa sự bất hạnh luôn có thể xảy ra bằng cách tháo gỡ những gì ràng buộc chúng ta, và gắn bó với những gì làm cho chúng ta tự do. Lúc đó, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, ngay cả Thiên Chúa, Người sẽ thấy chúng ta tự do và sẵn sàng. Sẵn sàng cho hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta chờ đợi Chúa đến, không phải trong sự mệt mỏi, chán nản trước sự trì hoãn của Người, mà trong thái độ chủ động, sẵn sàng khi đối diện với các sự kiện lịch sử nói chung và của mỗi người chúng ta, trong trách nhiệm của mình.

Chúa Kitô đã đến, đang đến và sẽ đến nhắc nhở chúng ta về sự cộng tác của chúng ta, về sứ mệnh hòa giải và hòa bình của chúng ta, về vương quốc của Người phải xây dựng vì giấy chứng nhận rửa tội của chúng ta không phải là tấm vé vào cửa tự động của vương quốc này. Vâng, Thiên Chúa tin tưởng chúng ta và Người tôn trọng tự do và khả năng sáng tạo của chúng ta. Nhưng Chúa muốn cùng hành động với chúng ta để biến vũ khí chiến tranh thành dụng cụ nông nghiệp, gươm đao thành cuốc cày, giáo mác thành liềm hái. “Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (trích bài đọc 1). Vâng, sự bình an, bình an của con người và bình an của Thiên Chúa nằm trong tay chúng ta! 

Chúc quý ông bà và anh chị em chuẩn bị tốt lễ Giáng Sinh trong niềm vui và hy vọng!

Comments are closed.

phone-icon