Thiên Chúa của kẻ sống – Chúa Nhật 32 Thường Niên C

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 20, 27-38):
Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”

Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

***********

Vào thời Chúa Giêsu, niềm tin vào sự phục sinh còn mới mẻ, chưa được mọi người chấp nhận. Những người Pha-ri-sêu thì tin chắc vào sự phục sinh, vì họ là những người thừa kế một luồng tư tưởng được nảy sinh trong Do-thái giáo vào khoảng hai thế kỷ trước Công Nguyên và được trình bày trong bài đọc I (2 Ma-ca-bê 7, 1-2.9-14). Bảy anh em sẵn sàng chịu tử hình để trung thành với luật Mô-sê vì họ tin rằng cái chết chỉ là con đường dẫn đến sự sống trong Chúa, và chính xác hơn là dẫn đến thế giới của sự phục sinh. Đối với họ, chắc chắn Thiên Chúa của sự sống sẽ không bỏ rơi những người trung tín với Người khi chết.

Nhưng người nào đó vẫn có thể là một người Do-thái tốt mà không tin vào sự sống lại. Đó là trường hợp của những người thuộc nhóm Xa-đốc mà Tin Mừng hôm nay nói đến. Họ chỉ chấp nhận năm cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh (Cựu Ước) gọi là Sách Luật, còn được gọi là sách Tô-ra. Vì Sách Luật không bao giờ nói về những gì xảy ra sau khi chết, nên họ cho rằng sau khi chết, không có gì cả. Để biện minh cho việc từ chối sự sống lại của họ và để cho thấy rằng niềm tin như vậy dẫn đến những tình huống nực cười, nên họ đã bịa ra câu chuyện người phụ nữ có bảy người chồng.

Họ định làm cho Chúa Giêsu phải lúng túng. Nhưng ngược lại, họ đã cho Người cơ hội để dạy và giải thích rõ ràng, để trả lời cho câu hỏi quan trọng mà cho đến ngày này mọi người đều đã tự hỏi, đó là sau khi chết, có gì không? Chúa Giêsu trả lời câu hỏi bẫy của nhóm Xa-đốc một cách có phương pháp. Trước hết, Người giải thích về sự sống lại, và sau đó là về sự sống lại như thế nào.

Những người Xa-đốc trích dẫn Kinh thánh: Sách Luật không nói về sự sống lại. Chúa Giêsu cũng trích dẫn Kinh thánh và phản bác lại: Trong Sách Luật, khi Thiên Chúa hiện ra với ông Môi-sê từ bụi gai bốc cháy, Người tự xưng là “Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp (Ex 3, 6), là những tổ phụ đã chết từ nhiều thế kỷ. Vì vậy, “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.

Về việc sự sống lại như thế nào, Chúa Giêsu muốn nói rằng chúng ta sẽ được phục sinh ; trong Chúa, mỗi người chúng ta sẽ được sống đời đời, nhưng với một cuộc sống khác với đời sống ở trần gian. Những giá trị cuộc sống trần thế của chúng ta sẽ được biến đổi. Vì mấy người thuộc nhóm Xa-đốc lấy ví dụ về cuộc hôn nhân giữa người phụ nữ này và bảy người chồng của bà ấy, để làm khó Chúa Giêsu, Người nói với họ rằng hôn nhân, tình dục là một điều rất tốt, nhưng ở trần gian, thực trạng này bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Nhưng trong thế giới của sự phục sinh, thưc trạng này sẽ khác. Nói cách khác, trong thế giới của sự sống lại, không còn cưới vợ lấy chồng, không còn sống đôi lứa, không còn tình dục, sinh dục nữa. Tất cả những thực trạng này được thể hiện trong trong một mối quan hệ khác, dưới những hình thức yêu thương khác đẹp hơn và sâu sắc hơn.

Ngay cả khi có sự liên tục giữa thế giới này và thế giới bên kia, vì chính chúng ta sẽ được phục sinh, nhưng vẫn sẽ có một sự chuyển đổi sâu sắc, bởi vì nó sẽ hoàn toàn khác. Thánh Phao-lô giải thích rất rõ điều này trong bức thư đầu tiên gửi tín hữu Cô-rin-tô. Ngài so sánh hạt giống khi được gieo xuống đất sẽ sinh ra một cây là một cơ thể mới và khác. Chúng ta cũng hãy nghĩ về con sâu trở thành một con bướm xinh đẹp. Đây là những hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu được lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta cũng nên nhớ là sự phục sinh không phải là sự luân hồi, nghĩa là có nhiều kiếp nối tiếp nhau.

Lời Chúa hôm nay là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta vào tương lai. Cuộc sống của chúng ta không bị giới hạn trong những chiều kích trần thế. Nó có một chiều kích vĩnh cửu. Vào cuối thời gian, nhiều thực tại trần thế, dù đẹp và quý giá như thế nào đi nữa, cũng sẽ biến mất. Chỉ còn lại tình yêu, bác ái, đức mến. Thánh Phao-lô có nói“Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13, 8), bởi vì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của tha nhân cùng một bản chất, có cùng những bảo đảm về sự vĩnh cửu. Trên trời, thiên đàng, đó là tình yêu. Sự phục sinh của chúng ta tùy thuộc vào khả năng yêu thương và phục vụ anh chị em của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Chúng ta sẽ chỉ lên thiên đàng nếu, vào cuối cuộc đời trần thế, chúng ta được tìm thấy trong tình yêu, trong bác ái. Thánh Gioan mời gọi chúng ta làm như vậy: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa… vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4, 7-8)

Comments are closed.

phone-icon