Andre Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ
Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin:
Vào lúc 12 giờ trưa nay – Lễ Thánh Stêphanô, phó tế và là vị tử đạo tiên khởi – Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền tin:
Trước Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến, buongiorno, chúc anh chị em ngày lễ hạnh phúc!
Hôm qua chúng ta đã cử hành Lễ Chúa giáng sinh và phụng vụ kéo dài thời gian của Lễ cho đến ngày 1 tháng Giêng: trong tám ngày, để giúp chúng ta chào đón Giáng sinh tốt hơn. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là những ngày này cũng kính nhớ một số vị thánh tử đạo nổi bật. Chẳng hạn hôm nay, Thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo; hai ngày nữa là các Thánh Anh Hài, những trẻ em bị vua Hêrôđê giết vì sợ Chúa Giêsu chiếm ngôi (x. Mt 2:1-18). Nói tóm lại, thật ra phụng vụ dường như muốn hướng chúng ta thoát khỏi thế giới của đèn trang trí, những bữa ăn và quà tặng mà chúng ta có thể mê đắm trong những ngày này. Tại sao?
Bởi vì Lễ Giáng Sinh không phải là câu chuyện cổ tích về sự ra đời của một vị vua, mà là sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ bằng cách tự mình gánh lấy sự dữ của chúng ta: ích kỷ, tội lỗi, sự chết. Đây là sự dữ của chúng ta: tính ích kỷ mà chúng ta mang trong mình, tội lỗi, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân, và sự chết. Và các vị tử đạo là những người giống Chúa Giêsu nhất. Thật vậy, từ tử đạo có nghĩa là chứng nhân: các vị tử đạo là những chứng nhân, tức là những anh chị em, qua cuộc sống của họ, cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng sự dữ bằng lòng thương xót. Và ngay cả trong thời đại của chúng ta, những người tử đạo cũng rất nhiều, nhiều hơn so với thời kỳ đầu. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em tử đạo bị bách hại, những người làm chứng cho Chúa Kitô. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta tự hỏi: tôi có làm chứng cho Chúa Kitô không? Và làm thế nào chúng ta có thể cải thiện điều này? Hình ảnh của Thánh Stêphanô có thể giúp chúng ta.
Trước hết, Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết rằng ngài là một trong bảy phó tế mà cộng đoàn Giêrusalem đã thánh hiến cho công việc phục vụ bàn ăn, tức là làm việc bác ái (x. 6:1-6). Điều này có nghĩa là lời chứng đầu tiên của ông đưa ra không phải bằng lời nói, nhưng qua tình yêu thương mà ông dành cho những người cần giúp đỡ nhất. Nhưng Thánh Stêphanô không giới hạn mình trong công việc hỗ trợ này. Ông nói về Chúa Giêsu cho những người ông gặp: ông chia sẻ đức tin dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của các Tông đồ (x. Cv 7:1-53, 56). Đây là chiều kích chứng tá thứ hai của ông: đón nhận Lời Chúa và truyền đạt vẻ đẹp của Lời, kể lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc đời như thế nào. Điều này rất quan trọng đối với Stêphanô đến nỗi ông không để mình bị hăm dọa ngay cả trước lời đe dọa của những kẻ bắt bớ ông, ngay cả khi ông thấy rằng mọi việc đang diễn ra rất xấu đối với mình (x. 54). Bác ái và loan báo, đây là Stêphanô. Tuy nhiên, chứng tá lớn lao của ông lại là một điều khác: rằng ông biết cách kết hợp giữa lòng bác ái và việc loan báo. Ông để lại cho chúng ta điều đó khi hấp hối, theo gương Chúa Giêsu, ông đã tha thứ cho những kẻ giết mình (x. 60; Lc 23, 34).
Do đó, đây là câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi: chúng ta có thể cải thiện chứng tá của chúng ta qua lòng bác ái đối với anh chị em mình, trung thành với Lời Chúa và tha thứ. Bác ái, Lời Chúa, tha thứ. Chính sự tha thứ mới cho biết chúng ta có thực sự thực thi bác ái đối với tha nhân hay không, và chúng ta có sống Lời Chúa hay không. Sự tha thứ [trong tiếng Ý là perdono], như chính từ này gợi ý là một món quà lớn hơn [dono], một món quà chúng ta trao cho người khác vì chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, được Ngài tha thứ. Tôi tha thứ vì tôi đã được tha thứ: chúng ta đừng quên điều này… Chúng ta hãy suy nghĩ, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ về khả năng tha thứ của chính mình: khả năng tha thứ của tôi như thế nào, trong những ngày này có lẽ chúng ta gặp nhiều người mà giữa họ sẽ có một số người chúng ta không hợp, những người đã làm tổn thương chúng ta, những người mà chúng ta chưa bao giờ hàn gắn mối quan hệ của mình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Hài đồng ban cho một trái tim mới có khả năng tha thứ: tất cả chúng ta đều cần một trái tim biết tha thứ! Chúng ta hãy xin Chúa ơn này: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin có sức mạnh để cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương chúng ta, cầu nguyện cho những người đã làm hại chúng ta, và thực hiện các bước mở lòng và hòa giải. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này hôm nay.
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh tử đạo, giúp chúng ta lớn lên trong bác ái, yêu mến Lời Chúa và tha thứ.
Sau Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến!
Trong bầu khí thiêng liêng của niềm vui và bình an của Lễ Giáng Sinh Thánh, cha thân ái chào tất cả anh chị em hiện diện nơi đây và tất cả anh chị em theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Cha nhắc lại mong ước hòa bình của cha: hòa bình trong các gia đình, hòa bình trong các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu, hòa bình trong các phong trào và hội đoàn, hòa bình cho những dân tộc bị đày đọa bởi chiến tranh, hòa bình cho Ukraine thân yêu và đang bị bao vây. Có rất nhiều cờ Ukraine ở đây! Chúng ta hãy cầu xin hòa bình cho những người đau khổ này!
Tuần này tôi đã nhận được nhiều lời chúc tốt lành từ các nơi khác nhau trên thế giới. Vì tôi không thể trả lời cho từng anh chị em, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả anh chị em, đặc biệt về ơn cầu nguyện.
Cha chúc mọi người Lễ Thánh Stêphanô hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!