Tác giả: LEO ZANCHETTIN
Nguồn: WAU, January 2023, Issue
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Không Có Ơn Gọi Nào Cao Cả Hơn
Khi Thánh Máccô viết Tin Mừng của mình khoảng năm 65 sau Công Nguyên, ngài đã làm điều chưa từng được thực hiện trước đây. Thánh nhân đã kể câu chuyện về Chúa Giêsu từ khi bắt đầu sứ vụ của Người cho đến khi Người chết và sống lại. Mặc dù những lời tường thuật bằng văn bản, bằng lời nói và nhân chứng về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được lưu truyền, nhưng Máccô là người đầu tiên sàng lọc những lời tường thuật này và ghép các mảnh lại với nhau theo cách tạo thành một câu chuyện dài.
Và câu chuyện đó là gì? “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Phúc Âm. “Tin Mừng” về Chúa Giêsu. Tin Mừng là “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” và Tin Mừng là vương quốc này đang mở ra cho tất cả những ai chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu để “sám hối và tin” (Mc 1,15). Từ đầu cho đến cuối, Máccô kể lại câu chuyện về những người đã chấp nhận lời mời gọi đó, cũng như những người đã chiến đấu với lời mời gọi ấy hoặc những người thẳng thừng từ chối nó.
Một mặt là những người đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu để tin vào Người và Tin Mừng mà Người loan báo: những người như cha của cậu bé bị quỷ ám, ông trưởng hội đường tên là Giairô, và người phụ nữ phải chịu đựng bệnh băng huyết nhiều năm (x. Mc 9,14-29; 5,21-43). Mặt khác, có những người đã từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu, bao gồm vua Hêrôđê và vợ ông, anh thanh niên giàu đó, các biệt phái và những người lãnh đạo tôn giáo đã nộp Chúa Giêsu để Người phải chịu đóng đinh (Mc 6,17-29; 10,17-22; 14, 53-15,1).
Năm nay chúng ta sẽ đọc Tin Mừng theo Thánh Máccô trong Thánh Lễ hằng ngày, bắt đầu từ ngày 10 tháng 01 và kéo dài cho đến Thứ Tư Lễ Tro (22 tháng 02). Để giúp bạn cầu nguyện qua các bài đọc, chúng tôi muốn xem một vài câu chuyện trong Tin Mừng theo Thánh Máccô và tự hỏi: “Làm sao tôi có thể chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu cách sâu sắc hơn trong cuộc sống của tôi?”
Một Đám Đông Bất Trị
Như chúng ta đã nói ở trên, Thánh Máccô thường nêu bật sự tương phản giữa một người hoặc một nhóm này với một người hay một nhóm khác. Một thí dụ rõ ràng là cách ngài kể câu chuyện Chúa Giêsu chọn mười hai vị tông đồ như thế nào. Thánh Máccô bắt đầu trình thuật này bằng cách chỉ ra “một số đông người” đã đi theo Chúa Giêsu đến Biển Hồ Galilê (x. Mc 3,7). Đây là một đám đông ngang ngược, đầy những người hâm mộ và chỉ trích cũng như những người tò mò, hoài nghi và thiếu thốn. Tất cả họ đều cố gắng đến với Chúa Giêsu nhưng dường như họ chẳng quan tâm đến nhau. Có quá nhiều sự xô đẩy, chen lấn và dồn ép đến nỗi Chúa Giêsu cần có một chiếc thuyền sẵn sàng “để không bị đám đông chen lấn” (Mc 3,9).
Dĩ nhiên, không có gì sai khi muốn gặp Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu biết điều đó. Người biết không có gì là sai trái khi tìm kiếm sự chữa lành của Người, ngay cả nếu bạn đã phải tham gia vào một đám đông lớn để làm như vậy. Nhưng Chúa Giêsu cũng biết rằng đám đông có khuynh hướng sống theo cách riêng của họ. Họ có thể giống như một hộp mồi lửa chỉ cần một tia lửa là có thể bốc cháy. Mặc dù vậy, Chúa Giêsu vẫn động lòng trắc ẩn trước những nhu cầu của những con người đó, và Người tiếp tục phục vụ họ.
Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những lúc con cảm thấy lạc lõng giữa đám đông – dù đám đông đó được tạo thành từ những suy nghĩ, ham muốn và lo lắng đua đòi của chính con hay đó chỉ là một nơi đông đúc, ồn ào mà con đang ở. Nhưng con biết rằng bất kể con ở đâu, thì Chúa đang ở với con. Chúa đang ban cho con cơ hội để gặp Chúa và tìm sự nghỉ ngơi, chữa lành trong sự hiện diện của Chúa. Lạy Chúa, xin hãy giúp con tìm thấy Chúa trong mọi hoàn cảnh. Và tìm thấy Chúa, sẽ giúp con tìm thấy sự bình an của Chúa.
Được Gọi Ra Khỏi Đám Đông
Sau khi dành thời gian với đám đông, Chúa Giêsu tự tách mình ra và đi lên một ngọn núi, ở đó Người “đã gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Người đã không mời gọi tất cả mọi người, mà chỉ gọi một nhóm nhỏ đi theo Người. Và chính từ nhóm nhỏ này mà Chúa Giêsu đã chọn thậm chí một nhóm còn nhỏ hơn: Nhóm Mười Hai người sẽ trở thành tông đồ của Người (x. Mc 3,14).
Tại sao Chúa Giêsu lại gọi nhóm nhỏ đó ra khỏi đám đông trước tiên? Người đã nhìn thấy điều gì ở họ khiến họ khác biệt với những người khác? Người có thể đã nhìn thấy sự khác biệt giữa những người đến chỉ để tìm kiếm điều gì đó và những người đã đến để đón nhận sự dạy dỗ của Người và sứ điệp về “Tin Mừng” mà Người công bố. Lẽ tự nhiên, Người vui vẻ đón tiếp mọi người và chữa lành cho tất cả những ai đau ốm hoặc mang gánh nặng. Nhưng Người cũng muốn dành thời gian với những người sẵn sàng đón nhận Người và những lời dạy dỗ của Người. Người muốn khuyến khích họ và giúp họ thực hiện những bước kế tiếp trong việc đi theo Người.
Cầu Nguyện:Lạy Chúa, Chúa thật quảng đại! Chúa không chỉ kiên nhẫn sẵn sàng tiếp đón tất cả những người đến với Chúa với những nhu cầu của họ, nhưng Chúa còn dành nhiều thời gian hơn nữa để dạy dỗ những người khao khát Chúa. Lạy Chúa, con đây cũng sẵn sàng để học hỏi nơi Chúa. Con khao khát học cách sám hối và tin vào Tin Mừng của Chúa, giống như Chúa đã mời gọi con. Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa vì Chúa sẵn sàng dạy dỗ con!
Gia Đình của Chúa Kitô
Ngay sau khi chọn Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đã xuống núi và trở về nhà của mình. Nhưng khi về tới nhà, Người khám phá ra một đám đông khác đã có ở đó và họ cầu xin Người như họ đã từng xin. Họ quá ồn ào náo động đến nỗi làm cho Chúa Giêsu và các bạn của Người “thậm chí không thể ăn uống được” (Mc 3,20).
Một số kinh sư từ Giêrusalem cũng xuất hiện với lời buộc tội rằng Chúa Giêsu đã liên minh với Bêendêbun “quỷ vương” (Mc 3,22). Có lúc, các thành viên trong gia đình của Chúa Giêsu – rất có thể là các anh chị em họ và những người họ hàng khác – cũng đã đến. Họ đã nghe tin đồn rằng Chúa Giêsu bị “mất trí” và dường như họ đã quyết định rằng đã đến lúc “bắt Người” và đưa Người về nhà (Mc 3,21).
Đó hoàn toàn có phải là một sự chống đối, hiểu lầm và đe dọa không? Và Chúa Giêsu đã phản ứng như thế nào? Một lần nữa, Người gọi nhóm nhỏ lại với nhau và đưa họ vào nhà mình.
Bạn hãy cố gắng hình dung khung cảnh. Đám đông, gia đình của Chúa Giêsu và các kinh sư vẫn còn đứng bên ngoài nhà, cách xa Chúa Giêsu (Mc 3,31). Họ có thể đang cố gắng tiếp cận Người, nhưng không phải vì muốn theo Người. Thay vì lắng nghe Chúa Giêsu, họ làm gián đoạn và cản trở sứ vụ của Người. Nhưng một nhóm người nhỏ hơn ở bên trong nhà, đang ngồi xung quanh Chúa Giêsu và đang lắng nghe lời Người (Mc 3,34). Đây là những người đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để ở với Người. Họ là “anh chị em và là mẹ” thực sự của Người, những người sẵn sàng thực hiện “ý muốn của Thiên Chúa” trong cuộc sống của họ (Mc 3,35).
Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã mời con vào gia đình của Chúa! Đây Ngài là, Con Duy Nhất của Thiên Chúa và Chúa đã chọn lựa dành thời gian cho con. Chúa đã bỏ qua sự ngưỡng mộ của đám đông, sự tán đồng của các kinh sư, và thậm chí cả sự gần gũi của gia đình Chúa, để Chúa có thể dạy dỗ con. Con ý thức rằng Chúa đã xem con là thành phần của gia đình Chúa. Lạy Chúa, con muốn trở thành một người “A” (Mc 3,35). Chúa biết đôi khi điều đó thật khó biết bao đối với con, nhưng Chúa không bao giờ thất vọng về con. Lạy Chúa Giêsu, hôm nay xin giúp con sẵn sàng hơn nữa để lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Chúa.
________________________________________
Suy Niệm
1. Hãy suy nghĩ về những lúc trong ngày khi bạn thấy mình “ở bên ngoài” và cảm thấy xa cách Chúa Giêsu. Có nhóm nào trong đoạn văn này khiến bạn nhớ đến chính mình không? Có lẽ bạn đã tập trung quá nhiều vào việc xin Chúa Giêsu làm nhiều điều cho bạn và không đủ để đi theo lời mời gọi của Người. Có lẽ bạn đã xem mối tương quan của bạn với Người là điều hiển nhiên. Hoặc có thể bạn quá mải mê với công việc bạn đang làm đến nỗi quên cả Chúa. Làm cách nào để bạn có thể quay trở lại với Người? Hay, nói cách khác, làm thế nào để bạn có thể “sám hối và tin vào Tin Mừng”?
2. Một số người thân của Chúa Giêsu cho rằng Người đã “mất trí” (Mc 3,21). Tương tự như vậy, có thể có những lúc bạn nghĩ rằng Chúa Giêsu đòi hỏi quá khắt khe hoặc quá khó hiểu. Bạn đã bao giờ nghĩ sẽ nói với Chúa Giêsu về điều đó chưa? Bạn nghĩ Người sẽ phản ứng như thế nào?
3. Chúa Giêsu có rất nhiều điều muốn dạy bạn. Nhưng bây giờ, hãy để cho lời của Người thấm dần: bạn là mẹ, là anh chị em của Người. Chúa Giêsu quý mến bạn; Người coi trọng khát khao được ở với Người của bạn. Có thể có những thử thách sắp xảy đến. Có thể có sự bắt bớ hoặc hiểu lầm, giống như Người đã trải qua. Chỉ cần đặt mình vào nhóm nhỏ đó ở trong nhà. Hãy ngồi dưới chân Người và lắng nghe bất cứ điều gì Người muốn nói với bạn.