Các em Thỉnh sinh thân mến!
Hiệp chung niềm vui với các em trong ngày mừng lễ Quan Thầy, ngày 02/02, lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh hay cũng gọi là lễ Nến, Dì được hân hạnh cùng với các em chiêm ngắm về mái ấm ân tình của Thánh Gia Thất, để tìm thấy nơi ấy đôi nét gọi là nghĩa nặng ân sâu, nhằm giúp mỗi người chúng ta biết sống tâm tình cảm tạ.
Bối cảnh ngày lên Đền Thờ hôm ấy có một nội dung rất cảm động của một gia đình mà Cha, Mẹ, Con cái luôn quan tâm đến nhau và lo lắng cho nhau. Lý do chính mà chúng ta dễ dàng nhận ra là trong gia đình có người con trai đầu lòng, nên Maria và Giuse, bậc làm Cha Mẹ đã muốn dâng Con trong Đền Thờ để hoàn tất lề luật (Lc 2, 39). Câu chuyện này có một bề dày lịch sử cứu độ đậm tình yêu thương. Chỉ cần suy nghĩ một chút về “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Thánh Phaolô đã giới thiệu cho chúng ta một bức tranh toàn bích về ân sâu nghĩa nặng khi chúng ta sờ đụng tới một Thiên Chúa đã hạ cố làm người để cứu chuộc chúng ta. Trong quá trình tự hủy, xóa mình này, vị Thiên Chúa đã phải bị chi phối bởi luật lệ con người. Đức Giêsu Kitô đã được Cha Mẹ dạy cho biết bổn phận phải chu toàn lề luật, vì đây là lần đầu tiên Đức Giêsu thi hành việc phụng tự ngay tại thánh đô Giêrusalem. Nơi đây khai mở sứ vụ công khai của Đức Giêsu, vì là nơi gặp gỡ giữa Đức Giêsu và những người tin: Ông Simeon và Bà Anna; đồng thời cũng là nơi loan báo một tương lai của một Thiên Chúa mang hình hài của một tôi tớ đau khổ của Đức Giavê (Is 50, 4-6). Một cuộc Vượt Qua hồng phúc được biểu tượng bằng “lưỡi gươm” báo trước cuộc khổ nạn của Đấng Thiên Sai trên Thập Giá (Ga 19, 31-37) Đức Giêsu để lại tấm gương hiếu thảo cho chúng ta. Bởi lẽ Ngài đã đáp đền ân sâu nghĩa nặng qua lối sống vâng lời Thiên Chúa và Cha Mẹ cách mau mắn và triệt để.
Một hình ảnh rất ấn tượng nữa giúp chúng ta khám phá ra nét đẹp về ý nghĩa của ân sâu nghĩa nặng khi chúng ta biết rằng Đức Maria thể hiện tình mẫu tử của mình rất tuyệt vời, khi Mẹ đã vì đời con nên đã quên đời mình… Hôm ấy, như có nắng hồng tinh khôi nhẹ nâng bước chân đon đả của Mẹ. Trong tư thế vội vã lên Đền, một tay Mẹ ẵm hài nhi Giêsu, tay kia Mẹ cầm chiếc lồng nhỏ trong đó có 2 con chim gáy hoặc 2 bồ câu non. Thỉnh thoảng Mẹ lại đổi tay cho Thánh Giuse. Ấm cúng là thế! Thương nhau là thế! Lẽ ra lễ thanh tẩy cho người mẹ theo luật (x.Lv 12, 8) là phải dâng một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Nhưng gia đình thánh thất luôn thuộc diện hộ nghèo nếu không muốn nói là rất nghèo nữa, nên Mẹ Maria mới chọn phương án 2: hoặc dâng hai con chim gáy hoặc hai bồ câu non. Mẹ Maria quả là một phụ nữ vất vả, tháo vát, đảm đang, khéo xoay sở mới có đủ miếng cơm manh áo làm ấm lòng cho cả gia đình. Một mái ấm mà Mẹ suy đi nghĩ lại mãi nhưng vẫn hoàn toàn chưa hiểu; vì như Mẹ đã được loan báo trong ngày truyền tin, Mẹ sẽ sinh hạ và dưỡng nuôi Con Thiên Chúa. Cũng vì người Con này mà một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ và cũng vì người Con này mà nhiều người bị vấp phạm. Thật là một mầu nhiệm khó hiểu. Trước tình mẫu tử tuyệt vời của Mẹ, chúng ta tri ân Mẹ. Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta. Dẫu biết rằng, biết đến khi nào chúng ta mới đáp đền cân xứng ân sâu nghĩa nặng của Mẹ?
Còn một khuôn mặt thân quen nữa khi nói về người Cha trong buổi lên Đền hôm ấy. Chúng ta phải lưu ý tới mối tình rất tế nhị của Thánh Giuse. Bởi lẽ, Người Cha không có lý do gì phải hiên diện trong Đền Thờ vào ngày thanh tẩy cho người Mẹ và dâng tiến con trai đầu lòng, vì luật không buộc. (Lv 12, 1-8) Nhưng ý thức mình là gia trưởng trong gia đình nên Giuse đã chủ động cùng đi với gia đình, chỉ một lý do duy nhất là yêu thương gia đình. Là người có trách nhiệm trong mọi biến cố to nhỏ của gia đình, là lao động chính của gia đình với nghề thợ mộc bình thường, không chút danh giá. Người Cha ấy góp phần vào việc mua lễ vật dâng tiến dù chỉ đủ theo mức của người nghèo. Nơi ấy, đẹp lắm ân sâu nghĩa nặng. Nơi ấy, lắng đọng mối tình. Nơi ấy, một người Cha mãi mãi là bóng núi âm thầm, nhưng rất mạnh mẽ và kiên cường, đầy nghị lực để lèo lái con thuyền gia đình qua mọi sóng gió phong ba của gian trần bão tố. Nơi ấy, có một bờ vai, một điểm tựa vững vàng cho mái ấm gia đình. Nơi ấy, không mấy ai biết đến người thợ vô danh cần cù nhẫn nại. Nơi ấy, gọi mời mỗi chúng ta dâng lên Ngài tấm lòng tri ân về tất cả những gì Ngài đã lặng lẽ chuyển cầu ngày từng ngày cho chúng ta được bình an. Nơi ấy, ngập tràn ân sâu nghĩa nặng.
Các em thân mến!
Mặc dầu chưa đào sâu hết những ý nghĩa tuyệt vời khác của bản văn Tin Mừng trong ngày lễ Quan Thầy 2/2 (Lc 2, 22-35), nhưng với một vài gợi ý trên đây, được rút ra từ những suy niệm cá nhân, cũng tạm đủ để cho chúng ta đụng chạm tới ân sâu nghĩa nặng của Mẹ Maria, của Thánh Giuse và cách đặc biệt của Đức Giêsu là những nhân vật quý yêu trong Gia đình Thánh. Mô hình gia đình mẫu này nhắc nhở chúng ta đến hình ảnh thân thương về người Cha, người Mẹ và những người con trong gia đình huyết tộc, cũng như trong gia đình thiêng liêng của Hội Dòng. Với tâm tình đó, Dì mến chúc các em, những thỉnh sinh ngoan thảo của Chúa, luôn học nơi Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Cả Giuse bài học vâng lời cách mau mắn, ý thức, tự nguyện, đầy xác tín và tràn ngập niềm vui; để qua đó, chúng ta có thể đáp đền cách cụ thể ân sâu nghĩa nặng của Đấng Bậc sinh thành, của Mẹ Hội Dòng, của Mẹ Giáo Hội và nhất là của Thiên Chúa là người Cha luôn yêu thương và đã ban ơn gọi cho chúng ta.
Thân mến,
Sr. Agnès Hoàng Thị Hòa, OP