Không phải ý con nhưng xin cho ý Cha được thể hiện

0

Nguồn: WAU, Lent 2023 Issue
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ

Lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Giêtsimani
Các tác giả Phúc Âm không để thừa các chi tiết khi các Ngài miêu tả cơn hấp hối mà Chúa Giêsu đã kinh qua trong Vườn Giêtsimani vào đêm trước khi Người bị đóng đinh. Trong Phúc Âm của Thánh Mátthêu và Máccô, Chúa Giêsu nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,38; Mc 14,34). Tác giả Luca viết rằng Chúa Giêsu ở trong cơn hấp hối đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Rõ ràng, đây là thời khắc buồn rầu cực độ đối với Chúa Giêsu. Trong lời cầu nguyện của mình với Chúa Cha, Chúa Giêsu đang thổ lộ tận cõi lòng mình. Người không che giấu gì cả.
Như chúng ta đã làm trong hai bài viết đầu tiên, chúng ta có thể nhìn lên Chúa Giêsu để học hỏi về việc cầu nguyện. Vậy chúng ta hãy suy niệm về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vào thời điểm quyết định trong cuộc đời của Người để xem chúng ta có thể cầu nguyện như thế nào với Cha của chúng ta trong những giây phút khó khăn và thử thách của chúng ta.

Một Nơi Quen Thuộc để Cầu Nguyện. “Người đi ra núi Ôliu như đã quen” (Lc 22,39). Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện. Người đã không chỉ cầu nguyện trong các hội đường và Đền Thờ, như tất cả những người Do Thái đạo đức vẫn làm, nhưng Người còn cầu nguyện ở một nơi riêng trước mặt Cha trên trời của Người. Người đã dành thời gian đều đặn và những nơi mà ở đó Người bước vào sự hiện diện của Chúa Cha mỗi ngày.
Người thường thức dậy vào sáng sớm để cầu nguyện, ngay cả trước khi các môn đệ thức dậy (x. Mc 1,35). Người muốn nghe Chúa Cha trong khi đất trời còn lặng yên. Trong các làng mạc khác nhau mà Người đã ở, dù ở Caphácnaum, Bêtania hay ở chỗ nào khác, thì Người đều có những nơi quen thuộc để cầu nguyện. Và khi Người ở Giêrusalem, Người thường lên Núi Ôliu, một ngọn núi nhấp nhô ở phía đông của thành phố cổ được đặt tên theo các lùm Ôliu bao phủ các sườn núi (x. Lc 21,37). Ở đó, dưới chân sườn núi là Vườn Giêtsimani.

Đêm này Chúa Giêsu ở trong tình trạng nghiêm trọng và ảm đạm khi cùng với các môn đệ vào vườn để cầu nguyện. Vừa mới ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ của mình, Người đã thánh hiến bánh và rượu, dâng hiến chúng như Mình và Máu Người. Rồi trong suốt bữa tối, một người trong Nhóm Mười Hai đã rời khỏi đó cách kỳ lạ mà không nói lý do tại sao.

Một Mình với Chúa Cha. Khi Chúa Giêsu bước vào vườn, Người biết rằng Người không muốn ở một mình. Vì thế, Người đã mời ba môn đệ thân tín nhất của mình, những người biết Người rõ nhất, để cầu nguyện với Người. Người cần sự an ủi mà Phêrô, Gioan và Giacôbê có thể cho Người. Họ đã chứng kiến Chúa Giêsu vinh quang trong biến cố Biến Hình, và giờ đây Người đang mời họ ở với Người trong sự yếu đuối và đau buồn của mình. Người đã không cố tình giả bộ rằng mình ổn. Không, Người đã chia sẻ với họ cách chân thành về việc Người buồn rầu như thế nào. Rồi Người bước đi một quãng không xa khỏi các anh em mình, chừng bằng “ném một hòn đá” (Lc 22,41). Và dù Người vừa mới thổ lộ cõi lòng với các anh em mình, vậy mà giờ đây Người lại cảm thấy hoàn toàn đơn độc.
Giây phút này, cho dẫu sự nâng đỡ của các bạn hữu Chúa Giêsu không thể làm giảm nhẹ sự đau đớn của Người. Người chỉ có một Người để hướng về: Cha của Người. Qua cuộc sống của mình, ngay cả khi Người đối diện với sự chống đối và thù ghét, Người đã kín múc sức mạnh và lòng can đảm từ Cha trên trời của mình (x. Ga 8,16; 16,32). Vào đêm này, khi Chúa Giêsu đối diện với nỗi buồn phiền không giống như bất cứ nỗi buồn nào khác Người đã từng trải qua trước đây, Người đã đến gần Chúa Cha.
Đêm đó, Chúa Giêsu đã không đơn giản chỉ cầu nguyện hoặc đọc một đoạn từ Thánh Kinh Do Thái. Thay vào đó, Người đã xấp mình xuống đất nài xin Cha mình cứu giúp. Phủ phục chỉ cách chỗ các môn đệ đang ngủ vài thước, Chúa Giêsu đã khiêm tốn tự hủy chính mình trước Chúa Cha (x. Pl 2,8). Chúa Giêsu thực sự ở trong cơn hấp hối thực sự (x. Lc 22,44); thiên tính của Người đã không bảo vệ Người khỏi trải nghiệm những cảm xúc và nỗi đau đớn của thân phận con người.

Lời Cầu Nguyện Hoàn Hảo. Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con” (Lc 22,42). Nhớ lại chỉ không lâu trước khi Chúa Giêsu bắt đầu hành trình lên Giêrusalem lần cuối cùng, một người đã nài xin Người trong cùng một cách như thế để chữa lành cho con trai ông ta: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9,22). Chúa Giêsu trả lời: “(Sao lại nói:) Nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin!” (Mc 9,23). Chẳng lẽ Chúa Giêsu không có lòng tin hơn bất cứ người nào trong lịch sử hay sao? Vậy tại sao Chúa cha đã không nhận lời cầu nguyện của Người?
Chúa Giêsu biết các lời tiên tri của ngôn sứ Isaia đề cập đến Người Tôi Tớ Đau Khổ: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4.5). Bằng cách tự do lựa chọn dâng hiến mạng sống mình, Chúa Giêsu đã lớn tiếng công bố tình yêu của Chúa Cha cho bạn và cho tôi.
Vì thế, Chúa Giêsu đã sẵn lòng chấp nhận cuộc khổ nạn của mình khi Người cầu nguyện: “Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42). Người có lẽ đã học lời cầu nguyện phó thác này từ cha mẹ mình, và Người đã cầu nguyện với lời ấy từ những ngày đầu đời của mình. Đức Maria đã chia sẻ trước đó rất lâu cách mẹ đã cầu nguyện bằng cùng lời cầu nguyện đó khi sứ thần mời gọi mẹ làm mẹ Người. Đây chính là lời cầu nguyện hoàn hảo, không dễ dàng để thưa lên chứa đầy đau buồn và sự chân thành, một lời cầu nguyện đau buồn chỉ có thể phù hợp được với nỗi buồn của Cha Người.

Đối với Bạn và Tôi. Chúa Giêsu đã quá yếu đuối trước nỗi buồn và đau khổ của mình đến nỗi Chúa Cha đã sai một thiên sứ đến với Người “để tăng sức cho Người” (Lc 22,43). Và cho dẫu thiên sứ này không thể mang thập giá cho Người, nhưng Chúa Giêsu tin rằng Chúa Cha ở với Người, ban cho Người đủ sức mạnh trong hành trình cuối cùng này, đủ sức mạnh để nói xin vâng.
Chúa Giêsu đứng dậy và đánh thức các anh em của mình đang ngủ. Người đã sẵn sàng để đối diện với số phận. Người đã làm điều này cho bạn và cho tôi. “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông… Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt” (Is 53,7.8).

Thiên Chúa ở với Chúng Ta. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn cho chúng ta điều gì?
Rằng chúng ta có thể đến với Chúa Cha ngay cả khi chúng ta không có sự trợ giúp của con người. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi và đơn độc. Thiên Chúa luôn luôn ở cùng chúng ta, sẵn sàng đồng hành với chúng ta như khi chúng ta chịu đựng các cơn thử thách.
Rằng lời cầu nguyện hoàn hảo là một sự phó thác cho thánh ý của Chúa Cha, đặc biệt trong những lúc bị thử thách. Một lời cầu nguyện như thế có thể mang lại sự bình an cho chúng ta khi chúng ta tin tưởng và phó dâng cuộc sống của mình cho Thiên Chúa, Đấng luôn luôn biết những gì tốt nhất cho chúng ta.
Rằng Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, ngay cả khi Người không trả lời chúng ta theo cách chúng ta ước muốn. Đêm ở Giêtsimani đó, Chúa Cha đã lắng nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và cho dẫu Người không cất chén đắng mà Chúa Giêsu phải uống, nhưng Người đã sai một thiên sứ đến tăng sức mạnh cho Người. Người cũng sẽ tăng sức mạnh cho chúng ta bằng ân sủng của Người.
Và trên hết, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và kế hoạch của Người cho cuộc sống của chúng ta thì lớn hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng. Đúng vậy, Chúa Giêsu đã phải chịu đựng cuộc tra tấn và cái chết trên thập giá, nhưng qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, Người đã cứu độ thế giới.
Khi bạn suy niệm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trong mùa Chay này, ước mong bạn đến gần Chúa Giêsu hơn bao giờ hết. Hãy để cho mùa Chay này lấp đầy tâm hồn bạn để vào Lễ Phục Sinh, bạn có thể tham dự cùng với toàn thể Giáo Hội, với tất cả các thiên thần và các thánh hân hoan loan báo: “Chúa Giêsu đã sống lại; Người sống lại thật rồi!”

Comments are closed.

phone-icon