Hạnh phúc vì còn Mẹ

0

Sr. Maria Trần Vân

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ…”

Ngân nga những câu từ trong bài hát “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ: Phạm Thế Mỹ, lời: Thích Nhất Hạnh khi nhớ về Mẹ, Em cảm nhận niềm hạnh phúc sâu xa của một người con xa nhà, còn Mẹ. Ước chi Em có Mẹ bên cạnh ngay lúc này, Em sẽ nói “Mẹ ơi! Con yêu Mẹ”, sẽ ôm Mẹ vào lòng và tặng Mẹ một đóa hồng để bày tỏ niềm vui sướng vì Em đang còn Mẹ, còn được đón nhận tình thương yêu, che chở, bảo bọc của Mẹ.

Mới đó mà đã hơn mười năm năm Em chia xa Mẹ để theo đuổi lý tưởng dâng hiến của mình, nhưng khoảng thời gian đó không hề làm phai mờ hình ảnh của Mẹ trong Em – một người phụ nữ quê chân chất đã hết mình cộng tác với Thiên Chúa cho Em được hiện hữu trên đời, luôn kề bên, chăm sóc, dưỡng dục cho đến khi Chúa muốn Mẹ lại sẵn sàng quảng đại dâng hiến Em cho Ngài. Mẹ Em – một người phụ nữ có thể nói là “quê mùa” nếu chỉ nhìn và đánh giá qua dáng vẻ đơn sơ, giản dị bên ngoài. Cả đời không biết đến đám tiệc là gì; thịt, cá cơ thể Mẹ cũng không hấp thụ, quanh năm chỉ cơm, rau với mắm, khá hơn là một vài con tép moi đã thấy chắc dạ, no lòng, lại suốt ngày tần tảo với công việc nội trợ tưởng chừng như đơn giản và quá quen thuộc với người phụ nữ Việt Nam chân quê, nhưng thực tế thì hoàn toàn khác hẳn. Tất bật suốt ngày với lũ cháu, đàn con cùng hàng tá những công việc không tên trong gia đình, thế nhưng Mẹ đã trở thành “hậu phương vững chắc” cùng Bố nuôi nấng, dạy dỗ 11 anh chị em Em khôn lớn nên người. Không lớn tiếng, nặng lời, không ca thán mỏi mệt, không sắm sửa gì cho riêng mình, tất cả tình thương và sự quan tâm, Mẹ dành cho Bố và các con. Đó là một cách giáo dục của tình thương, đó là một sự hy sinh lớn lao, đó là tấm lòng cao cả của người Mẹ.

Sự hy sinh, tần tảo của Mẹ trong những công việc nội trợ thường nhật càng thêm giá trị và ý nghĩa khi được kết hợp với Chúa và Đức Maria. Bất kể giờ nào, chỉ cần ngưng việc tay chân thì tay Mẹ lại cầm tràng chuỗi Mân Côi. Ngày nào cũng thế luôn tay, luôn chân nhưng công việc vẫn không thể ngăn cản Mẹ thể hiện đời sống đức tin của mình khi tranh thủ từng giờ để đến được với bàn tiệc Thánh Thể, “kiếm ít” Kinh Mân Côi bất kể thời gian trong ngày và trung thành với chuỗi Thương Xót. Mẹ tìm đến Chúa và Đức Maria vì tin rằng chỉ có đời sống đức tin mới đảm bảo hạnh phúc của gia đình và cũng để xin ơn bền đỗ cho Em – đứa con gái xa nhà của Mẹ. Thời gian xa Mẹ càng dài, Em càng cảm nhận sâu sắc hơn tình thương và sự gần bên của Mẹ, một sự gần kề không đo bằng khoảng cách địa lý nhưng được đong đầy bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh, vất vả với ước nguyện duy nhất là xin Chúa luôn gìn giữ em được bình an và hạnh phúc trong nhà Chúa cho đến trọn đời.

Còn gì hạnh phúc hơn đối với một đứa con xa nhà nhưng luôn có Mẹ “kề bên”? Tạ ơn Chúa đã cho Em được là con của Mẹ, được hạnh phúc vì đến giây phút này vẫn luôn có Mẹ đồng hành trong đời dâng hiến. Tin chắc rằng, dù Em ở bất cứ nơi đâu, thì tình thương yêu của Mẹ vẫn đong đầy, ánh mắt Mẹ vẫn dõi theo và tâm hồn Mẹ vẫn hướng về Em – đứa con bé nhỏ của Mẹ. Gửi đến Mẹ một cánh hoa lòng nói lên tấm lòng tri ân trong ngày của Mẹ, nguyện xin Chúa luôn che chở Mẹ trong tình thương quan phòng của Người. Xin được chia sẻ niềm hạnh phúc đến những ai đang còn Mẹ cùng với chút tâm tư thay cho lời kết:

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”

Comments are closed.

phone-icon