Cúc Trắng (Thỉnh sinh cơ sở 2)
Đức Giêsu Kitô – Bị chối bỏ và con người – kẻ chối bỏ
Nếu lần giở những trang Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta sẽ nhận thấy cuộc đời của Đức Giêsu là một chuỗi dài những chối bỏ. “Bắt đầu từ gia đình đến người thân quen, người cùng làng, cùng nước, cùng quê hương, rồi đến thân hữu, các môn đệ và cuối cùng là những kẻ cầm quyền. Số người chối bỏ Ngài không chỉ giới hạn trong phạm vi trong nước mà còn lan tràn khắp thế giới, không phải chỉ giới hạn trong một năm mà kéo dài năm này qua năm khác, thế kỷ này qua thế kỷ nọ và đời này kéo dài qua đời kia. Người ta chối bỏ con người Giêsu, chối bỏ Ngài hiện hữu, chối bỏ giáo lý Ngài loan truyền, chối bỏ tình thương Ngài trao ban. Người ta quá khích đến độ chối bỏ, cấm đoán, bắt tù tội, chém giết những ai tin và đón nhận tình yêu Đức Kitô trao ban”[1].
Trong nhiều thập niên qua, chúng ta vẫn nghe thấy qua những phương tiện truyền thông về các Kitô hữu Tây Âu, họ không những không thực hành đạo, mà còn công khai chối bỏ gốc rễ Kitô của mình. Nhân danh chủ nghĩa duy đời cực đoan và lấy cớ tôn trọng tự do tôn giáo, một số chính quyền Tây Âu đã ra lệnh loại bỏ mọi dấu chỉ bề ngoài của Kitô giáo, như tháo gỡ các Thánh Giá khỏi các nơi công cộng. Ngoài ra, cũng có chính quyền còn cấm cả việc đeo ảnh đạo nữa. Điển hình là vụ một nữ tiếp viên hàng không Anh quốc đã mất việc làm vì nhất định không tuân lệnh của ban giám đốc và vẫn tiếp tục đeo Thánh Giá ở cổ. Trào lưu chối bỏ các biểu tượng của Kitô giáo đã bắt đầu từ nhiều thập niên qua: hình Chúa Hài Đồng biến mất khỏi các tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh, hang đá máng cỏ bị loại bỏ, hình Chúa Kitô phục sinh khải hoàn cũng không còn thấy trên các thiệp Phục sinh nữa. Thay vào đó là một số hoa hòe, cảnh trí hay các trái trứng được vẽ nhiều màu lòe loẹt…. Tại nước Anh, từ nhiều năm qua ban giám đốc các hãng xưởng và các bàn giấy còn khuyến cáo nhân viên không được trang hoàng cả cây thông Giáng Sinh nữa, lấy cớ là nó xúc phạm đến tự do tôn giáo của tín hữu các tôn giáo khác. Và tình hình chối bỏ Kitô giáo trở thành tệ hại tới độ hiện nay Kitô giáo bị sách nhiễu và kỳ thị công khai ngay trong các xã hội Tây Âu có nguồn gốc Kitô. Bên cạnh chiến dịch loại trừ Kitô giáo khỏi cuộc sống xã hội, nhiều chính khách và trào lưu duy đời cực đoan còn công khai tấn kích bôi nhọ Giáo Hội, sỉ vả giới lãnh đạo và bịt miệng không muốn cho Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề luân lý phẩm giá và các quyền con người”[2]. Như vậy, rất nhiều người phương Tây đã chọn đi theo con đường rộng của thế gian mà chối bỏ con đường hẹp mà Đức Kitô mời gọi. Họ đã chối bỏ niềm tin vào Chúa Kitô.
Khi tìm hiểu về đức tin nơi các bạn trẻ Công Giáo Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ sống đức tin rất vững vàng, không những siêng năng tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật mà cả những ngày thường. Họ không chỉ sống hình thức bề ngoài mà cả tinh thần nội tâm bên trong. Có những bạn vào mỗi thứ Sáu hằng tuần còn ăn chay, dành tiền bố thí cho người nghèo. Hơn nữa, tại các Giáo xứ, giới trẻ đã và đang tham gia tích cực vào các hội đoàn, chẳng hạn như sinh viên Công giáo, huynh trưởng, giáo lý viên, ca đoàn… Qua đó, nhiều bạn không chỉ được học hỏi, đào sâu và cảm nghiệm được giá trị của Lời Chúa mà còn đem ra thực hành. Đồng thời, một số bạn trẻ đã trở thành những cộng tác viên rất đắc lực trong công tác tông đồ và những hoạt động từ thiện của Giáo xứ. Tuy nhiên, vẫn còn một số đông các bạn trẻ làm chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho thế hệ tương lai. Nhiều sách báo đã lên tiếng cảnh báo về sự suy đồi trong đời sống luân lý và đạo đức của giới trẻ ngày nay. Quả thật, họ đang đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý và đạo đức, đánh mất nhân cách và lý tưởng…. Tại một số xứ đạo, các bạn trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, nhiều bạn trẻ coi việc đi lễ là một gánh nặng. Đi vì bổn phận, hoặc vì gượng ép, rất miễn cưỡng. Họ đến Nhà Thờ là do cha mẹ thúc giục, không đi không được, hoặc không đi vì sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến Chúa. Họ có mặt ở Nhà Thờ nhưng không hề ý thức mình đang hiện diện ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ Lễ mau kết thúc. Thậm chí một số khác thì còn đi lễ “ôm” – một danh từ hơi lạ trong cách gọi, nhưng nói lên được thực trạng hiện nay của các bạn trẻ nam nữ. Họ đứng ngoài đường dự lễ và từng cặp ngồi trên xe gắn máy ôm nhau, đùa giỡn, chuyện trò… Họ chẳng quan tâm Thánh Lễ đang đến đâu và Chủ tế đang làm gì, chỉ biết có người đi ra là họ nổ máy “vọt” lẹ. Và rồi, số người trẻ có mặt tại các lớp giáo lý của các xứ đạo ngày một ít đi. Thay vì đi học giáo lý, các em ở nhà xem truyền hình, lên mạng internet với những thú riêng hay chơi game, hoặc lấy xe đi dạo chơi la cà nơi các quán xá[3]…. Như vậy, hơn bao giờ hết, đức tin của giới trẻ Công giáo đang xuống dốc trầm trọng. Nhiều người đang chối bỏ đức tin Kitô giáo của mình hay nói đúng hơn là họ đang chối bỏ chính Thiên Chúa là Cha yêu thương họ, chối Đức Giêsu Kitô là một Thiên Chúa làm người vì yêu thương họ đã chết vì họ và tiếp tục chối bỏ Chúa Thánh Thần là Đấng đang hiện diện trong thế giới ngày nay.
Người tu sĩ sống niềm tin vào Chúa Kitô giữa một thế giới chối bỏ Ngài
Đối với những tu sĩ đã dâng hiến đời mình cho Chúa thì đời sống đức tin của họ liệu có khả quan hơn không? Thực tế, vẫn có đó nhiều tu sĩ thánh thiện, đạo đức, ngày đêm tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Họ sống đức tin cách kiên cường giữa một xã hội hỗn tạp về nhiều mặt. Họ trung thành với đức tin truyền thống do các Tông đồ truyền lại và tiếp tục hiệp hành với mọi thành phần dân Chúa làm cho đức tin ấy vang rộng và vươn xa hơn. Thế nhưng, bên cạnh những tu sĩ sống Thánh giữa đời thường ấy vẫn có rất nhiều tu sĩ bị biến chất. Họ bị cái gọi là hiện đại hóa, truyền thông hóa lôi cuốn đến độ không thể thoát ra, không thể tự chủ và dần coi những công cụ đó như chúa của mình. Khát vọng hiến dâng phụng thờ Chúa và phục vụ tha nhân làm nên ơn gọi của họ dần thay bằng khát khao được “ăn trên ngồi trốc”; được tôn vinh, ca tụng; được làm cha, làm chúa của mọi người. Rồi cả những chuyện thật giản đơn như khi nói về áo Dòng là trang phục của tu sĩ. Có một thời trong giai đoạn đào tạo, họ sẽ ao ước được khấn, được mang trên mình tấm áo Dòng, được hãnh diện cho mọi người thấy mình “xúng xính” trong bộ áo Dòng thật trang nghiêm, thanh cao. Nhưng rồi, khi đã khấn, khi việc mặc tu phục đã trở nên quá thường xuyên thì họ lại xem nhẹ tấm áo ấy, và rồi có lúc họ sẽ lấy lý do này nọ để xin phép Bề trên: “Cho con mặc thường phục đi lễ”. Thậm chí có người còn ngại, còn xấu hổ mỗi khi về quê dịp tết, dịp hè phải mặc tu phục khi tham dự Thánh lễ. Như vậy, dù là người được theo sát Chúa Kitô trên con đường dâng hiến nhưng họ vẫn đang chối bỏ Chúa mỗi ngày cách tinh vi, kín đáo và khó nhận ra.
Và khi nhìn lại chính mình, tôi thấy gì về đời sống đức tin của bản thân? Có lẽ tôi cũng như số đông những người đang chối bỏ Chúa. Tôi chối bỏ Ngài hằng ngày khi tôi chọn dễ dãi hơn những ràng buộc do luật Dòng đề ra. Tôi chối từ Chúa khi tôi có thể ngồi tám hàng giờ với người này, người nọ, việc đông, việc tây nhưng tôi lại không đủ kiên nhẫn ngồi bên Chúa trong nửa giờ Chầu và những giờ hồi tâm sáng tối; tôi mặc cả, trả treo với Chúa là “con bận, con mệt, con đang chạy deadline, con…” Tôi lại tiếp tục chối bỏ Chúa khi tôi từ chối nghe và sống theo thánh ý Ngài qua tiếng của lương tâm, vì thế mà tôi vẫn mãi ở lì trong tội lỗi… Sự thật, tôi cũng đang là một trong số những người đang chối bỏ Chúa.
Vậy làm sao có thể loan báo Tin Mừng cho muôn dân, những người chưa nhận biết Chúa, cho những người đang chối bỏ đức tin vào Chúa Kitô…? Làm sao các Kitô hữu, các tu sĩ và cả chính tôi có thể làm được điều đó khi mà chúng ta đã không thể trung thành sống đức tin của mình mà còn cản trở những ai đang thành tâm tìm kiếm đường trọn lành đến với Chúa? Để làm được điều đó, thiết nghĩ chúng ta, những người đạo gốc, những tu sĩ đang sống đức tin cách hời hợt cần một cuộc sám hối, canh tân, củng cố lại đời sống đức tin của mình và quay trở về với Chúa.
Trước những thử thách, dao động về đức tin; trước những chán nản, mệt mỏi trong việc sống và giữ đạo;… chúng ta cần bắt đầu với việc sống chậm lại để cảm nghiệm và tạ ơn Chúa về hồng ân được là con Chúa, được sống trong ơn gọi dâng hiến, được đón nhận hồng ân đức tin là ân ban Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Tiếp đến, những khi đức tin bị dao động, thay vì hoảng sợ, từ bỏ đức tin, chúng ta cần sự phó thác, kiên tâm chờ đợi Thiên Chúa đổi mới đức tin của chúng ta trong sự tin tưởng. Bên cạnh đó, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin đang suy yếu của mình bằng cách kiên trì cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa và siêng năng xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa. Chúng ta không được bỏ cộng đoàn đức tin khi gặp thử thách trong đức tin. Chính cộng đoàn đức tin sẽ nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng ta. Chúng ta cần kiên trì trong đức tin cho đến cùng, ngay cả khi đức tin bị lung lay vì chúng ta tin chắc rằng phần thưởng cho đức tin của chúng ta là ở trên trời thật lớn lao. Vâng, chỉ khi chúng ta sống một đức tin như thế, chúng ta mới chứng tỏ cho mọi người biết chúng ta là môn đệ của Chúa và lời rao giảng của chúng ta mới sinh ơn ích cho mọi người.
Như vậy, từ những kẻ chối bỏ đức tin Công giáo, chúng ta cần sống một đức tin mạnh mẽ. Nhờ đó, lời rao giảng của chúng ta sẽ sống động và cụ thể dẫn đưa mọi người đến với Chúa.
____________________
[1] Vũ Đình Tường, Chối bỏ, Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Phục Sinh Năm B (Lc 24, 35-48), https://www.giaoly.org
[2] Linh Tiến Khải, Đánh mất niềm tin: thách đố lớn của các Giáo hội Kitô tại Đức, https://tgpsaigon.net
[3] Michael Trần Mạnh Cường, Dòng Thừa Sai Bác Ái, Thực trạng đời sống đức tin nơi giới trẻ Công giáo hiện nay, http://baochiaselts.blogspot.com/2016/09/thuc-trangoi-song-uc-tin-noi-gioitre.html