Dường như Người muốn nói – Giỗ 30 năm cha Tuyên Úy

0

Viết bên thi hài cha Tuyên Úy Giuse Phạm Phúc Huyền, ngày 23.08.1993

Sr. Agnes Hoàng Thị Hòa, OP

Lời giới thiệu: Nhân dịp lễ Giỗ 30 năm Cha Tuyên úy Giuse Phạm Phúc Huyền 23.08. 1993 – 23.08.2023, BTT xin trích đăng bài viết mà Sr. Agnès Hoàng Thị Hòa đã viết trong ngày Cha về với Chúa 30 năm trước. Tác giả là người may mắn được làm việc trực tiếp với Cha nhiều năm trong lãnh vực văn hóa, tinh thần nên rất hiểu tâm tư, khát khao của vị Tuyên úy, người Cha khả kính của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp.  

Tiếng chuông sầu từ từ nhả giọng, trầm buồn và ai oán… để trả lời một cách chính xác cho những người thân: “Người đã đi rồi…”. Con tiến sâu vào lòng nguyện đường, sự im bặt thánh thiện trầm lắng đưa con vào suy niệm… Trước mắt con: chiếc quan tài đơn sơ mộc mạc của một vị Linh mục đã chọn đúng hướng đi của mình: là “thành viên nghèo” trong một Giáo hội nghèo.

Cùng với giáo dân đang hiện diện trong ngôi nguyện đường của Giáo xứ Bùi Vĩnh, con được ngắm nhìn Người lần cuối. Dung nhan Người dịu hiền qua tấm kính. Con thấy, dường như Người muốn nói:

  • Tôi “là”: người phục vụ vô tên tuổi! (x. Ga 13, 12-17)
  • Tôi “chọn”: sống nghèo.
  • Tôi “ước”: số phận của Tiên tri, bị chống đối và bách hại.

1. Tôi “là”: NGƯỜI PHỤC VỤ VÔ TÊN TUỔI

Vị Linh mục tự khẳng định mình: tôi “là” tôi chứ không ai khác, “là’ tôi với một hữu thể có ý thức và tự do. “Là” tôi, trong kiếp sống làm người. Tôi vạch sánh hành trình đời tôi bằng tia sáng cội nguồn. Tôi an tâm đi vào dự phóng sau khi đã định vị chỗ đứng của mình: người phục vụ vô tên tuổi.

Người phục vụ mang trong mình phẩm chất Tin Mừng: “vị tha”. Cho nên tôi đã hình thành tôi bằng chính những hạnh phúc do tôi ưu ái trao tặng tha nhân. Tôi mỉm cười đón chào cuộc sống và cuộc sống chuyển vận niềm vui mới cho tôi. Quả thật, thời gian trôi qua dệt thành trang lịch sử. Tôi đã tháp nhập vào giòng đời, vào thế giới với trọn một kiếp người. Người ta đã nói về tôi như nói tới một người vô tên tuổi, bởi lẽ tên tuổi của tôi là chính “anh em tôi”.

Anh em tôi nhận diện tôi như một người quen thân, dễ mến, cũng như tôi đã từng gắn kết và không thể tách lìa anh em tôi (x. Lc 6, 31). Hôm nay tôi chọn lối độc hành, bỏ lại sau lưng những người tôi thương mến. Cho dù chúng tôi có chung một điểm hẹn, nhưng không ai xác định được thời điểm hẹn hò (x. Mt 24, 36). Giờ đây tôi cúi chào tất cả, tôi ra đi, về với cuội nguồn. Tôi đã hành trình đốt giai đoạn và thuyền đời tôi đã cập bến bình an. Hơn lúc nào hết, lúc này tôi biết rõ tôi: người phục vụ vô tên tuổi.

Đã có lần trong đời tôi, tôi ý thức tôi chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc” (x. Ga 1, 23). Tôi yêu thích tên gọi đó, tên gọi rất xứng hợp với tôi, với việc làm của tôi. Và tôi đã chọn tên gọi đó làm bút hiệu cho một bản dịch thuật của tôi. Ngoảnh nhình lại cuộc đời, tôi đã từng mạo hiểm gióng lên những tiếng nói dường nhu vô hồn, giữa một thinh không rộng lớn bình lặng và hững hờ. Tôi đã từng cảm nghiệm bằng xương bằng thịt, tiếng nói tôi heo hắt, loãng dần và im bặt. Tôi đã hiểu sâu xa thế nào là tản mác theo đúng quy luật của nó và tôi rất yên tâm với điều tôi lựa chọn.

Tôi đã từng là kẻ săn tin “nặc danh”. Người ta có thể nhắc đến tên khu rừng, nhưng người ta chẳng để ý đến tên tuổi thợ săn. Chưa bao giờ tôi đã coi đây như nghiệp chướng, nhưng trái lại tôi rất an bình trong nghiệp vụ. Tôi là kẻ săn tin nhiều cao vọng, săn tin tận Tổng Đài Vatican. Tội vận dụng mọi mánh lới và kỹ thuật để bắt đúng tần số. Người săn tin ý thức vai trò và số phận mình: giấu mặt, ẩn tên. Tôi luôn luôn hứng khởi với nguồn tin nhận được: Tin Mừng cho người muốn nghe, tôi đi từ lòng Mẹ Giáo Hội, từ thế giới, từ dân tộc tôi, cộng đoàn tôi, từ từng người anh em tôi để múc lấy sứ điệp Tin Mừng. Tôi kiên  trì với bổn phận của người phục vụ vô tên tuổi. (x. Mt 20, 26-28)

Tôi cũng đã là một thương gia “lỡ vận”. Anh em tôi thường trêu ghẹo tôi như thế, phải rồi, tôi nhớ rõ tôi đã cho đi vô vị lợi và không tính toán. Dường như tôi rất khờ khạo trước những mưu lược của đối phương. Tôi đã từng làm trò đùa cho từng con toán của của cuộc đời. Bản kết toán từng ngày của tôi chỉ tồn lại những con “số không” nghiêm chỉnh. Ô hay! Tôi đã nghiên cứu kỹ dữ kiện rồi mà, và tận điểm đáp số của tôi vẫn là “đã lĩnh nhận nhưng không thì cũng trao ban nhưng không” (Mt 10,8). Vì thế, tôi đành chịu thua thiệt, để được lợi cho anh em tôi. Là thương gian lỡ vận, tôi chạy trốn lợi lộc, uy quyền, để làm quen với sự khinh bỉ và xỉ nhục. Tôi định vị tôi trong tương quan với mọi người: tôi chỉ là người phục vụ vô tên tuổi.

2. Tôi “chọn”: SỐNG NGHÈO

Hạnh phúc cho tôi được tiếp nhận vào “ơn gọi làm người”, do đó tôi có quyền lựa chọn. Tôi có quyền yêu và thể hiện điều mình yêu thích, cho nên tôi hãnh diện chia sẻ điều đã chọn: tôi thích sống nghèo.

Tôi còn nhớ, thuở đó khi còn là khởi điểm, tôi đi vào cuộc sống, mang trong mình thân kiếp của một đứa bé nghèo trong một gia đình túng thiếu và chật vật. Hơn lúc nào hết tôi cảm nghiệm lối sống nghèo. Tôi quán triệt bài học đầu tiên này, bài học được ghép bằng những dòng chữ vô hình nhưng rất là thấm thía. Tôi tiếp nhận trọn vẹn kiếp sống khổ hạnh của cha mẹ tôi. Sự đồng cảm này đã vẽ cho tôi một hành trình, một dự phóng, một hướng đi: “tôi chọn sống nghèo để nhập cuộc với người nghèo”.

… Cha mẹ ơi! Có phải không hay vô tình cha mẹ đặt lên bờ môi con, gò má con những nụ hôn đầu đời, nụ hôn như dấu ấn tình thương nhắc nhở con về thân phận hư không của mình. Con đã hiểu từ đâu con xuất hiện và con sẽ đi về đâu. Con cũng hiểu lắm về môi trường tạo nên cuộc sống mới cho con. Cha mẹ ơi! Ngày chào đời con òa khóc chào cha, chào mẹ và hôm nay chấm chót cuộc hành trình, con chấp nhận quy luật sinh tồn để trở về với mẹ cha, trong bản chất nghèo túng của mình. Lúc này, con ghi ơn cha, con khắc sâu tình mẹ bằng ngôn ngữ cuối cùng của một con người, vì con hiểu mẹ cha là người duy nhất cho con cuộc sống. Trong quá trình tri ân cuộc sống con đã khắc đậm tình mẹ cha…

Tôi cũng xin cúi đầu cho lần cuối những người bạn đồng hành thân mến của tôi (Mt 25, 31-46). Đặc biệt là những người bạn nghèo chí thiết của tôi. Tôi hạnh phúc đón nhận mọi người ở một mẫu số chung của nếp sống nghèo. Lòng tôi tràn đầy sung sướng ôm chặt mối nghèo vào tâm và vào cuộc sống. Tôi hân hoan sở hữu nhưng không “mối nghèo” này, như một bảo vật vô giá. Là người nghèo, tôi chỉ biết lãnh nhận và cho đi. Một động tác thật giản đơn nhưng vô cùng phong phú và thi vị. Các bạn nghèo thân mến, tôi yêu quý các bạn thật tình, điều đó các bạn đã rõ. Ngày ngày tôi ôn lại những kỷ niệm được đồng hành, đồng cảm với các bạn, tâm tư tôi reo vui và phấn khởi. Chính các bạn đã động viên và tạo sáng kiến cho những giao lưu thân hữu của tôi. Ánh mắt bạn – tâm hồn bạn cuộc sống bạn – con người bạn- đã cuốn hút tôi. Tôi đã biết sống như người nghèo, ở căn nhà của người nghèo, với những nhu cầu của người nghèo, ăn thức ăn của người nghèo, mặc cùng thứ vải như người nghèo… tôi thích nghi với những phương tiện di chuyển của người nghèo, tôi sử dụng những dụng cụ tương tự với vật dụng của người nghèo. Bạn nghèo ơi! Tôi yêu mến bạn biết bao! Hạnh phúc của tôi là được hòa nhất với bạn!  (x. Mt 6, 25-34). Tôi tin rằng bạn không bỏ tôi, nhất là khi tôi đau bệnh, khi tôi không còn tỉnh táo để nhận định, xin bạn hãy nhắc nhở cho người thân của tôi: khi tôi đau bệnh hãy cấp dưỡng cho tôi như cấp dưỡng cho một người nghèo. Tôi tin rằng bạn đã làm điều đó cho tôi… Giờ đây, lệnh triệu đã lên rồi, tôi đáp lại lời gọi  mời trở về Nhà Cha, bạn hãy trung thành với tôi, vui lòng thực hiện những nguyện ước cuối cùng của tôi: tôi muốn được chết và chôn cất như một người nghèo, cứ như vậy bạn nhé! Hẹn gặp bạn trên cõi phúc.

3. Tôi “ước”: SỐ PHẬN CỦA TIÊN TRI BỊ CHỐNG ĐỐI VÀ BÁCH HẠI

Khát vọng là chuyện của con người, một bộc trực tất yếu về căn tính “bất lực” của mình. Càng rời xa thực tế, con người càng khát vọng. Càng tiến gần tới vô biên con người càng khắc khoải mong chờ.

“Ta khát!” (Ga 19, 28), tôi trắc ẩn trước cơn khát kinh hồn của một con người đã hiện hữu cách đây hơn 2000 năm. Con Người đó thật tuyệt diệu. Tôi đã hòa nhập vào cơn khát đó và tôi đã muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài! (x Lc 22, 33) – Ngài giống hệt tôi nhưng rất khác biệt tôi: là con người thật cũng là Thiên Chúa thật.

Vâng, Ngài đã mời gọi tôi tiếp nôi sứ vụ của Ngài, sứ vụ tiên tri này đã chớm nở rất sớm trong nhận thức của tôi, từ khi tôi mới là đứa bé lên 7. Cách khái quát tôi đã biết lựa chọn rời xa mái ấm gia đình để thụ huấn nơi những người không phải là cha mẹ tôi, và tôi đã cảm mến dần những gì gọi là đau khổ và thử thách. Thời gian êm đềm trôi, tôi được tuyển chọn vào hàng ngôn sứ của thời đại (23.05.1948). Qua học tập và qua kinh nghiệm sống, tôi đã biết rõ chân dung của Vị Ngôn sứ trong lịch sử cứu độ con người. Tôi quyết định hình thành ước vọng đó trong cuộc sống của tôi. Cho dù đây là câu chuyện (x. Ga 6, 65) “không tưởng”, nhưng tôi đã tựa nương vào Đấng là sức mạnh tôi. Trong Người, tôi có thể kêu lên: “Đấng Toàn Năng đã thực hiện nơi tôi những điều kỳ diệu”(Lc1, 49) – Ngài đã dùng sự yếu đuối, hèn mọn của tôi đã xây dựng công trình của Ngài. Ngài đã sử dụng tôi với những ưu điểm và khuyết điểm của tôi.

“Nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui
Trót cả tâm tình con cùng Ngài gắn bó,
Giơ tay quyền lực Ngài che chở phù trì”
(Tv 62, 9)

Cho nên nhờ Đức Giêsu, trong gian khổ tôi đã tự nguyện uống cạn chén đắng cách bình tâm (x. Lc 22, 42). Cùng với Ngài, vào giờ khổ nạn, tôi đã học để biết nói bằng sự im lặng, để không bao giò nói lời chống đối ai, để đừng bao giờ tìm cách tự bào chữa, để lúc nào cũng nói năng khiêm tốn. Phải rồi, im lặng là bài học hay nhất:
“Im lặng khi tức bực
Im lặng khi bị chỉ trích
Im lặng lúc bị chối từ
Im lặng lúc thất vọng
Im lặng lúc gặp cảnh vô ơn
Im lặng khi cảm thấy lòng ghen ghét
Im lặng lúc bị người khác ghen ghét
Im lặng lúc bị phản bội
Im lặng khi được thỏa mãn
Im lặng lúc đau khổ mọi nơi”

“Nhẫn nại hơn tí chút – kiên quyết hơn tí chút – khiêm nhường hơn tí chút – biết lẽ phải hơn tí chút – can đảm hơn tí chút – bỏ mình hơn tí chút và trên hết mọi sự: cầu nguyện hơn tí chút …” (x. Trên đường lữ hành, tr. 368)

Ôi, Linh Mục! Người Cha Tuyên úy khả kính của Hội dòng tôi! Người nằm đó! Mắt nhắm nghiền, môi bất động, tim ngừng thở – Một biểu hiện của người đã chết, nhưng Người vẫn sống: “hạt giống đã lấp vùi, mục nát” sẽ hứa hẹn một mùa lúa bội thu (Ga 12, 24).

Xin chúc tụng Chúa!

Xin tri ân Ngài!

Comments are closed.

phone-icon