Chúa kêu gọi mọi người cộng tác với Người – Chúa Nhật 25 TN A

0

   Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (20,1-16a)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

***

Sau khi nghe bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, chắc ai trong chúng ta cũng thấy ông chủ làm vườn nho đối xử không công bằng với những người làm thuê: người làm ít cũng như người làm nhiều đều nhận tiền lương như nhau. Bình thường ở ngoài đời, nếu ông chủ hành động như vậy, thế nào công nhân cũng sẽ biểu tình hoặc đình công để phản đối vì sự bất công này!

Nhưng ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã xác định đây chỉ là một dụ ngôn: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia…. Dụ ngôn này nói về Chúa và về Nước Trời chứ không phải là một bài diễn thuyết xã hội để xác định tiền lương hoặc để giải quyết các xung đột xã hội trong các xí nghiệp. Dụ ngôn cũng nói về sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người. Trong bài đọc I, Chúa phán: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.

Ðiểm chính yếu của dụ ngôn đó là: Thiên Chúa tốt lành, và lòng quảng đại không tính toán của Người vượt xa trí tưởng tượng của con người. Người tốt lành ngay cả với những người không xứng đáng lãnh nhận sự tốt lành đó. Ðiều đó có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ lối suy nghĩ hợp lý theo kiểu: tôi cố gắng làm việc lành, ăn ở phúc đức, chấp nhận hy sinh, chịu đau khổ… thì đương nhiên Chúa phải yêu thương tôi, sẽ trả công cho tôi và cho tôi vào Nước Trời.

Những người thợ làm việc ngay từ sáng sớm cằn nhằn vì họ cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền, là mức lương đã được thỏa thuận của một ngày làm việc. Những người thợ này tượng trưng cho những người tự cho mình có quyền được ưu tiên, được hưởng nhiều quyền lợi trước mặt Chúa vì những cố gắng của họ. Vì thế họ ngạc nhiên và bất mãn trước thái độ ưu ái mà Chúa Giêsu dành cho những người tội lỗi, như thể ơn cứu độ chỉ dành cho những người đạo đức, thánh thiện như họ.

Khi kể lại dụ ngôn của Chúa Giêsu, có lẽ thánh Mátthêu muốn ám chỉ Giáo Hội vào thời đại của ngài: “những kẻ đứng đầu” là những người Do Thái, là dân được Chúa tuyển chọn; còn “những kẻ đứng chót” là những người ngoại giáo mới được gia nhập vào dân Chúa.

Nhưng dù là dân tuyển chọn hay dân ngoại, họ đều được kêu gọi để trở nên dân của Chúa. Vì thế, dụ ngôn này không có ý hạ bệ “những kẻ đứng đầu” xuống thành “những kẻ đứng chót”, nhưng nhấn mạnh sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa dành cho hết mọi người.

Dụ ngôn kể chuyện ông chủ vườn nho ra ngoài chợ bốn lần trong ngày để mướn thợ làm việc. Ông chủ vườn nho chính là Thiên Chúa. Trong suốt dòng lịch sử con người, qua mọi thời đại, Thiên Chúa luôn ra đi tìm kiếm con người thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và trong mỗi giờ phút của cuộc sống. Người mời gọi mọi người vào làm việc trong vườn nho của Người, nghĩa là tham gia vào dân Chúa.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đáp lại lời mời gọi của Chúa cùng một lúc hoặc cùng một cách thức như nhau. Một số người đã lãnh nhận đức tin ngay từ lúc lọt lòng mẹ và được lớn lên trong môi trường tôn giáo thuận lợi, họ là những người “đạo dòng”, “đạo gốc”. Những người này được xem như những người thợ của giờ đầu tiên. Họ sẽ lãnh phần lương của mình như lời Chúa hứa. Những người thợ được chủ vườn nho gọi vào giờ sau chót, đó là những người ngoại giáo đáp lại lời mời gọi của Chúa, và họ cũng sẽ lãnh nhận phần lương của mình như những người thợ của giờ đầu tiên. Sự rộng rãi của ông chủ vượt quá sức tưởng tượng của họ, và họ biết mình bất xứng trước những gì được lãnh nhận. Nhưng còn những người của giờ thứ nhất, những người “đạo dòng”, “đạo gốc”, liệu họ có biết rằng những gì họ được lãnh nhận không phải do công trạng của họ mà hoàn toàn do tình yêu nhưng không của Chúa hay không?

Vẫn còn nhiều người chưa khám phá ra tình yêu của Chúa, nhưng họ cũng luôn được Chúa kêu mời, dù suy nghĩ và hoàn cảnh của họ có như thế nào đi nữa. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng về sự cứu rỗi của chúng ta cũng như của những người mà chúng ta có trách nhiệm. Chúa mời gọi mỗi người theo cách của Người, điều mà chúng ta không thể hiểu thấu được.

Tháng chín, sau kỳ nghỉ hè, đối với nhiều giáo xứ, nhiều cộng đoàn, nhiều hội đoàn, nhiều nhóm, là thời kỳ bắt đầu sinh hoạt lại. Chúa vẫn tiếp tục đi ra và mời gọi. Chúa đi trước chúng ta. Chúa tìm kiếm chúng ta. Người kêu mời mọi lứa tuổi. Vì thế, không bao giờ trễ khi đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!. Chúa vẫn luôn mời gọi mỗi người chúng ta vào làm vườn nho của Chúa. Chung quanh chúng ta có biết bao việc đang chờ sự dấn thân của chúng ta: trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn, trong các hoạt động xã hội và nơi làm việc của chúng ta. Chúa biết những khả năng và giới hạn của mỗi người chúng ta, nhưng Chúa cần một chút thiện chí của chúng ta để cộng tác với Người. Ðừng quên rằng Chúa luôn ở với chúng ta. Người sẽ ban ơn, thêm sức và ban niềm vui cho chúng ta trong việc phục vụ anh chị em của mình.

Xin cho mỗi người chúng ta hôm nay nghe được lời mời gọi một cách rất riêng tư của Chúa: “cả con nữa, hãy vào làm vườn nho của ta”. Và ước gì chúng ta cũng sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa một cách thật quảng đại. Amen.

Comments are closed.

phone-icon