Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

0

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Mẹ triển dương như cây hương nam trên núi Libanô.
Như cây trắc bá trên đồi Sion.
Mẹ đứng cao như cây thiên tuế xứ Cades.
Như vườn hồng Jêricô.
Mẹ triển dương như Ôliva ngoài đồng,
Như cây tiêu bên suối nước công viên.
Mẹ tỏa hương thơm ngát như trầm hương.
Cao quý như mộc dược cung kính.
Ôi! Maria! [1]

Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Latin đang hân hoan cử hành thánh lễ trọng thể kính đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là một trong 4 đặc ân mà Thiên Chúa chỉ ban cho một mình Đức Mẹ, gồm: Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa, và Hồn Xác Về Trời. Với lý luận tự nhiên, con người không dễ đón nhận những đặc ơn này, và vì thế, Giáo Hội đã tuyên tín, và buộc rằng đây là những điều phải tin mặc dù trí khôn cũng như sự hiểu biết thông thường không thể giải thích được.     

Nhiều người vẫn thường hiểu lầm giữa việc Hoài Thai Vô Nhiễm Tội với việc Mẹ sinh Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh. Ngoài ra, thêm một hiểu lầm nữa cho rằng, với đặc ân này, Mẹ Maria thụ thai mà không cần sự phối hợp sinh lý của cha mẹ.   

Con người tự nhiên khi thụ thai là lúc linh hồn do Thiên Chúa tạo dựng được phú vào thân xác. Qua đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria được miễn trừ khỏi mọi tỳ vết của tội Nguyên Tổ ngay từ giây phút đầu tiên của hành động kết hợp này. Và nhờ ơn thánh hóa đã được ban cho trước khi tội Nguyên Tội có thể ảnh hưởng đến linh hồn của Mẹ. Vì vậy, ngay từ giây phút đầu hoài thai, Mẹ đã được miễn trừ khỏi lây vướng Tội Nguyên Tổ. Thánh Kinh không trực tiếp nói về tín điều thụ thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Nhưng Giáo Hội đã suy niệm và tìm thấy trong Kinh Thánh những dấu chỉ liên quan đến sự việc này. Và việc Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội chính là để bảo đảm việc Mẹ mang thai và sinh hạ Chúa Giêsu sau này.

Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội là một tín điều chỉ rằng Đức Trinh Nữ Maria được Chúa cho miễn trừ khỏi Tội Nguyên Tổ ngay từ giây phút đầu hoài thai. Tín Điều này đã được tuyên tín năm 1854, bởi Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX trong Sắc Lệnh Ineffabilis Deus.

Vậy Tội Nguyên Tổ là gì? Và tại sao Đức Maria lại được ơn đầu thai Vô Nhiễm Nguyên Tội?

TỘI NGUYÊN TỔ LÀ GÌ?

Tội Nguyên Tổ là từ ngữ được sử dụng để chỉ tội đầu tiên do Adong và Evà đã phạm vì bất phục tùng Thiên Chúa. Nó được gọi là “nguyên tổ” bởi nó là tội đầu tiên do nguyên tổ loài người phạm phải. 

Thừa hưởng di sản từ nguyên tổ, con người khi sinh ra đã không có khả năng chống lại các cơn cám dỗ và ham muốn dục vọng. Tội Nguyên Tổ như một căn bệnh thiêng liêng vì nó kháng cự lại lề luật của Thiên Chúa. Hậu quả trước hết của nó là làm mất ơn thánh hóa, tách lìa sự sống thần linh khỏi Thiên Chúa. Thứ đến, nó dẫn đến việc thiếu hiểu biết, thiếu ý chí, và dễ sa ngã trước những đam mê thấp hèn. “Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác thì yếu đuối” (Mt 26,41). Hậu quả sau cùng là sự chết, là mất sự sống đời đời. [2]

Tội Nguyên Tổ là một giáo lý của Kitô giáo, nó cho biết rằng con người từ khi sinh ra đã thừa hưởng một bản chất hư hoại bằng sự nối kết với hành động của nguyên tội truyền từ đời này sang đời khác. Niềm tin này bắt nguồn từ Thánh Kinh qua Sáng Thế Ký 3, trong Thánh Vịnh 51:5, và trong Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Roma 5:12-21.

Theo Thánh Augustine, mọi người đều được sinh ra trong tội. Điều này có nghĩa là con người ta sinh ra với bản năng để làm điều xấu và bất tuân phục Thiên Chúa. Đây là một giáo lý quan trọng của Kitô giáo. Ý tưởng về Tội Nguyên Tổ được diễn tả bởi Thánh Augustine và được hình thành như một phần của giáo lý Công Giáo bởi Công Đồng Trent vào thế kỷ thứ 16. Nó không chỉ là một căn bệnh di truyền thiêng liêng nơi bản chất con người; nó cũng còn là một lời ‘nguyền rủa’ đi liền với hành động này.

Là một sự bất toàn tinh thần và điều kiện tâm lý của con người. Ngay ở một trẻ sơ sinh, tuy không làm gì nhưng cũng đã bị vướng lây. Nguyên Tội là kết quả của sự bất tuân phục của Ađam và Evà khi họ ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng. Như vậy, Đầu Thai Vô Nhiễm Tội đối với Đức Maria có nghĩa là Mẹ tuy được thụ thai và đem vào thế gian này một cách tự nhiên, nhưng không mang tỳ vết và hậu quả của Nguyên Tội. Từ ngữ  “tinh khiết” (immaculate) có nghĩa là: không tỳ vết. [3]

MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: “Để trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế, Maria ‘được làm giầu bởi Thiên Chúa bằng những ơn huệ thích hợp cho địa vị này.” Trong giây phút truyền tin, Tổng Thần Gabriel đã chào mừng Mẹ “đầy ơn phúc”. Thật vậy, để Đức Maria được tự do chấp thuận bằng đức tin của mình đối với lời truyền tin về ơn gọi của Mẹ, cần thiết rằng, Mẹ phải được sinh ra hoàn hảo bằng ân sủng của Thiên Chúa” (Số 490). Và “Qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội đã nhận ra rằng Đức Maria, “đầy ơn phúc” nhờ ơn Thiên Chúa, đã được cứu độ từ giây phút thụ thai của Mẹ (Số 491). Tín lý về Thụ Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria đã được Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX tuyên tín năm 1854:

Trinh Nữ Maria rất thánh, ngay từ giây phút đầu hoài thai, bởi một ân sủng đặc biệt và một đặc ân của Thiên Chúa Toàn Năng, và bởi nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của nhân loại, được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của tội Nguyên Tổ.

Mẹ Maria không bao giờ phạm tội. Bởi vì ơn cứu độ đã được áp dụng cho Mẹ ngay từ lúc hoài thai. Mẹ không chỉ được che chở khỏi vương mắc tội Nguyên Tổ, nhưng còn cả tội riêng của mình. “Các Giáo Phụ theo truyền thống Đông Phương đã gọi Mẹ Thiên Chúa “Đầy Thánh Đức” (Panagia) và tán dương Mẹ như “không vương bất cứ tỳ vết nào của tội, được bao bọc bởi Chúa Thánh Thần, và được tạo dựng như một tạo vật mới”. Bởi ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria giữ mình khỏi mọi tội riêng trong suốt đời sống của người. “Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài…” (Số 493)

“Vinh quang của sự thánh thiện hoàn toàn đặc biệt” bởi đó Đức Maria “đầy tràn từ giây phút đầu tiên của việc Mẹ được hoài thai” đến một cách đầy đủ từ Chúa Kitô: Mẹ được “cứu chuộc, và trong sự bao bọc phi thường, bởi nguyên nhân đáng hưởng của Con của mẹ”. Cũng trong Sách Giáo Lý dạy rằng: “Từ những con cháu của Evà, Thiên Chúa đã chọn Đức Trinh Nữ Maria làm mẹ của Con của Ngài. “Đầy ơn phúc”, Đức Maria là “hoa trái tuyệt vời nhất của ơn cứu chuộc” (SC 103): từ giây phút đầu tiên hoài thai, Mẹ đã được hoàn toàn miễn trừ khỏi vết nhơ tội Nguyên Tổ và ở giữa trong sạch khỏi mọi tội riêng mình trong suốt cuộc đời Mẹ” (Số 508). 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết về Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ dưới nhãn quan Thánh Mẫu Học: “Khi suy niệm mầu nhiệm này trong một nhãn quan Thánh Mẫu, chúng ta có thể nói rằng, “Đức Maria, theo Con của mình, là một hình ảnh tinh tuyền nhất của sự tự do và giải thoát của nhân loại và của vũ trụ. Vì mẹ như Người Mẹ và Mô Phạm mà Giáo Hội phải nhìn lên để hiểu cách hoàn toàn ý nghĩa của nó trong sứ vụ riêng của Mẹ”. [4]

Và: “Chúng ta hãy ngắm nhìn lên Mẹ Maria, biểu tượng của Giáo Hội lữ hành trong một lịch sử hoang vu, nhưng trên con đường của Mẹ dẫn tới một đích đến vinh quang của Giêrusalem trên trời, nơi đó, Giáo Hội sẽ chiếu sáng như Tân Nương của Con Chiên, Chúa Kitô”. [5]

Vì không bị mắc Tội Tổ Tông, nên những đam mê, dục vọng của Đức Mẹ luôn được kiểm soát bởi sự hiểu biết và ý chí của Người. Cái chết và việc đánh mất sự sống đời đời là những hậu quả sau cùng của tội nguyên tổ. Thiên Chúa đã ban tặng cho con người món quà tuyệt vời là sự sống đời đời mà vì sự hủ bại của tội đã đánh mất điều đó. Vì vậy đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là một đặc ân mà Ngài chỉ dành riêng cho một mình Đức Mẹ, đấng làm mẹ và sinh ra Chúa Giêsu, Chúa Cứu Chuộc con người khỏi ách tội lỗi, khỏi sự thống trị của Satan.

_____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Mẹ triển dương. Lm. Vinh Hạnh.

2. https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Toi-Nguyen-To-La-Gi.html

3. Catholic Answers https://www.catholic.com › tract › immaculate-concept.

4.Congregation for the Doctrine of the Faith, Libertatis conscientia, 22 March, 1986, n. 97; cf. Redemptoris Mater, n. 37. 

5.General Audience, March 14, 2001.

Comments are closed.

phone-icon