Chúa muốn mọi người được cứu độ – Lễ Chúa Hiển Linh, năm B

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (2,1-12)

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

***

Phụng vụ Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay cho chúng ta nghe một câu chuyện thật hay. Câu chuyện này đã gợi trí tưởng tượng của biết bao thế hệ Kitô hữu và được thêu dệt qua dòng thời gian. Chúng ta thấy Tin Mừng chỉ nói “các nhà chiêm tinh”, mà không nói họ là vua, cũng không phải ba vua, mà cũng chẳng xác định tên của họ!

Vào thế kỷ thứ 4 và 5, truyền thống dân gian Tây phương tưởng tượng ra các nhà chiêm tinh là những vị vua. Ðến thế kỷ thứ 7, tục truyền lại đặt cho họ những tên như: Men-ki-o (Melchior), Gas-pa (Gaspard) và Ban-ta-gia (Balthazar). Rồi đến thế kỷ thứ 15, để muốn nói rằng các nhà chiêm tinh tượng trưng cho toàn nhân loại, nên dân gian còn xác định chủng tộc của họ: Men-ki-o là người da trắng, Gas-pa người da vàng, và Ban-ta-gia người da đen. Hơn nữa, ở Tây phương, người ta còn xác định hướng đi của họ. Chẳng hạn, ở nước Ðức, tương truyền cho rằng nhà thờ chính toà của thành phố Köln (Cologne) được xây tại nơi mà người ta cho là phần mộ của ba vị vua này.

Thật ra, đại lễ hôm nay không phải là “Lễ Ba Vua” mà là “Lễ Chúa Hiển Linh”, nghĩa là Giáo Hội mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại nơi Đức Giêsu. Một mầu nhiệm được giấu kín từ thuở tạo thiên lập địa, và bây giờ được mặc khải cho mọi dân tộc.

Cả ba bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tuy dưới những hình thức khác nhau, nhưng cùng gửi đến cho chúng ta một sứ điệp: ơn cứu độ không dành riêng cho một ai, cũng không là đặc quyền của một dân tộc nào. Ơn cứu độ được dành cho tất cả mọi người!

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia long trọng tuyên bố với thành thánh Giêrusalem rằng: “Ðứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi.” Khi ngôn sứ Isaia viết điều này, thành Giêrusalem bắt đầu được xây dựng lại sau 50 năm dân Do Thái bị lưu đày ở Babilon, vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi”. Theo Isaia, nếu ánh sáng này đến với người Do Thái thì ánh sáng đó không phải là sở hữu riêng của họ. Họ phải đón nhận các dân, các nước đang hướng về Ánh Sáng đó. Lời tiên tri này được thực hiện khi hôm nay thánh sử Mátthêu cho biết các nhà chiêm tinh, là những người dân ngoại, đang tiến về Chúa Giêsu, Ðấng đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12).

Trong bài đọc II, từ trong tù, thánh Phaolô viết cho các tín hữu của cộng đoàn Êphêxô để giải thích cho họ về mầu nhiệm Ðức Kitô, một mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng bây giờ lại mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là gì? Ðó là: “Trong Ðức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” Trước đây, người Do Thái tự hào rằng chỉ có họ mới được biết những mầu nhiệm của Chúa; họ là dân của giao ước, một giao ước độc quyền giữa Thiên Chúa và họ, còn tất cả các dân tộc khác đều bị gạt bỏ. Nhưng theo thánh Phaolô thì từ đây, các đặc quyền của người Do Thái đã bị bãi bỏ.

Mặc khải mà thánh Phaolô viết cho các tín hữu Êphêxô ngày xưa cũng được gửi đến chúng ta hôm nay, những tín hữu trong Giáo Hội của thế kỷ thứ 21. Cách đây không lâu, chúng ta còn nghe nói “ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ”, nghĩa là để được Chúa cứu độ, trước tiên cần phải trở thành Kitô hữu.

Phải chờ đến công đồng Vaticanô II (1962-1965), Giáo Hội mới xác định rằng không phải chỉ có những Kitô hữu là những người duy nhất được cứu độ, nhưng nhiệm vụ của họ là loan truyền sứ điệp của Chúa Giêsu cho hết mọi người. Vì Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ!

Ngày xưa, các nhà chiêm tinh với lòng chân thành và thái độ sẵn sàng, họ đã được thấy ngôi sao dẫn đường đến tận hang đá Bêlem để gặp hài nhi Giêsu. Nếu chúng ta thực lòng muốn tìm đến với Chúa, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy những ngôi sao dẫn lối cho chúng ta. Vì trên mọi nẻo đường chúng ta đi, Chúa đã cho hàng ngàn ngôi sao để hướng dẫn chúng ta đến với Người. Đó là những người thân yêu trong gia đình, những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày, các chứng nhân, những biến cố xảy ra chung quanh chúng ta… và nhất là qua Lời Chúa trong Thánh Kinh.

Các nhà chiêm tinh sau khi gặp được Chúa Giêsu thì đã “đi lối khác mà về xứ mình”. Thực vậy, một khi đã gặp được Đức Kitô thì không còn gì giống như trước nữa. Dấu để chúng ta biết mình đã thực sự gặp được Chúa, đó là chúng ta dám bỏ lối đi cũ, nghĩa là lối sống làm chúng ta xa Chúa, để đi theo con đường mà Chúa chỉ cho chúng ta. Đó là con đường yêu thương, nơi Chúa mời gọi chúng ta trao ban niềm vui và tình thương nhiều hơn nữa, và sẵn sàng dấn thân cho Chúa và cho mọi người.

Vẫn còn đó biết bao người đang lầm lũi bước trong đêm tối của thế gian. Ước mong và cầu chúc cho mỗi người chúng ta cũng trở nên ánh sao dẫn lối cho họ đến với Chúa qua đời sống chứng tá yêu thương hằng ngày của mình.

Comments are closed.

phone-icon