Phương thế sống đời hôn nhân thánh thiện

0

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Nguồn: theo WAU

Thánh Phaolô chỉ cho Chúng ta Cách để Yêu Người Bạn Đời của chúng Ta

Khi Đức Maria và Thánh Giuse đính hôn với nhau, các ngài có lẽ đã mong đợi cuộc sống của họ sẽ theo một khuôn mẫu bình thường như những cặp vợ chồng trẻ khác mà họ biết. Các ngài sẽ xây dựng gia đình riêng của mình ở Nadarét. Giuse sẽ nuôi sống gia đình bằng nghề buôn bán, trong khi Maria thì trông coi nhà cửa và con cái.

Dĩ nhiên, điều đó không chính xác như cách sự việc xảy ra. Thiên Chúa đã có một kế hoạch đặc biệt cho Maria và Giuse một kế hoạch hoàn toàn không bình thường hoặc theo truyền thống. Người đã chọn các ngài để trở nên mẹ và cha nuôi của Đấng Cứu Thế! Điều này bao làm nhiều thách đố đòi hỏi các ngài gắn bó và nên một với nhau. Đó là cách các ngài có thể hoàn trọn ơn kêu gọi của Thiên Chúa để trở nên cha mẹ của Con Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giêsu, các ngài sẽ trở thành một gia đình thánh thiện, hoàn toàn tận hiến cho Đức Chúa.

Với tư cách là đôi vợ chồng, Maria và Giuse đã cam kết với nhau thực hiện ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình. Một mối tương quan bền chặt như thế giữa vợ chồng là nền tảng của một gia đình thánh thiện. Vậy làm sao chúng ta có thể tìm ra những phương thế củng cố các mối tương quan của chúng ta với người phối ngẫu? Cho dù chúng ta đã lập gia đình một hay năm mươi năm, tất cả chúng ta đều có không gian để lớn lên trong tình yêu và sự hiệp nhất. Thánh Phaolô, người đã viết rất hùng hồn về tình yêu ở một chỗ khác (1 Cr 13), cũng có một số âm điệu và sự khôn ngoan thực tế về tình yêu trong Thư gửi cho các tín hữu Côlôsê. Đó là lời khuyên đặc biệt dành cho những cặp vợ chồng:

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).

Tình Yêu, Mối Dây Liên Kết Hoàn Hảo. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3,12). Thánh nhân khuyến khích chúng ta hãy sẵn sàng tha thứ cho nhau. Nhưng “mối dây liên kết hoàn hảo” – vương miện của tất cả các thái độ và thực hành này  – là tình yêu (Cl 3,14). Đây là tình yêu mà Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta khi Người dâng hiến mạng sống mình trên thập giá để cứu độ chúng ta. Đó là tình yêu vị tha đòi hỏi chúng ta đặt những nhu cầu của tha nhân lên trước bản thân mình. Trong đoạn thư gởi tín hữu Côlôsê này, Thánh Phaolô cho chúng ta một “phương thế” đoại loại về cách chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào. Chúng ta hãy xem kỹ từng “yếu tố”.

Lòng thương cảm. Để có lòng thương cảm với người bạn đời của mình đòi hỏi chúng ta phải đặt chính bản thân mình trong hoàn cảnh của họ. Có lẽ họ đang gặp vấn đề trong công việc hoặc đang cố gắng sống hòa thuận với một người họ hàng khó tính. Có lẽ họ đang có vấn đề về sức khoẻ. Trong những lúc như thế, chúng ta có thể lựa chọn “chịu đau khổ với” họ, điều đó có nghĩa là “có lòng thương cảm”. Chúng ta có thể lắng nghe họ, cầu nguyện với và cho họ, và đảm bảo rằng họ có thời gian và không gian cần thiết để giải quyết vấn đề.

Nhân hậu. Tất cả chúng ta đều biết nhân hậu là gì và như thế nào là nhân hậu, tuy nhiên trong cuộc sống bận rộn như chạy đua mỗi ngày, lòng nhân hậu dễ bị đánh mất. Trong Kinh Thánh, từ “nhân hậu” thường được dùng để dịch từ hesed trong tiếng Do Thái, nó có thể được dịch là “tình yêu vững bền” hay “lòng thương xót”. Khi chúng ta thể hiện lòng nhân hậu với người bạn đời của mình, cho dù bằng lời nói hoặc cử chỉ, hay bằng việc đáp ứng nhu cầu của họ trước khi họ thỉnh cầu, đó là lúc chúng ta thể hiện tình yêu của chúng ta với họ.

Khiêm nhu. Sự kiêu ngạo của chúng ta thường gây cản trở mối tương quan tốt đẹp với người bạn đời của chúng ta biết bao! Có lẽ chúng ta quá kiêu hãnh để có thể thừa nhận chúng ta đã phạm lỗi. Có lẽ chúng ta chỉ muốn mình là người đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi Chúa Giêsu, mặc dù là Con Thiên Chúa, Người đã “hạ mình” bằng cách chết trên thập giá vì chúng ta (Pl 2,8). Hôn nhân trao tặng cho chúng ta nhiều cơ hội để chết đi cái tôi và lòng tự trọng. Ước chi chúng ta có được ân sủng để tận dụng những cơ hội này.

Hiền hoà. Trở nên hiền hoà không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối; trên hết, Chúa Giêsu tự nói chính mình là “có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29, RSV). Thay vào đó, khi chúng ta hiền hòa trong lời nói và hành động, ngay cả lúc chúng ta bị làm phiền hay bị tổn thương, đó là một dấu hiệu của sức mạnh nội tâm. Và như tất cả chúng ta đều biết từ chính kinh nghiệm của mình, một lời nói sửa lỗi hay khuyên nhủ thì luôn luôn được đón nhận tốt hơn khi nó được trao đi cách hiền hòa.

Nhẫn nại. Đôi khi, tất cả chúng ta đều mất kiên nhẫn với người bạn đời của mình, đặc biệt khi chúng ta mong chờ một sự biến đổi trong thái độ hoặc hành động của họ nhưng dường như không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên hãy nghĩ xem Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta như thế nào. Người yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta yếu đuối. Người tha thứ cho chúng ta hết lần này đến lần khác, ngay cả khi chúng ta phạm cùng một thứ tội. Vậy khi chúng ta mệt mỏi và mất kiên nhẫn, chúng ta có thể ngước nhìn lên Chúa, Đấng hết mực kiên nhẫn với cả chúng ta và người bạn đời của chúng ta, để bù đắp những gì chúng ta còn thiếu.

Hãy lưu ý rằng những nhân đức này tương tự với những Hoa quả Thần Khí mà Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Galát 5,22-23. Thần Khí đang sống trong chúng ta là nguồn mạch của tất cả những hoa trái đó. Khi chúng ta gần gũi, gắn bó với Chúa, Người sẽ ban cho chúng ta ân sủng cần thiết để sống lời thề hứa hôn nhân của chúng ta.

Quà Tặng của Sự Tha Thứ. Nếu có một yếu tố vô cùng quan trọng đối với một cuộc hôn nhân yêu thương, thì đó chính là sự tha thứ. Như Thánh Phaolô nói: Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13; x. Mt 6,12). Tuy nhiên, tha thứ vẫn là một cuộc đấu tranh, đặc biệt khi chúng ta phải liên tục tha thứ cho người vợ/ người chồng về cùng một lỗi lầm. Đó cũng là một cuộc chiến để xin ơn tha thứ, khi chúng ta khó mà nhìn thấy chúng ta có thể xúc phạm đến người bạn đời của mình như thế nào. Nhưng hôn nhân của chúng ta thực sự đau khổ khi sự tha thứ không phải là một phần của cuộc sống hằng ngày với nhau, bởi vì lúc đó chúng ta để cho sự cay đắng và oán hận có cơ hội lớn lên và làm lòng chúng ta ra xơ cứng.

Sự tha thứ cũng quan trọng bởi vì việc sống cùng nhau ngày qua ngày có nghĩa là chúng ta sẽ tất yếu làm tổn thương lẫn nhau, ngay cả khi điều đó không phải là ý định của chúng ta. Thậm chí các thánh như Đức Maria và Thánh Giuse có lẽ cũng đã phải thực hành sự tha thứ. Mặc dù không vương tội lỗi, nhưng có thể một ngày nào đó Đức Maria đã quên để cho bánh mì dậy men và vì thế bữa tối không có gì ăn. Có lẽ Giuse đã hiểu lầm điều mà Đức Maria nói và cảm thấy bị tổn thương. Những tình huống như thế sẽ đòi hỏi người này hay người kia phải nói: “Anh/em xin lỗi; xin tha thứ cho anh/em” để xua tan bầu khí nặng nề và khôi phục lại không khí hạnh phúc trong gia đình.

Bởi vì chúng ta dễ làm tổn thương nhau nên chiến lược tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho cuộc hôn nhân của chúng ta là nuôi dưỡng là nuôi dưỡng một trái tim khoan dung, luôn sẵn sàng tha thứ và tiến lên phía trước.. Chúng ta chỉ có thể làm điều đó khi chúng ta suy gẫm về lòng thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ quay lưng ngoảnh mặt với chúng ta và luôn luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta bất cứ khi nào chúng ta đến với Người. Như Chúa Giêsu dạy chúng ta trong dụ ngôn về người đầy tớ không biết tha thứ, chúng ta, những kẻ đã được tha một món nợ quá lớn, cũng phải sẵn sàng tha những món nợ nhỏ hơn (x. Mt 18,21-35). Hạnh phúc là càng thực hành sự tha thứ, thì chúng ta càng dễ dàng tha thứ trong lần kế tiếp.

Dĩ nhiên, một số sự xúc phạm thì quá nghiêm trọng đến nỗi chúng ta cần sự trợ giúp từ bên ngoài để có thể tha thứ. Đó là khi chúng ta có thể đến với cha xứ hoặc đến với một vị cố vấn đáng tin tưởng. Họ có thể giúp chúng ta vượt qua sự tức giận và thất vọng, cho dù cả hai vợ chồng hay chỉ cá nhân, và đưa chúng ta đến một điểm mà chúng ta thực sự tìm thấy sự chữa lành. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta trải qua tiến trình này, chúng ta cũng cần ở lại dưới chân thập giá và tiếp tục nài xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự khôn ngoan và ân sủng.

Thật thú vị khi Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta không chỉ tha thứ nhưng còn “chịu đựng lẫn nhau” (Cl 3,13). Có những lúc chúng ta chỉ cần chịu đựng  – để nhận ra rằng có một vài điều người bạn đời của chúng ta làm không phải là xúc phạm chúng ta, nhưng đơn giản chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hay những thói quen làm chúng ta bực mình. Chúng ta có thể xin họ dừng lại, nhưng nếu họ không thể hoặc sẽ không dừng, chúng ta có lẽ cần thực hành sự kiên nhẫn và cầu xin ân sủng để nhìn xa hơn vấn đề. Cuối cùng, có lẽ có nhiều điều mà người bạn đời không để ý đến chúng ta! Thật là bình an biết bao cho cuộc hôn nhân của chúng ta, khi chúng ta chỉ cần chấp nhận rằng một số điều sẽ không thay đổi được – và điều đó thì ổn thôi!

Chúa Giêsu Ở với Chúng Ta. Khi chúng ta mong đợi mừng sinh nhật của Chúa Kitô trong mùa Vọng này, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta như thế nào. Người ở trung tâm cuộc hôn nhân của chúng ta và Người ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh để yêu thương người bạn đời của chúng ta như Người yêu thương chúng ta. Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Chúa Giêsu “gặp gỡ những đôi vợ chồng Kitô hữu qua Bí tích Hôn Phối”. Người “ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để vác lấy thập giá của mình,… để tha thứ cho nhau, để vác lấy gánh nặng của nhau, để ‘tùng phục lẫn nhau’ vì lòng kính sợ Đức Kitô (Ep 5,21), và để yêu thương nhau bằng tình yêu siêu nhiên, tế nhị và sinh sôi nảy nở” (GLHTCG số 1642).

Chúng ta đã được ban cho một ơn gọi cao cả: tình yêu thương lẫn nhau của chúng ta phải trở nên “hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt mà Thiên Chúa dành để yêu con người” (GLHTCG số 1604). Về phần mình, chúng ta có thể không bao giờ làm được điều này, nhưng với Thiên Chúa, tất cả mọi sự đều có thể. Ước mong chúng ta vững tin rằng với ân sủng dồi dào của Thiên Chúa, hôn nhân của chúng ta có thể phản ánh vinh quang của Thiên Chúa!

Comments are closed.

phone-icon