Học hành trong linh đạo Đa Minh

0

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP

 I. Dõi bước theo chân các tông đồ

1. Cơ duyên nào Dòng đã được thành lập?

Năm 1203 cha Đa Minh đã đặt chân tới miền Nam nước Pháp. Đêm đầu tiên ở quán trọ, cha đã gặp gỡ người chủ quán, một khám phá đau lòng: ông là người lạc giáo Cathare!!. Qua trao đổi, cha phát hiện ra là ở vùng này người ta chịu ảnh hưởng của lạc giáo rất nhiều, ảnh hưởng của họ lan tràn khắp vùng Albi. Thân thể màu nhiệm Đức Kitô đang rỉ máu mà nguyên nhân vì sự kém cỏi và sự sa sút của hàng giáo sĩ, dân Chúa không được hướng dẫn để tiếp cận với Lời Chúa và giáo lý tinh tuyền của Hội thánh.

Ơn Chúa Thánh Linh đã soi sáng cho Thánh Đa Minh nhận rõ sự yếu kém của Giáo hội. Thánh phụ Đa Minh đã ao ước có một đội ngũ anh chị em sống đời chứng tá Tin Mừng và loan giảng Lời Chúa. Ý tưởng lập Dòng đã manh nha từ đó.

Sau những năm vất vả trên cánh đồng truyền giáo, vật lộn với lý thuyết sai lạc, đối diện với anh em lạc giáo rất chân thành khao khát muốn trở về với Giáo hội. Sống với những thao thức băn khoăn trăn trở đó đã hơn một chục năm, lúc này đây cha đã có những người ban, những tâm hồn tha thiết với tiền đồ Giáo hội, với việc đưa anh em lạc giáo trở về với Chúa. Cộng đoàn những anh em giảng thuyết đầu tiên đã thành hình vào năm 1215.

Có người thắc mắc sao cha thánh không để lại một bút tích nào, một đường lối linh đạo hoặc một nền tu đức nào ngoài mấy bức thư nho nhỏ. Có đấy chứ! Cha thánh đã để lại một Dòng chuyên chăm loan báo Tin mừng và bảo vệ dức tin bằng đời sống tông đồ, học hành và phục vụ Giáo hội, Dòng là nơi đã hun đúc những anh chị em nhiệt tâm tông đồ. Thánh Đa Minh theo gương các tông đồ trước hết là họa một nếp sống. Chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống với Đức Kitô: lắng nghe Lời Chúa, hiệp thông Thánh Thể và rồi chúng ta được Ngài sai đi.

Ngay từ đầu, cha Đa Minh đã ôm ấp nếp sống nghèo và loan giảng Lời. Do đó, cha mong muốn anh em đào sâu Lời Chúa và đạo lý của Giáo hội. Và đích thân cha cùng sáu anh em đã đến thụ giáo với một giáo sư nổi tiếng tại Toulouse.

2. Cha con cắp sách đến trường

Maitre Stavenby, lúc ấy là giám đốc tại Toulouse, và sau đó trở thành giám mục coi sóc địa phận Coventry và Lichfield; chính vị này đã kể lại câu chuyện dưới đây, tại triều đình Anh Quốc, 10 năm sau khi biến cố xảy ra.

Một vị giáo sư lừng danh vì dòng dõi, danh giá, tên tuổi đang giữ ghế giảng sư thần học tại Toulouse. Một buổi sáng sớm nọ, lúc đang chuẩn bị bài vở để lên lớp, bỗng thấy buồn ngủ, ông gục đầu xuống bàn và ngủ mê đi. Trong giấc ngủ, ông có một thị kiến: bảy ngôi sao hiện ra trước mặt ông. Đang khi ông rất ngạc nhiên vì điều kỳ lạ này, thì các ngôi sao lớn dần lên, cả về ánh sáng lẫn kích thước, đến nỗi soi sáng khắp vùng và toàn thế giới.

Ông chợt tỉnh giấc và thấy ngày đã sáng, nên gọi người hầu đem sách vở và ông đi vào lớp. Khi ấy Đa Minh cùng với 6 người bạn đồng hành y phục giống nhau tiến đến chào ông. Họ cho ông biết họ là những anh em có nhiệm vụ giảng thuyết cho các tín hữu và chống lại những người theo lạc giáo tại Toulouse. Họ cũng báo với ông là họ mới ghi tên tại lớp học của ông và rất ước ao mong muốn học với ông. Sau đấy, vị giáo sư này trở thành bạn thân và tận tâm của bảy anh em, ông giảng dạy cho họ như là những học trò của mình.

Nhớ lại thị kiến trước đó ít lâu, ông hết lòng tận tuỵ đối với Đa Minh và các bạn đồng hành, ông hiểu họ là bảy ngôi sao sáng. Chính vị giáo sư này đã kể lại câu chuyện trên đây cho anh Arnulf và bạn đồng hành, khi họ đang ở Anh Quốc, tại triều đình nhà vua (EVA tr. 84).[1]

Du nhập việc học hành vào đời sống tu trì đối với chúng ta xem ra không có gì lạ. Nhưng đối với người xưa, nó là một cuộc cách mạng. Các đan sĩ và cả Dòng Phanxicô coi việc học vừa mất thì giờ vừa trái với đường nhân đức, sinh ra kiêu ngạo.

Sau đó cha Đa Minh sai anh em đi rao giảng và lập cộng đoàn tại các trung tâm thành phố Paris, Bologna, Cologne, Oxford, Salamanca… Việc học hành của chúng ta phải nhằm một cách chính yếu, hăng say và quan tâm hết sức tới những gì mưu ích cho linh hồn tha nhân.[2] Từ đó trở đi, việc học hành nối kết cách tất yếu với sứ vụ tông đồ của Dòng. Trong linh đạo, Dòng đã coi việc học là phương tiện khổ chế để nên thánh (Ora et stude, cầu nguyện và học hành trở nên hai phương tiện để nên thánh). Việc học hỏi biến đổi trái tim con người nhờ kỷ luật. Đây là hành trình trong sự kiên trì, gian khổ góp phần làm cho chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện.

Học hành không được coi như một phương tiện để đạt mục đích. Học hành là một trong thành phần làm nên đời sống Đa Minh. Học hành là môi trường chiêm niệm. Học hành nuôi dưỡng lời cầu nguyện của anh chị em. Học rất vất vả nên nó thánh hóa anh chị em, khi bắt anh chị em ngồi vào bàn học tập như một người thợ thủ công lành nghề phải gắn bó với bàn thợ của mình. Học hành soi sáng trí óc và con tim nên nó giúp anh chị em đào sâu đức tin và niềm hy vọng.

II. Học Hỏi và Chiêm Niệm

1. Hồn tông đồ

Chân phước Gioan Fiesole, một hoạ sỹ thiên tài được biết đến dưới tên Fra Angelico, đã lưu lại trong một căn phòng tại tu viện thánh Marcô ở Florence một bức tranh tuyệt vời trong đó thánh Đa Minh đang ngồi đọc sách. Khuôn mặt Người rất trẻ trung vì phản ảnh sự trẻ trung vĩnh cửu của bản văn Người đang suy niệm. Người ta có cảm tưởng Người tập trung vào bản văn, chìm đắm vào đó. Ngài vẫn có thói quen học hỏi và suy niệm mỗi ngày. Thái độ này phù hợp với cách thức cầu nguyện thứ 8 của ngài.[3]

Đây cũng là thói quen mà ta thấy nơi các thánh Dòng có sự liên kết sự học hỏi và chiêm niệm tông đồ. Theo thánh Tôma: “Tôi học mọi sự dưới chân thánh giá.” Thánh Catarina dù bận bịu vẫn lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện trong “căn phòng nội tâm” của ngài.

Như vậy việc học trong Dòng Đa Minh không phải là một nhà máy sản xuất ra các nhà trí thức, mà là một vườn ươm những nhà chiêm niệm có ơn gọi trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc chuyên cần học hỏi, nuôi dưỡng chiêm niệm, giúp chu toàn các lời khuyên Phúc Âm một cách trung thành nhưng sáng suốt là hình thức khổ chế do tính cách kiên trì và cam go của nó cùng nếp sống tu trì vì là yếu tố cốt yếu của toàn bộ đời sống chúng ta (HP anh em, số 83). Vì thế mỗi ngày anh chị em phải dành  thời gian học hành và học một cách “chăm chỉ” vì cần có lòng kiên trì, thì mới hoàn tất trách nhiệm loan truyền chân lý cứu độ. Món quà lớn nhất, quí nhất trao tặng cho tha nhân, đó là giúp họ mở lòng đón ơn cứu độ.[4]

Việc học thuộc chiều kích chiêm niệm của đời sống Đa Minh, một thành tố sinh động đưa chúng ta đến chỗ chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Linh đạo Đa Minh làm nổi bật chiều kích chiêm niệm của việc học hành, bằng cách gọi học hành là việc suy gẫm sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Nếp sống học hỏi là một trong những con đường giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu, một tình yêu “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

Hiến pháp các nữ đan sĩ đã viết: “Thánh Đa Minh đã khuyến cáo những hình thức học hỏi cho các nữ đan sĩ tiên khởi như một kỷ luật đích thực trong Dòng. Việc học hỏi không những nuôi dưỡng việc chiêm niệm mà còn đẩy xa những chướng ngại phát sinh từ sự dốt nát và đào luyện phán đoán thực hành.”[5]

2. Noi theo thái độ lắng nghe và tâm tình hiến dâng của Mẹ Maria

Cha Timothy trong thư luân lưu gởi cho anh em về việc cổ võ học hành[6], ngài đã lấy đoạn Tin Mừng Lc 1,26-38 làm nền, để quảng diễn cho tiến trình học hành của ơn gọi chúng ta.

Hãy nhìn Đức Maria trong bức họa Mầu nhiệm Truyền tin của Fr. Angelicô. Đức Maria với một cuốn sách trên đầu gối, chăm chú chờ đợi lắng nghe.

a. Khoảnh khắc lắng nghe

Khởi điểm của tất cả việc học hỏi, đó là chăm chú lắng nghe Lời đem lại hy vọng đã được công bố trong kinh thánh “bằng lời nói và chữ viết, Thánh Đa Minh khuyến khích anh chị em kiên tâm học hỏi và nghiên cứu thánh kinh Tân Ước cũng như Cựu Ước.[7] Việc học hỏi đòi hỏi phải tập thái độ lắng nghe. Trong học hành, chúng ta phải học cách thinh lặng, biết chú ý nhận lãnh những gì Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để chia sẻ cho người khác “điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi trao lại cho anh em.” (1 Cr 11,23)

Sự kiên nhẫn tập luyện lắng nghe trong thinh lặng là điều thiết yếu nhắm đến mục đích chia sẻ. Thinh lặng là khởi đầu và cốt lõi cho những ai muốn tìm gặp Chúa và học hỏi về Ngài. “Tôi thinh lặng và để Thiên Chúa nói trong tôi.” (tôn sư Edkhart). Lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe giáo huấn của Giáo hội, lắng nghe và phân định ý Chúa trong các biến cố ( phân tích thời điềm)

b. Khoảnh khắc sinh sản

“Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng Bà. Nghe lời ấy, Bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì?” ( Lc 1, 28-29 )

Đức Maria đã nghe lời sứ thần loan báo. Mẹ đã trăn trở băn khoăn. Mẹ đã đón nhận lời giải thích của thiên sứ. Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời ban sự sống. Mỗi khi Lời Thiên Chúa được lắng nghe, thì Lời đó không chỉ với niềm hy vọng nhưng chính Lời đó là niềm hy vọng trở thành xác phàm nơi cuộc đời và lời nói của chúng ta. Đó chính là thử thách để đo lường việc học hỏi của chúng ta: việc học hành của chúng ta có sinh ra Đức Kitô một lần nữa hay không? Việc học hành có lẽ là những khoảnh khắc sáng tạo đích thực, nhập thể đích thực hay không? Học hỏi dẫn đến niềm vui. Niềm vui khi chúng ta dám hy sinh vất vả và vật lộn với sách đèn. Kinh nghiệm: ở đâu việc học hành giảm sút thì hiệu năng tông đồ cũng sút giảm

Học hành tất nhiên là vất vả, khó khăn. Vì thế Dòng đã coi đó như là một khổ chế đòi phải hy sinh hãm mình, tìm tòi tra cứu, tập thói quen ngồi trong phòng đọc sách, suy tư, làm bài…

c. Biến đổi cách nhận thức về lịch sử nhân loại

“Và này đây, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31)

Hiến pháp nguyên thủy của anh em đã thúc đẩy việc học đến nỗi nói là liên miên: “anh em hãy học đêm học ngày, khi ở nhà cũng như khi đi đường”. Có lẽ có người đi xưng tội vì bỏ suy gẫm, bỏ kinh nguyện phụng vụ, nhưng không biết có ai xưng tội vì đã lười học, đã bỏ học?.

Nghĩa vụ học cũng ràng buộc cộng đoàn nữa. Cộng đòan có cung cấp phương tiện cho chị em mình không? Thời giờ, sách vở, thư viện?. Thánh Toma đã dành cho việc học một nhân đức: Nhân đức hiếu học ( Studiositas,II – II ae q.166)

Thay vì đưa tới cảnh nô lệ và tuyệt vọng, việc học lại mở ra một con đường dẫn tới Nước Trời. Việc học của chúng ta có dọn một con đường cho Đức Kitô đến hay không? Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên con người nhất là những con người bé mọn và khổ đau. Mục đích tối hậu của việc học hỏi là đưa chúng ta đến việc hoán cải. Chính chân lý giải thoát chúng ta. Sự giải phóng tri thức đi đôi với sự tự do đích thực của đức thanh bần.

Như thánh phụ Đa Minh và thánh Tôma, người anh của chúng ta, đã trở nên người hành khất biết đón nhận hồng ân cao quí từ Thiên Chúa. Lời khấn thanh bần và việc gần gũi những người nghèo là bối cảnh thích hợp cho anh chị em Đa Minh. Thần học gia phải là con người hành khất, biết đón nhận những ân huệ từ Thiên Chúa.

III. Học hỏi và xây dựng cộng đoàn

1. Việc học giúp anh em, chị em gắn kết với nhau

Sứ thần nói với Đức Maria: “thưa bà Maria, xin đừng sợ vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên con trẻ là Giêsu” (Lc 1,30).

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu

Muốn lượng giá việc học hỏi, vấn đề không phải là tìm hiểu xem việc học có làm cho chúng ta trở nên những con người học rộng, biết nhiều hay không, mà là có làm cho chúng ta thành những con người sinh sản phong phú hay không?

Đời sống học hỏi sẽ giúp việc xây dựng cộng đoàn và dọn sẵn một mái ấm để Đức Kitô có thể ngự giữa chúng ta. Chỉ khi đồng tâm nhất trí, chúng ta mới dám hy vọng vào một thế giới được canh tân. Không bao giờ được coi việc học hỏi chỉ có nghĩa là việc rèn luyện lý trí, nó còn là việc biến đổi tâm hồn con người. “Ta sẽ tặng các người một quả tim mới, đặt thần khí mới vào lòng” (Ed. 36, 26).

Cùng với anh chị em chúng ta đi tìm chân lý và chia sẻ những kinh nghiệm trong hành trình tìm kiếm sự thật. Đối thoại qua việc lắng nghe và chia sẻ là một phương thế hữu hiệu để chúng ta học hỏi trong cộng đoàn. Trong cuộc đối thoại, chúng ta hãy để cho chân lý chiến thắng chứ không để bảo vệ ý kiến và lập trường riêng. Chúng ta cần phải ý thức việc sử dụng ngôn từ trong việc đối thoại, vì nó là sức mạnh có khả năng xây dựng cộng đoàn nhưng cũng có thể giết tình huynh đệ cộng đoàn. Thực sự cộng đoàn mang lại cho chúng ta môi trường hy vọng.

2. Việc học cũng cần tiếp cận với thực tế đời thường

Như vậy việc học dạy ta biết yêu thương. Trong cuộc sống chúng ta khám phá mỗi người có thiên hướng khác nhau, cần có sự tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tu luật thánh Autinh đã nêu vấn đề giàu nghèo, giỏi dốt… cần nương tựa và tôn trọng nhau. Cha Yves Congar O.P., đã có lần viết: “Chứng bại liệt làm cha yếu hơn và càng lúc càng lệ thuộc anh em. Cha không thể làm được gì nếu không có anh em giúp đỡ. Cha nói:

“Từ khi bệnh và luôn cần sự giúp đơ của anh em, tôi hiểu hơn hết rằng những gì chúng ta có thể giản dạy và nói ra, cho dù siêu phàm đến mấy đi nữa cũng chẳng có giá trị bao nhiêu nếu không đi đôi với việc làm thực sự cụ thể để phục vụ, để yêu thương. Tôi nghĩ rằng trong đời tôi có hơi thiếu sót về điểm này, tôi hơi quá trí thức.”[8]

Cha Timothy kể lại kinh nghiệm khi ở Paris, kỷ niệm ấy gây ấn tượng nơi mình về người thầy là cha Chenu, O.P. . Thầy ham học hỏi và lắng nghe các học trò, đồng thời cũng hỏi ký kiến họ. Ngài là người thầy, người anh rất khiêm tốn, là sợi dây liên kết anh em chúng tôi. Theo cha Jordan de Saxony: thánh Đa Minh hiểu biết nhiều chuyện nhờ tâm hồn khiêm tốn.[9]

Học hỏi không chỉ giúp chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận người khác mà còn đưa chúng ta hội nhập vào cộng đoàn. Học hỏi chính là bước vào cuộc đối thoại với anh chị em mình và với mọi người, trong tinh thần truy tìm Chân Lý và vì Chân Lý sẽ giải thoát chúng ta. Thánh Albert đã diễn tả một cách thú vị khi cùng nhau tìm kiếm chân lý: “In dulcedine societatis quaerens Veritatem” (Tìm kiếm chân lý trong sự êm đềm của cộng đoàn Huynh Đệ).

IV. Học hành và tầm nhìn rộng mở

1. Nơi mái trường Giêsu

Từ khi được Chúa Giêsu chọn gọi, các tông đồ cùng nhịp bước theo thầy Giêsu. Từ những góc phố nghèo đến những căn chòi giữa cánh đồng bao la. Cùng với Ngài đến với con người ngay giữa đời thường. Cứ đi, không nghỉ, không đóng đô một chỗ nào. Thế nhưng cũng có lúc Người dừng chân để cầu nguyện, để hàn huyên tâm sự, để huấn luyện thêm cho các tông đồ. Tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người đã hỏi cac tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 13-20)

Matthêu đã dành hẳn chương 18 để trình bày các hướng dẫn của Chúa về đời sống cộng đoàn. Thánh Gioan đã dành 5 chương (từ chương 13 đến chương 17) để ghi lại những lời dạy và tâm sự, cầu nguyện với các tông đồ, hướng các ông về tương lai của Hội thánh.

Do đó các tông đồ vừa học ở mái trường Giêsu vừa học ở trường đời, vừa để cọ sát và tiếp cận môi trường.

Việc học giúp chúng ta có tầm nhìn rộng mở và cũng đòi những người học hỏi phải có một tấm lòng. Theo thánh Phaolô: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi đến để hưởng sự tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13). Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta sự tự do của con cái Chúa và Thiên Chúa sẽ trung tín giữ lời của Người.

Tại nữ đan viện San Sisto, có bức chân dung thánh Đa Minh đang ngồi đọc sách, dưới chân ngài là một con chó ngậm cây nến. Phía sau một Tu sĩ Đa Minh đang cầm gậy đuổi con chó. Lời chú thích cho hay thánh Đa Minh không chống lại ma quỉ bằng bạo lực, nhưng bằng việc học hỏi. Việc học hỏi chuẩn bị cho chúng ta biết xót thương, cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện diện ngay giữa những đau khổ. Và chính nhờ đó, chúng ta phải hun đúc nền thần học của mình. Việc học hỏi giúp chúng ta có đôi tai sẵn sàng lắng nghe Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta lãnh nhận sự tự do.

2. Tầm nhìn và cái tâm của người môn đệ

Cha Felicissimo Martinez, O.P. đã từng mô tả thánh Đa Minh có “đôi mắt rộng mở”. Còn trong tổng hội Caleruega, cha Chrys McVey, O.P. bình luận rằng: “Cha Đaminh đã cảm động rơi lệ – và đã đi tới chỗ hành động – khi chứng kiến nạn đói ở Đại học Palencia, khi tiếp xúc với người chủ quán tại Toulouse và trước hoàn cảnh của một số phụ nữ tại Fanjeaux. Nhưng bấy nhiêu không đủ giải thích những giòng lệ của người. Những giòng lệ đó phát xuất từ kỷ luật của một thứ linh đạo “đôi mắt rộng mở”. Không bỏ qua bất cứ điều gì CHÂN LÝ (khẩu hiệu của Dòng), không có nghĩa là bênh vực chân lý như người ta vẫn hiểu, nhưng đúng hơn đó là nhận thức CHÂN LÝ.”[10]

Việc học trước tiên đưa chúng ta đến chiêm ngưỡng Thiên Chúa và công trình của Người thì sự khôn ngoan Thiên Chúa ban, lại đưa chúng ta đến chỗ (nhờ ân huệ Thánh Thần) chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa, niềm vui cũng như nỗi buồn vì bất cứ điều gì làm cho sự hiện hữu của các công trình ấy bị tổn thương.[11]

Do đó, với trực giác có tính ngôn sứ của biết bao con cái nam nữ của thánh Đa Minh sống và rao giảng tại môi trường của mình:
– Không thể bỏ qua những biến cố lớn nhỏ… đang làm chúng ta phải bận tâm.
– Những mảnh đời, những thân phận thật gần gũi với trái tim chúng ta hằng ấp ủ.

Như vậy, anh chị em chúng ta sẽ nắm bắt được nhịp sống của Thiên Chúa và tìm ra sứ mệnh chia sẻ tình yêu Thiên Chúa cho những người nghèo, khổ đau… Dẫu sao cũng chỉ là đôi nét chấm phá trong muôn vàn nỗi khốn cùng của con người hoặc nói như thánh Gioan: “Điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng tôi đã từng chiêm niệm, tay chúng tôi đã từng đụng chạm đến.” (1 Ga 1,1)

Hiến pháp của anh em cũng khuyên: cần lưu tâm đến việc chuẩn bị cho các Tập sinh một thói quen bền vững trong việc học hành mang tính chiêm niệm, hướng tới sứ vụ rao giảng: “Các Tập sinh phải thấm nhuần tinh thần truyền giáo, am hiểu những hoàn cảnh sống và những nhu cầu của những con người trong thế giới và biết mình phải nhiệt thành giảng thuyết thế nào khi thuận tiện.”[12] Do đó, việc huấn luyện không những mang tính lý thuyết mà còn phải thực hành nữa, chẳng hạn như tham gia phần nào các hoạt động tông đồ của Dòng.[13]

Thay lời kết: Học hành đưa đến sứ vụ

Mục đích của việc học hỏi không chỉ dừng lại ở việc chúng ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn hướng tới hoạt động sứ vụ nữa… Contemplata aliis tradere, trao cho người điều mình đã học hỏi và suy niệm, là trọng tâm của sứ vụ Đa Minh.

Hoa trái của việc học hành là:

– Biết Chúa nhiều thì yêu nhiều hơn. Trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu trên thánh giá: Con viết đúng về Cha. Con muốn phần thưởng gì? Thánh Tôma đã nói rằng: Con không xin phần thưởng gì, ngoài sự biết Chúa. Vào những năm tháng cuối đời ngai đã thốt lên: Gặp gỡ Chúa rồi những suy nghĩ và những bài viết của tôi chỉ là rơm rác.

– Xây dựng cộng đoàn: cùng với anh chị em, chúng ta đi tìm chân lý và chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình tìm kiếm ý Chúa.

– Kiến tạo thế giới: việc học hỏi trong cộng đoàn đưa chúng ta đi xa hơn trong tương quan với tha nhân, giúp chúng ta có được khả năng đồng cảm và chia sẻ với con người thời đại hôm nay.

Người tu sĩ Đa Minh không thể sống bên lề hoặc dửng dưng với thế giới, nhưng nhờ việc học hành, chúng ta khám phá ra cách thế để có thể nói Lời Thiên Chúa, loan báo lời hy vọng cho người hôm nay đang sống trong thế giới đầy dẫy những tranh chấp, áp bức, nghèo đói, khổ đau… chiến tranh…

__________________

[1] Alain Quilici, O.P.: 15 ngày với thánh Đaminh, trang 97-98

[2] X. HP. Số 77, 1

[3] Alain Quilici, O.P. , Sách đã dẫn, trang 92

[4] x. Guy Bedouelle, O.P. , Anh em giảng thuyết, Học viện Đaminh xuất bản, 2005, trang 131.

[5] Hiến pháp đầu tiên 100, II

[6] x. Timothy Radcliffe, O.P. , Hát lên bài ca mới, Chân lý xuất bản 2000, trang 57 – 88

[7] Sắc phong thánh số 29

[8] Lời cám ơn của cha Congar khi lãnh giải hiệp nhất Kitô giáo, 24.11.1984

[9] Libellus 7

[10] x. Timothy Radcliffe, Hát lên bài ca mới,NXB Chân Lý, năm 2000, bài Nguồn suối hy vọng, trang 80.

[11] Tổng hội Providence, số 105

[12] Hiến Pháp tiên khởi I,12

[13] Hiến Pháp Anh Em, số 118

Comments are closed.

phone-icon