Những con thuyền chất chứa Tin Mừng

0

Sr. Maria Đinh Thị Sáng, OP

Ngay từ buổi sơ khai hình thành nên Kitô giáo, Giáo hội đã lưu tâm đến sứ mạng loan báo Tin Mừng, đem niềm hy vọng cứu độ của Đức Kitô cho các môi trường văn hóa khác nhau. Có rất nhiều phương cách truyền đạo bằng văn hóa. Bài viết sau đây chỉ trưng dẫn ba trường hợp làm cho Đức Giêsu được nhận biết và tôn vinh qua trước tác văn chương. Có thể ví ba phương cách này như ba con thuyền chở Đạo từ Đamát tới Hy Lạp, từ Giêrusalem tới triều đình La Mã, từ Đông Phương sang Tây Phương và ngược lại. Người cầm bánh lái những chiếc thuyền này là một vị Tông đồ dân ngoại, một nhà sử gia La Mã gốc Do Thái và một học giả lừng danh người Nhật của phái Thiền Tông thế kỷ XX.

1. Thánh Phaolô, vị Tông đồ tiên phong cầm lái (k. 8-64)

Thánh Phaolô được công nhận là mẫu gương tiên phong và tiêu biểu nhất trong việc truyền giảng Tin Mừng qua môi trường văn hóa dân ngoại. Những chuyến tàu đưa thánh Phaolô vào các cuộc hành trình truyền giáo tuy nhiều lần bị phong ba bão táp và đắm chìm, nhưng ngài vẫn có thể trang bị cho mình một con thuyền tinh thần, con thuyền văn hóa, để chở Tin Mừng đến với muôn dân, cách riêng đến với giới học giả và trí thức.

Chúng ta biết được nhà truyền giáo này từ sau biến cố ngã nhào trên đường đi Đamát, một địa danh gắn liền với cuộc hoán cải căn bản của ngài đối với Đức Giêsu, Đấng đã phục sinh và vượt ra khỏi mọi sự phân cách. Thật vậy, đối với vị Tông đồ này “không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử và văn hóa mà thánh nhân đã sống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những lựa chọn và những cam kết dấn thân của ngài sau khi gặp Đấng Phục sinh. Ngài là người con của ba nền văn hóa khác nhau: Do Thái, Hy Lạp và nổi trội hơn là “văn minh La Mã” (Civis romanus) như cái tên của ngài (Paolus) có nguồn gốc từ La Tinh cho thấy điều đó.

Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến văn hóa Hy Lạp, cụ thể là triết học Khắc Kỷ (Stoism) thống lãnh tư tưởng, văn hóa vào thời Phaolô và có ảnh hưởng đến Kitô giáo [[1]]. Tiếng tăm của phái này gắn liền với những nhà khởi xướng như Zenon (336-264 trước CN), Cleanthe (331-232 trước CN) và những vị gần với Phaolô hơn là Seneca (4-65 sau CN) và Epicteto (50-120 sau CN). Nơi họ chứa đựng những giá trị nhân văn và khôn ngoan rất cao, và được hấp thụ trong Kitô giáo cách dễ dàng. Chẳng hạn, “Phái Khắc Kỷ công bố một lý tưởng mới, áp đặt cho con người những bổn phận đối với con người, nhưng đồng thời giải thoát họ khỏi mọi mối dây về thể lý và quốc gia và làm cho họ thành một hữu thể thuần túy thiêng liêng”[[2]]. Chúng ta nghĩ ngay đến học thuyết về vũ trụ được hiểu như một thân thể hài hòa vĩ đại duy nhất, và tiếp theo là học thuyết về sự bình đẳng giai cấp, giới tính và lý tưởng sống thanh đạm, trung dung, điều độ, tự chủ tránh mọi thái quá. Trong thư thánh Phaolô viết cho các tín hữu thành Philipphê, có một vài chỗ ngài lấy lại quan niệm thuần túy nhân văn của triết thuyết trên để dạy dỗ các tín hữu: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

Bên cạnh các giá trị đạo đức học, vào thời thánh Phaolô cũng có một cuộc khủng hoảng về tôn giáo cổ truyền ít là trong các khía cạnh huyền thoại và dân sự. Một ngày kia, ngài đến với dân thành Athene (Nhã Điển, Hy Lạp) chiếc nôi đầu tiên của tư tưởng triết học Khắc Kỷ. Ngài thấy những tượng thần nhan nhản khắp nơi, chứ không tập trung trong các đền thờ chính thức của thành phố. Điều này cũng chứng tỏ rằng có nhiều bàn thờ tư nhân ủng hộ cho sáng kiến của những nhà thông thái. Mặc dù rất khó chịu với cảnh tượng đó, ngài trao đổi với các triết gia thuộc phái Khắc Kỷ và Khoái Lạc và họ mời ngài vào công hội viện Areopago (x.Cv 17,34). Vào thời bấy giờ, công hội viện là tiêu biểu cho trung tâm văn hoá của thành phần học thức và những người đến đó rất thích nghe và bàn tán những chuyện mới lạ (Cv 17,24).

Thánh Phaolô biết rằng một thế kỷ trước, Lucretio triết gia Rôma thuộc phái Khoái Lạc (Epicurism) đã tuyên bố một câu đầy phán quyết: “Tôn giáo đã dẫn đến nhiều sai lầm” (De rerum natura, 1,101). Triết gia Seneca thuộc phái Khắc Kỷ muốn vượt ra ngoài hình thức vụ lễ nghi bên ngoài, cũng dạy: “Thiên Chúa ở gần bên bạn, ở với bạn và bên trong bạn” (Lettere a Lucilio, 41,1). Thánh Phaolô nói với các thính giả triết gia Khoái Lạc và Khắc Kỷ trong Công hội viện Athene những lời tương tự: “Thiên Chúa không cư ngụ trong đền thờ do tay con người làm ra… nhưng chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17,24.28). Ngài cũng như biết áp dụng những áng thi ca của họ để rao giảng về một niềm tin. “Như một số thi sĩ của quý vị đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (Cv 17,28). Những lời này chắc chắn phản ánh niềm tin của người Do Thái vào một Thiên Chúa không thể miêu tả bằng các từ ngữ của thuyết nhân hình. Ngài cũng cho họ thấy Vị Thần Vô Danh mà dân thành đang sùng kính là Thiên Chúa đã hiện diện trong đời sống của họ rồi. Thiên Chúa đã tạo dựng nên họ và đang điều khiển các quốc gia và lịch sử cách mầu nhiệm. Thế nhưng, nếu họ nhận biết Vị Thiên Chúa chân thật ấy, thì phải loại trừ các thần giả do họ làm nên, và phải hướng về Ðấng được Thiên Chúa sai đến (tức là Đức Giêsu Kitô) để chữa trị tình trạng vô tri của họ cũng như để làm thỏa nguyện các ước vọng từ cõi lòng họ[[3]].

Tuy nhiên, sứ điệp “Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết” (Cv 17,31) không đáp ứng thị hiếu của những nhà trí thức này. Nghệ thuật đem Đạo vào trong triết học và văn chương của khán thính giả đôi lúc gặp những nếp gãy. Dù sao thánh Phaolô đã rao giảng khi gặp thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, và đã làm cho một thành viên trong hội đồng Areopago và một số người khác đón nhận đức tin (Cv 17,34).

2. Ông Josephus Flavius một sử gia ôn hòa (37-100)

Cũng có những con thuyền văn hóa chuyển tải hạt nhân Tin Mừng sang thế giới cung đình La Mã bằng các trước tác sử liệu. Josephus Flavius là một người Do Thái mang tên Josephus ben Matthias sinh tại Giêrusalem khoảng năm 37, được đào tạo để trở thành rabbi. Nhưng ông đã bỏ hàng ngũ dân tộc mà theo Rôma. Câu chuyện này được bắt đầu từ một cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của quân Rôma (từ năm 66-70) trong đó ông được đặt làm người chỉ huy quân sự. Lần đó, ông và khoảng 40 người đồng đội bị mắc bẫy vào một cái hang và thua trận. Người La Mã phát hiện, họ yêu cầu ông đầu hàng nhưng đồng đội không cho phép làm điều đó. Do đó, ông đề nghị một phương pháp tự tử tập thể (theo phương pháp toán học): họ đã rút thăm để giết nhau và cuối cùng ông là người sống sót duy nhất. Sau đó ông ra đầu hàng tướng La Mã Flavius Vespastian và trở thành một tù nhân. Hai năm sau ông được phóng thích và trở thành công dân Rôma mang theo cái tên Flavius đầy vinh dự. Dưới quyền bảo trợ của vương triều Flavius, ông được làm việc tại triều đình và theo đuổi sự nghiệp sử sách.

Trong cuốn Antiquitates Judaicae (Truyện cổ Do Thái) thuật lại lịch sử thế giới từ cái nhìn của người Do Thái cho thính giả là người Rôma, viết khoảng năm 93-94, ông nói khá nhiều về Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Đoạn văn này từng được coi là “Chứng tích Flavius” (Testimonium Flavianum) rất quý giá đối với những người bảo vệ cho sử tính của Đức Giêsu và căn cước của Kitô giáo.

“Đó là thời Đức Giêsu sinh sống, một con người ưu việt bởi vì Người làm những việc kỳ diệu. Người là Thầy dạy của những kẻ hân hoan đón nhận chân lý. Người chinh phục nhiều người trong giới Do Thái và cả trong giới Hy Lạp nữa. Người là Đấng Kitô. Với sự tố giác của nhóm thân hào nhân sĩ trong dân tộc chúng ta, Philatô đã kết án Người, bắt Người phải chết trên thập giá. Những kẻ mến mộ Người từ lúc đầu đã không ngớt yêu thương Người, bởi vì ngày thứ ba Người hiện ra cho họ thấy Người đã sống lại, như các ngôn sứ đã loan báo trước việc này cùng hàng ngàn điều kỳ diệu khác nữa liên quan đến Người. Dòng dõi những kẻ vì Người mà được gọi là Kitô hữu vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay” (Ant. XVIII, 65t)[[4]]

Trong sử liệu La Mã, một thầy rabbi Do Thái giáo kể về một Đức Giêsu được gọi là Kitô đã giảng dạy, làm nhiều phép lạ, đã chết và sống lại, để hoàn tất những lời tiên tri đã loan báo từ thuở xưa… thực là bút tích quý giá và họa hiếm. Vì thế ngày nay người ta đã đặt nghi vấn về tính xác thực của bản văn và cho rằng chứng từ này đã có bàn tay của một tác giả Kitô giáo nào đó thêm vào. Dù vậy, ai cũng phải công nhận một điều: Josephus Flavius đã xác minh Đức Giêsu là một con người có thực, đã xuất hiện, hoạt động và thi hành sứ mạng trên đất nước Palestine dưới thời tổng trấn Philatô.

Trải qua những con đường gập ghềnh sóng gió của chiến sự hoặc những nhịp cầu êm ả như tơ lụa của vận may, con thuyền sử sách của Josephus Flavius đã chuyên chở và khắc ghi chứng tích Đức Kitô chịu chết và sống lại tạc vào thế kỷ, đồng thời góp phần củng cố niềm tin cho các tín hữu trong nhiều thời đại.

3. Ông Daisetz Taitaro Suzuki nhà truyền đạo bên Đông và bên Tây (1870-1966)

Ông sinh ra trong một gia đình võ sĩ (samurai) người Nhật tại Kanazawa, vào thời kỳ Nhật bắt đầu tiếp xúc với nền văn hoá Tây Phương. Vì cha mất sớm, ông cố gắng học hành để được dạy học kiếm tiền nuôi mẹ. Sau khi mẹ qua đời, ông đến Tokyo rồi Kamakura tu học với một vị Thiền sư danh tiếng. Ông đã từng sống, thuyết pháp tại Mỹ, Pháp, Đức và một số nước Âu Châu. Với học thức uyên bác, ông trở thành một nhà thuyết giảng độc nhất vô nhị của Thiền Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản cho thế giới hiện đại. Là một học giả lừng danh người Nhật, ông đã góp công rất nhiều trong việc truyền bá Thiền tông sang Tây Phương và được ca ngợi là hiện thân của tất cả những phẩm chất của một con người tuyệt vời trong truyền thống Á Đông cổ đại, Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo.

Trong khi truyền bá đạo Đông Phương sang Tây Phương, tiến sĩ Suzuki cũng biết đến khuynh hướng thần bí của Tây Phương, chẳng hạn khuynh hướng của thánh Meister Eckhart OP, đại diện cho trường phái chính thống sâu sắc và cởi mở lúc bấy giờ trong tư tưởng tôn giáo Tây phương, trường phái Trung cổ của Saint Victor, và có lẽ cả người thầy của Eckhart là Thánh Tôma Aquinô[[5]].

Điều chúng ta quan tâm ở đây là trong số các bài phát biểu, giảng dạy, viết lách về Thiền, ông đối chiếu cả hai nhân vật là Đức Kitô và Đức Phật, con đường qua thập giá và con đường qua giác ngộ. Nhờ đó, những nét độc đáo của Kitô giáo phần nào cũng được giới thiệu trong Thiền học. Chúng ta thử đọc một đoạn, trích từ Mysticism: Christian and Buddhist (Thần bí: Kitô giáo và Phật giáo) viết vào năm 1957[[6]]:

“Trong Kitô giáo người ta sử dụng con đường của thập giá. Thể xác đòi hỏi một cái chết tàn khốc và ngay sau khi cái chết xảy ra sự phục sinh phải tiếp theo dưới hình thức này hay hình thức kia, bởi vì thập giá và phục sinh kết thành một mối… Trong Phật giáo người ta chỉ sử dụng con đường giác ngộ, không có thập giá, không có phục sinh. Phục sinh hẳn là một cái gì đó đầy kịch tính đầy tính người, nhưng trong đó cũng có sự thù ghét thân thể (Odium des Leibes)…

Các biểu tượng của Kitô giáo dính dáng nhiều đến đau khổ của con người. Thập giá trong đó là tột đỉnh của đau khổ. Người Phật giáo cũng thường nói đến đau khổ, nhưng đối với họ đã có Đức Phật tươi cười ngồi dưới cây bồ đề bên sông Niranjana. Đức Kitô gánh lấy đau khổ của mình cho đến lúc kết thúc cuộc sống trần thế của Người. Trái lại Đức Phật hết đau khổ ngay khi còn sống và sau đó Người tiếp tục rao giảng Phúc Âm giác ngộ cho đến khi Người giác ngộ khoan thai từ biệt dưới bóng cây Sala sinh đôi. Các cây thì đứng thẳng tắp, và Đức Phật, trong Nirvana, thì nằm ngang như hiện thân của cõi vĩnh hằng. Đức Kitô bị treo trong tư thế bất lực buồn thảm trên thập giá đứng thẳng lên trời”.

Thập giá và đặc biệt sự phục sinh là trung tâm và nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo. Cả hai mầu nhiệm không thể tách rời, nhưng kết hợp với nhau thành một. Dĩ nhiên cảm nghiệm của một học giả Thiền tông về ý nghĩa trọng tâm của Thập giá không thể sâu sắc như thánh Phaolô. Thánh nhân đã làm nổi bật chiều kích phổ quát của Thập giá (Đức Giêsu đã chết và sống lại cho tất cả mọi người) và chiều kích chủ quan (Ngài đã chết và sống lại cho chính bản thân của thánh nhân nữa: Gl 2,22). Chính ngài đã trải qua kinh nghiệm từ một tội nhân biến đổi thành một tín hữu, từ một kẻ bách hại thành Tông đồ của Chúa Giêsu. Tất cả ân sủng đều đến từ cái chết của Ngài, chứ không phải từ công trạng riêng của thánh nhân. Thập giá bày tỏ tình yêu nhưng không và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cái buồn thảm cũng như nỗi ô nhục và điền rồ của Thập giá nói lên sự thất bại và bất lực của khôn ngoan con người. Tuy học giả Thiền tông này chưa nhận ra ý nghĩa của tư thế thẳng đứng của Thập giá ngất cao giữa đỉnh đồi, như muốn ôm ấp cả đất trời và vũ trụ trong ơn cứu chuộc, đã ẩn khuất trong lời hứa ban đầu giữa vườn địa đàng. Nhưng một khi đối chiếu với tư thế khoan thai của Đức Phật dưới bóng cây bồ đề, nhãn quan Kitô giáo của chúng ta dễ liên tưởng tới vườn cây sự sống thuở khai nguyên.

Tư thế “thẳng đứng” của cây Thánh Giá cũng được tác giả so sánh với tư thế “nằm ngang” của Đức Phật với một cái nhìn rất tinh tế.

“Xin cho phép tôi làm một cuộc so sánh có thể nói mang tính hình học giữa một bức tượng ngồi xếp bằng tròn trong thế thiền và một cây thánh giá. Ngay tức khắc tính thẳng dọc (của thánh giá) gợi cho ta ấn tượng sinh hoạt, vận động, thế đi lên. Tính thẳng ngang như trong tượng Đức Phật nằm – khiến ta nghĩ đến an bình vui thỏa. Một hình tượng ở thế tọa cung cấp cho chúng ta ý tưởng về sự vững chắc trên mặt bằng đối với chân khoanh lại. Trọng điểm nằm ở phần hông… Thế thẳng đứng thường khơi gợi ấn tượng về một tinh thần chiến đấu, nhằm tự vệ hay tấn công. Thế đó còn làm cho người ta có cảm tưởng là mình quan trọng, một cảm nghĩ xuất phát từ cá tính và sức mạnh”.

Rõ ràng Thập giá có một ý nghĩa vô song, là niềm tự hào và sức mạnh của thánh Phaolô và của những ai đạt được tình yêu thần giao với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng cái nhìn của tác giả Suzuki có lẽ còn bị chi phối bởi tinh thần sẵn sàng “chiến đấu” của các tín hữu Công giáo tiền Công đồng Vaticanô II, khi họ muốn bảo vệ tính độc quyền có một không hai của Đạo mình. Chúng ta chỉ tiếc có một điều: Tại sao đoạn văn này không xuất hiện chậm hơn một chút?

Để kết

Một chuyến tàu bị phong ba bão táp của Phaolô vẫn có thể mở ra hành trình truyền giáo mới. Một cuộc khởi nghĩa thất bại đã là bước khởi đầu cho sứ mạng của một sử gia viết về biến cố lịch sử Giêsu tại đô thành Rôma rạng ngời. Sự nghiệp truyền bá một tông phái với nhận thức rằng mình “bất khả thuyết” trước Chân như huyền nghĩa, đã dẫn Sa-di Suzuki suy tư về mầu nhiệm Thập giá. Ông cũng đã bắt gặp Caritas (Tình yêu) của Kitô giáo có điểm chung với Prajĩa (Trí) và Karuịa (Bi) theo nhà Phật. Điều quan trọng nhất chính là Tình yêu! Tình yêu thực sự là tri thức cao nhất[[7]].

Dưới ánh sáng của giáo huấn công đồng Vaticanô II (Nostra Aetate 2), chúng ta tin rằng không phải Phaolô, Joseph hay Suzuki là những hoa tiêu tài giỏi lèo lái con tàu, mà chính là thuyền trưởng Chúa Thánh Thần. Thánh Thần có rất nhiều cách thế huyền nhiệm để gieo hạt giống Chân lý và ánh sáng của Lời trong hoạt động văn hóa, tư tưởng, hiền triết khôn ngoan. Chúa Thánh Thần vị chủ động chính yếu trong công cuộc truyền bá Tin Mừng[[8]] có khi thúc đẩy con thuyền văn hóa này từ phía sau, nhưng lại đón chờ ở phía trước, để khắp mọi dân tộc, mọi truyền thống văn hóa có thể tiếp nhận được Đức Kitô trên dòng chảy quê hương của mình. Không bị giới hạn bởi thời gian và không gian

[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giáo lý ngày Thứ Tư 2-7-2008 nhân dịp mừng Năm Thánh Phaolô.

[2] M. Pohlenz, La Stoa, I, Firenze 2 1978, tr. 565.

[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng cứu độ), số 25.37.

[4] Trích từ Franz-Josef Niemann, Đức Giêsu Đấng mạc khải qua các tác giả, Đại chủng viện Thánh Giuse, tr. 38-39.

[5] Xem Thomas Merton, D. T. Suzuki Con người và sự nghiệp, trong Tuyển tập tưởng niệm Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966). Bản dịch của Hạnh Viên từ nguyên tác In Memoriam Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966),
The Eastern Buddhist, New Series, August 1967, bài 1.

Nguồn http:// www.quangduc.com.

[6] Bản dịch Việt ngữ trích từ Franz-Josef Niemann, Đức Giêsu Đấng mạc khải qua các tác giả, Đại chủng viện Thánh Giuse, tr. 445-448.

[7] Xem Thomas Merton, D. T. Suzuki Con người và sự nghiệp, trong Tuyển tập tưởng niệm Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966).

[8] Xem ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin Mừng), số 74-75; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng cứu độ), số 21-29.

Comments are closed.

phone-icon