Đã đến lúc chuyển từ “tôi” sang “chúng ta” – ĐTC nói với các học sinh và giáo viên của “Trường học vì Hòa bình”

0

Nguồn: exaudi
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN

Những người trẻ tràn đầy năng lượng và hy vọng, những giáo viên tận tâm với giáo dục và tương lai, chúng ta tập trung ở đây tại thời điểm quan trọng của nhân loại. Tháng Chín tới, Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, một sự kiện lịch sử nơi tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt trong vai trò là một xã hội toàn cầu. Đây là lúc để hành động, hợp lực và xây dựng tương lai mà chúng ta mơ ước.

Sáng nay, trong Khán phòng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp các học sinh và giáo viên của mạng lưới quốc gia “Trường học vì hòa bình” và có bài nói chuyện dưới đây:

Các con thiếu niên nam nữ thân yêu, các thầy cô thân mến, chào buổi sáng mọi người!

Tôi rất vui mừng được gặp lại mạng lưới quốc gia “Trường học vì hòa bình”. Tôi xin chào Tiến sĩ Lotti và chào mừng tất cả các bạn.

Trước hết tôi xin cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn vì hành trình này, giàu ý tưởng, sáng kiến, tiến trình và hoạt động giáo dục, nhằm thúc đẩy một tầm nhìn mới về thế giới. Cảm ơn các bạn vì lòng nhiệt huyết tràn đầy theo đuổi những mục tiêu về cái đẹp và sự thiện, giữa những hoàn cảnh bi đát, những bất công và bạo lực làm biến dạng phẩm giá con người. Cảm ơn các bạn, vì với niềm đam mê và lòng quảng đại, các bạn cam kết làm việc tại “công trường xây dựng” tương lai, vượt qua cám dỗ của một cuộc sống chỉ giới hạn trong ngày hôm nay có nguy cơ mất đi khả năng mơ ước lớn lao. Tuy nhiên, ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải sống có trách nhiệm, mở rộng tầm nhìn, nhìn về phía trước và từng ngày từng ngày gieo những hạt giống hòa bình để ngày mai có thể nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Cảm ơn các con thiếu niên nam nữ!

Tháng 9 tới đây, Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai sẽ diễn ra tại New York, do Liên hợp quốc triệu tập để đối mặt với những thách thức lớn trên toàn cầu ở thời điểm lịch sử này và để ký một “Hiệp ước vì tương lai” và “Tuyên ngôn về các thế hệ tương lai”. Đây sẽ là một sự kiện quan trọng và cần có sự đóng góp của các con để nó không còn “trên giấy”, mà trở nên cụ thể và được thực hiện thông qua các quy trình và hành động để thay đổi.

Các con mang trong lòng giấc mơ vĩ đại này: “Chúng ta hãy biến đổi tương lai. Vì hòa bình, với sự quan tâm”. Và cha muốn dừng lại một chút để nói với các con một điều mà cha rất tin tưởng: các con được kêu gọi – hãy lắng nghe thật kỹ – các con được mời gọi trở thành những nhân vật chính chứ không phải những khán giả của tương lai. Cha hỏi các con: các con được kêu gọi trở thành vai trò gì? Vai trò gì? (Học sinh trả lời). Cha không thể nghe thấy các con! (Các học sinh trả lời lớn tiếng). Hãy tiến lên! Hãy tiếp tục! Trên thực tế, việc triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều được mời gọi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trên hết chúng ta phải cùng nhau xây dựng nó! Cha hỏi các con: chúng ta có thể tự mình xây dựng tương lai được không? (Các học sinh trả lời “không”). Cha không thể nghe thấy các con… (Một tiếng “không” thật lớn). Chúng ta có phải xây dựng nó không? (“Có!”). Tốt! Chúng ta không thể đơn giản giao phó những lo lắng về “thế giới sắp đến” và việc giải quyết các vấn đề của nó cho các tổ chức được chỉ định và cho những người có trách nhiệm chính trị và xã hội cụ thể. Đúng là những thách thức này đòi hỏi các năng lực cụ thể, nhưng sự thật là chúng ảnh hưởng rất gần với chúng ta, chạm đến cuộc sống của mọi người và đòi hỏi sự tham gia tích cực và cam kết cá nhân của mỗi người chúng ta.

Trong một thế giới toàn cầu hóa như ngày nay, nơi tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau, không thể tiến tới như những cá nhân chỉ chăm lo cho “khu vườn” của riêng mình, vun đắp lợi ích riêng của bản thân: thay vào đó cần phải kết nối và hình thành các mạng lưới. Điều cần thiết là gì? Là kết nối và hình thành các mạng lưới. Điều gì là cần thiết? Là kết nối và hình thành các mạng lưới. Tất cả cùng đồng thanh: (Các học sinh đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha). Tốt, đúng vậy, và điều này rất quan trọng: cần phải kết nối, làm việc trong tinh thần hiệp lực và hòa hợp. Điều này có nghĩa là chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”, chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”: không phải “tôi làm việc vì lợi ích của riêng tôi”, mà “chúng ta làm việc vì ích chung, vì lợi ích của tất cả mọi người”. Chúng ta làm việc vì lợi ích của tất cả mọi người. Nào cùng đồng thanh… (Các học sinh nhắc lại). Tốt!

Trên thực tế, những thách thức ngày nay, và đặc biệt là những rủi ro, giống như những đám mây đen, đang tụ lại phía trên chúng ta, đe dọa tương lai của chúng ta, cũng đã mang tính toàn cầu. Chúng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, chúng thách thức cộng đồng nhân loại, chúng đòi hỏi lòng can đảm và sự sáng tạo của một giấc mơ tập thể khơi gợi sự cam kết kiên định để cùng nhau đương đầu với các cuộc khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế, các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội mà hành tinh chúng ta đang trải qua.

Các con thanh thiếu niên nam nữ thân yêu, các thầy cô giáo thân mến, đó là một giấc mơ đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, không được ngủ quên! Đúng vậy, bởi vì nó được tạo ra bằng cách làm việc, không phải bởi sự ngủ nghỉ, đi dạo phố, không nằm dài trên ghế sofa; sử dụng tốt các phương tiện thông tin, không lãng phí thời gian trên mạng xã hội; và – các bạn hãy lắng nghe kỹ – giấc mơ này cũng được thực hiện bằng lời cầu nguyện, nghĩa là cùng với Thiên Chúa, chứ không phải bằng sức riêng của chúng ta.

Các con học sinh thân yêu, thưa các thầy cô giáo, các bạn đã đặt hai từ khóa làm trung tâm cho cam kết của mình: hòa bình và quan tâm. Chúng là hai thực tại liên kết với nhau: thật vậy, hòa bình không chỉ đơn thuần là sự im lặng của vũ khí và không có chiến tranh; đó là một bầu khí của lòng nhân từ, tin tưởng và thương yêu trưởng thành trong một xã hội đặt nền tảng trên các mối quan hệ quan tâm, trong đó chủ nghĩa cá nhân, sự xao lãng và thờ ơ nhường chỗ cho khả năng chú ý đến người khác, lắng nghe họ với những nhu cầu cơ bản của họ, để chữa lành các vết thương của họ, trở thành khí cụ của lòng trắc ẩn và chữa lành cho người đó. Đây là sự quan tâm Chúa Giêsu dành cho nhân loại, đặc biệt là đối với những người mong manh nhất, và là điều mà Tin Mừng thường nói đến. Từ sự “quan tâm” lẫn nhau, một xã hội hòa nhập đã ra đời, được thiết lập trên hòa bình và đối thoại.

Trong thời điểm hiện tại, vẫn còn bị đánh dấu bởi chiến tranh, cha yêu cầu các con hãy là những người kiến tạo hòa bình; trong một xã hội vẫn còn bị giam cầm bởi văn hóa vứt bỏ, cha yêu cầu các con hãy trở thành những nhân vật chính của sự hòa nhập; trong một thế giới đang trải qua những cuộc khủng hoảng toàn cầu, cha xin các con hãy là những người xây dựng tương lai, để ngôi nhà chung của chúng ta có thể trở thành nơi của tình huynh đệ.

Cha muốn dành vài phút để nói với các con về chiến tranh… Hãy nghĩ đến những trẻ em sống trong chiến tranh, hãy nghĩ đến những đứa trẻ Ukraine đã quên cách mỉm cười… Hãy cầu nguyện cho những trẻ em này, hãy ghi nhớ chúng trong lòng mình… những trẻ em đang sống trong vùng chiến tranh. Hãy nghĩ đến những thiếu nhi ở Gaza, dưới lửa đạn, đói khát… Hãy nghĩ đến các trẻ em. Giờ đây chúng ta dành giây phút thinh lặng, và mỗi người hãy nghĩ đến các thiếu nhi ở Ukraine và thiếu nhi ở Gaza…

Chúc các con luôn say mê giấc mơ hòa bình! Cha nói điều này theo phương châm của Cha Don Lorenzo Milani, viện trưởng ở Barbiana, ngài chống lại câu nói “Tôi không quan tâm”, điển hình của sự thờ ơ vô tâm, bằng câu “Tôi quan tâm”, tức là “Tôi mang theo điều đó trong lòng”, “ Tôi quan tâm”. Ước mong tất cả những điều này đều trở nên thân thương với các con, ước mong các con luôn quan tâm đến số phận của hành tinh chúng ta và đồng loại của mình; mong sao các con quan tâm đến tương lai đang mở ra trước mắt chúng ta, để nó thực sự giống như điều Thiên Chúa mơ ước cho tất cả mọi người: một tương lai hòa bình và tươi đẹp cho toàn thể nhân loại. Và ước mong các con quan tâm đến những thiếu nhi ở Ukraine đã quên cách mỉm cười. Những trẻ em ở Gaza đau khổ dưới làn đạn súng máy. Cha chúc lành cho các con. Chúc các con đến trường vui vẻ và có một chuyến đi thật vui! Và hãy nhớ cầu nguyện cho cha.

Cảm ơn các con rất nhiều!

________________________________

Holy See Press Office Bulletin, 19 April 2024

Comments are closed.

phone-icon