Sr. Maria Đinh Thị Sáng, OP
Tiếng kêu la của người nghèo luôn luôn là một tiếng vọng khẩn thiết trong mọi thời đại. Chính Chúa Giêsu đã đáp lại tiếng thống khổ ấy khi đến trần gian: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18) và Ngài đảm bảo cho họ hạnh phúc Nước Trời (x. Lc 6,20). Trong lịch sử Giáo hội, đã có nhiều người thánh hiến bị ray rứt trước tiếng kêu cứu của người nghèo và đã quyết tâm chia sẻ thân phận và kiếp sống ấy. Thậm chí họ tìm cách lao mình vào cuộc đấu tranh cho người nghèo, bảo vệ sự công bằng xã hội dưới mọi hình thức, kể cả bằng đường lối bạo lực (mặc dù không phù hợp với Tin Mừng), như Đức Thánh cha Phaolô VI đề cập đến trong Tông huấn Chứng tá Phúc âm[1].
Trong bài này chúng ta nói về lối sống khó nghèo của người tu sĩ, cách riêng của tu sĩ Đa Minh, lưu ý đến giá trị cứu độ của đức khó nghèo do Đức Kitô mang lại, và nhấn mạnh đến sự buông bỏ tất cả, vét rỗng chính mình, để nhân loại và người nghèo được trở nên giàu có về mặt ân sủng, và để người tu sĩ được chính Chúa lấp đầy tâm hồn giữa tiếng kêu của xã hội và thế giới ngày nay.
1. Lựa chọn sống nghèo để rao giảng Tin Mừng cách hiệu quả
Mọi tín hữu đều được mời gọi và phải sống theo tinh thần khó nghèo Phúc âm (Hiến chế Lumen Gentium, số 42d).
Nhưng đối với những người muốn tự nguyện bước theo Đức Kitô (sequela Christi), thì đời sống khó nghèo trở nên đặc biệt và cụ thể hơn. Cha thánh Đa Minh của chúng ta cũng thế, ngài đã nghiền ngẫm và theo sát mẫu gương của Đức Giêsu Kitô, Đấng không có nơi tựa đầu (x. Mt 8,20), không có nhà cửa, không có tài sản và lợi lộc trần thế, cũng không có tiền để trả thuế đền thờ cho mình và cho các tông đồ (x.Mt 17,27), một Đấng đã sống nghèo khi đi rao giảng, đã chết như một kẻ nô lệ và thực sự bị tước lột tất cả trên Thập giá (x. Pl 2,6-8).
Cha Đa Minh đã lựa chọn sống nghèo với mục đích là để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng trong một bối cảnh lúc bấy giờ có quá nhiều Kitô hữu bị lung lạc mà ngả theo lạc giáo Albigense, đang khi các giáo sĩ và tu sĩ cứ ở trong nếp sống nhung lụa, trưởng giả. Cha rảo bộ từ làng này đến làng khác, không mang bao bị, tiền bạc giắt lưng, quần áo cồng kềnh. Thậm chí, có lúc cha còn đi quá những đòi hỏi của Tin Mừng: ăn uống thiếu thốn, ở chỗ bấp bênh, không phòng riêng, không giường nằm và gối đầu.
Tuy nhiên, đối với tu sĩ Đa Minh, nghèo khó không phải là một tình trạng thiếu thốn vật chất mà là một lựa chọn có chủ ý, là họa lại cuộc đời của Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo khó vì con người, để lấy cái nghèo của mình làm cho chúng ta trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Thật vậy, lý do làm cho việc rao giảng của các tông đồ đạt được hiệu quả là nhờ đời sống khó nghèo. Theo thánh Tôma Aquinô[2]:
− Giả như các tông đồ có nhiều của cải, thì họ không thể dành trọn thời gian và tập trung hoàn toàn cho việc rao giảng Lời Chúa, vì bị chi phối bởi việc quản trị tài sản trần thế.
− Giả như các tông đồ sở hữu nhiều của cải, người ta sẽ cho rằng các ông đi giảng để kiếm tiền chứ không phải vì ơn cứu độ nhân loại.
− Giả như các tông đồ sống trong cảnh giàu có và chức trọng quyền cao, thì những gì họ thực hiện nhờ quyền năng Thánh Thần sẽ được gán cho thế lực thế gian và sức mạnh của tiền tài.
Nhìn vào tấm gương của Chúa Giêsu, các tông đồ, thánh phụ Đa Minh và lịch sử hơn 800 năm của Dòng Giảng Thuyết, chúng ta vô cùng biết ơn và tự hào về di sản thiêng liêng chúng ta được thừa hưởng. Chúng ta hãy cùng nhau nuôi dưỡng cảm thức thuộc về hơn nữa, qua việc tiếp nối đời sống khó nghèo tông đồ để loan báo Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người cùng khổ.
2. Lựa chọn sống nghèo để làm cho thế giới nên giàu sang
Cũng như Đức Kitô đã đảm nhận cái chết thể xác ngõ hầu chúng ta được hưởng sự sống tinh thần thế nào, thì Người cũng lãnh nhận cái nghèo khó nơi thân xác để cho chúng ta được giàu sang về tinh thần như vậy[3]. Đức khó nghèo của người tu sĩ làm cho người nghèo và thế giới trở nên giàu sang bằng cách nào?
Suy tư về giá trị cứu độ của đức khó nghèo tu trì trong sự khó nghèo của Đức Kitô, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II viết trong Tông thư Hồng ân cứu chuộc (1984): “Thật là thú vị biết mấy những lời trích từ thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô về đức khó nghèo là tổng hợp ngắn gọn tất cả những gì Phúc âm nói về đề tài này. “Anh em đã biết ân điển của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô: Người giàu sang mà vì chúng ta đã trở nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được nên giàu sang nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8,9). Cứ theo những lời này, thì đức khó nghèo được bao gồm trong cấu trúc nội tại của ơn cứu chuộc của Đức Kitô. Không có sự khó nghèo, không thể hiểu được mầu nhiệm ân điển về bản tính Thiên Chúa được ban tặng cho con người, ân điển đã được hoàn tất thực sự trong Đức Giêsu Kitô. Cũng vì thế mà đức khó nghèo nằm ở chính trung tâm Phúc âm, khởi đầu sứ điệp về tám mối phúc: “Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần” (Mt 5,3)”[4].
Tiếp theo, Đức Thánh cha thêm rằng khi thực sự sống khó nghèo theo gương Chúa Giêsu, chúng ta làm chứng về sự giàu sang vô tận của Thiên Chúa. Sự giàu sang vô tận này được ban cho linh hồn chúng ta ngang qua ân sủng, thì tạo nên trong chúng ta một nguồn mạch làm cho người khác được nên giàu sang, không thể sánh ví với sự giàu sang của cải vật chất (x. số 12).
Mười năm sau, trong loạt bài giáo lý thứ Tư hàng tuần về đời sống thánh hiến (ngày 30/11/1994), Đức Gioan Phaolô II tiếp tục giáo huấn trên theo nhãn quan của thánh Tôma Aquinô: Đức Giêsu “nhận lấy cái nghèo vật chất để ban cho chúng ta những cái giàu sang tinh thần”[5]. Tất cả những ai đón nhận lời kêu mời của Người, tự nguyện đi theo con đường nghèo khó mà Người đã khai mở, thì đều được dẫn đến việc làm cho nhân loại trở nên giàu sang về mặt tinh thần. Giá trị cứu độ của đức khó nghèo được diễn tả theo ngôn ngữ của sự giàu có siêu nhiên.
Chúng ta đón lấy đặc tính cứu chuộc của sự khó nghèo Đức Kitô vào tất cả cuộc sống của mình như thế nào? Trước hết, với niềm khao khát, khiêm nhu và tín thác, chúng ta “hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều khác sẽ được ban thêm cho” (Mt 6,33). Chúng ta cần phải trở nên những người có tinh thần nghèo khó, biết buông bỏ tất cả, dâng hiến tất cả và yêu thương tất cả, để tiến đến gần Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa và đạt tới kinh nghiệm thần bí.
3.Tự nguyện sống nghèo để thăng tiến đời sống tâm linh
Giống như bất kỳ ai khác, người nữ tu có thể phải đối mặt với những dính bén và thử thách vốn là một phần trải nghiệm của con người. Dưới đây là một số khía cạnh, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, mà mỗi cá nhân có thể bị dính bén, và do đó, cần suy xét, phân định và từ bỏ chúng trong hành trình tâm linh của chúng ta.
1/ Tài sản và của cải vật chất
Người Việt Nam và Á Đông thường yêu mến và cảm phục những nhà tu hành sống giản dị và khổ hạnh, những người quan tâm đến sự thăng tiến tinh thần hơn là tích lũy vật chất. “Hãy bán đi những gì bạn có… cho đi… và bạn sẽ có một kho tàng trên trời” (x. Mt 19,21). Tự nguyện từ bỏ tài sản và của cải của mình để giúp người nghèo là đặc ân của một số người được Chúa tuyển chọn và mời gọi vào con đường này. Nếu chúng ta không ở trong số những người có nhiều tài sản để từ bỏ, thì chúng ta cần giải thoát mình khỏi vòng thống trị của chúng. Chúa Giêsu đã từng lưu ý chúng ta rằng những người giàu thì dễ bị dính bén với tiền bạc nhiều hơn người nghèo và họ gặp khó khăn khi hướng về Chúa (x. Lc 18,24-25).
2/ Những sợi dây quấn quít tư riêng
Gắn bó về mặt cảm xúc với con người, thú cưng, nơi chốn, kỷ vật cũng là một thách thức đáng nói đối với tu sĩ, đặc biệt với nữ tu chúng ta. Ngày xưa, có những vị đan sĩ sa mạc mặc dù đã từ bỏ những tài sản kếch xù để đi theo Chúa, nhưng vẫn bị chế ngự bởi sự quyến luyến đối với thụ tạo bé nhỏ. Sống cô độc trong một gian phòng nhỏ, các vị vẫn bấu víu vào những đồ vật chẳng mấy giá trị gì: họ không cho mượn, không chia sẻ và cũng không sẵn sàng cho đi. Sự gắn bó với những thứ nhỏ nhặt làm họ mất đi tự do. Chuyện kể thêm rằng ngày kia, một tên trộm bất ngờ đến chỗ vị đan sĩ đang ngủ và cuỗm đi một số đồ đạc. Khi tỉnh dậy, vị đan sĩ liền lần theo dấu vết của tên trộm và tìm thấy hắn. Thay vì đòi lại tất cả những gì đã bị đánh cắp, vị đan sĩ trao nốt những thứ còn sót lại và nói: “Anh quên không lấy những thứ này!”[6] Thánh Augustinô đã từng nhắc nhở các phần tử của Dòng đừng để mình bị lệ thuộc vào của ăn, áo mặc, thuốc men, quà tặng, những mối quan hệ riêng tư … nhưng làm theo sự sắp xếp và quyết định của Bề trên (Tu Luật, chương 5). Cách tháo cởi những ràng buộc của các phúc nhân ngày xưa chắc chắn có nhiều điều không còn phù hợp với chúng ta hôm nay. Nhưng thử hỏi làm sao chúng ta có thể thăng tiến đời sống thiêng liêng và bước đi trong Thần Khí, nếu vẫn khư khư nắm giữ thế giới vật chất, vùi mình trong những tình cảm xác phàm và ngắm nhìn những cám dỗ đang chờn vờn quanh ta?
3/ Các mối quan hệ bên ngoài cộng đoàn
Theo tinh thần Tu luật Thánh Augustinô và cái nhìn thiên phú của thánh Đa Minh, đời sống chung và sự đồng tâm nhất trí tìm kiếm Chúa là mục tiêu đầu tiên và lý do nền tảng của việc thiết lập Dòng. Cộng đoàn Đa Minh không phải gồm những cá nhân lẻ tẻ muốn trở nên trọn lành, mà là một đoàn ngũ những người muốn chia sẻ một lý tưởng chung. Tu sĩ Đa Minh thực hiện đức khó nghèo không phải chỉ vì muốn sống siêu thoát khỏi những quyến luyến tài sản vật chất, nhưng là điều kiện và khởi điểm cho đời sống chung: “Ai khi còn ở ngoài đời có cái gì, thì khi gia nhập đan viện phải sẵn sàng để làm của chung” (Tu Luật, chương I).
Đành rằng đời sống Đa Minh không phải chỉ lo tu thân tích đức, nhưng hướng về hoạt động tông đồ, trong đó chúng ta hình thành nên các mối quan hệ với các đối tượng sứ vụ, ái hữu, người cộng sự, ân nhân, các vị hữu trách. Chúng ta có thể duy trì các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và các đối tượng khác, nhưng chúng ta cần phải biết cân bằng giữa việc duy trì các mối quan hệ này và việc cam kết thuộc về cộng đoàn của mình. Nếu bận tâm cho những hoạt động bên ngoài hơn sự cần thiết, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc dấn thân sâu hơn vào đời sống thiêng liêng và cầu nguyện.
4/ Những tham muốn và tham vọng cá nhân
Tham lam có tính chiếm hữu, vơ vét, vun quén về cho mình, còn tham vọng là ham muốn quá lớn, nhiều lúc vượt quá khả năng bản thân và không thể thực hiện được. Ngoài những tham muốn về tiền tài, sắc đẹp, trẻ trung, cao lương mỹ vị, nghỉ ngơi rong chơi, những tham vọng liên quan đến sự nghiệp, chức quyền, thành tích cá nhân hoặc tìm kiếm sự công nhận cũng là những cản trở trên hành trình tâm linh của chúng ta.
Chúng ta hãy khao khát Thiên Chúa, tìm kiếm sự thánh thiện và Vương quốc của Người, hầu giải phóng mình khỏi những ước muốn và tham vọng cá nhân. Nhiều khi chúng ta phải buông bỏ cả những ước muốn và mục tiêu cá nhân, để thực hiện chương trình và đường hướng chung của Hội dòng và Giáo hội, để tập trung vào ý nghĩa và mục tiêu tối hậu của đời người, nhân loại và thế giới.
5/ Những kỳ vọng và đánh giá của người khác
Kỳ vọng có nhiều dạng: tích cực, tiêu cực, thực tế, không thực tế, đồng cảm hay định kiến và có thể tác động đến tâm trạng và hành động của chúng ta. Kỳ vọng giúp tạo ra mục tiêu rõ ràng, thúc đẩy động lực từ bên trong và sự kiên trì để đạt được mục tiêu. Có nhiều cha mẹ mong con học giỏi đứng nhất lớp, rồi nhất trường, đoạt giải quốc gia và quốc tế.
Nhưng khi đón nhận mọi điều kiện để thực hiện giấc mơ mà không đạt được kết quả theo ý muốn cha mẹ, thì nhiều con em đã lẩn trốn cha mẹ hoặc rơi vào thất vọng. Ngày nay, khi nhu cầu kết nối và mở rộng mạng xã hội và các mối quan hệ ngày càng gia tăng, mọi người thường có xu hướng muốn được yêu thích (like), muốn được chấp nhận (OK, thả tim) và cũng lệ thuộc vào những phản hồi (feedback) từ người khác.
Bước vào Dòng, cuộc sống của người tu sĩ cũng được bao bọc bởi những mong đợi và bị chi phối bởi những đánh giá. Tuy nhiên, để sống tinh thần khó nghèo và tự do, chúng ta cần giải phóng mình khỏi những kỳ vọng, những nhận định và phán đoán của người khác (có khi của bản thân). Sống tinh thần nghèo khó là chấp nhận bản thân của mình dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta cần giúp nhau xác định giá trị tự thân để biết đâu là điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu để khắc phục. Sự thật sẽ làm ta thanh thản cho dù trước đó sẽ làm ta tổn thương. Chúng ta hãy là chính mình và ngừng để tâm đến cái nhìn và suy nghĩ của người khác. Thời gian của chúng ta có hạn, nên đừng lãng phí để sống cuộc đời của người khác.[7]
6/ Sự tiện nghi và an toàn cá nhân
Chúng ta nhớ lại dụ ngôn người phú hộ có nhiều đất đai, thu lợi nhiều hoa màu, nên tự ru ngủ mình với những tính toán mở rộng kho lẫm để chứa của cải và lên kế hoạch mọi thứ cho tương lai. Tuy nhiên, ông ta đã không xét đến yếu tố chắc chắn nhất trong cuộc sống, đó là cái chết. “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai” (Lc 12,20). Ở đây sự vô nghĩa của cái dính bén được bộc lộ: chúng ta không phải là chủ nhân của cuộc đời và của thế giới. Trái đất mà chúng ta yêu quý này thực ra không phải của chúng ta, và chúng ta di chuyển khắp nơi như những người xa lạ và người hành hương về thiên quốc (x. Lv 25,23)[8].
Chúng ta cần phải buông bỏ sự thoải mái và an toàn cá nhân về mặt tinh thần nữa, để chỉ dựa vào một mình Chúa với sự hỗ trợ của cộng đoàn. Bởi vì đời sống tu trì không phải là một tình trạng ổn định hay thành lũy kiên cố, nhưng đi đôi với hành trình đức tin và gieo mình vào đêm trường thử thách. Đặc biệt hôm nay, hiện trạng “chảy máu ơn gọi” hay khan hiếm ơn gọi đã báo động và số tu sĩ khấn trọn đời xuất dòng mỗi ngày một gia tăng. Nhiều người trong chúng ta muốn rút lui vào trật tự ổn định, tự giam mình trong căn phòng và kế hoạch riêng, hoặc sống hoài niệm về những ký ức huy hoàng của thời quá khứ, để rồi trở nên thờ ơ trước tiếng kêu của những người đang chờ đợi được loan báo Tin Mừng.
Chúng ta cần đọc ra những cách thế khác nhau Chúa dùng để thức tỉnh và thanh luyện chúng ta. Sự thanh luyện “chủ động” khi chúng ta nỗ lực loại trừ tội lỗi, nết xấu, những quyến luyến đối với thụ tạo, và thanh luyện “thụ động” khi chính Chúa thẳng tay thanh luyện linh hồn qua những đêm tối (đau đớn vì không còn cảm thấy an ủi khả giác khi cầu nguyện, bị thất bại, sỉ nhục, vu khống, bệnh tật). Mục tiêu của thanh luyện là làm cho linh hồn không còn bám víu vào bất cứ thụ tạo nào, tiến đến trống rỗng, “hư không” để dành “tất cả” cho Chúa[9].
***
Chúng ta đã nghe nói khá nhiều về sự khó nghèo về mặt vật chất, tâm lý và thiêng liêng, đã học hỏi về giá trị và mục đích của đức khó nghèo trong đời thánh hiến cũng như kể ra một số phương thế cụ thể để đạt được sự phong phú và thăng tiến trên con đường tâm linh. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những lời nói suông, sáo rỗng, những hình ảnh và những diễn văn lời hay ý đẹp, thì chẳng có ích gì, trái lại, nguy hiểm là đàng khác.
Vì “thực tại lớn hơn ý tưởng”[10], “hành động mạnh hơn lời nói” (ngạn ngữ), Con Một Thiên Chúa, Ý tưởng và Ngôi Lời phát xuất từ Chúa Cha hằng hữu, đã tự vét rỗng thiên tính của Ngài để sống kiếp phàm nhân, đã hóa mình ra không trong mầu nhiệm khổ giá và cái chết để cho chúng ta trở nên sung mãn trong ân sủng phục sinh, đã nhận lãnh cái nghèo của cõi nhân sinh để ban tặng cho nhân loại và thế giới kho tàng Nước Trời. Noi gương Ngài, chúng ta cần bắt tay thực hành việc buông bỏ: tài sản và của cải vật chất, tình cảm và các mối quan hệ, tham muốn và kỳ vọng của bản thân và người khác, cả sự tiện nghi và an toàn cá nhân về mặt thiêng liêng… để được tiến sâu vào đời sống tâm linh, bước đi trong Thần Khí và nên máng thông chuyển ơn thánh và các nhiệm tích thánh cho tất cả mọi người.
____________________
[1] Xem ĐTC Phaolô VI, Tông huấn Chứng tá Phúc âm (Evangelica testificatio), 1971, số 17-18, trong Theo Chúa Kitô, tập I, NXB Tôn Giáo, 2015, tr. 61-62.
[2] Xem Thánh Tôma, Summa theologiae, III, q. 60, a.3.
[3] Xem Thánh Tôma, Summa theologiae, III, q.6, a 3.
[4] ĐTC Gioan Phaolô II, Hồng ân cứu chuộc (Redemptoris donum), 1984, số 12, trong Theo Chúa Kitô, tập I, NXB Tôn Giáo, 2015, tr. 109-110.
[5] Xem Thánh Tôma, Summa theologiae, III, q. 40, a. 3.
[6] ĐTC Phanxicô, Tham lam là căn bệnh của tâm hồn, Giáo lý ngày Thứ Tư, 24/01/2024, xem https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/202401/tiep–kien–chung–24–01–2024.html.
[7] “Your time is limited, so do not waste it living someone else’s life” – Steve Jobs.
[8] ĐTC Phanxicô, Tham lam là căn bệnh của tâm hồn, Giáo lý ngày Thứ Tư, 24/01/2024, xem https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/202401/tiep–kien–chung–24–01–2024.html.
[9] Xem Aniano Álvarez-Suárez, Cảm nghiệm huyền bí, trong Thời sự Thần học 102/2023, tr. 122-123.
[10] Đây là một trong bốn nguyên tắc được diễn giải trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng của ĐTC Phanxicô, năm 2013 , số 231-233.