Ba là Ba thôi! – Mừng ngày của Cha

0

Têrêsa Đoàn Thụy Thúy Phượng

Ca dao tục ngữ Việt Nam thường ví von người Cha với hình tượng vô cùng vĩ đại “như là Núi Thái”, “như là Vầng Dương” để diễn tả sự cần thiết và vững vàng của một người làm chủ gia đình. Thật thế, “có Cha – mẹ đỡ long đong, có Cha – đời con hạnh phúc”. Con đã được học nhiều về công cha nghĩa mẹ, đã cảm được tình thương yêu và bao nỗi vất vả của đấng sinh thành, nhưng vẻ hùng vĩ của Thái Sơn hay tầm quan trọng của Ánh Dương không diễn tả hết con người của Ba. Ba – một người thật quan trọng trong cuộc đời con. Ba con chưa phải là một người cha mà người con nào cũng mong đợi vì Ba vẫn là một con người giản dị, giới hạn và đầy yếu đuối.

Ba là Ba thôi…

Cuộc đời con là một khung trời đẹp sau lưng Ba. Vì là con út nên ngày nào Ba cũng chở Má và con xuống nhà ông bà nội. Lớn lên, Ba luôn là bác tài xế trung thành và kiên nhẫn đưa đón con đến trường. Và cho đến nay, Ba vẫn luôn là người cùng con đi đâu đó mỗi khi con được nghỉ phép tại nhà. Đó là sở thích của Ba và cũng là niềm vui của đứa con gái nhỏ. Ba là người tốt bụng theo như lời nhận xét của bà con lối xóm và nhất là của người bạn đời đã cùng Ba sống gần nửa thế kỷ. Ai nhờ việc gì Ba cũng làm và làm thật chu đáo, đến độ, nhiều khi bỏ cả việc gia đình. Ba cũng có một điều tốt lành là thích tham gia công tác nhà xứ. Ba vui làm sao khi được cộng tác việc này việc nọ trong Giáo họ và các Hội đoàn. Ba đã từng làm việc trong ban điều hành Giáo họ, Hội Gia Trưởng và bây giờ là Hội Cao Niên. Những ngày đại lễ của của Giáo xứ Giáo họ, Ba với một bác khác kiêm nhận việc gõ mèng đánh trống cho đoàn rước.

Ba vốn rất khéo tay trong việc làm ra các sản phẩm đan lát đẹp và lạ mắt nhằm tạo thị hiếu cho người dùng. Với tre nứa có sẵn trong nhà, Ba đã dạy con làm đèn lồng vào mỗi dịp lễ trung thu. Ký ức nhớ nhất của con về các ngày lễ hội là dịp lễ Giáng Sinh. Đến ngày lễ, con thường cùng chị kế đi xem hang đá ở các xóm ngõ. Năm con 12 tuổi, không biết Ba tìm đâu được nhiều sơri đèn neon và dây kim tuyến nên đã bắt tay làm hang đá. Đó là hang đá đầu tiên mà con được làm cùng Ba. Ba dạy con cách thử điện, cách nối dây điện. Hai ba con loay hoay nhiều ngày, rồi tận hưởng thành quả mình làm ra. Từ đó, năm nào con cũng được ngắm hang đá tại nhà. Ấm cúng và thú vị lắm, Ba nhỉ!

Ưu điểm nơi Ba không nhiều, chỉ có thể đếm được trên vài đầu ngón tay. Ba thế đấy, vẫn là một con người thật thà và giản đơn…

Ba là Ba thôi…

Trong xóm, tính đến ngày con đi tu, có lẽ anh chị em con là những đứa trẻ được Ba Má cho ăn học tới nơi tới chốn dù gia đình rất nghèo. Ba thích nói về các con với những thành tích trong một niềm tự hào trông thấy, nhưng nhiều khi là quá sự thật. Giải thích với Ba nhiều lần rằng chúng con không giỏi thế đâu, Ba nói quá người ta cười cho đấy. Nói nhiều nên chúng con có phản ứng tiêu cực, Ba chỉ bâng quơ, xua tay: “nói vậy cho vui làng vui xóm chứ có làm hại ai đâu”, nhưng Ba đâu biết chúng con phải chật vật cố gắng chữa lại vì chưa đạt được những điều như Ba nói. Nhưng cũng tốt, nhờ muốn giữ thể diện cho Ba, anh chị em chúng con phải luôn nỗ lực vươn đến điều tốt hơn…

Ba là Ba thôi…

Ngày con đi tu, con rất ngại kể về Ba của mình vì Ba là người thích uống rượu. Thời trai trẻ của Ba là một nỗi khổ cực của Má. Nhà đông con, Má làm việc đan lát, Ba chạy xích lô và bốc vác. Vất vả là thế nhưng đồng tiền Ba kiếm được ít nhiều dùng để chiêu đãi bạn bè. Về đến nhà chỉ còn là số sót lại. Má hay cằn nhằn Ba vì thói rượu chè nhưng Ba vẫn tính nào tật nấy, gia đình vẫn là thứ hai sau những cuộc vui với ma men… Ba không bao giờ ngủ đêm ở ngoài, dù say mèng nhưng Ba vẫn tìm cách về nhà, nhiều khi là trong đêm hay đã tờ mờ sáng. Má rất lo cho Ba vì sợ rằng Ba gặp tai nạn trên đường về. Trên thân thể Ba, sau nhiều năm đã để lại nhiều thương tật: chân đi vòng kiềng vì lệch khớp gối, bàn tay trái đơ như vợt bóng bàn vì đứt gân, 3 đốt sống lưng bị sụp, tay chân và khuôn mặt vẫn còn đó những vết sẹo do nhiều vết khâu, và vì uống rượu nhiều nên nó ăn mòn sao ấy làm hàm răng của Ba chỉ con vỏn vẹn 2 chiếc. Cố tật ấy vẫn theo Ba cho đến giờ, không bỏ được…

Ba là Ba thôi…

Một lần, Ba đi uống rượu. Về đến nhà là đổ đùng nằm xả lai. Con thấy Ba bất động một lúc rồi Ba sụt sùi. Ba gọi tên con rồi hỏi: Con có thương Ba không? Con nín thin. Ba hỏi lại đôi ba lần và đợi câu trả lời. Rồi Ba khóc đòi chết. Con sợ quá nên cũng khóc theo Ba. Đó là lần Ba làm con sợ lắm, trong nước mắt, con nói chẳng ra lời: “Có, con thương Ba nhiều, Ba đừng làm con sợ!” Chưa bao giờ con thấy Ba như thế cả, con đã không hiểu được lý do nhưng sau này, khi lớn hơn một chút, con mới ngộ ra. Nỗi đau khổ và sự bất lực làm con người ta ra thế đấy. Trước đó, vì Ba mà gia đình phải sa cơ, nợ nần đủ thứ, chạy vạy từng ngày. Lời trách móc của nhiều người đã làm Ba tìm đến hơi men để quên đi mọi thứ. Nó làm Ba đối diện với chính mình và nhận mình là người thất bại… Rượu làm cho con người ta can đảm hơn chăng…?

Ba là Ba thôi…

Sau nhiều năm xa nhà đi tu, Ba là người con dành nhiều tình cảm và lời cầu nguyện nhất trong gia đình. Vào các dịp đặc biệt, con vẫn được nghe Má kể về Ba trong những lần được phép gọi điện về nhà. Má vẫn ưu tư về Ba, lo lắng cho Ba vì Ba còn vài điều chưa tốt về đời sống đạo, chẳng hạn còn ít đi lễ và rước lễ. Năm nay, con được về Nhà Dòng sống năm Hồi tâm Dọn khấn trọn, lâu lâu, con vẫn được biết tin Ba từ các chị em dạy học bên trường Măng Non, các chị vẫn gặp Ba mỗi ngày đưa đón đứa cháu nội đi học. Và trong dịp đi thăm viếng bà con trong Giáo xứ vào mỗi tối Chúa Nhật, ngày nào có nhóm nào ghé thăm nhà mình thì con sẽ được nghe kể chuyện về Ba. Ba được nhận xét là vui tính, hiền lành. Ba còn được nhắc đến vì mỗi lần thăm đều thấy Ba đang nhâm nhi ly rượu một mình, vui vẻ kể chuyện các con các cháu, niềm nở đón tiếp các Dì và chị em trong nhà Dòng…

Mới đây thôi, con được nhìn thấy Ba Má trong ngày bổn mạng Giáo họ – Lễ Mẹ Fatima. Ba vẫn trong vai trò người đánh trống gõ mèng giữ nhịp cho việc cung nghinh Đức Mẹ. Trông Ba đã hom hem hơn thấy rõ, tóc Ba đã bạc hết dù Ba mới chỉ ngoài 60, lưng Ba còng hẳn hơn trước và bước đi của Ba có vẻ chậm hơn nhiều. Con nhận ra là người cùng Ba gõ trống là một bác khác. Con nhớ có lần Ba nói Bác gõ trống cũ bị tai biến, chưa biết thế nào, chắc lần này, bác chưa khỏi bệnh nên Ba thế chỗ bác gõ trống và nhờ người khác đi đánh mèng cùng Ba. Nhìn xa xa, con vui lắm vì Ba vẫn yêu thích phục vụ việc nhà Chúa. Quý Dì và chị em hỏi con có thấy người quen không, con vui vẻ hân hoan miêu tả về Ba Má để mọi người nhận diện và tạ ơn Chúa cùng con…

Ba là Ba thôi…

Ba ơi, ngày của Cha năm nay con nhớ về Ba với tất cả những gì Ba là. Con tạ ơn Chúa, cám ơn Ba vì cho con được làm con của Ba. Con tạ ơn Chúa vì cho Ba vẫn vui sống với những điều đơn giản: làm ông “xe ôm” cho các cháu, kể nhiều chuyện đó đây, thích nói chuyện về các con các cháu và vui vẻ niềm nở đón tiếp hết mọi người. Con tạ ơn Chúa vì thấy Ba vẫn còn sức khỏe uống vài chum rượu, vẫn tham gia việc nhà Chúa, vẫn an vui tuổi già, vẫn hiện diện với gia đình và với con. Cám ơn Ba đã luôn yêu thương và dạy dỗ con sống tốt, ngoan ngoãn và có ích.

Lễ Kính Thánh Phêrô Tông Đồ sắp tới, con chúc mừng bổn mạng Ba và nguyện xin Thánh Phêrô chuyển cầu xin Chúa ban cho Ba được chạm đến ánh mắt nhân từ của Chúa để có thêm lòng yêu mến Chúa. Con nguyện xin Chúa tiếp tục thương xót gia đình mình, ban cho Ba Má được nhiều ơn lành hồn xác, ban cho Ba được ơn biến đổi và trở nên đạo hạnh hơn mỗi ngày. Ba cùng con cầu nguyện với Chúa, Ba nhé!

Con yêu Ba, vì Ba là Ba thôi…

Út của Ba!

Comments are closed.

phone-icon